Trần Thái Tông (1218 – 1277) là vị vua mở nghiệp nhà Trần. Ông là bậc đế vương, khoan dung độ lượng. Là vị vua sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ cương, mở mang Trần triều, cùng quân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258).
Trần Thái Tông, tên thật là Trần Bồ, sau đổi tên thành Trần Cảnh, vua là con thứ của Thái tổ Trần Thừa. Vua Trần Thái Tông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218) tại hương Tức Mặc, nay thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Khi Trần Cảnh lên 8 tuổi được người chú của mình là Trần Thủ Độ, lúc đó là Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lý đưa vào cung nhận chức Chi hậu chính chi ứng cục hậu cần để hầu vua, sau đó kết duyên với Lý Chiêu Hoàng – nữ vương của triều Lý. Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh lên làm vua, lấy niên hiệu là Trần Thái Tông. Trần Cảnh là vị vua khai lập ra vương triều Trần.
Mặc dầu khi Trần Cảnh lên ngôi, những việc quân sự chủ yếu do Trần Thủ Độ nắm, việc chính trị có nhờ cha làm Thượng hoàng Trần Thừa giúp đỡ. Các quan lại nhà Lý ở lại phục vụ trong triều nhiều, song không thấy nói có một ai được chính thức giúp vua làm phụ chính. Vậy mà suốt những năm đầu, ở tuổi thiếu nhi, Trần Cảnh đã được sử sách ghi chép đúng như một ông vua có tài.
Năm 1227, nhà vua đã cho mở khoa thi Tam giáo, khuyến khích người học tập Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo nâng cao trình độ kiến thức và học thuật. Năm ông 12 tuổi (1230), triều đình đã được lệnh soạn bộ sách “Quốc triều thông chế”, khảo xét luật lệ các đời trước, để sửa đổi hình luật, ấn định lễ nghi. Cùng năm này, ông ngự về Tức Mặc, hỏi thăm bà con quê hương, ban yến cho các bô lão trong làng. Nhà Trần có nhiều vị vua có tiếng là vì dân, mà khởi đầu là vua Trần Thái Tông.
Để giữ vững an ninh đất nước, Trần Thủ Độ đã giúp nhà vua dần dần ổn định được tình hình, dẹp yên được nội loạn. Những người chống nhà Trần đều bị triệt tiêu thế lực, các vương hầu, tôn thất nhà Lý đều bị dẹp, không có cơ hội phục thù. Về nông nghiệp và thủy lợi, giao thông, năm 1231 nhà Trần đã cho Nguyễn Bang Cốc coi việc đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ Thanh Hóa đến phía nam Diễn Châu. Việc làm này chắc có kết quả tốt nên Nguyễn Bang Cốc đã được thăng chức Phụ Quốc Thượng hầu. Những quan lại có tài năng ở triều nhà Lý trước đây đã được sử dụng để phục vụ cho chế độ mới, vì lúc này các nhân vật xuất sắc trong họ nhà Trần còn phải được tôi luyện dần dần cho đến độ trưởng thành.
Khi ông vừa tròn 20 tuổi (1237), Chiêu Thánh Hoàng hậu lấy Thái Tông đã được 12 năm, mà vẫn chưa có con, trong khi triều Trần cần kíp phải có hoàng tử. Trần Thủ Độ đã nhiều lần nói riêng với Trần Cảnh, nhưng mà vua không để ý. Bên cạnh việc lo lắng cơ nghiệp nhà Trần, Trần Thủ Độ còn cho là nếu Trần Cảnh không có con thì chẳng nói đâu xa, ngay trước mắt, bản thân ông đã bị người ta dè bỉu. Vì vậy ông nhất quyết bắt vua Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh, giáng xuống làm công chúa rồi đem người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên – vợ của Trần Liễu (là anh trai vua Trần Thái Tông) đã có thai vào làm hoàng hậu, Trần Liễu tức giận đem quân làm loạn. Trần Thủ Độ lập tức đem quân ra đàn áp.
Riêng vua Trần Thái Tông thì vô cùng đau khổ. Mối tình với Chiêu hoàng bền vững, sâu sắc từ lâu, nhà vua luôn luôn trân trọng người vợ của mình. Chiêu Thánh đã đem cả ngôi báu của dòng họ trao cho chồng mình. Mặt khác, tình anh em là trọng, nay chỉ vì một cớ không đâu, mình bỗng trở thành một người đi cướp vợ, mà lại cướp vợ của anh. Trần Cảnh cảm thấy như vậy là vô cùng đau xót.
Đúng vào đêm ngày mùng 3 tháng 4 năm ấy, Trần Cảnh lặng lẽ cải trang bỏ trốn khỏi kinh thành, lên núi Yên Tử, nơi có người bạn vong niên của mình đang tu luyện ở đó. Người này là sư Phù Vân, hơn tuổi Trần Cảnh và thông thạo sách vở kinh Phật. Trần Cảnh đã ngỏ ý mời Phù Vân làm quốc sư, Phù Vân nhận lời nhưng chỉ xin giúp đỡ nhà vua và triều đình về giáo lý của đạo Phật, chứ không chịu can thiệp đến việc đời. Khi biết Trần Cảnh quyết tâm muốn ở lại núi Yên Tử, nhà sư Phù Vân rất băn khoăn. Ông kín đáo cho người về Kinh thành dò là tin tức và báo tin cho triều đình biết.
Việc Trần Cảnh bí mật trốn đi, Trần Thủ Độ rất lo lắng. Ông đem quần thần tới đón xa gia về, Trần Thái Tông từ chối nói rằng: Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho xã tắc khỏi nhục. Nói mãi không chuyển, Thủ Độ ngoảnh lại nói với các quan: Hoàng Thượng ở đâu, triều đình ở đấy. Nói đoạn truyền lệnh xây dựng cung điện ở chùa Phù Vân. Vị quốc sư ở chùa vào van lạy vua Trần Thái Tông về triều, vua bất đắc dĩ theo xa giá về kinh.
Lúc này quân đội của Trần Liễu vẫn đang phá phách ở phía ngoại đô, Trần Thủ Độ cho đàn áp rất kịch liệt. Xem chừng không chống nổi, Trần Liễu chờ lúc Trần Cảnh đang đi thuyền sang một bến phía sông Hồng, liền tìm đến để cầu xin em che chở, vì Trần Liễu cũng hiểu tấm lòng của người em làm vua, biết rõ Trần Cảnh cũng bị sức ép mà thôi. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Không biết ai đưa tin về, Trần Thủ Độ tức tốc đến ngay, xông vào thuyền vua rút gươm ra quát:
– Phải giết chết thằng giặc Liễu này.
Trần Cảnh vội vàng đẩy Trần Liễu vào trong khoang, đứng ra lấy thân mình che chở cho anh, giơ tay đỡ lấy đường kiếm của Trần Thủ Độ:
– Xin Thái sư bớt giận, Phụng Càn Vương (tức hiệu của Liễu) không có bụng dạ nào. Anh đến đây xin hàng đấy thôi.
Trước tình cảnh này, Trần Thủ Độ không biết làm cách nào, tức giận, ném thanh gươm xuống nước:
– Ta lo việc nước cho các ngươi mà hóa ra chỉ là một con chó săn thôi! Ai biết anh em các ngươi ai thuận, ai nghịch.
Trần Cảnh lựa lời khuyên giải, xin Trần Thủ Độ cứ về dinh. Ông giữ Trần Liễu bên mình, bảo vệ an toàn cho về nơi cung thất. Và sáng hôm sau, ông xuống chiếu lấy các vùng đất Ngũ Yên (An) tại vùng Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ban cho Trần Liễu làm ấp thang mộc, cho đem thuộc hạ ra đó sinh cơ, lập nghiệp, Phong là An Sinh vương. Trần Liễu sinh được nhiều con, nối đời ở đất này. Một trong những người con của ông đã trở thành anh hùng dân tộc, đó là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Trở lại với ngai vàng, Trần Thái Tông dồn sức cho công việc dựng nước và giữ nước. Với tinh thần chiến đấu của tuổi trẻ, ông hăng hái cầm quân. Trận đánh đầu tiên do ông chỉ huy là trận đánh giặc Man vùng biên giới Đại Việt – Trung Hoa. Được tin bọn tù trưởng người Man hay quấy nhiễu, ông đã sai Phạm Kính Ân lên dẹp yên. Năm 1252 ông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được cả vợ con của vua nước ấy. Năm 1257, quân nhà Nguyên bắt đầu xâm lấn, ông đã trực tiếp ra trận. Quân ta yếu thế, may có Lê Tần một mình một ngựa, che chở cho ông thoát khỏi hiểm nguy. Cảm động trước công lao của vị tướng này, ông đã phong thưởng rất hậu và sau còn đem công chúa Chiêu Thánh gả cho Lê Tần.
Ngày 21 tháng 01 năm 1258, vua Trần Thái Tông cùng Thái tử Trần Hoảng đã chỉ huy quân nhà Trần phá tan quân Nguyên ở trận Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long. Tiếp đó, ông truyền ngôi cho Thái tử, lên làm Thái Thượng hoàng. Chế độ vừa có vua, vừa có Thái Thượng hoàng nhiếp chính của nhà Trần bắt đầu từ đây. Tuy đã là Thái Thượng hoàng song ông vẫn trực tiếp cùng cới con trị vì đất nước. Suốt hai mươi năm, ông luôn dìu dắt con, điều hành các công việc nội trị, ngoại giao một cách có hiệu quả.
Trần Thái Tông chia nước ra thành các lộ, đặt các đạo quân thủy bộ, cấm vệ, phòng vệ rất nghiêm minh. Ông ra lệnh cho làm các sổ đinh, sổ điền để nắm vững dân số, quân số và tình hình ruộng đất. Không những thế, ông còn rất quan tâm đến việc đắp đe phòng lụt, lệnh cho các lộ phải đắp đê từ đầu nguồn đến bờ biển, có đặt chức hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Vua thường cho mở hội lớn để dân chúng cùng vui với các quan lại, quy định các loại mũ áo, xe kiệu cho các quan chức từ thấp tới cao, khiến cho quang cảnh Kinh đô có phần bề thế và rất trật tự. Nhà vua lại thường hay ra dân gian vi hành để tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Có một điều đáng nhớ là tất cả những hoàng tử con vua Trần Thái Tông sinh ra trước sau đều là những nhân tài kiệt xuất của đất nước. Người con đầu là Quốc Khang (vốn là con của Trần Liễu) được sai vào phụ trách đất Diễn Châu, đã làm cho vùng đất phía Nam này trở thành một vùng thịnh vượng. Những người con khác như Trần Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông), hoàng tử thứ 3 là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vừa là một nhà thơ, vừa là một vị tướng giỏi. Rồi đến Trần Nhật Duật, người có công lớn trong việc chỉ huy quân Trần đánh thắng giặc Nguyên từng được phong Thái úy quốc công…
Không những trong hoàng tộc, mà trong hàng ngũ các quan lại, các nho sĩ dưới triều vua Trần Thái Tông cũng xuất hiện nhiều nhân tài. Năm 1247, lần đầu tiên nhà vua cho đặt bậc tam khôi, chọn được ba người rất trẻ: Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Bảng nhãn Lê Văn Hưu và Thám hoa Đặng Ma La. Tiếp đó lại mở kỳ thi Tam giáo… Bên cạnh việc lấy đạo Phật là quốc đạo, Trần Thái Tông rất quan tâm đến nho học và trân trọng các nho sĩ. Ông cho lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Mạnh Tử để thờ, xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước học tập “tứ thư ngũ kinh”. Đề cao văn học, nhưng ông cũng không xem nhẹ việc võ trị. Trần Thái Tông là một vị vua trẻ có tài năng toàn diện, lập lại kỷ cương cho cả một triều đại. Có lẽ là bời tư chất thông minh, lỗi lạc của ông cộng với sự trợ giúp của thần dân.
Trần Thái Tông đã thực sự trở thành ông vua anh hùng cứu nước. Nhưng Thái Tông còn được sử sách lưu truyền bởi ông là một nhà Thiền học, một triết gia có những tư tưởng sâu sắc, một cốt cách độc đáo, là tác giả Khóa Hư lục, một cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ nước ta. Nhưng đặc biệt, ông còn xứng đáng là một tác gia trong dòng văn học Phật giáo ở Việt Nam.
Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258) Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông), một cách tập sự cho Thái tử quen việc trị nước. Triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng để cùng coi chính sự. Trần Thái Tông trị vì được 33 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm. Năm 1277, sau khi vua băng hà ở cung Vạn Thọ thì được táng tại Chiêu lăng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1381 thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở vùng đất An Sinh (nay là lăng tư Phúc, thôn Trại Lốc 1, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) an táng và lập điện thờ.
Theo sách “Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ” ghi lại: Tại lăng Tư Phúc có 03 tấm bia đá của các vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và vua Trần Giản Định đều được dựng vào ngày 06/9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) để ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua Trần ở An Sinh. Ngày nay, lăng Tư Phúc ở An Sinh – Đông Triều là nơi thờ 03 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định. Cùng với Thái miếu nhà Trần, đền An Sinh, các chùa, tháp và các lăng miếu vua Trần khác, lăng Tư Phúc được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013 (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).
Thu Phương, Quỳnh Anh (ST)