Phật giáo có mặt ở nước ta sớm, ngay từ những thế kỷ đầu trước công nguyên và phát triển không ngừng trong hàng ngàn năm sau đó. Vào thời Trần, dưới ảnh hưởng lớn lao của các vị vua đầu triều, nhất là Trần Nhân Tông đã từng bước hợp nhất các dòng thiền phổ biến khi ấy khai mở dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, không chỉ tiếp thu tinh hoa quá khứ mà còn tổng hợp được những cống hiến của thời đại mình. Kể từ đó, Phật giáo Trúc Lâm hay Thiền Trúc Lâm đã đồng hành với dân tộc trải qua biết bao thăng trầm và tiếp tục khẳng định vị thế vững vàng trong đời sống hôm nay.
Thiền Trúc Lâm là thiền thực hành, là tư tưởng để người đời quán chiếu trong suy nghĩ, hành động và cuộc sống. Với tinh thần nhập thế tích cực, gắn đạo với đời, Phật giáo Trúc Lâm trước hết giải quyết các vấn đề của con người và đời sống thời Trần khi nó ra đời. Sau này, khi nhà Trần suy vong thì Phật giáo Trúc Lâm cũng suy vi rồi từng bước phục hưng mạnh mẽ dưới thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18), hiện nay có sự lan toả rộng rãi trên cả nước và ra cả nước ngoài…
Vào thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, không chỉ ảnh hưởng to lớn trong đời sống tâm linh, văn hóa của dân tộc mà còn chi phối đến chính trị, xã hội… Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc đời sống tâm linh cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Phật giáo Trúc Lâm được khởi lập từ dòng Thiền Yên Tử, kế thừa tinh hoa của ba dòng Thiền có trước đó là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vào đầu thế kỷ 13, ba thiền phái này dần dần sát nhập thành một. Thiền sư Thường Chiếu có thể được gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba dòng thiền này và cũng là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Phái thiền Trúc Lâm được thành lập vào đời nhà Trần, bắt nguồn từ truyền thống ở núi Yên Tử, nên người ta thường gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thành lập phái thiền Trúc Lâm với ý định thống nhất Phật giáo Đại Việt, ngoài ra có thể còn có một số chi phái thiền khác nữa.
Sau khi Phật giáo Trúc Lâm ra đời, có sự nối tiếp của 3 vị Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) thì tăng đoàn và phật tử Đại Việt được nhân lên nhiều lần về số và lượng, lúc cực thịnh có tới 30.000 tăng, ni. Hệ thống chùa chiền có trước và được dựng mới trong giai đoạn này trải rộng khắp Đại Việt, đặc biệt trên dãy núi Yên Tử. Cùng với đó, kinh Đại tạng và kinh sách Phật giáo Trúc Lâm đã được ấn tống, phát hành rộng rãi trên cả nước.
Năm vị vua đầu tiên triều Trần là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông đều là những vị vua anh minh, tài đức, đồng thời cũng là những phật tử thuần thành. Cả năm vị đều có kiến thức Phật học rất cao và đều là những Thiền giả đã chứng ngộ. Trong thời gian trị vì, họ đều hết lòng hoằng dương chính pháp, nên Phật giáo Đại Việt rất hưng thịnh. Vua Nhân Tông còn xuất gia tu hành, tạo lập đỉnh cao Phật giáo Trúc Lâm.
Thêm vào đó, các vị vua kể trên còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của đông đảo các vị quốc sư, thiền sư, cư sỹ khác cùng thời. Trong bối cảnh đất nước thường trực nguy cơ ngoại xâm, không có con đường nào khác là Phật giáo phải đồng hành với đất nước, dân tộc, phải trở thành hệ tư tưởng chủ đạo để đoàn kết, huy động mọi lực lượng quân dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một nước Đại Việt độc lập, tự chủ, hùng cường, toàn vẹn lãnh thổ. Theo đánh giá, Phật giáo Trúc Lâm thời Trần đã có nhiều đóng góp về mọi mặt cuộc sống của Đại Việt thời bấy giờ, thực sự trở thành “phương tiện dẫn dụ quần mê, đường tắt tỏ nẻo sinh tử”, “làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai” như trong bài tựa sách “Thiền tông chỉ nam ca” vua Trần Thái Tông đã viết.
Từ thời Pháp Loa đến trước lúc Hồ Quý Ly sa thải tăng đồ cuối thế kỷ 14, Phật giáo Trúc Lâm phát triển tới đỉnh cao với các dấu tích Trúc Lâm tồn tại với mật độ lớn nhất Đại Việt trong khu di sản. Điều đó được Nguyễn Dữ (thế kỷ 16) mô tả: “Chùa ở Đông Triều cuối thời Trần, làng lớn có 10 nơi, làng nhỏ chừng 5, 6 nơi, bao quanh bằng rào luỹ, tô trong bằng vàng son rực rỡ” (Truyền kỳ mạn lục).
Nhà Trần nắm giữ quyền lực chính trị trong 175 năm, trải qua 12 đời vua (1225-1400), tuy nhiên theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, có lẽ cho đến khi vua Trần Minh Tông băng hà năm 1358 bắt đầu đánh dấu thời kỳ suy vong của vương triều. Phật giáo Trúc Lâm cũng vậy, sau giai đoạn phát triển rực rỡ dưới thời Trần, rơi vào chìm lặng trong một khoảng thời gian dài.
Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, dòng Thiền Trúc Lâm vốn xuất phát từ hoàng gia, gắn chặt với triều đình nhà Trần nên một khi triều đại này sụp đổ thì hệ phái cũng tiềm ẩn sự suy tàn. Cùng với đó là sự suy đồi trong giới Tăng sĩ vào cuối đời Trần khiến cho các Nho thần có cớ đả kích đạo Phật, đề cao Nho giáo. Thêm nữa, khi nhà Minh sang xâm lăng nước ta đã nhận thức được Giáo hội Trúc Lâm có những nét độc đáo về phương diện tư tưởng, tổ chức cũng như hành đạo khiến cho nó chỉ có thể là một Giáo hội phục vụ cho người Việt, duy trì, bồi đắp cá tính Việt. Vì thế, chúng đã quyết tâm đập tan những cơ cấu văn hóa xây dựng trong suốt gần 150 năm của Phật giáo đời Trần. Sau Tổ Huyền Quang là đời thứ 8 còn 15 đời nữa kế thừa hệ Trúc Lâm, tuy nhiên những điều kể trên đã khiến các bậc Tăng sĩ có tài đức phải ẩn cư nơi núi rừng, thôn dã, không dám xuất đầu lộ diện.
Sau gần một thế kỷ loạn lạc, đầy rẫy bạo động, Nho giáo rơi vào khủng hoảng, người ta bắt đầu quay về với đạo Phật. Các chúa Trịnh, Nguyễn cũng lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần, góp phần cho sự phục hưng của phật giáo Trúc Lâm. Thêm nữa, sức sống thiền là ở nội tâm, không phải ở hình thức bên ngoài, dù ở nơi xa vắng ít ai biết tới, mạch nguồn thiền vẫn âm thầm được nuôi dưỡng.
Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) rồi thời Nguyễn, Phật giáo Trúc Lâm bắt đầu phục hồi, trong đó có việc đại trùng tu hàng loạt các ngôi chùa, am tháp nằm trong hệ thống Trúc Lâm Yên Tử. Ở Quảng Ninh, có thể kể tới việc xây dựng các chùa vệ tinh xung quanh Yên Tử, trùng tu các tháp đá tại Yên Tử, Ngoạ Vân, đại trùng tu chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, xây dựng chùa Đá Chồng… Nhiều nhà sư của thiền phái Trúc Lâm như Chân Nguyên, Viên Cảnh, Viên Khoan… lại bắt đầu xuất hiện.
TS. Đinh Thị Thuỳ Hiên, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định: Việc suy tôn Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang thành “Tam tổ Trúc Lâm” và cho khắc in để lưu truyền văn bản chung sự tích của Tam Tổ, việc xây dựng Tòa Tam tổ và phụng thờ ba vị nhiều nơi trong thế kỷ 17, 18 vừa là kết quả, vừa là biểu hiện của sự phục hưng mạnh mẽ dòng thiền này. Cùng với một loạt các hiện tượng khác như việc nhiều chùa chiền cũ của phái Trúc Lâm được trùng tu lớn; nhiều nhà sư của thiền phái xuất hiện sau thời gian mai danh, ẩn tích lại góp phần đưa Thiền phái bước vào một giai đoạn mới; cũng giúp đưa ảnh hưởng của Tam tổ nói riêng, Thiền phái nói chung càng mạnh mẽ và sâu rộng trong đời sống xã hội.
Ở miền Bắc, Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) được xem là một ngọn đuốc sáng. Ngài cùng các đệ tử đã cứu vãn được một số tác phẩm quan trọng của các thiền tổ Trúc Lâm bằng cách sưu tầm, hiệu đính, khắc bản và lưu hành những tác phẩm này. Chủ trì đạo tràng ở Long Ðộng (Yên Tử) và Quỳnh Lâm (Đông Triều), Ngài có nhiều công lao trong việc trùng tu, xây dựng mới chùa Quỳnh Lâm, cùng với đó là việc biên soạn, ấn tống kinh sách, dần đưa Quỳnh Lâm trở lại là Tự – Viện, một chốn “tùng lâm” của Phật giáo Đại Việt. Các vua Lê, chúa Trịnh, tầng lớp quý tộc khi đó đều phát tâm xây chùa, đúc chuông với quy mô lớn. Năm Vĩnh Tộ thứ 9 (1627), Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho trùng tu chùa, sau gần 2 năm đã hoàn thành các công trình với tổng cộng 103 gian.
Tiếp nối đó, Thiền sư Như Hiện tiếp tục xây dựng Phật điện, đúc tượng… tại Quỳnh Lâm. Năm 1730-1740, được sự hỗ trợ trực tiếp của chúa Trịnh Giang, toàn bộ chùa được trùng tu lớn trên mặt bằng rộng gần 6.000m2. Để cung ứng nguồn nhân lực cho việc xây dựng, triều đình đã huy động tráng đinh của các địa phương Đông Triều, Chí Linh, Thuỷ Đường trong nhiều năm. Chúa Trịnh còn cho dỡ hành cung Cổ Bi (Gia Lâm) để lấy gỗ, cho đào sông làm đường để chở vật liệu xây dựng chùa. Năm 1820, triều đình nhà Nguyễn lại tiếp tục cho trùng tu và tôn tạo lại chùa theo mô hình thời Lê Trung hưng, đúc một quả chuông lớn, hiện vẫn còn tại chùa.
Trong lúc đó thì tại lưu vực sông Xích Ðằng tỉnh Hưng Yên, thiền sư Minh Châu-Hương Hải (1628-1715) cũng đang chủ trì một đạo tràng lớn của chùa Nguyệt Ðường. Ngài đã có những ảnh hưởng lớn đối với tình hình Phật giáo đương thời bằng cách tác động vào chính sách triều đình, tiếp nối truyền thống gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc nước ta. Ngài là một tác gia lớn, người đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, là một ngôi sao sáng trên bầu trời Phật giáo khi ấy.
Hiện nay, danh phái Trúc Lâm đã được đặt thành tên cho nhiều ngôi chùa, thiền viện khắp trong cả nước và mở rộng sang cả các nước Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Ý… Vào thế kỷ 21 này, Thiền phái Trúc Lâm thêm một lần phục hưng, hội nhập với Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế trong khi vẫn giữ được những bản sắc riêng có của mình, đóng góp vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Nói về Phật giáo Trúc Lâm, Dòng thiền thuần Việt nổi danh trong lịch sử là gắn với câu chuyện về Tam Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), gồm nhiều ghi chép, nghiên cứu về cuộc đời cũng như công lao to lớn của 3 vị trong việc sáng lập, đưa dòng Thiền Trúc Lâm phát triển đến cực thịnh trong đời sống Phật giáo Đại Việt.
Trần Nhân Tông (1258-1308) là vua thứ 3 của nhà Trần – một thời đại văn trị, võ công hiển hách bậc nhất và đạo đời hồn hậu hiếm có.
Ngay từ thuở nhỏ, Trần Nhân Tông đã có tư chất thông minh khác người, lại được truyền dạy bài bản nho giáo, tứ thư, ngũ kinh cũng như Phật pháp. Tuy vậy, Trần Nhân Tông luôn hướng về con đường tu học. Khi còn là Thái tử, hàng ngày Ngài chay lạt thanh tịnh, chuyên tâm học Phật, tinh tấn tham thiền. Năm 1279, khi lên ngôi vua, Ngài càng nỗ lực học đạo hơn với các bậc cao tăng thạc đức.
Không chỉ say mê thiền học, Trần Nhân Tông còn là một vị vua anh hùng. Sau khi lên ngôi vào năm 21 tuổi, vua Trần Nhân Tông đã có công lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, giữ yên bờ cõi Đại Việt. Đất nước thái bình thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, trở về hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình làm lễ xuất gia, tập sự tu hành. Năm 1299, Ngài quyết chí xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh. Tại đây, Ngài đã khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử – dòng phật giáo được khởi lập từ dòng Thiền Yên Tử, kế thừa tinh hoa của ba dòng Thiền có trước đó là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Người đương thời tôn kính gọi Ngài là Phật Hoàng hoặc Điều Ngự Giác Hoàng (ông vua giác ngộ đạo Phật).
Theo các nhà nghiên cứu, vua Trần Nhân Tông vốn được sư Huệ Tuệ trao truyền giới pháp. Huệ Tuệ là tổ thứ 5 của sơn môn Yên Tử, một dòng Thiền có tư tưởng bản địa, có ảnh hưởng của dòng Lâm Tế Trung Hoa, có những vị Thiền sư nổi tiếng như vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Vua Trần Nhân Tông đã đưa sơn môn Yên Tử thành trung tâm Phật giáo, khai mở một dòng Thiền mới “thuần Việt” và trở thành người lãnh đạo “Giáo hội” đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi đắc pháp, Ngài vân du khắp nơi trong nước lập am chùa, tịnh xá, thuyết pháp (thậm chí sang cả Chiêm Thành); khuyến hóa dân chúng phá bỏ dâm từ, tu hành thập thiện, bố thí pháp dược để chữa trị những người nghèo và bệnh; thọ tâm giới tại gia Bồ-tát cho vương công, bá quan; đào tạo được nhiều đại đệ tử như Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái… Sinh thời, Ngài biên soạn nhiều kinh văn như Niêm tụng thạch thất mỵ ngữ, Thạch thất mỵ ngữ (bổ nhập Đại tạng), Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng-già toái sự, Đại hương hải ấn thi tập, Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Thánh đăng ngữ lục, Công văn cách thức.
Năm 1307, Ngài truyền y bát lại cho đại đệ tử Pháp Loa. Ngày 1/11 âm lịch năm 1308, Ngài nhập diệt tại am Ngọa Vân (Đông Triều), được đưa về kinh thành Thăng Long cử hành quốc tang. Xá lị của Ngài sau này được phân phát về nhiều nơi, riêng ở Quảng Ninh xá lị của Ngài được lưu giữ tại am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) và tại tháp Huệ Quang (Yên Tử).
Câu chuyện của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có sự kế thừa, tiếp nối và giao thoa từ các giá trị của phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc vào thời Trần. Còn cuộc đời tu hành của vị sơ tổ Trúc Lâm lại có sự mô phỏng gần như nguyên vẹn câu chuyện hình thành phật giáo nguyên thuỷ ở Ấn Độ gắn với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tại khu di tích – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), 16 chùa tháp ở đây lần lượt kể lại hành trình đầy đủ, chi tiết của giáo chủ Trần Nhân Tông kể từ lúc khởi hành vượt kinh đô đến Yên Tử tu tập, thành đạo. Đó là chùa Suối Tắm, nơi Ngài dừng lại tắm giặt, rũ sạch bụi trần. Đó là chùa Cầm Thực, nơi Ngài uống nước suối thay cơm, thể hiện tinh thần quyết tâm tu tập. Đó là chùa Giải Oan, nơi các cung nữ gieo mình khi không thuyết phục được Ngài về kinh, thể hiện quyết tâm không lùi bước.
Đó là chùa Vân Tiêu, nơi Ngài ở và trước tác; thác Ngự Dội và am Thiền Định là nơi Ngài ngồi hoà vào thiên nhiên tham thiền nhập định. Đó là chùa Một Mái, nơi Ngài tập trung đọc sách, thiền định; là Am Dược, Am Thung là nơi Ngài và các ngự y chế thuốc luyện đan vào mỗi mùa xuân. Đó là chùa Lân, chùa Hoa Yên là nơi Ngài thuyết pháp; tháp Tổ là nơi đặt xá lị của Ngài sau khi viên tịch; là chùa Vân Tiêu, nơi Ngài ở và truyền tâm ấn cho Pháp Loa, Bảo Sái. Đó là chùa Đồng và hình tượng Phật hoàng nhập niết bàn bằng đá gốc tự nhiên trên đỉnh núi Yên Tử, tượng trưng cho quá trình tu đạo viên mãn của Ngài.
Đệ nhị tổ Pháp Loa (Ðồng Kiên Cương, 1284-1330) có nhân duyên được gặp Nhân Tông Điều Ngự khi xa giá của Ngài đến sông Nam Sách quê hương ông. Pháp Loa xuất gia theo Phật Hoàng từ năm 1304 thì 2 năm sau đã được làm giảng sư đào tạo tăng tài, năm 1308 khi còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi, ông đã được truyền y bát để trở thành Đệ nhị Tổ Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1318, Pháp Loa được vua Trần Anh Tông phong là Quốc sư.
Ông thọ 47 tuổi, tuy rằng năm tháng dương gian không dài nhưng ông đã để lại dấu ấn lớn. Sau khi được giao phó trọng trách đứng đầu giáo hội, ông đã có cải cách đáng kể về mặt tổ chức, với nhiều hoạt động Phật sự sôi nổi. Trong thời gian ông lãnh đạo, số lượng Tăng sĩ và Phật tử tại gia, chùa tháp được tăng lên rất nhiều, phong trào tu học được đẩy mạnh và phổ biến trong các thành phần xã hội, đặc biệt là ấn hành được Ðại tạng kinh. Ngoài ra, Pháp Loa còn là một tác gia lớn, người đã viết, biên soạn khoảng 10 tác phẩm kinh văn Phật giáo Trúc Lâm.
Nói về ông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn phân tích: Ông là một nhà tổ chức tài năng của giáo đoàn Trúc Lâm, nhà hoằng pháp rất hiệu quả và có ảnh hưởng xã hội sâu rộng đời Trần. Ông kế thừa và phát triển thiền Trúc Lâm, làm cho những tinh thần và ý tưởng của Trần Nhân Tông rạng toả và phát triển, cả hai phương diện kế khai đều xuất sắc. Trong giáo phái Trúc Lâm, ông có vai trò rất nổi bật. Nếu như Sơ tổ Trần Nhân Tông là người mở dòng, kiến tạo thì Pháp Loa là người kế tục, triển khai, người thực thi các phương châm của Sơ tổ cả trên phương diện lãnh đạo tinh thần và dẫn dắt về tổ chức.
Ở Quảng Ninh, tên tuổi của Pháp Loa gắn liền với sự mở mang, phát triển của Tự – Viện Quỳnh Lâm trên quê gốc của nhà Trần. Trong suốt thời gian từ năm 1317-1330, tức là từ khi Pháp Loa khai mở Quỳnh Lâm viện cho đến khi ông mất, bên cạnh là một trung tâm đào tạo tăng sinh lớn của Thiền phái Trúc Lâm, là chốn “tùng lâm” (nơi có đông đảo thầy tu chung sống) khang trang, nhộn nhịp, Quỳnh Lâm còn là nơi các vương hầu, quý tộc nhà Trần thường xuyên lui tới. Theo ghi chép của sách Tam tổ thực lục, đến năm 1324, các vương hầu, quý tộc nhà Trần đã cúng hơn 1.000 mẫu ruộng cùng hơn nghìn gia nô làm của tam bảo chùa Quỳnh Lâm, đi vào câu ca “Sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh”.
Với quy mô lớn, Quỳnh Lâm dưới sức ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa là nơi đã tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn, được chép trong chính sử. Theo đó, năm 1319, Pháp Loa kêu gọi tăng nhân, phật tử chích máu để in 5.000 cuốn kinh Đại tạng, lưu giữ tại Quỳnh Lâm tự; Thượng hoàng Trần Anh Tông tự chích máu mình viết Đại tạng kinh cỡ nhỏ, gồm 20 hộp, cũng được lưu giữ tại đây.
Năm 1325, Pháp Loa tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật, diễn ra trong 7 ngày 7 đêm, đồng thời cho xây dựng 2 tòa tháp để rước xá lị vua Trần Nhân Tông về lưu giữ tại Quỳnh Lâm. Năm 1327-1329, Pháp Loa cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (5,28m). Tháng 3/1328, Bảo từ Hoàng thái hậu, Bảo Huệ Quốc mẫu và sư Pháp Loa đã tập hợp chư tăng mười phương về Quỳnh Lâm, thiết lễ Đại trai đàn chuyển Tạng 10 ngày đêm. Quỳnh Lâm cũng là nơi Đệ nhị Tổ giảng hội thứ năm và hội thứ chín kinh Hoa Nghiêm, mỗi buổi giảng thu hút hàng nghìn người nghe…
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn ca ngợi: Pháp Loa đã nỗ lực không ngừng nghỉ, góp sức cho việc bản địa hoá Phật giáo bằng những phép tu phù hợp với tâm tính, đem lại sự an lạc cho người Việt. Ông đã không phụ công thầy mình, trở thành ngọn đèn pháp rực sáng với nhiều công lao: Phát triển phật giáo Việt về phương diện học thuật, thực hành tu tập, chứng ngộ giải thoát khiến cho tầm vóc của Phật giáo Việt xứng đáng trở thành một phần quan trọng, có đóng góp cho Phật giáo thế giới.
Đệ tam tổ Huyền Quang (Lý Ðạo Tái, 1254-1334) người làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Cha ông dòng dõi quan liêu nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thuỷ. Tuy vậy, ông thông minh, học một biết mười, năm 21 tuổi từng thi đỗ Trạng Nguyên. Ông được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ thần Trung Hoa. Văn chương, ngôn ngữ của ông vượt hơn sứ Trung Hoa khiến họ phải nể phục.
Một hôm, ông đến chùa nghe giảng kinh thì chợt tỉnh ngộ bèn mấy lần dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Năm 1305 khi đã 51 tuổi, ông xuất gia thọ giới. Ông hơn Pháp Loa tròn 30 tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn và là một trong những người kế tục ngắn ngủi của Pháp Loa. Nếu như Pháp Loa thường được nhắc đến với những tài năng về mặt lãnh đạo và xây dựng giáo hội, thì Huyền Quang được biết đến là một tác gia văn học lớn của Phật giáo và nền văn học dân tộc thời Trần.
Huyền Quang từng học thiền với Sơ Tổ và phụ giúp soạn một số sách, sau khi Ngài mất thì theo Pháp Loa. Khi ông lên trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, do ông đa văn bác học, tinh thâm đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Ông được lập làm Trưởng sơn môn Yên Tử, làm giảng sư ở các hành cung, biên soạn giáo trình giảng dạy bồi dưỡng tân tăng. Ngài biên soạn các kinh văn Trúc Lâm như: Phổ Tuệ ngữ lục, Côn Sơn thời khuê tập, Công văn tập.
Năm 1330, khi Tổ Pháp Loa viên tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thừa làm tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm, khi ấy ông đã 77 tuổi. Vì già yếu nên ông uỷ thác mọi việc cho quốc sư An Tâm, trở về trụ trì ở chùa Côn Sơn (Hải Dương). Các tài liệu chép thống nhất rằng, ông viên tịch ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất tại đây, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông ban 10 lạng vàng, sai tăng ni xây tháp ở bên trái sau chùa Côn Sơn, được cấp 150 mẫu 5 sào ruộng ở các xứ làm tự điền để quanh năm thờ phụng.
Ngọa Vân là nơi nhập Niết Bàn, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành – thành Phật của Trúc Lâm Điều Ngự – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính vì vậy, đây được coi là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đức vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của vương triều Trần, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1258. Năm 16 tuổi (1274), ông được sắc phong làm Hoàng thái tử. Năm 21 tuổi, ông được vua cha nhường ngôi, ở ngôi 14 năm (1278 – 1293). Năm 1293, ở tuổi 35, ông nhường ngôi cho con, lui về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng. Năm 1294, xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm. Năm 1299, xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Cuối đời ông tu và hóa tại am Ngọa Vân, được tôn xưng là Vua Phật, Trúc Lâm Đại Sĩ Điều Ngự Vương Phật, tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tháng Năm, năm Đinh Mùi (1307) Trúc Lâm Điều Ngự lập am nhỏ trên ngọn Ngọa Vân (卧 雲 峯 – Ngọa Vân Phong) trên núi Bảo Đài, am ấy được gọi là am Ngọa Vân (tức là am Mây Ngủ). Ngày mồng 1, tháng 11 năm Mậu Thân (1308), ông “nhập niết bàn” tại am Ngọa Vân. Các đệ tử tổ chức hỏa thiêu ngay tại Ngọa Vân, Pháp Loa tới tưới nước thơm lên hỏa đàn thu ngọc cốt và xá lị. Vua Trần Anh Tông liền tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, rước xá lị về tôn trí tại chùa Tư Phúc trong hoàng cung Thăng Long. Ngọa Vân là điểm kết thúc của hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm của Trúc Lâm Điều Ngự.
Xá lị sau đó được phân phát đi tôn trí ở nhiều nơi, trong đó ở Ngọa Vân (Đông Triều), xá lị được tôn trí vào Phật Hoàng tháp; ở Hoa Yên (Yên Tử), xá lị được tôn trí vào Huệ Quang Kim tháp (tháp Tổ); ở Long Hưng (Thái Bình), xá lị được tôn trí vào Bảo tháp Đức Lăng và tại Tức Mặc (Nam Định), xá lị được an trí vào tháp Phổ Minh. Nhìn lại hành trình xuất gia, tu hành, đắc đạo, giảng pháp, độ tăng, giáo hóa chúng sinh của Trúc Lâm Điều Ngự, ta thấy hành trình này mô phỏng hành trình xuất gia, tu hành, thành đạo và hóa Phật của Thích Ca Mâu Ni. Trong hành trình tu hành – thành Phật của Trúc Lâm Điều Ngự, Hoa Yên – Tử Tiêu là nơi Trúc Lâm Điều Ngự tu luyện, giảng pháp, độ tăng; Ngọa Vân là nơi nhập Niết Bàn, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành – thành Phật của Trúc Lâm Điều Ngự – Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Là nơi kết thúc hành trình tu hành – thành phật của sơ tổ Trúc Lâm, Ngọa Vân là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.
Hiện nay, núi Bảo Đài có ngọn Ngọa Vân, nơi Trúc Lâm Điều Ngự lập am Ngọa Vân tu hành và hóa Phật được gọi là núi Vây Rồng, ít người biết nó vốn có tên là Bảo Đài trong khi một số địa phương khác cũng có địa danh núi Bảo Đài khiến có sự nhầm lẫn. Các nghiên cứu lịch sử địa lý và khảo cổ học đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về vị trí của núi Bảo Đài. Theo đó, các tài liệu về lịch sử địa lý đã chỉ ra rằng: Núi Bảo Đài thời Trần thuộc địa phận xã An Sinh, quê gốc của nhà Trần, đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu. Vua Nhân Tông khi lên núi Bảo Đài đã ứng tác bài thơ “Đăng Bảo Đài Sơn”:
“Lên núi Bảo Đài
Đất vắng đài thêm cổ,
Ngày qua xuân chưa nồng.
Gần xa mây núi ngất,
Nắng rợp ngõ hoa thông.
Muôn việc nước trôi nước,
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Tựa lan, nâng sáo ngọc,
Đầy ngực ánh trăng trong.”
Thời Lê, núi Bảo Đài thuộc địa phận xã An Sinh; thời Nguyễn, thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đầu thế kỷ 20, một phần đất đai vốn là đất lăng tẩm, đền miếu của xã An Sinh được tách ra thành xã Đốc Trại, núi Bảo Đài thuộc địa bàn xã Đốc Trại. Nay, núi Bảo Đài thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều.
Năm 2022, trên núi Bảo Đài thuộc địa phận phường Vàng Danh, thành phố Uống Bí, khảo cổ học đã phát hiện tấm bia Yên Tử sơn, Đông Bảo Đài tự tân tạo bi ký, dựng năm Bảo Thái thứ 5, đời vua Lê (1724). Văn bia cho biết, chùa thuộc địa phận xã Hạ Mộ Công. Xã Hạ Mộ Công đầu thế kỷ 18 thuộc tổng Bí Giàng, huyện Đông Triều, trấn Hải Dương, cách núi Bảo Đài ở An Sinh khoảng 20km về phía Đông. Việc phát hiện tấm bia Yên Tử sơn, Đông Bảo Đài tự tân tạo bi ký cho phép khẳng định, núi có chùa Đông Bảo Đài thuộc về núi Yên Tử chứ không phải là núi Bảo Đài. Việc đời sau gọi đây là núi Bảo Đài là do họ lược bỏ chữ Đông ở phía trước đi mà thành.
Thêm vào đó, có vẻ như, chùa Đông Bảo Đài cũng là giới hạn phía Đông của núi Yên Tử, bởi từ vị trí này về phía Đông, chúng ta chưa tìm thấy tư liệu nào sử dụng danh từ Yên Tử sơn. Nếu vậy, đây là tư liệu quan trọng giúp chúng ta xác định không gian Yên Tử dưới thời Lê Trung hưng theo quan niệm của Phật giáo. Theo đó, trung tâm Yên Tử là Hoa Yên – Ngọa Vân, phía Đông kéo đến Vàng Danh và phía Tây đến Thanh Mai Côn Sơn. Khái niệm Tây Yên Tử được Bắc Giang sử dụng để chỉ các di tích phía Bắc của dãy Yên Tử là không chính xác cả về địa lý lẫn văn hóa.
Tại sao Trần Nhân Tông xuất gia tại Tử Tiêu nhưng khi hóa lại chọn về Ngọa Vân ở An Sinh? Đây là một câu hỏi khó, không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi cho rằng, việc Trần Nhân Tông chọn Ngọa Vân thay vì Tử Tiêu có thể bởi, bản thân Trần Nhân Tông hiểu rõ hành trình xuất gia, tu hành, thành đạo, giáo hóa chúng sinh và hóa Phật của đức Thích Ca Mâu ni mỗi thời đoạn, mỗi điểm mốc đều gắn với một địa danh khác nhau. Nhưng có lẽ hơn hết, khi Nhân Tông chọn Ngọa Vân làm nơi hóa dường như để thể hiện tâm thức “lá rụng về cội”. Mặc dù sau đó xá lị của Trúc Lâm Điều Ngự được đưa đi an trí ở nhiều nơi, trong đó có Đức Lăng ở Long Hưng nhưng việc các vua nhà Trần tiếp gót vua Nhân Tông chọn đất An Sinh làm nơi xây dựng lăng tẩm của mình thay vì Long Hưng như trước đó dường như càng cho thấy điều đó.
Nhà Trần có hai khu lăng tẩm, khu thứ nhất ở Long Hưng và khu thứ hai ở An Sinh. Tại Long Hưng có 4 lăng, gồm Thọ Lăng của Thái Tổ Trần Thừa, Dụ Lăng của Thái Tông Trần Cảnh, Chiêu Lăng của Thánh Tông Trần Hoảng và Đức Lăng là lăng của Nhân Tông Trần Khâm. Khu lăng tẩm thứ hai ở An Sinh, ngoài tháp Phật Hoàng là tháp chứa xá lị và ngọc cốt của Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn có Thái Lăng của Anh Tông Trần Thuyên; Mục Lăng của Minh Tông Trần Mạnh; Ngải Lăng của Hiến Tông Trần Vượng; Phụ Lăng của Dụ Tông Trần Hạo; Nguyên Lăng của Nghệ Tông Trần Phủ và Hy Lăng của Duệ Tông Trần Kính. Ngoài lăng tẩm của Thái Tổ Trần Thừa bị giặc Mông Nguyên đào phá, các lăng tẩm còn lại đến năm 1381 đều được di dời về An Sinh và xây lăng lớn là Tư Phúc lăng. Như vậy, đến năm 1381, trên thực tế nhà Trần chỉ còn lại 1 khu lăng tẩm ở An Sinh, Đông Triều ngày nay.
Tác giả: Phan Hằng và Nguyễn Văn Anh
Trình bày: Hùng Sơn