Ngày du lịch Việt Nam

Đền An Sinh và lễ hội truyền thống hàng năm

27-08-2021 08:34

Nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, cách không xa trung tâm thị xã Đông Triều, đền An Sinh - điện An Sinh, nơi thờ tự Bát vị Hoàng đế nhà Trần và được coi là một trong số những công trình tín ngưỡng tâm linh quan trọng bậc nhất ở nơi đây. Cùng với Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm (vào ngày 20-22/8 âm lịch hàng năm) đã là điểm đến của đông đảo du khách trong hành trình trở về nơi quê gốc nhà Trần.

img_0725

Nhà Trần trị vì đất nước 175 năm (1225-1400), không phải là triều đại trị vì dài nhất nhưng là triều đại có nhiều đóng góp nhất cho lịch sử dân tộc. “Kỷ nhà Trần” là mốc son chói lọi nhất trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Không những thế, nhà Trần còn có nhiều thành tựu về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… Những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của nhà Trần đã đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hùng cường. Có thể nói, non sông Đại Việt, non nước Đông Triều đã sản sinh ra nhà Trần; Nhà Trần lại tôn vinh non sông Đại Việt, non nước Đông Triều.

Trong 175 năm trị vì, vương triều Trần chiếm một vị trí thật đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là một thời đại anh hung; là thời đại mà khí phách dân tộc được thể hiện cao nhất với những võ công hiển hách nhất, là thời đại mà nền văn hiến Đại Việt được xây dựng và phát triển với những thành tựu rực rỡ nhất. Để ca ngợi những chiến công oanh liệt ấy, năm 1942, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

"Đời Trần văn giỏi võ nhiều

Ngoài dân thịnh vượng trong triều hiền minh"

Đó là “hào khí Đông A” của quốc gia Đại Việt được thể hiện ra bằng những võ công và văn trị dưới đời Trần.

An Sinh xưa hay còn được đọc là Yên Sinh, Đông Triều ngày nay vốn là quê hương của nhà Trần, nơi tổ tiên nhà Trần đã sinh sống trước khi dời xuống vùng hạ lưu sông Hồng thuộc khu vực Tức Mặc - Long Hưng ( nơi nhà Trần có được thiên hạ). Đây là khu vực được An Sinh vương Trần Liễu cùng với triều đình xây dựng nhiều công trình phủ đệ, đến miếu và chùa tháp để thờ phụng và an nghỉ cho tám vị vua, một vị hoàng hậu và có thể còn nhiều quý tộc nhà Trần khác mà đến nay chúng ta chưa được biết đến. Việc lựa chọn An Sinh là vùng đất thờ tự thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các vua nhà Trần.

Đền An Sinh là một di tích nằm trong quần thể các di tích đền, miếu, lăng tẩm nhà Trần tại Đông Triều. Di tích Đền Sinh theo nhận định của công sứ Pháp, qua báo cáo năm 1900: “Ở huyện Đông Triều có 2 chùa cần nói đến: Chùa Quỳnh, chùa cũ của nhà vua rất lạ mắt, trong một khung cảnh rất đẹp. Đền Sinh về kiến trúc thì không đẹp lắm nhưng lại quan trọng về truyện cổ tích của nó. Đền này ở trong làng Yên Sinh, nhiều năm rồi mới về Tức Mặc, tỉnh Nam Định, đã 14 đời sống ở 2 nơi ấy. Khi nhà Trần lên ngôi vua, các vua Trần muốn tập trung lăng mộ về một nơi, sau khi chết đều đưa về táng tại Yên Sinh, nơi đã từng có 4 mộ tổ. Tám mộ nhà Trần hiện nay bao quanh đền Sinh, mỗi năm được chi 120 nén bạc để cúng tế. Làng Sinh có nhiệm vụ tổ chức cúng tế các vị vua đã yên nghỉ đó” (Báo cáo của công sứ Hải Dương năm 1900)

Nằm trong hệ thống di tích nhà Trần tại Đông Triều, cách không xa trung tâm thị xã Đông Triều, đền An Sinh - điện An Sinh, nơi thờ tự Bát vị Hoàng đế nhà Trần. Đền An Sinh được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV, tọa lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng linh địa ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Phía sau đền gồm các lăng miếu các vua Trần cũng được xây dựng ở vùng đất này. Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự hủy hoại của thiên nhiên cũng như chiến tranh tàn phá, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Để tưởng nhớ công lao của các vị vua triều Trần và ghi nhớ triều đại nhà Trần một thời trong lịch sử của dân tộc, Đảng và Nhà nước cùng cộng đồng cư dân đã xây dựng lại đền thờ các vị vua triều Trần trên nền xưa đất cũ tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi đền mới được khởi công xây dựng năm 1997 và khánh thành năm 2000.

Từ khi ngôi đền được tôn tạo, xây dựng lại, cộng đồng cư dân, du khách thập phương đến đền thờ chiêm nghiệm và thực hành các nghi thức, nghi lễ. Lễ hội truyền thống đền An Sinh hàng năm diễn ra vào ngày 20 tháng 8 đến hết ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm. Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân, cộng đồng địa phương và khách du lịch từ các nơi về tham dự và thực hành nghi lễ tại đền. Với tâm thức của cộng đồng là để tưởng nhớ những người đã có công với dân với nước. Các vị vua đã lãnh đạo nhà Trần tồn tại qua nhiều thế kỷ và lễ hội đền An Sinh đã thể hiện nét đẹp truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội truyền thống đền An Sinh diễn ra là một thể thống nhất, không thể chia tách, hội gắn liền với lễ, nhưng lại chịu sự chi phối của lễ, có lễ mới có hội. Lễ là phần Đạo, hội là phần đời. Lễ là cộng mệnh, hội là cộng cảm. Hội gắn liền với Lễ và chịu sự quy định nhất định của Lễ. Lễ và hội là hai yếu tố chính tạo nên lễ hội đền An Sinh.

Phần lễ bao gồm: nghi lễ khai hội, Lễ tế đọc chúc văn, lễ dâng hương , dóng trống chiêng khai hội va các hoạt động tế lễ của các đội tế nam, đội tế nữ.

Phần hội bao gồm: Ban tổ chức cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như liên hoan văn nghệ tiếng hát khu dân cư, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc, đập niêu…

img_0732

Mỗi năm khi tiếng trống chiêng của hội đền An Sinh vang lên, đó như là sự báo an, bình yên, sức khỏe và nhiều may mắn, nhờ sự phù hộ độ trì của các vị Thần, vị vua được phụng thờ.Trong xóm, ngoài làng, mỗi khi nghe tiếng trống ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, trao nhau những nụ cười, lời chào thân ái. Rồi tất cả như hoà vào dòng người đi xem tế, lễ, rước, hội… tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, thưởng thức các chương trình giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao tại địa phương.Tiếng trống cũng như để tiếp thêm sức mạnh giúp người dân quê phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đời thường. Lắng nghe âm thanh của trống hội, ta như có cảm giác tiếng trống hội chính là một sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại, giúp người dân ôn lại truyền thống quê hương với cuộc đời, hành trạng của các vị vua được khắc ghi muôn thuở và lưu truyền đời đời cho thế hệ mai sau.Tiếng trống hội đã giúp cho những người đi dự hội hồi tưởng về tuổi thơ của mình qua những lần hội làng có mặt tham gia, càng thêm tự hào về những nét đẹp truyền thống văn hoá quê mình.

img_3469

Lễ hội đền An Sinh được coi là sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất trong vùng, bởi ý nghĩa linh thiêng, tốt đẹp của lễ hội, bởi sự quan tâm và tổ chức của các Cấp, Ban, Ngành và lãnh đạo của thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Việc tổ chức thường niên lễ hội đền An Sinh đã tạo nên lịch lễ hội cố định, “đến hẹn lại lên”. Không chỉ có cộng đồng dân cư sở tại mà còn con cháu họ Trần ở Việt Nam, những du khách thập phương từ mọi miền tổ quốc cũng nhớ ngày hội mà về đất Đông Triều, dâng hương, thực hành các nghi lễ đối với những vị Tiên Đế, Tổ tiên của mình.

Biên tập: Thu Hiền 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

co_quan_chu_quan_ubnd_thi_xa_dong_trieu_3