Đang truy cập: 6 Trong ngày: 10 Trong tuần: 166 Lượt truy cập: 560881 |
















26-07-2017 15:13
Chùa Trung Tiết
Chùa Trung Tiết nằm ở thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Chùa là một di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng và tồn tại lâu đời có mối quan hệ chặt chẽ với quần thể khu di tích đền và lăng mộ các vị vua Trần ở Đông Triều.
Chùa Trung Tiết là nơi thờ Phật và vua Trần Anh Tông, vị vua thứ tư triều Trần cùng hai vị trung thần của Ngài là Đặng Tảo và Lê Chung. Theo các tài liệu lịch sử thì chùa được xây dựng vào thời vua Trần Minh Tông. Ban đầu do Đặng Tảo và Lê Chung xây dựng với quy mô nhỏ, sau này được triều đình trùng tu lại với quy mô lớn hơn. Ngày nay chùa Trung Tiết không chỉ là nơi lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một dấu ấn về sự phát triển của Phật giáo thiền phái Trúc lâm mà còn là nơi giáo dục các thế hệ sau này về đạo lý tốt đẹp của dân tộc, về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi con người trong việc thực hiện đạo lý “Tam cương ngũ thường” mà ở đây giá trị đó được thể hiện rõ nét qua hai vị trung thần.
Sách “Đại nam nhất thống chí” viết: Chùa Trung tiết nằm ở thôn Nghĩa Hưng, xã Yên Sinh huyện Đông Triều. Đời Trần Minh Tông, bọn Thái học sinh Đặng Tảo và Lê Chung chầu trực ở lăng tẩm Yên Sinh dựng chùa để ở suốt đời. Sau Nghệ Tông tưởng nhớ hai người này sai sửa lại chùa cấp cho ruộng thờ và cho tên là chùa Trung Tiết với ý nghĩa ghi nhận tấm lòng tận trung, tận nghĩa của Đặng Tảo và Lê Chung.
Chùa Trung tiết nay được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, khuôn viên có diện tích khoảng 0,5ha xung quanh có nhiều cây cối cổ thụ. Xưa kia theo lời kể của người dân nơi đây chùa có hồ nước rộng 2000 mẫu. Sau chùa cách chừng 2km theo đường chim bay là khu lăng mộ vua Trần Anh Tông, xa hơn một chút là núi Bảo Đài có chùa Ngọa Vân, gần hơn là chùa Quỳnh Lâm nơi thiền sư Pháp Loa, tổ thứ hai của thiền phái Trúc lâm từng trụ trì. Từ đây có thể nhìn về chùa Đồng trên núi Yên Tử và nhìn về chùa Thanh Mai ở Chí Linh, Hải Dương. Những hôm trời trong trông rõ bóng chùa còn thường ngày chỉ thấy chập trùng mây vờn núi. Như vậy có thể thấy vào thời Trần vùng đất An Sinh này đã từng là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt.
Trải qua thời gian và những biến động của tự nhiên và xã hội, chùa Trung Tiết chỉ còn lại các dấu tích trong lòng đất. Chùa hiện nay là những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà tăng…
Hiện nay chùa Trung Tiết còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu là các pho tượng có niên đại cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Từ đường nét chạm khắc, màu sắc, hình khối, hoa văn, y phục đều hài hòa với nhau một cách thống nhất cho ta một cảm giác thần bí, siêu phàm. Ngoài ra tại đây còn nhiều các hiện vật khác như chân tảng bằng nhiều chất liệu và kích thước khác nhau cùng những viên gạch có ghi chữ “Vĩnh Ninh tường”.
Chùa Trung Tiết tuy đã trải qua thời gian dài và nhiều lần trùng tu xong các di vật mang phong cách thời Trần còn lưu giữ tại đây đã phản ánh rõ nét niên đại xây dựng, quy mô của chùa cũng như sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc điêu khắc thời Trần.
Với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, năm 2012 chùa Trung Tiết đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và đến năm 2013 chùa Trung Tiết đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt cùng với các di tích khác trong khu di tích nhà Trần ở Đông Triều.
Bảo Thắng
Người gửi / điện thoại