Giới thiệu Nhà lưu niệm chiến khu Đông Triều

NHÀ LƯU NIỆM CHIẾN KHU ĐÔNG TRIỀU

(Cạnh Đình Chùa Bắc Mã, thôn Bắc Mã, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

 ———-

        Huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển rực rỡ của vương triều Trần; nơi ẩn chứa nhiều các di tích lịch sử văn hóa của triều Trần như: An Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh và khu lăng mộ các vua Trần. Đông Triều còn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam gắn liền với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm; với Quỳnh Lâm thiền viện, là một trong những mô hình trường đại học Phật giáo lớn nhất Việt Nam, nơi góp phần vinh danh những bậc danh sư, những người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Mảnh đất Đông Triều là nơi tiếp xúc với văn học từ rất sớm, với sự ra đời của Bích động thi xã, nơi hội tụ nhiều nhà thơ tài danh thời Trần như: Trần Quang Thiều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn….

Đông Triều còn là mảnh đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng, với những trang sử vẻ vang gắn liền với những giai đoạn lịch sử của dân tộc trong suốt thời kỳ chống giặc ngoại xâm, kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nơi thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo, một trong bảy chiến khu cách mạng của cả nước, ra đời trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, những địa danh như: Bắc Mã, Hổ Lao, Núi Canh, Cầu Cầm…mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Đông Triều.

Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều (Nhà truyền thống Bắc Mã) là nơi lưu giữ, trưng bày các dấu tích lịch sử còn sót lại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân huyện Đông Triều. Địa điểm trung tâm chiến khu Trần Hưng Đạo, xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – Di tích lịch sử – Xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 05/9/1994 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Vào tháng 9/1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương đã khiến cho cuộc chiến tranh ngày càng trở lên ác liệt. Đối với khu Mỏ, chính quyền thực dân chuyển dần sang chính sách fu chiến. Tháng 3/1945 sư Tuệ sau khi ở tù ra đã đến Đông Triều hoạt động. Tại Đông Triều, sư Tuệ đã được nhà sư Võ Giác Thuyên và các sư ở chùa Bắc Mã giúp đỡ, tạo điều kiện xây dựng và phát triển lực lượng Việt Minh. Tại chùa Bắc Mã sư Tuệ đã nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động tới các điểm dân cư trong huyện. Cũng tại nơi đây, ban lãnh đạo căn cứ Đông Triều đã tổ chức học lớp chính trị ngắn ngày cho gần 50 cán bộ địa phương do đồng chí Nguyễn Bình giảng dạy.

Trước sự phát triển nhanh, mạnh của lực lượng vũ trang tập trung và các đại đội tự vệ ở các làng, xã khu vực Đông Triều từ đầu tháng 5/1945, tướng phỉ Lương Đại Bân không dám ngang nhiên cho quân Phỉ xuống cướp phá nhân dân trong huyện. Song chúng lại chuyển phạm vi cướp bóc sang huyện Chí Linh ( Hải Dương ngày nay).

Để kìm chế và phân hóa lực lượng này, đồng chí Trần Cung, đại diện cho Tỉnh bộ Việt Minh Hải Dương đã gửi thư cho tướng phỉ Lương Đại Bân đề nghị chúng cùng hợp tác với Việt Minh chống Nhật. Đề nghị này được tướng phỉ Lương Sâm nhân danh: “ Tư lệnh Trung – Việt du kích quân” trả lời đầu tháng 6/1945. Chúng đề nghị tỉnh bộ Việt Minh cử đại diện đến bản doanh  của chúng đàm phán về kế hoạch chống Nhật, đồng thời lực lượng đã có ý định đánh đồn này từ lâu. Cuối cùng hai bên nhất trí hợp tác đánh đồn Chí Linh vào sáng ngày 08/6/1945, do phía Việt Minh chỉ huy. Bọn Phỉ hứa sẽ không tống tiền, cướp bóc nhân dân và sau trận đánh , hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc về các vấn đề kinh tế, quân sự. Sau thỏa thuận với tướng phỉ, Hải Thanh và Trần Cung trở về Bắc Mã cùng với các đồng chí lãnh đạo khác vạch kế hoạch tác chiến, phối hợp cùng Phỉ đánh đồn Chí Linh và huy động lực lượng cùng lúc đánh vào các đồn Đông Triều, Tràng Bạch, tước vũ khí của chủ mỏ Mạo Khê.

Ngay sau cuộc họp, ban lãnh đạo căn cứ đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Tối 6/6/1945, Ban lãnh đạo căn cứ đã họp buổi cuối cùng tại làng Đạm Thủy ( xã Thủy An) để quyết định kế hoạch khởi nghĩa, phân công cán bộ trực tiếp chỉ huy các lực lượng đánh từng vị trí. Ngày 7/6/1945, tất cả lực lượng vũ trang sẵn sàng chờ lệnh xuất kích tại chùa Bắc Mã. Rạng sáng ngày 8/6, nghĩa quân do Nguyễn Bình chỉ huy tiến về huyện lỵ Đông Triều, đi đầu là lá cờ đỏ sao vàng, tiếp theo là 4 tiểu đội tác chiến. Mỗi chiến sĩ đeo một phù hiệu trên cánh tay có 3 chữ: “ Việt Minh quân”. Riêng Nguyễn Bình đeo 01 phù hiệu với 3 chữ “TCH: (Tổng chỉ huy). Khi tới huyện lỵ, nhân dân đã đổ ra đường hoan hô nhiệt liệt. Đến ngã 4, Nguyễn Bình đã bắn 4 phát súng thị uy và hạ lệnh cho nghĩa quân xông lên đánh chiếm đồn địch, ta thu được toàn bộ 50 khẩu súng và đạn dược. Cũng lúc đó, 1 tiểu đội khác do Dương Chính và Hùng Phong chỉ huy đã tiến về chiếm huyện đường, tước súng đạn của bọn lính cơ và 1 tiểu đội khác, chiếm nhà dây thép ( bưu điện) và tỏa ra các ngả ngắt dây điện thoại. Sau khi chiếm được đồn địch, nghĩa quân liền mở kho thóc của huyện lỵ để cứu đói nhân dân. Tiếp đó, một cuộc mít tinh của quần chúng đã được tổ chức ngay tại cổng huyện lỵ, Nguyễn Bình thay mặt cho Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của Nhật và kêu gọi nhân dân tích cực tham gia mặt trận Việt Minh, nhập hàng ngũ du kích cách mạng quân…

Tại đồn Tràng Bạch, Trần Cung chỉ huy 1 tiểu đội đóng giả lính bảo an cùng trung đội tự vệ hầm lò Văn Lôi, làng Hạ Chiểu và tổ hỏa lực mạnh có súng đại liên, súng phóng lửa, bắn uy hiếp vào đồn. Bị bất ngờ vì những loạt súng đạn liên uy hiếp, quân trong đồn đã ra đầu hàng nhanh chóng. Nghĩa quân tịch thu 30 súng các loại cùng toàn bộ quân trang, đốt hết sổ sách, giấy tờ trong đồn.

Tại Mạo Khê, dưới sự điều khiển của đồng chí Nguyễn Văn Đài, Lê Minh, Lê Mai và Nguyễn Bách, lực lượng nghĩa quân gồm hơn 100 người đã hòa vào những tốp thợ mỏ đi làm buổi sáng rồi bất ngờ dươg cao cờ đỏ sao vàng, tiến vào bao vây chủ mỏ và văn phòng mỏ. Bọn chủ mỏ người Pháp và bọn chỉ huy người Nhật đã nhanh chóng đầu hàng, ta thu toàn bộ 25 súng trường, đạn dược và một số bom mìn. Để đảm bảo đời sống của công nhân, nghĩa quân cho phép chủ mỏ tiếp tục được khai thác than dưới sự giám sát của ta.

Tại đồn Chí Linh, Hải Thanh và Lê Mai cùng quân phỉ, gồm 200 tên với 100 súng trường do lính phỉ Lương Đại Bân dẫn đầu. Do chưa kịp triển khai đã bị lộ nên quân địch phản công quyết liệt. Ta vừa rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, vừa viết thư kêu gọi anh em binh lính quay súng về với cách mạng….Với cách đó, binh lính trong đồn đã ngừng bắn, chấp nhận đầu hàng nhanh chóng và đi  theo Việt Minh.

Chiều ngày 8/6/1945 trong khi nghĩa quân tập trung ăn mừng chiến thắng tại đình Hổ Lao ( xã Tân Việt ngày nay), Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã họp kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khởi nghĩa và đề ra những nhiệm vụ trước mắt nhằm xây dựng và bảo vệ chiến khu xưa. Quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng gồm 4 người và phân công nhiệm vụ cho từng người: Hải Thanh – Bí thư phụ trách công tác chính trị; Nguyễn Hiền – Ủy viên quân sự; Nguyễn Bình, Ủy viên kinh tế; Trần Cung – Ủy viên phụ trách công tác dân tộc, xây dựng chính quyền và liên lạc với cấp trên.

Sáng ngày 9/6/1945, trong cuộc mít tinh tại sân đình Hổ Lao, Trần Cung đã thay mặt Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tuyên bố chính thức thành lập chiến khu cách mạng, mang tên “ Đệ tứ chiến khu”, cùng lực lượng vũ trang chiến khu mang tên “ Du kích cách mạng quân” và công bố danh sách Ủy ban quân sự cách mạng lãnh đạo chiến khu. Nguyễn Bình, đại diện Ủy ban quân sự cách mạng tuyên đọc “ Bảy điều kỷ luật” của du kích cách mạng quân.

Với thắng lợi to lớn của quân và dân Đông Triều, ngày 8/6/1945 chiến khu Trần Hưng Đạo chính thức được thành lập. Từ đâu, chiến khu khhoogn chỉ củng cố, xây dựng lực lượng và đóng quân ở Đông Triều mà đã nhanh chóng tỏa ra cả một địa bàn rộng lớn ở vùng duyên hải phía Bắc, cùng các địa phương đập tan chính quyền thực dân phong kiến và tay sai trước và trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

Chùa Bắc Mã là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng cũng như căn cứ địa cách mạng của đệ tứ chiến khu Đông Triều. Do đó lãnh đạo huyện Đông Triều đã nhất trí cho xây dựng nhà truyền thống ngay bên cạnh chùa Bắc Mã là nơi lưu giữ lại một phần chiến tích oanh liệt của quân và dân Đông Triều trong cách mạng tháng 8/1945 ( sau đó gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo). Trong đó lưu giữ những vũ khí còn rất thô sơ trong những ngày đầu thành lập chiến khu chỉ có ít súng trường, lựu đạn, còn chủ yếu là dao, tấu và mã kiếm và một ít vũ khí do nhân dân ta tự tạo ra, một ít thu được của địch sau khi nghĩa quân chiếm đồn. Ngoài ra còn trưng bày một số ảnh tư liệu trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Đông Triều. Tất cả những hiện vật đó, dù còn lưu lại rất ít nhưng nó mang một ý nghĩa rất quan trọng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ Đông Triều biết đến một thời kỳ đấu tranh xương máu của các thế hệ đi trước thành lập nên một đệ tứ chiến khu anh hùng.

  • Nội dung trưng bày trong nhà Trưng bày Chiến khu Đông Triều

       – Tượng chân dung Trung tướng Nguyễn Bình:

       Nguyễn Bình (1908-1951), bí danh Ba Thảo, tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từng giữ các chức vụ như Tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ, Phó Chủ tịch UB Kháng chiến Nam Bộ.

       Tháng 4/1945, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Hải Dương về việc thành lập Căn cứ địa CM ở Chí Linh, Đông Triều, đ/c Nguyễn Bình cùng một số đ/c đã đã bí mật di chuyển về Đông Triều. Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Bình cùng với các đ/c Hải Thanh, Nguyễn Hiền, Trần Cung thành lập chiến khu Đông Triều và đảm nhận nhiệm vụ tư lệnh. Khi CMT8/1945 nổ ra, ông chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.

       Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Trung tướng Nguyễn Bình là vị tướng có công lao lớn với quân đội và nhân dân, không những ở chiến khu Đông Triều nói riêng mà cả trong thời kỳ đảm nhiệm trọng trách ở Nam Bộ”.

     – Giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân Đông Triều

Bao gồm trưng bày vũ khí, trang bị của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã sử dụng trong chiến đấu. Các vũ khí, trang bị hầu như còn rất thô sơ trong những ngày đầu thành lập chiến khu và trong chiến tranh như:

+ Các loại khí, trang bị sử dụng trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu như: dao găm, kiếm, gươm, mác, thanh quất, súng, lựu đạn… các loại vũ khí thô sơ tự tạo như chông tre, chông sắt…

+ Các loại trang phục và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như Áo nhà sư của đồng chí Nguyễn Bình, bi đông, cân gạo, hũ gạo tiết kiệm, bao đựng gạo, nghiên mực, đèn bão…

+ Những dụng cụ lao động sản xuất như xẻng, khoan tay, lưỡi mai, lưỡi cày….

       – Giới thiệu những thành tích tiêu biểu chiến thắng vang dội của quân và dân Đông Triều trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

       – Giới thiệu thành tích đã đạt được trong xây dựng kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, nâng cao đời sống cho nhân dân.

  • Một số hình ảnh Khảo tả Nhà Trưng bày Chiến khu Đông Triều

Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều cạnh đình chùa Bắc Mã

Tượng chân dung Trung tướng Nguyễn Bình (1908-1951)

Trưng bày hiện vật bên trong Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều

Trưng bày hiện vật bên trong Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều

Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều

Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều

Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Chiến khu Đông Triều

———-

*_Chú thích: Chiến khu Trần Hưng Đạo tức chiến khu Đông Triều ( hay còn gọi là Đệ tứ chiến khu) thành lập ngày 08/6/1945, lúc đầu gồm Mạo Khê, Tràng Bạch ( tỉnh Quảng Yên), Chí Linh ( Hải Dương). Đến cuối tháng 6/1945 có thêm huyện Kinh Môn và huyện Kim Thành, Thanh Hà của tỉnh Hải Dương; Thủy Nguyên ( Hải Phòng) và Uông Bí, Yên Hưng của tỉnh Quảng Ninh, sau mở rộng đến Đồ Sơn của tỉnh Kiến An ( Hải Phòng), Hòn Gai. Trong đó có Đông Triều và Chí Linh là trung tâm chiến khu. Chiến khu Trần Hưng Đạo nay thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và thành phố Hải Phòng.)

Gọi ngay
challenges-icon