Ngày du lịch Việt Nam

Những kết quả quan trọng trong việc khai quật khảo cổ học DTLS nhà Trần tại Đông Triều

31-10-2017 11:03

Phần 3. KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI TÍCH NGẢI SƠN LĂNG

Ngải Sơn Lăng tọa lạc tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trong khu vực có tọa độ địa lý 21o7’55’’ vĩ độ Bắc; 106o32’50’’ kinh Đông.

Cuối năm 2014, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành khai quật thăm dò di tích Ngải Sơn Lăng. Tháng 8 năm 2016, Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành khai quật di tích Ngải Sơn Lăng lần thứ hai với tổng diện tích 400m2 với 05 hố khai quật và 15 hố thám sát ở các vị trí khác nhau của di tích.

 Di tích

- Di tích tường bao trong

+ Dấu vết tường bao phía Nam (MSL.16.TB.13): xuất lộ trong hố H9 và H10 từ Y-2,5 đến Y+5,30m cao độ -50cm so với độ 0 giả định, tương ứng với khu C và D của di tích. Đoạn tường bao được làm xuất lộ có chiều dài 7,8m, chiều ngang hẹp nhất 110cm, rộng nhất 120cm. Đây là đoạn tường bao tiếp nối với NSL.14.TB.11 được tìm thấy trong hố H7 của năm 2014. Đáng chú ý, tại vị trí trục chính tâm, mặt tường trong bị sập đổ phần sập đổ chạy dài khoảng 150-180cm, phía trên lớp gạch sập đổ còn lại dấu vết vỏ tường được xếp lại bằng các mảnh gạch vỡ với nhiều kích thước khác nhau, lớp gạch xếp lại này phân tách với lớp vỏ tường nguyên bản bởi một lớp đất màu xám. Việc xây dựng kiến trúc mới năm 2002 đã phá hủy gần như toàn bộ khu vực phía trước của tường bao phía Nam do vậy không thể tìm thấy dấu vết cổng vào tại đây. Mặc dù vậy, với cấu trúc của cổng phía Bắc, nơi kết nối với đường gạch đã được phát hiện năm 2014 là kiểu cổng tò vò có thể khẳng định, cổng phía Bắc chỉ có tính chất kết nối giữa khu trung tâm với khu vực phía Bắc, cổng chính dẫn vào khu trung tâm phải nằm trên tường bao phía Nam.

+ Di tích tường bao phía Đông (NSL.16.TB.14): Nằm ở phía Đông của H10, thuộc khu B của di tích có tọa độ từ trục X+2 đến+4; Y+7 đến Y+8, xuất lộ ở cao độ -50cm. Dấu vết tường bao khi xuất lộ có chiều dài 2,80m, chiều ngang 1,30m.

Kết cấu của các đoạn tường bao này giống nhau bao gồm vỏ tường xây bằng gạch, các viên gạch này có kích thước khá quy chuẩn chiều rộng và độ dày; trong đó có cả những viên gạch thời Bắc thuộc được tận dụng. Lõi tường được nhồi và đầm bằng đất sét vàng, được đầm rất kỹ nên có đoạn gạch nguyên câu vào thân tường tường bị gãy gập, thân tường liền móng, được xây trực tiếp lên trên nền đất đồi rắn chắc, một phần chân tường được xây chìm trong lòng đất khoảng 40cm – 50cm.

Như vậy, kết hợp kết quả khai quật năm 2014 với những phát hiện năm 2016 cùng với mô tả của sách Trần triều thành tổ các xứ địa đồ có thể khẳng định tường bao quanh Khu tẩm điện trung tâm có mặt bằng hình vuông, kích thước phủ bì các cạnh là 18m, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói. Cổng chính mở ở chính giữa trên cạnh tường phía Nam kết. Cổng phía Bắc có cấu trúc kiểu cổng tò vò được mở lệch về phía Tây, kết nối khu trung tâm với khu vực phía Bắc.

- Dấu vết lăng (gò mộ) và Chính tẩm

Dấu vết lăng nằm nội tiếp tường bao trong, dấu vết còn lại cho thấy lăng có cấu trúc hình bát úp, phần lõi sử dụng cấu trúc của đồi đá gốc, phần ngoài đặp bằng đất sét màu vàng, đất được lựa chọn cẩn thận, ít tạp chất, kỹ thuật đắp đầm chặt. Trên đỉnh lăng đã phát hiện dấu vết bó nền của kiến trúc, đó có thể là dấu vết của Chính tẩm. Các dấu vết gồm bó nền phía Bắc và Bó nền phía Tây. Bó nền phía Bắc dài theo chiều đông tây. Dấu vết đã xuất lộ dài 71cm, phần phía Đông đã bị kiến trúc mới phá hủy. Cấu trúc gồm 5 hàng gạch xây chồng xếp lên nhau. Kỹ thuật xây dựng tường kép gồm hai lớp gạch. Mạch bằng đất, dày trung bình 2-3cm, cá biệt có hàng mạch dày đến 5-7cm; Bó phía Tây: bắt góc với bó thứ nhất ở đầu phía Bắc. Phần phía Nam đã bị phá hủy bởi công trình kiến trúc hiện tại. Phần còn lại dài 90cm. Kết cấu 5 hàng chồng xếp lên nhau, kĩ thuật xây dựng tường kép, kết dính bằng đất. Đáng lưu ý, gạch dùng để xây các bó nền này là loại gạch hình chữ nhật, màu hồng, xương lẫn nhiều sét trắng và cát, các mặt hông còn lại dấu khuôn, mặt trên có vết cắt, mặt dưới còn lại dấu tiếp giáp với sân. Kích thước trung bình dài 28-30cm; rộng 14-15cm; dày trung bình 5cm-5,5cm. Loại gạch này khác hẳn với gạch sử dụng xây tường bao trong. Hình dáng, chất liệu và dấu vết kỹ thuật loại gạch này giống với gạch thời Lê Trung hưng tìm thấy trong lớp kiến trúc 1730-1740 của chùa Quỳnh Lâm. Với các loại vật liệu sử dụng xây xếp bó nền cho thấy, niên đại của bó nền sớm nhất thuộc thời Lê Trung hưng, nửa đầu thế kỷ XVIII. Theo mô tả của sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ”, phía trong của tường bao bằng gạch có một mặt bằng. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu trong đó có chúng tôi thường cho đó là lớp tường bao trong cùng, tuy nhiên với việc xác định cấu trúc của lăng có thể khẳng định mặt bằng đó chính là nền kiến trúc. Cũng theo mô tả của sách, nền có kích thước 2 trượng 2 thước. Với cách chú thích này có thể hiểu, nền có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 2 trượng 2 thước. Qua mô tả của sách Trần triều có thể thấy, quy mô của nền kiến trúc bằng ½ quy mô của tường mặt bằng tường bao gạch. Do vậy có thể suy đoán mặt bằng nền kiến trúc Chính tẩm có mặt bằng hình vuông, kích thước mỗi cạnh khoảng 9m.

- Dấu vết Huyệt (Kim Tỉnh) và đường dẫn vào huyệt (Toại đạo)

Dấu vết Huyệt nằm ở phía dưới của Chính tẩm, phần huyệt đã bị những người đào trộm cổ vật đào phá vào những thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Chúng tôi khai quật lại nhằm tìm hiểu cấu trúc của Huyệt và tìm kiếm dấu vết của đường dẫn vào huyệt. Những người đã từng chứng kiến việc đào trộm phá lăng tẩm cho biết, khi đào phá Ngải Sơn lăng, người ta đã quật lên rất nhiều súc gỗ lớn, than tro và vôi. Việc khai quật đã tìm thấy dấu vết của Huyệt, trong lớp đất lấp lại Huyệt cũng đã tìm thấy đinh đồng và 2 vam đồng dùng để liên kết các súc gỗ của quách ngoài. Ở đầu phía Nam, có dấu vết của đường dẫn vào huyệt, phạm vi của đường dẫn vào Huyệt chính là phần đất sét chạy từ phía Nam vào trong Huyệt. Việc phát hiện dấu vết Huyệt, đường dẫn vào Huyệt cùng các di vật như đinh đồng, vam đồng, kết hợp với thông tin mô tả của những người chứng kiến việc đào phá lăng tẩm cho phép khẳng định Ngải Sơn lăng có Huyệt và Đường dẫn vào huyệt, cấu trúc quách hình cũi được ghép bằng những súc gỗ lớn, bao phủ quanh quách là lớp than tro và vôi. Cấu trúc này giống cấu trúc của các mộ Hải Triều (Thái Bình), Nghĩa Hưng (Đông Triều). Việc tìm thấy dấu vết của Huyệt, đường dẫn vào huyệt và các di vật liên quan đến quan quách cho thấy Ngải Sơn lăng là lăng tẩm có cấu trúc hoàn chỉnh bao gồm phần địa thượng và địa hạ.

- Di tích mô hình nhà đất nung

Mô hình nhà đất nung được phát hiện tại (NSL.16.A.MH12), xuất lộ ở độ sâu khoảng 20cm so với nền sân hiện đại. Nằm trong ô có tọa độ X+3 đến X+6; Y-3 đến Y-6, gần như đối ứng với vị trí của Tháp của Chính tẩm. Mô hình nhà được đặt trên một bệ được làm bằng hai viên gạch vuông có kích thước 42cm x 42cm x 7cm, hai viên gạch lớn này được đặt lên trên một hàng gạch chữ nhật đặc trưng thời Trần có kích thước nhỏ hơn để tạo mặt phẳng đặt mô hình nhà. Khi xuất lộ, mô hình chỉ nằm một phần trên bệ, phần còn lại nằm trên mặt đất. Có 2 bộ phận của mô hình vẫn còn đứng, vài ba bộ phận đã bị đổ và nằm sai lệch vị trí ban đầu. Hiện trạng xuất lộ của mô hình cho thấy nó đã được sắp xếp lại, mô hình vốn không được đặt tại đây. Việc phát hiện mô hình không được đặt tại đây đã đặt ra câu hỏi liệu tháp đất nung đã phát hiện tại H6 năm 2014 vốn ban đầu có được xây dựng tại vị trí đã phát hiện hay không. Chúng tôi cho là không bởi, xem xét lại, với tòa tháp 3 tầng, cao 2,5m mà phía dưới hoàn toàn không có móng, nền chỉ được lát bằng 4 viên gạch vuông thì không đảm bảo về mặt kết cấu để tháp có thể đứng vững. Thêm vào đó, nền và đế tháp không hoàn toàn song song với tường bao gạch; khoảng cách từ tháp đến tường bao là 80cm đây là khoảng cách quá hẹp, mái của tường bao có thể liền sát với tháp,…

-  Dấu vết tường bao ngoài

Trong các hố thám sát 6,7,8,9,10 và hố khai quật 11 mở ở phía Bắc và phía Đông của tường bao trong (tường gạch) đã phát hiện các rãnh thoát nước, các rãnh này thuộc về khu vực phía Bắc và phía Đông của Lăng, rãnh rộng trung bình 40cm, sâu trung bình 20-40cm. Rãnh nước phía Bắc nối dài qua theo chiều Đông – Tây, rãnh nước phía Đông chạy theo chiều Bắc – Nam, giao nhau tại góc Đông Bắc của di tích tạo thành một góc vuông. Do đó chúng tôi cho rằng đây là dấu vết của rãnh thoát nước cho lớp tường bao ngoài cùng. Như vậy, lớp tường bao ngoài ở phía Bắc cách 26m; ở phía Đông cách cùng sẽ nằm song song và cách tường bao trong 18m. Dấu vết rãnh nước được tìm thấy phù hợp với những mô tả của người dân và mô tả của sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ”. Theo mô tả của sách này tường bao ngoài ở hai phía Đông, Tây cách Chính tẩm 5 trượng 5 thước. Người dân cho biết tường được xếp bằng cuội, vào cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cư dân tại đây đã đào phá thân tường lấy cuội về xây dựng các công trình dân sinh. Các dấu vết phát hiện tại hiện trường và tư liệu thư tịch cũng như phỏng vấn người dân cho phép khẳng định tường ngoài được xây xếp bằng cuội, kỹ thuật và cấu trúc có lẽ cũng tương tự như tường bao của Phụ Sơn lăng với vỏ tường xếp cuội, thân tường được đầm chặt bằng đất sét.

 Di vật

- Vật liệu kiến trúc: chiếm tỉ lệ cao nhất trong sưu tập di vật Ngải Sơn Lăng năm 2016 là vật liệu kiến trúc, bao gồm gạch và ngói

+ Gạch bao gồm các loại gạch vuông, gạch chữ nhật trơn, gạch chữ nhật có minh văn (gạch Vĩnh Ninh Trường) và các loại gạch có niên đại 10 thế kỷ đầu công nguyên gồm gạch kiểu Hán có hoa văn, gạch múi bưởi, gạch Giang Tây Quân.

+ Gạch xây dựng thời Lê Trung Hưng: phát hiện tại khu vực Hố đen 1 và hố TS14, kích thước: 27-30cm x 14-15cm x 5-6,5cm, có màu đỏ hơi vàng, xương chắc, ít thấm nước, nguyên liệu được lọc kỹ nên xương và vỏ gạch khá mịn. Là loại gạch được sử dụng để xây bó nền thời Lê Trung Hưng trên Chính tẩm

+ Ngóigồm ngói mũi sen lợp mái, ngói mũi lá và ngói úp nóc. Trong đó phần Chính tẩm chủ yếu là ngói mũi sen, trong khi ở khu vực phía Bắc trong hố thám sát 7 lại tập trung ngói mũi lá. Điều đặc biệt là chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ một trang trí kiến trúc nào ở đây.

+ Đồ gốm men và sành: có số lượng ít, có vài mảnh gốm hoa nâu thời Trần. Đặc biệt ngay cạnh tường bao phía Nam phát hiện 1 bát men trắng vẽ lam, dáng hình cầu, chân đế thấp, thành ngoài vẽ hoa dây lá, niên đại thế kỷ XVI, di vật này nằm ở lớp cuối cùng, bị lớp gạch, ngói tường bao đổ bao phủ lên trên. Nằm cùng với nó là một số mảnh gạch chữ nhật giống loại gạch xây bó nền của Chính tẩm. Những hiện vật này là manh mối cho việc tìm hiểu thời điểm tường bao gạch bị sập đổ.

+ Đồ kim loại: có số lượng ít là các loại vam, đinh được đóng tăng cường liên kết của Quách và quan tài.

+ Đồ đá: 06 mảnh bia đá thời Trần được phát hiện và ghép lại thành 01 bia đá gần hoàn chỉnh với kích thước rộng 94cm, đây chính là tấm bia khớp nối với con rùa lớn mà theo mô tả của sách “ Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ” bia có khắc chữ " Ngải”. Di vật bằng đá thứ hai là đế của tấm bia dựng năm Minh Mệnh thứ 21 (1840).

 Những nhận thức cơ bản từ kết quả khai quật Ngải Sơn lăng năm 2016

- Cuộc khai quật năm 2016 cùng với kết quả khai quật năm 2014 và kết hợp với nghiên cứu thư tịch về cơ bản đã làm rõ cấu trúc của Ngải Sơn Lăng. Lăng gồm có các thành phần sau đây: Ngoài cùng là lớp tường bao có bình đồ hình chữ nhật, tường bao được xây bằng đất và cuội, mái lợp ngói mũi sen; tiếp đến là lớp tường bao bằng gạch có bình đồ hình vuông, kích thước mỗi cạnh 18m, vỏ tường được xếp gạch, lõi tường được nhồi bằng đất sét mịn, mái lợp ngói mũi sen; trong cùng là lăng hình bát úp, được đắp nổi, trên đỉnh lăng là Chính tẩm. Dấu vết Chỉnh tẩm đã xuất lộ là nền móng được xây dựng thời thời Lê Trung Hưng. Mặc dù chưa tìm thấy dấu vết nền móng của kiến trúc của Chính tẩm thời Trần, nhưng chúng tôi cho răng, dưới thời Trần Chính tẩm được xây dựng tại vị trí đã tìm thấy dấu vết Chính tẩm xây dựng thời Lê Trung Hưng do tại đây có tìm thấy 1 chân tảng bằng đá xanh với những đặc trưng tiêu biểu của chân tảng thời Trần.

Mặc dù chưa tìm thấy dấu vết của Thần Đạo do toàn bộ phía trước Khu tẩm điện trung tâm đã bị san gạt nhưng với cấu trúc tổng thể mặt bằng như trên có thể suy đoán, Thần Đạo của Ngải Sơn lăng nằm trên trục chính tâm nối từ phía Nam của tường bao ngoài đến phía Nam của tường bao trong, tại các vị trí tường bao, trên Thần Đạo đều có cổng để kết nối. Tượng quan hầu, tượng thú vốn được đặt đối xứng thành cặp trên Thần Đạo và kết thúc là tấm bia lớn. Bia lớn chính là bia “Thần công thánh vũ” có nội dung ca ngợi công đức của người được an táng trong lăng.

Việc xác định được cấu trúc địa hạ với Huyệt và đường dẫn vào Huyệt cùng các di vật liên quan đến quan, quách; dấu vết than tro vôi bột ở phía dưới Chính tẩm là minh chứng quan trọng khẳng định Ngải Sơn lăng là lăng tẩm thực sự chứ không phải lăng tưởng niệm, cũng không chỉ là nơi thờ thần tượng. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ tại Ngải Sơn lăng và kết quả khai quật tại Hành cung Lỗ Giang cho phép đi đến khẳng định: 4 năm sau khi mất, vua Trần Hiến Tông được táng tại An lăng hay Ngải lăng tục gọi là Ngải Sơn lăng tại An Sinh. Những kết quả nghiên cứu này chấm dứt nỗi băn khoăn của các nhà nghiên cứu về vị trí lăng tẩm của vua Trần Hiến Tông.

(Còn tiếp)

 

                                                                                         Bảo Thắng

                                                                        Nguồn : Trường ĐHKHXH&NV

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

co_quan_chu_quan_ubnd_thi_xa_dong_trieu_3