Lý lịch Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều

 LÝ LỊCH KHU DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ TRẦN Ở ĐÔNG TRIỀU

———-

  1. Tên gọi di tích

a). Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.

Gọi là Khu di tích lịch sử bởi ở đây hiện có nhiều di tích: lăng, miếu, đền, chùa, am, tháp được triều đình nhà Trần đứng ra xây dựng. Các di tích này nằm trên địa bàn các xã thuộc huyện Đông Triều nên gọi chung là khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.   

Đông Triều thời cổ đại thuộc Tượng quận có tên là An Sinh hay Yên Sinh. Thời thập nhị sứ quân (năm 966 – 968) đặt tên là An Sinh. Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), vua Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ (nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) phong cho Trần Liễu làm đất thang mộc và phong làm An Sinh Vương. Đời vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), An Sinh được đổi tên là Đông Triều. Thời nhà Minh vào năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407) định các châu huyện thuộc quận Giao Chỉ, lấy ba châu Đông Triều, Tĩnh An, Hạ Hồng thuộc vào phủ Tân An. Đời vua Lê Thái Tông (1434 – 1442) đổi là lộ Đông Triều thuộc vào Thừa tuyên Nam Sách; đời Lê Thánh Tông (1460 – 1472) đổi thành huyện Đông Triều xứ Hải Dương; thời Nguyễn huyện Đông Triều vẫn thuộc trấn Hải Dương. Từ tháng 10 năm 1961 đến nay, Đông Triều là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Đông Triều được chính sử  ghi là quê gốc nhà Trần. Vào khoảng thế kỷ XII, nhà Trần chuyển về Tức Mặc (Nam Định) rồi phát triển sang Long Hưng (Thái Bình) và phát tích đế vương ở đó. Sách Đông Triều huyện phong thổ ký ghi: “Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới sau này mới chuyển xuống xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh. Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này”.

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng, tổ tiên nhà Trần vốn là người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn”.[1]

Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được hình thành từ sau năm 1299, khi Trần Nhân Tông đến yên Tử tu hành lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi trở thành đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm, ngài đã cho các môn đệ của mình xây dựng nhiều công trình chùa tháp ở vùng Đông Triều. Ngoài các ngôi chùa trên núi Yên Tử do các nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm xây dựng và các ngôi chùa làng do nhân dân các làng xây dựng thì nhiều ngôi chùa lớn tầm cỡ quốc gia cũng được triều đình đứng ra đầu tư như: Am – chùa Ngọa vân, chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết …

Năm 1308, ngày 03 tháng 11 Điều ngự Trần Nhân tông nhập cõi niết bàn. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì “ngày mồng 3, thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên TửPháp Loa thiêu (xác thượng hoàng) được hơn ba ngàn xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư[2]. “Tháng 9, ngày 16, rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ thì cất ở Bảo Tháp am Ngọa Vân[3](nay thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều).

Sự kiện này đã đánh dấu sự thay đổi về việc chọn đất để tôn miếu của triều đình. Trước đó, lăng mộ các vua đầu triều đều đưa về an táng tại Quắc Hương (Nam Định) và Thái Đường, Long Hưng (Thái Bình), từ đây triều đình lại trở về quê gốc An Sinh (Đông Triều) và cũng là nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng để tìm nơi cát địa an táng các vị tiên đế khi băng hà.

Năm 1320, ngày 16 tháng 3 thượng hoàng Anh Tông băng. Ngày 12 tháng 12 táng vào Thái lăng ở Yên Sinh

Năm 1357, ngày 19 tháng 2 thượng hoàng Minh Tông băng. Ngày 11 tháng 11 táng vào Mục lăng ở Yên Sinh

Năm 1369, ngày 25 tháng 5 vua Dụ Tông băng. Tháng 11 táng vào Phụ lăng ở Yên Sinh

Năm 1377, vua Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành. Tháng 9 chiêu hồn về chôn Hy lăng ở Đạm Thủy

Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm vào cướp phá, nhà Trần đã cho rước thần tượng của các lăng ở Thái Bình và Nam Định về lăng lớn ở An Sinh, tức là lăng Tư Phúc để thờ cúng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi “Tháng 6, rước tượng thần các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”.[4]

Như vậy, đến năm 1381 thì hầu hết lăng mộ của các vua Trần đều được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều, cùng với việc xây dựng lăng mộ triều đình còn cho xây dựng đền miếu thờ cúng. Các công trình này cùng với hệ thống chùa tháp đã tạo thành một quần thể di tích mang đậm dấu ấn thời Trần, gọi chung là Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Các di tích ở đây gồm có:

 – Lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của hai vua đầu triều là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông được chuyển từ Nam Định và Thái bình về đây năm 1381. Theo nghĩa Hán Việt thìnương nhờ, phúcnhững sự tốt lành, vì vậy tên lăng còn hàm nghĩa là nơi lưu giữ, hoặc là nơi mang đến mọi sự tốt lành.

– Thái lăng (lăng Đồng Thái) là lăng vua Trần Anh Tông (1276 – 1320), vị vua thứ 4 của nhà Trần và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu (vợ ông). Lăng được xây dựng tại xứ đồng Thái nên lấy tên địa danh đặt tên lăng

– Mục lăng (lăng Đồng Mục) là lăng vua Trần Minh Tông (1300-1357), vị vua thứ 5 của nhà Trần. Lăng được xây dựng tại xứ đồng Mục nên lấy tên địa danh đặt tên lăng

– Ngải Sơn lăng (Ngải lăng hay An lăng) là lăng mộ vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 của nhà Trần. Lăng xây dựng tại xứ Ngải sơn ở An Sinh nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. An lăng là tên cũ của lăng ở Thái Bình, an là bình yên, cầu mong sự yên bình.

– Phụ Sơn lăng (Phụ lăng hay Phụ Xứ lăng) là lăng mộ vua Trần Dụ Tông (1336-1369), vị vua đời thứ 7 nhà Trần. Lăng được xây dựng tại gò Phụ xứ nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.

– Nguyên lăng (Đồng Hỷ lăng hay Chiêu lăng) là lăng vua Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8 đời nhà Trần. Nguyên nghĩa là gốc tích, tên lăng được đặt để ghi nhớ sự nghiệp khôi phục lại gốc tích nhà Trần của vua Trần Nghệ Tông. Đồng Hỷ là tên xứ đồng đặt lăng nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. Còn Chiêutự rước họa vào thân, tên Chiêu lăng cũng có ý chỉ về sự sai lầm của vua Trần Nghệ tông khi quá tin tưởng Hồ Quý Ly dẫn đến sự suy vong của nhà Trần.  

– Hy lăng (Đồng Hy lăng) là lăng mộ giả của vua Trần Duệ Tông, sau này xây dựng thêm lăng mộ vua Trần Thuận Tông. Lăng táng tại xứ Đồng Hy nên lấy tên địa danh đặt tên lăng

– Đền An Sinh (vốn là điện An Sinh) được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV, là nơi thờ Ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế (có thể là An Sinh vương Trần Liễu). Đền được xây dựng tại làng An Sinh nên được đặt tên theo tên làng.  

– Đền Thái (Thái tổ miếu, Thái miếu) được xây dựng từ đầu thời Trần và là nơi thờ các vị vua đầu triều của nhà Trần, nhân dân trong vùng thường gọi tắt là đền Thái. Sang thời Nguyễn đền bị hư hỏng, nhân dân xây dựng lại thành đình thờ các vua Trần nên còn gọi là đình Đốc Trại.

– Am Mộc Cảo nghĩa là am cỏ, nơi ở trong 10 năm cuối đời của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông (mẹ của vua Trần Minh Tông). Khi rước linh cữu vua Trần Anh Tông về táng ở Thái lăng, bà đã rời bỏ Kinh thành về đây dựng am cỏ để sinh sống và phụng thờ, chăm sóc lăng mộ của chồng, bà mất vào mùa Thu, tháng 7 năm 1330. Hiện nay ở đây chỉ còn lại dấu tích nền móng.

– Chùa Trung Tiết, theo nghĩa Hán Việt thì “trung” là trung hiếu và “tiết” là tiết nghĩa, tên gọi của chùa hàm ý ca ngợi tấm lòng trung thành của Đặng Tảo và Lê Chung, hai vị bề tôi trung thành của thượng hoàng Trần Anh Tông.

Lúc Thượng hoàng Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Sau khi Thượng Hoàng mất, ông và Gia nhi chủ đô là Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi lăng mộ thượng hoàng là Thái lăng, sau đó dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh để tiện việc chăm sóc. Sau khi Lê Chung và Đặng Tảo chết, cảm động trước lòng trung nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An xây dựng chùa trên khu đất vốn là lều của hai ông và đặt tên là chùa Trung Tiết nhằm ghi nhận tấm lòng của các ông, đồng thời cấp cho ruộng để thờ cúng.

Am – chùa Ngọa Vân. Thời Trần, khi thượng hoàng Trần Nhân Tông đến với núi rừng Yên Tử để tu hành, Người đã tạo dựng ở đây một am nhỏ để tu thiền, sau khi ngài tịch các thế hệ nối tiếp đã xây dựng thêm ở đây nhiều công trình phật giáo phục vụ cho việc hành đạo nên mới gọi là chùa Ngọa Vân.

“Ngọa Vân” nghĩa là nằm trong mây, di tích nằm trên núi Bảo Đài, ở độ cao hơn 600m so với mặt nước biển, xung quanh là thảm thực vật rừng vô cùng phong phú, quanh năm mây bao phủ nên nhân dân ta đặt tên là am – chùa Ngọa Vân.

– Chùa Hồ Thiên, tên chữ là Trù Phong tự. Chùa nằm ở phía nam núi Phật Sơn, xưa thuộc xã Phú Ninh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nay thuộc thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được xây dựng trên núi Trù Phong ở độ cao 580m so với mặt nước biển. Theo nghĩa Hán Việt thì Hồ thiên nghĩa là Hồ nước của trời. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết :” Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần lâu ngày đổ nát, nay vẫn còn dấu vết cũ. Trước chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về“. Vì nằm trên núi cao, lại có hồ sen nên chùa được đặt tên là: chùa Hồ Thiên.

– Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng trên quả đồi thấp, thuộc triền núi vòng cung Đông Triều kéo từ Yên Tử xuống, xung quanh quả đồi là núi non bao bọc trông giống như hình viên ngọc quý giữa rừng nên đặt tên là Quỳnh Lâm. Theo nghĩa Hán Việt thì “Quỳnh” là ngọc mầu đỏ, “Lâm” là rừng. Xưa kia chùa thuộc xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc trung tâm xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Chùa – quán ngọc Thanh, ở đây có cả đạo quán và chùa nên gọi chung là chùa – quán Ngọc Thanh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cả chùa và quán Ngọc Thanh đều được xây dựng vào đời Xương Phù (đời vua Trần Giản Hoàng, (1377 – 1388), Miếu hiệu Phế đế). Sau này đạo lão không còn phát triển nên nhân dân thường gọi chung là chùa Ngọc Thanh. Hiện nay ở đây chỉ còn chùa do nhân dân mới khôi phục lại năm 1990.

b). Tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó.

Di tích lịch sử – Văn hóa Đền, Lăng mộ các vua Trần, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Tên gọi này được Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể Thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng đặc cách là di tích lịch sử cấp quốc gia (số 313VH/QĐ, ngày 28 tháng 4 năm 1962).

  1. Địa điểm và đường đến di tích

a) Địa điểm di tích.

Di tích được phân bố ở các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An của huyện Đông Triều. Huyện Đông Triều nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc giáp huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), phía Tây giáp thị xã Chí Linh (Hải Dương), phía Nam giáp huyện Kinh Môn (Hải Dương), phía Đông giáp thành phố Uông Bí.

Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều tập trung nhiều nhất là ở xã An Sinh (10 di tích), gồm: đền An Sinh, đền Thái, lăng Tư Phúc (lăng vua Trần Thái Tông và lăng vua Trần Thánh Tông), Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông), Mục lăng (lăng vua Trần Minh Tông), Ngải sơn lăng (lăng vua Trần Hiến Tông), Am Mộc Cảo – thôn Trại Lốc; Phụ sơn lăng (lăng vua Trần Dụ tông) và Nguyên lăng (lăng vua Trần Nghệ Tông) – Thôn Bãi Dài; chùa Trung Tiết thôn Nghĩa Hưng. Xã Thủy An có hai di tích là Hy lăng (lăng vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông) và chùa quán Ngọc Thanh. Xã Bình Khê có hai di tích là chùa Ngọa Vân, thôn Tây Sơn và chùa Hồ Thiên, thôn Phú Ninh. Xã Tràng An có một di tích là chùa Quỳnh Lâm.

b) Đường đi đến di tích.

Từ Thành phố Hạ Long đi về hướng Tây Nam khoảng 78 km đến ngã tư thị trấn Đông Triều, hoặc từ Thủ đô Hà Nội đi về hướng Đông Bắc khoảng 100km là đến ngã tư thị trấn Đông Triều. Từ ngã tư, rẽ vào đường Trần Nhân Tông và đi thẳng về phía Bắc, dọc theo đường liên xã 5km vào khu vực đền An Sinh thuộc xã An Sinh, là vị trí trung tâm của khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Từ đây, có các con đường dẫn đến khu di tích lăng mộ, đền thờ các vua nhà Trần và chùa Tuyết ở xã An Sinh, di tích chùa Quỳnh Lâm ở xã Tràng An; các di tích chùa Hồ Thiên và Ngọa Vân ở xã Bình Khê trên dãy núi Yên Tử.

– Từ Đền An Sinh rẽ phải đi tiếp 1,5km, tiếp tục rẽ phải 500m đến chùa Trung Tiết.

– Từ Đền An Sinh rẽ phải đi tiếp 4,5km đến Đền Thái.

– Từ đền Thái đi tiếp 200m rẽ trái 400m là đến Ngải sơn lăng (lăng Trần Hiến Tông). Từ ngải sơn lăng đi tiếp 1 km đến lăng Tư Phúc. Từ lăng Tư Phúc đi tiếp 1 km đến Nguyên lăng. Từ Nguyên lăng rẽ trái 1km đến phụ sơn lăng.

– Từ đền Thái đi tiếp khoảng 400m là đến Thái lăng (Lăng Trần Anh Tông) và Mục lăng (lăng Trần Minh Tông). Từ Thái lăng đi theo sườn núi phía sau lăng khoảng 1km sẽ đến Am mộc cảo, đi tiếp 3km sẽ đến Thông Đàn, đi tiếp 5 km sẽ đến chùa Ngọa Vân . Từ Ngọa Vân đi theo đường mòn khoảng 9km sẽ đến chùa Hồ Thiên.

– Đường lên chùa Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên còn có thể đi theo con đường khác như sau:

+ Từ ngã tư thị Trấn Đông Triều, rẽ phải đi về phía UBND xã Bình Khê 8km, từ UBND xã Bình khê rẽ trái đi khoảng 3 km đến đập Đồng Đò. Từ đập Đồng Đò men theo sườn đồi leo dần lên đỉnh núi Ngọa Vân khoảng 5km là đến di tích.

Hoặc có thể đi theo con đường mòn từ thời Trần là con đường đi từ đền Thái, men theo suối Phủ Am Trà qua Tàn Lọng, đến Đô Kiệu, qua Thông Đàn đến Ngọa Vân.

+ Từ ngã tư thị Trấn Đông Triều, rẽ phải đi về phía UBND xã Bình Khê 8km, từ UBND xã Bình khê, đi khoảng 3 km đến trung tâm thôn Phú Ninh, Từ đây theo đường sỏi đá khoảng 4km đến Trạm Kiểm lâm của huyện, tiếp tục rẽ trái khoảng 6km nữa tới Bãi Bằng, tiếp leo lên đỉnh núi khoảng 3km là đến di tích.

– Đường vào di tích chùa quán Ngọc Thanh và Hy lăng thì thuận lợi hơn. Từ Thành phố Hạ Long theo quốc lộ 18 đi về phía Tây Nam 83km đến địa phận xã Thủy An, rẽ trái vào làng An Biên 2km vào chân núi Đạm Thủy là đến di tích. Nếu từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 18 về phía Đông Bắc 95 km, đến địa phận xã Thủy An, rẽ phải vào làng An Biên 2km vào chân núi Đạm Thủy là đến di tích.

– Đường vào di tích Quỳnh Lâm có thể đi theo hai đường. Từ ngã tư thị Trấn rẽ vào đường Trần Nhân Tông 1km, rẽ phải đi tiếp 2,5 km đến xã Tràng An, rẽ trái đi tiếp 500m là đến chùa. Hoặc đi theo đường vào đền An sinh khoảng 4 km rẽ phải đi theo đường liên xã khoảng 1km là đến chùa.

  1. Phân loại di tích

Đông Triều là vùng đất gắn bó mật thiết với lịch sử, văn hoá nhà Trần, một vương triều nổi tiếng với những chiến công hiển hách trong lịch sử Đại Việt. Đây không chỉ là quê gốc của nhà Trần, là đất thang mộc của nhà Trần phong cho An Sinh Vương Trần Liễu mà đây còn là một trung tâm văn hoá tâm linh tiêu biểu, nơi xây dựng lăng mộ của các vị Hoàng đế (Lăng Tư Phúc, Thái lăng, Mục lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Hy lăng) và nhiều công trình tôn giáo linh thiêng khác liên quan đến lịch sử nhà Trần như Am – chùa Ngoạ Vân, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và hoá Phật; chùa Quỳnh Lâm, Thiền viện của Thiền phái Trúc Lâm; chùa Hồ Thiên, chốn tu hành của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm.

Do đó, khi nói đến Đông Triều là nói tới quần thể lăng mộ của các vua Trần và hệ thống kiến trúc tôn giáo liên quan đến lịch sử nhà Trần, đến hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Vì thế từ lâu, Đông Triều đã trở thành một trung tâm lịch sử, văn hoá tâm linh tiêu biểu và đặc sắc, duy nhất, lớn nhất của triều đại nhà Trần. Trong nền cảnh không gian đó, Đông Triều – Yên Tử còn được xem như là Kinh đô Phật giáo, trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Với đặc điểm nêu trên, Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều thuộc loại Di tích lịch sử.

  1. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

Vương triều Trần là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trị vì đất nước 175 năm (1225 đến năm 1400). Là triều đại lập nhiều chiến công vang dội trong sự nghiệp bảo vệ đất nước: Ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông – đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thời trung cổ. Sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, nhà Trần tích cực mở mang bờ cõi, xây dựng nền chính trị ổn định, chỉnh đốn luật lệ, coi trọng việc học hành thi cử; xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Nhà nước trung ương tập quyền  ban hành các chính sách khuyến nông như đào sông, đắp đê vệ nông, khai khẩn đất hoang… tạo lập được nhiều làng xã mới, mở mang thêm cảng Vân Đồn giao thương với các nước xa gần, làm vẻ vang giống nòi, giữ vững nền độc lập dân tộc, non sông đất nước được rạng danh.

Triều Trần còn là triều đại đã khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với chủ trương cư  trần lạc đạo, làm nền tảng tư tưởng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Là triều đại đã để lại cho chúng ta nhiều di sản văn hóa dân tộc đặc sắc cả về loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Quê gốc của vương triều Trần là Đông Triều. Theo các nguồn tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần thì tổ tiên nhà Trần nhiều đời cư trú ở An Sinh (Đời vua Trần Dụ Tông đổi thành Đông Triều), đàn bà làm nghề canh tác ruộng vườn và dệt cửi. Đàn ông làm nghề chài lưới, người nào cũng có sức vóc khoẻ mạnh và tinh giỏi võ nghệ để chống chọi với cướp biển. Các cụ tổ họ Trần khi còn ở An Sinh đã cho xây dựng một ngôi chùa thờ Phật để bà con trong họ có chỗ quây quần đoàn tụ vào những dịp lễ tết và các ngày sóc, vọng trong năm gọi là khu “An lạc viên”. Vào khoảng thế kỷ XII, cụ Trần Kinh, một người thuộc dòng họ Trần ở An Sinh, nhân khi đi xa để đánh bắt cá và bán hải sản, thấy vùng ven biển ở lộ Thiên Trường có nhiều đất bồi có thể khai thác thành ruộng vườn để canh tác, với suy nghĩ cần phải có thêm đồng ruộng để cày cấy nhằm tăng thêm nguồn lương thực và ổn định cuộc sống cho những người ở nhà, ông đã huy động những người làm thuyền trong nhà và mộ thêm lưu dân đưa đến vùng đất này đắp đê, khai sông, tạo thành đồng ruộng phì nhiêu để canh tác và ổn định cuộc sống. Sau một thời gian ngắn, vùng đất này đã trở thành làng mạc trù phú, ông cho đặt tên là Tức Mặc rồi thiên cư lập nghiệp ở đây (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)[5].

Tại vùng đất Tức Mặc, dòng họ Trần vẫn tiếp tục canh tác ruộng đồng kết hợp với nghề chài lưới để duy trì cuộc sống. Trong những năm tháng lênh đênh sông nước để đánh bắt hải sản, các cụ thứ tổ họ Trần lại tìm được nơi cát địa ở vùng đất Long Hưng (Thái Bình) nên đã chuyển phần mộ cha ông về đó, đồng thời chi trưởng của họ Trần là Trần Hấp cũng chuyển gia đình về định cư lâu dài để tiện chăm sóc phần mộ và mở mang thêm đồng đất canh tác. Kinh tế của gia tộc họ Trần ngày càng phát triển, trở thành một dòng họ có thế lực mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị. Khi triều đình nhà Lý suy yếu không còn đủ tài sức để cáng đáng việc chăn trị muôn dân thì cũng là lúc các danh nhân triều Trần toả sáng, quyền lực quản lý đất nước dần được chuyển giao sang nhà Trần. Năm 1225 nhà Trần phát tích đế vương.

Việc phát tích đế vương của nhà Trần có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, nội dung đều nói về việc sau khi về vùng đất Tức Mặc sinh sống, đàn bà trong họ vẫn làm nghề canh tác ruộng vườn và dệt cửi, đàn ông vẫn tiếp tục làm nghề chài lưới. Trong một lần đánh cá ở ngã ba sông (vùng Hưng Yên, Thái Bình ngày nay) cụ Trần Hấp (con cụ Trần Kinh) đã vớt và cứu sống một thày địa lý sắp chết đuối. Để trả ơn cứu mạng, thầy địa lý đã chỉ cho cụ Trần Hấp khu đất có huyệt đế vương tại địa phận xã Thái Đường (Hưng Nhân, Thái Bình) và căn dặn cách để mộ. Cụ Trần Hấp đã thực hiện việc chuyển mộ thân phụ sang Thái Đường và chuyển nhà sang vùng Hải ấp (Hưng Hà, Thái Bình) để tiện việc chăm sóc phần mộ và cũng là để tiện cho việc làm ăn. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Mộ tổ nhà Trần ở xã Thái Đường, huyện Hưng Nhân. Nguyên tổ tiên nhà Trần làm nghề chài cá, có thầy địa lý phương Bắc sang nước ta tìm đất để mộ cho tiên tổ Nguyễn Cố, người xã Tây Vệ, Nguyễn Cố đem lòng bội bạc trói thầy địa lý quăng xuống sông, may lúc gặp thuỷ triều xuống, nên thầy không chết. Trần Công đương đánh cá, thấy người kêu gọi, liền đến cởi trói cho và hỏi duyên cớ. Thầy địa lý đem việc bị hãm hại bày tỏ và nói: “Tôi đội ơn cứu vớt sống lại, xin tìm một cát địa để báo ơn”. Do đấy thầy địa lý giúp Trần Công để mộ tổ ở đây.”[6] 

Tộc phả họ Trần được lập từ thời cụ Trần Hấp có ghi như sau: Trần Hấp (con cụ Trần Kinh) sinh được hai trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị. Cụ Trần Lý sinh được hai trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, hai gái là Trần Tam Nương và Trần Thị Dung. Cả bốn người con của cụ đều là những người mưu lược, ý chí hơn người, bởi vậy sau này đã có những vị trí quan trọng trong triều đình nhà Lý. Trần Hoằng Nghị sinh được hai con trai là Trần thủ Độ và Trần An Quốc, hai người con của cụ sau cũng là những trụ cột của triều đình và là những người có công đầu lập nên triều đại nhà Trần.

Lịch sử ghi nhận, cuối triều Lý, cơ nghiệp nhà Lý trở nên suy đồi, năm 1208, dưới triều Lý Cao Tông (Lý Long Cán), đói kém liên miên, giặc cướp nổi lên như ong, trong đó mạnh nhất là loạn Quách Bốc, vua Cao Tông phải đem gia quyến chạy lên vùng Tam Nông (Vĩnh Phú), Thái tử Sảm theo Tô Trung Tự chạy về Hải ấp ở nhờ nhà Trần Lý. Thái tử sảm thấy Trần Thị Dung, con gái Trần Lý xinh đẹp thì lấy làm vợ rồi phong Trần Lý tước Minh Tự. Phong cho Tô Trung Tự, cậu ruột Trần thị Dung, chức điện tiền chỉ huy sứ. Anh em họ Trần là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ[7] đứng ra chiêu mộ quân giúp Thái Tử Sảm khôi phục nhà Lý rồi lên Tam Nông rước Cao Tông về kinh đô.

Năm 1210, Lý Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Huệ Tông, lập Trần Thị Dung làm nguyên phi. Phong cho Trần Tự Khánh làm Chương Tín hầu, Tô Trung Tự làm Thái úy, Trần Thừa làm Nội Thị Phán thủ.

Năm 1223, Trần Tự Khánh mất, Trần Thừa được phong làm Phụ quốc thái úy, Trần Thủ Độ làm chức điện tiền chỉ huy sứ. Từ đấy mọi công việc trong triều đình đều do Thủ Độ cáng đáng định đoạt.

Thời gian này, kinh tế đất nước suy  thoái, thiên tai mất mùa liên tiếp, đời sống nhân dân cực khổ, ngoài biên ải đế quốc Nguyên Mông đã chiếm hầu hết Châu Âu đến tận Hắc Hải, đang xâm chiếm nhà Tống và chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Trước tình hình nguy ngập đó, nếu cứ để Triều đình nhà Lý đã suy yếu lãnh đạo đất nước thì sẽ không thể tránh khỏi họa giệt vong, Trần Thủ Độ đã khéo léo sắp xếp cho vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái nhằm chuẩn bị kế hoạch thay đổi triều đại một cách khôn khéo. Tháng 10 năm 1224, vua Lý Huệ Tông theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ đã nhường ngôi cho Chiêu Thánh công chúa rồi vào tu tại chùa Chân giáo.

Tháng chạp năm 1225, với sự sắp xếp tài tình của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của Triều Lý) kết hôn cùng Trần Cảnh và làm lễ nhường ngôi cho chồng, thực hiện sự chuyển giao triều đại một cách êm đẹp, kết thúc 125 năm trị vì đất nước của nhà Lý. Trần Cảnh lên ngôi đổi niên hiệu là Kiến Trung, phong Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng hậu, mời Thánh phụ (Trần Thừa) nhiếp chính. Trần Thủ Độ làm quốc thượng phủ, chưởng lý thiên hạ sự, xếp đặt mọi việc trong nước.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý (năm 1218). Vua mũi cao, mặt rộng, giống như Hán Cao Tổ. Khi mới 8 tuổi, làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý. Vì có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, nên vua được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua thì ưa. Năm ất Dậu (1225), mùa đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần, nhận thiên vị của Chiêu Hoàng, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung.”[8]

Năm 1237, Chiêu Thánh hoàng hậu lấy vua Trần Cảnh đã mười hai năm mà vẫn chưa có con, Trần Thủ Độ sợ điều tiếng rằng họ Trần do kém phúc đức không xứng đáng trị vì đất nước nên đã ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh (giáng xuống làm công chúa rồi gả cho tướng Lê Phụ Trần  tức Lê Tần) và ép vua lấy chị gái của Chiêu Thánh là công chúa Thuận Thiên (vợ của Trần Liễu, anh trai Trần Cảnh lúc này đã có mang ba tháng) về làm hoàng hậu. Trần Liễu tức giận bèn tụ tập nhiều người ra sông Cái nổi loạn, sau mươi ngày Trần Liễu biết việc mình làm không thể thành công được nên nhân khi vua ra chơi thuyền ngoài sông đã giả dạng làm người đánh cá, lẻn đi thuyền độc mộc đến xin hàng. Hai anh em ôm nhau mà khóc, Thủ Độ nghe tin đến tuốt gươm toan giết Liễu, nhà vua vội đẩy Liễu vào trong, tự đưa thân mình đỡ cho anh. Thủ Độ rất giận dữ, nhà vua phải van nài mãi mới thôi. Sau đó, Trần Cảnh đã lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang ban cho Trần Liễu làm  ấp thang mộc (trong đó có đất Đông Triều ngày nay).

Như vậy, Đông Triều vốn là quê gốc của nhà Trần, sau đó vua Trần Thái Tông lại ban vùng đất này cho anh trai là Trần Liễu làm ấp thang mộc. Vì vậy, sau khi vua Trần Nhân Tông đến tu hành, đắc đạo và tạo dựng lên phái Phật Thiền Trúc lâm Yên Tử thì triều đình đã rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đền, miếu, chùa, tháp ở đây. Đặc biệt từ đời vua thứ tư (đời vua Trần Anh Tông) trở về sau triều đình đã chọn vùng đất này để xây dựng lăng miếu an táng và thờ tự các vị tiên đế. Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm vào cướp phá, triều đình đã cho chuyển thần tượng các lăng ở Quắc Hương và Thái Đường về An Sinh. Vì vậy đến cuối thế kỷ XIV, thì Đông Triều đã trở thành vùng thánh địa linh thiêng tồn tại nhiều công trình đền miếu lăng mộ chùa tháp được tạo dựng ở thời nhà Trần. Có thể chia các công trình này thành ba nhóm kiến trúc sau:

Nhóm thứ nhất: Hệ thống di tích lăng mộ các vua nhà Trần

Nhóm di tích này nằm trong quần thể các di tích đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia ngay từ đợt đầu tiên, ngày 28/4/1962 tại Quyết định số 313/VH-VP cùng với di tích đền An Sinh. Các di tích lăng mộ ở đây gồm có:

– Lăng Tư Phúc. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1381, để tránh việc quân Chiêm Thành tàn phá lăng tẩm, nhà Trần đã cho chuyển thần tượng của các lăng ở Giác Hương (Mỹ Lộc, Nam Định), Thái Đường, Long Hưng (Thái Bình) đưa về lăng lớn ở Yên Sinh. Lăng lớn này chính là lăng Tư Phúc. Đây là nơi thờ thần vị của hai vua đầu triều là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

+ Trần Thái Tông tên thật là Trần Bồ sau đổi thành Trần Cảnh, ông là con thứ của Trần Thừa, một người nhiều mưu lược, giữ chức Nội thị khán thủ dưới triều Lý. Trần Thái Tông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), nhờ sự giúp đỡ của chú là Trần Thủ Độ, ông vào làm Chi Hậu chính triều Lý rồi kết duyên với vua Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, ông được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ tay nhà Lý (1009-1225) sang nhà Trần. Trần Thái Tông ở ngôi hơn 32 năm (1225-1259), làm Thái Thượng hoàng 19 năm, ông mất ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) tại cung Vạn Thọ, thọ 60 tuổi.

Trần Thái Tông là vị vua mở nghiệp nhà Trần, triều đại cực thịnh trong lịch sử dân tộc. Ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông lần thứ nhất năm 1258.

Năm 1277, sau khi vua mất ở cung Vạn Thọ, triều đình đưa về an táng tại Chiêu Lăng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1381, thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.

+ Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai của triều Trần, tên húy là Trần Hoảng, ông là con trưởng của vua Trần Thái Tông, sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (1240). Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Thân (1258), sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông lần thứ nhất, Trần Thánh Tông được vua cha Trần Thái Tông nhường ngôi, đổi niên hiệu là Thiệu Phong, xưng làm Nhân Hoàng, tôn vua cha thành Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng hoàng. Vua ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng hoàng 12 năm, mất ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (1290) tại cung Nhân Thọ, thọ 51 tuổi.

Trần Thánh Tông là vị vua văn võ song toàn, người đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288), làm lên một Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử. Ông còn là một nhà thơ tài ba và đặc biệt còn là người nghiên cứu uyên thâm giáo lý, kinh sách của đạo Phật.

Năm 1290, sau khi vua mất ở cung Nhân Thọ, triều đình đưa về an táng vào Dụ lăng ở Tam Đường (Thái Bình). Năm 1381, thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.

– Thái lăng (lăng Đồng Thái) là lăng vua Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 của nhà Trần và phụ táng vợ ông là Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng hậu. Trần Anh Tông tên húy là Trần Thuyên, con trai của vua Trần Nhân Tông, sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tý (1276). Năm mười bảy tuổi (1293), Trần Anh Tông được vua cha truyền ngôi, ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng hoàng 6 năm. Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320) vua băng tại cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường, thọ 47 tuổi. Ngày 12 tháng 12 cùng năm đó được táng tại Thái lăng.

Trần Anh Tông được sử sách ngợi ca là người có tính tình đôn hậu, đức độ và quyết đoán trong công việc. Nhờ “khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên bấy giờ nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật chế độ dần dần thịnh lên”. Nhà Trần dưới thời trị vì của Trần Anh Tông đất nước thái bình, thịnh trị, bờ cõi được mở rộng, các mặt kinh tế, văn hóa đều phát triển.

– Mục lăng (lăng Đồng Mục) là lăng vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 của nhà Trần, tên huý là Trần Mạnh. Ông sinh ngày 21 tháng 8 năm Canh Tý (1300), lên ngôi năm 14 tuổi (Giáp Dần – 1314), ở ngôi 15 năm, làm Thái Thượng Hoàng 28 năm. Vua là người có đức độ, tài năng, đem văn minh sửa sang đạo trị nước, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, giữ nghiêm kỷ cương, trong yên ngoài phục, làm rạng rỡ cho cơ nghiệp nhà Trần, giữ cho đất nước được bình yên. Mùa Xuân, ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357) băng tại cung Bảo Nguyên, thọ 58 tuổi. Ngày 11 tháng 11 cùng năm đó được táng vào Mục lăng ở An Sinh.

Vua Trần Minh Tông được sử sách ca ngợi là người: “Đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục”.

– Ngải Sơn lăng (còn gọi: Ngải lăng; An lăng hoặc Xương An lăng) là lăng mộ vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 nhà Trần, tên húy là Trần Vượng, con thứ tư của vua Trần Minh Tông, sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1319). Năm 10 tuổi được vua cha truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (1341) thọ 23 tuổi. Ngày 15 tháng 8 cùng năm đó được táng vào An lăng ở Kiến Xương. Năm 1381 chuyển về Ngải Sơn lăng ở An Sinh. Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi: “Ngày 15, an táng Hiến Tông vào An Lăng ở Kiến Xương”… ” Tháng 6 rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng  lớn ở Yên Sinh”.  

Vua lên ngôi khi còn trẻ tuổi và lại mất sớm nên việc điều khiển triều chính, dẹp loạn và giữ yên bờ cõi đều do Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông đảm nhận.

– Phụ Sơn lăng (còn gọi: Phụ lăng hay Phụ Xứ lăng) là lăng mộ vua Trần Dụ Tông, vị vua đời thứ 7 nhà Trần, tên huý là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý (1336), lên ngôi năm 6 tuổi (1341), ở ngôi 28 năm. Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Mùa Hạ, ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1369) băng ở chính tẩm, thọ 34 tuổi. Tháng 11 năm ấy táng vào Phụ Sơn lăng ở An Sinh.

– Nguyên lăng (còn gọi Đồng Hỷ lăng hay Chiêu lăng) là lăng vua Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8 đời nhà Trần, tên húy là Trần Phủ, sinh tháng 12 năm Tân Dậu (1321), là con thứ 3 của vua Trần Minh Tông. Trước khi làm vua, ông được phong tước Cung Định vương, khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi ông đứng đầu hàng Tôn thất, cầm quân tiến về Thăng Long, giành lại ngôi báu năm 1370, ở ngôi 3 năm (1370-1372), sau đó nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức Trần Duệ Tông, làm Thái Thượng hoàng 21 năm. Ông mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394), thọ 74 tuổi, táng tại Nguyên lăng ở An Sinh.

Mặc dù là người có công lấy lại ngôi báu từ tay của Dương Nhật Lễ nhưng với tính cách nhu nhược và thiếu bản lĩnh vua Trần Nghệ Tông đã để quyền lực triều chính dần rơi vào tay Hồ Quý Ly, biên cương bờ cõi bị Chiêm Thành quấy phá, Kinh đô Thăng Long nhiều lần rơi vào tay giặc. Chính ông cùng với vua em là Trần Dụ Tông trước đó là hai vị vua đem lại sự suy vong cho triều đại nhà Trần.

– Hy lăng (Đồng Hy lăng) là lăng mộ giả của vua Trần Duệ Tông và phụ táng lăng mộ vua trần Thuận Tông.

+ Trần Duệ Tông là vua thứ 9 của nhà Trần, tên húy là Trần Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông, là em của 3 vị vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông. Ông sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), năm 1372 được vua anh là Trần Nghệ Tông nhường ngôi, ở ngôi 6 năm, ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1377) tử trận tại thành Đồ Bàn (Vijaya, Bình Định), thọ 41 tuổi.

Trần Duệ Tông là vị vua có cá tính mạnh mẽ, mang hoài bão trấn hưng quốc gia. Năm 1372, sau khi được vua anh Trần Nghệ Tông nhường ngôi, ông để tâm lo toan việc trị nước, kén tướng luyện quân, đặt khoa thi, lấy người tài như Đào Sư Tích, đồng thời vừa chú trọng đề cao ý thức dân tộc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, vừa biểu hiện ý thức tự lập, tự cường. Ông lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc, không bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.

Tuy nhiên, vì quá nôn nóng trong việc tiêu diệt họa xâm lấn của người Chiêm, Trần Duệ Tông đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành, mắc kế phục binh của Chế Bồng Nga và bị tử nạn tại thành Đồ Bàn. Cái chết của vua Trần Duệ Tông là bước ngoặt lớn đối với nhà Trần thời hậu kỳ.

Năm 1377, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thấy ông vì nước mà bỏ mình nên chiêu hồn về Hy lăng và cho lập con trưởng của ông là Kiến Đức đại vương nối nghiệp nhà Trần, tức là Trần Giản Hoàng, miếu hiệu là Trần Phế Đế.

+ Trần Thuận Tông tên húy là Trần Ngung, con út của Nghệ tông, sinh tháng 10 năm 1378. Lên ngôi năm 10 tuổi, tự xưng là Nguyên Hoàng, ở ngôi hơn 9 năm. Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, việc nước trong tay quyền thần là Hồ Quý ly. Ngày 15 tháng 3 năm 1398 Hồ Quý Ly lập mưu cướp ngôi nên ép vua nhường ngôi cho con là Hoàng Thái tử An lúc đó mới 3 tuổi, còn vua phải xuất gia theo đạo giáo.

Tháng 4 năm 1399, Quý Ly bức vua phải xuất gia thờ đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thôn Đạm Thủy và sai người hại chết, chôn ở lăng Yên Sinh Miếu hiệu là Thuận Tông. 

Nhóm thứ hai: Hệ thống di tích đền miếu thờ các vua nhà Trần

Đền An Sinh (Điện An Sinh) thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia ngay từ đợt đầu tiên ngày 28/4/1962, cùng với chùa Một Cột và Vịnh Hạ Long.

Theo thư tịch, bia ký và lệnh chỉ lưu giữ tại đây thì đền An Sinh vốn là điện An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIV). Là nơi thờ Ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế (có thể là An Sinh vương Trần Liễu).

Dưới các thời Lê, Nguyễn dân xã An Sinh là “dân hộ nhi” được trừ mọi khoản thuế phu dịch để phụng sự lăng tẩm, bao gồm cả chùa Ngọa Vân và chùa Tư Phúc. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, điện An Sinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên di tích không còn nguyên gốc nữa.

Trong những năm 1958-1975, khu vực điện An Sinh trở thành Trường học của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Năm 1997-2000, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích điện An Sinh, Uỷ ban Nhân dân huyện Đông Triều đã trùng tu tôn tạo lại di tích trên khu vực nền điện cũ, gọi là đền An Sinh và đặt tượng thờ 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ ở An Sinh gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Giản Định ở Hậu cung. Khu vực Trung đường đặt  tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng kiệt xuất thời Trần.

Đền Thái được xây dựng vào đầu thời Trần, tương truyền là nơi thờ tiên tổ  nhà Trần.

Dựa trên kết quả khai quật khảo cổ và kết quả Hội thảo khoa học về di tích Đền Thái thì Đền Thái vốn là Tiên Miếu (hay Tổ Miếu) do An Sinh Vương Trần Liễu xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIII, khi ông được ban ấp thang mộc ở An Sinh. Ban đầu, Tổ Miếu chỉ là nơi thờ tổ tiên nhà Trần và Trần Thừa (cha đẻ của Trần Liễu và vua Trần Thái Tông). Nhưng về sau, do An Sinh là quê gốc của nhà Trần nên sau khi băng hà, bài vị của các vua Trần tiếp tục được thờ cúng ở đây, vì thế Tiên Miếu trở thành Thái Miếu.

Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt sau 20 năm thuộc Minh, Thái Miếu đã bị hoang phế, chức năng tuy vẫn được nhớ đến (nơi thờ các vua Trần) nhưng tên gọi đã biến đổi từ Miếu thành Đền. Thời Nguyễn, nhân dân di cư đến khu vực này sinh sống, thành lập làng Đốc Trại (nay là Trại Lốc) và đã xây dựng tại đây một ngôi đình, gọi là đình Đốc Trại. Đình thờ 8 vị vua Trần và được triều đình ban sắc là Thành hoàng của làng Đốc Trại.

Am Mộc Cảo là nơi ở vào cuối đời của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông, mẹ của vua Trần Minh Tông.

Bà được sử sách ngợi ca là người có bản tính nhân từ, là bậc đứng đầu mẫu đức. Từ khi rước linh cữu vua Trần Anh Tông về táng ở Thái lăng, bà đã rời bỏ Kinh thành về sinh sống ở Am Mộc Cảo để phụng thờ và chăm sóc lăng mộ của chồng. Bà sống đạm bạc ở đây trong suốt 10 năm rồi mất vào mùa Thu, tháng 7 năm 1330.

Nhóm thứ ba: Hệ thống di tích chùa tháp

Bên cạnh di tích lăng mộ của các vị hoàng đế nhà Trần, Đông Triều còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá quan trọng liên quan đến nhà Trần như chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Hồ Thiên, chùa quán Ngọc Thanh và đặc biệt nổi tiếng là di tích Am và chùa Ngoạ Vân trên dãy núi Yên Tử (địa phận huyện Đông Triều).

Am – chùa Ngọa Vân

Khu di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 55/2006/QĐ-VHTT, ngày 29/5/2006.

Am Ngọa Vân xưa là nơi Đức vua – Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – Đệ Nhất Tổ thiền phái Trúc Lâm tu hành và hóa Phật.

Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), là vị vua thứ 3 của triều nhà Trần. Ông là Hoàng thái tử của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi nǎm 21 tuổi (1279), làm vua 14 nǎm, đến 35 tuổi thì nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng. Ông được sử sách ngợi ca là một trong những hoàng đế anh minh, hiền tài nhất trong lịch sử Đại Việt. Dưới sự dẫn dắt của ông, triều đại nhà Trần trở thành một trong những triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Đại Việt. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, đế quốc cường bạo nhất thế giới thời bấy giờ và đã giành được thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi từ hai cuộc kháng chiến thần thánh này đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng nền văn hóa Đại Việt phát triển hưng thịnh.

Sau 15 năm từ khi lên ngôi, vào thời điểm đang ở đỉnh cao của quyền lực, năm 1293, Trần Nhân Tông đã quyết định nhường lại ngôi báu cho con trai để sau đó một thời gian (1299), Ngài quyết định xuất gia để trở thành một nhà tu hành. Ngài đã để tâm vào Phật giáo nghiên cứu những lẽ huyền vi để hệ thống các quan điểm và là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Nền tảng căn bản của Thiền phái này là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn. Từ đây, Trần Nhân Tông đã vượt lên khỏi tầm vóc của một vị vua anh minh, một nhà quân sự lỗi lạc để trở thành một nhà tư tưởng có tầm vóc vượt thời đại. Tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông được giới khoa học ngày nay đánh giá là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.

Năm 1306, Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông vào tu tại Am Ngoạ Vân, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Ông mất ngày 03 tháng 11 năm 1308, thọ 51 tuổi, băng ở Am Ngoạ Vân, núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử, táng tại tháp Phật Hoàng ở núi này (Đây cũng là công trình tháp mộ vua Trần đầu tiên được xây dựng ở Đông Triều); Một phần xá lị được đưa về táng ở lăng Quy Đức (Thái Bình); một phần táng ở tháp chùa Phổ Minh (Nam Định); một phần ở tháp Huệ Quang, chùa Yên Tử. “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng, sáng ngời thủa trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. Ông chính là linh hồn của hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285 và 1288; là người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức và động viên toàn dân tham gia kháng chiến lập nên chiến công vĩ đại này

Hiện nay, trên chùa Ngoạ Vân quanh năm mây phủ vẫn còn đó Am nơi Trần Nhân Tông tu hành và tháp đá cao sừng sững bên sườn núi, trên khắc ghi chữ Hán “Phật Hoàng tháp”, nơi đặt xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Chùa Hồ Thiên

Chùa được khởi dựng dưới thời Trần do Thiền sư Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng. Văn bia chùa Thanh Mai và sách Tam tổ thực lục cho biết, năm Khai Thái thứ 4 (1327) dưới thời vua Trần Minh Tông, Phổ Tuệ Minh giác tôn giả (Pháp Loa) cho mở am Hồ Thiên và am Bác Mã (nay là chùa Bác Mã, xã Bình Dương), trong đó tại Hồ Thiên ngài cho xây 1 toà bảo tháp bằng đất nung.

Tương truyền, dưới thời Trần, Hồ Thiên là chốn tu hành của các vị cao tăng. Sau khi kết thúc khóa học ở Quỳnh Lâm Viện, các cao tăng được chuyển về Hồ Thiên để tiếp tục tu hành.

Di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 56/2006/QĐ-VHTT, ngày 29/5/2006.

Chùa Quỳnh Lâm

Di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ-VHTT, ngày 15/11/1991.

Theo thư tịch và tài liệu văn bia, Tương truyền chùa được xây dựng từ trước thời Lý, vào thời Lý nhà sư Nguyễn Minh Không đã đúc ở đây một pho tượng Di Lặc bằng đồng rất lớn, tượng cao 6 trượng (khoảng 20m), được mệnh danh là một trong tứ đại khí của An Nam lúc bấy giờ. Pho tượng này đặt trong tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23m) nên người đi đường đứng ở bến An Lâm (bến Triều ngày nay) còn nhìn rõ nóc điện.  

Thời Trần, chùa Quỳnh Lâm được xây dựng khang trang trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Đặc biệt thời kỳ Pháp Loa (tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) làm chủ giáo hội Phật giáo, năm 1317, ông cho mở mang và xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Bấy giờ, Quỳnh Lâm không đơn thuần là một ngôi chùa thờ Phật mà đã trở thành một tự viện lớn có khu học đường, thư viện… Đồng thời, đây còn là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn như vận động tăng nhân, phật tử trích máu để in 5000 cuốn kinh Đại tạng và lưu giữ tại Quỳnh Lâm năm 1319; tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật. Năm 1328, Pháp Loa lại cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (khoảng 4,28m). Ngoài ra, Quỳnh Lâm cũng là nơi Pháp Loa giảng hội kinh Hoa Nghiêm. Các vua Trần, các vương hầu, quý tộc nhà Trần cũng thường xuyên lui tới. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (cháu nội của Trần Hưng Đạo) còn cùng các nhà thơ Nguyễn Xưởng, Nguyễn Úc … lập ở Quỳnh Lâm “Bích động thi xã” để ngày ngày tới chùa làm thơ ngâm vịnh. Văn bia ở chùa chùa ghi: vào đời Trần Minh Tông (1329) Quỳnh Lâm trở thành “đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”.

Đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa đã bị phá hủy gần hết. Sau này chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo lại.

Dưới thời Lê, thiền sư Chân Nguyên người phục hưng Thiền phái Trúc Lâm đã cho tôn tạo và xây dựng lại Quỳnh Lâm.

Đến thời Lê Trung Hưng, triều đình và trực tiếp là chúa Trịnh đã cấp tiền và huy động dân thuộc ba huyện Đông Triều, Chí Linh và Thuỷ Đường tham gia xây dựng chùa. Việc trùng tu tôn tạo kéo dài hơn 10 năm, tiêu tốn nhiều tiền của, vật lực nhưng công trình vẫn chưa hoàn thànhthì xảy ra các cuộc nổi dậy của dân trong vùng nên dừng lại. Tuy nhiên đợt trùng tu này đã làm cho chùa rất lộng lẫy, khang trang, rộng lớn.  

Năm 1820, sau một thời gian dài tồn tại, triều đình nhà Nguyễn đã cho trùng tu, tôn tạo lại chùa.

Vào cuối năm 1910, do sơ suất chùa bị cháy lớn, trận cháy xảy ra vào lúc nửa đêm, chùa lại ở xa làng nên lúc mọi người đến cứu thì đã muộn. Lửa cháy đã thiêu hủy hết nhà cửa, tượng đài, gác chuông, gác trống….

Sau hỏa hoạn nhân dân thập phương lại quyên góp tiền của tu sửa lại, nhưng đến năm 1947, thực dân Pháp ném bom phá huỷ hoàn toàn ngôi chùa.

Năm 1997, huyện Đông Triều đã huy động các nguồn lực, tổ chức trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm như ngày nay.

Chùa Trung Tiết

Chùa là nơi thờ Phật và thờ hai vị bề tôi trung thành của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì lúc Thượng hoàng Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Sau khi Thượng Hoàng Trần Anh Tông mất, ông và Gia nhi chủ đô là Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi Thái lăng. Để dồn hết tâm sức vào việc trông coi lăng tẩm, hai ông đã dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh. Sau khi Lê Chung và Đặng Tảo chết, cảm động trước lòng trung nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An xây dựng chùa trên khu đất vốn là lều của hai ông và đặt tên là chùa Trung Tiết (trung hiếu và tiết nghĩa) nhằm ghi nhận tấm lòng của các ông, đồng thời cấp cho ruộng để thờ cúng.

Đức hiếu trung của Đặng Tảo và Lê Chung đã được chính sử dành cho 240 chữ ghi chép, được Trần Nghệ Tông thời Trần và Bảo Đại thời Nguyễn tôn vinh công trạng, tên được ghi trong sử, khắc vào bia đá.

 Chùa hiện nay là những công trình được xây dựng cuối thời Nguyễn. Các dấu vết kiến trúc thời Trần và các thời khác đều đã bị phá hủy, chôn vùi dưới lòng đất, song quanh khuôn viên chùa vẫn tìm thấy các di vật của thời Trần, đặc biệt là những tượng đầu rồng có kích thước lớn dùng để trang trí trên mái kiến trúc cùng những chân tảng đá kê cột gỗ chạm cánh hoa sen phản ánh diện mạo và quy mô của chùa dưới thời Trần là khá lớn.

Năm 2012, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã công nhận chùa Trung Tiết là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.

Chùa (quán) Ngọc Thanh.

Thời Trần nơi đây có cả đạo quán và chùa nên gọi chung là chùa – quán Ngọc Thanh. Về sau đạo giáo suy thoái, quán Ngọc Thanh không còn được duy trì nên chỉ còn lại chùa. Hiện nay ở đây chỉ còn ngôi chùa do nhân dân mới khôi phục lại năm 1990.

Kết luận: Như vậy là đến cuối thế kỷ XIV, vùng đất cổ An Sinh đã trở thành một vùng thánh địa linh thiêng của vương triều Trần. Ở đó nhà Trần đã cho xây dựng những công trình đền chùa lăng miếu cổ kính nổi tiếng về qui mô kiến trúc cũng như bề dày lịch sử mà dấu ấn của nó vẫn thể hiện được bản sắc văn hoá độc đáo của một triều đại đã làm rạng danh non sông đất nước. Hiện nay, các công trình này đã bị tàn phá nghiêm trọng về bề nổi, nhưng những bí ẩn còn lưu giữ trong lòng đất nơi đây vẫn vang vọng tiếng nói của người xưa về cội nguồn dân tộc, về một thời dựng nước và giữ nước vĩ đại của ông cha, về sự phát triển đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc dưới Thời Trần, nhắc nhở chúng ta về đạo lý muôn đời của người Việt “ghi nhớ công đức và tri ân tổ tiên”.

  1. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Thời Trần, hàng năm cứ đến ngày giỗ, tết, các vua quan và quần thần đều nô nức về làm lễ cúng tế tổ tiên và các bậc tiên v­ương tại các đền miếu và lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều. Tại đền An Sinh, vào mùa xuân triều đình còn đứng ra tổ chức lễ hội rất long trọng.

Ở các thời sau, việc thờ phụng tế lễ ở đây được giao cho nhân dân địa phương thực hiện. Các văn khắc tại “Trần triều bi ký”,” Trùng tu bi ký” ở đền An Sinh và “Trùng tu Ngọa Vân” cho thấy, đến tận năm 1689 lăng mộ của các vua Trần ở An Sinh vẫn được trông nom, thờ phụng.

Văn bia Trùng tu bi kí (ngày 11 tháng 7 năm Cảnh Hưng 46 – 1785): “Đại nguyên súy Tổng quốc chính sự thượng Đoan vương (Trịnh Khải) lệnh chỉ cho xã An Sinh, huyện Đông Triều từ xưa đã nhận lệnh chỉ cho dân làm dân tạo lệ phụng sự Trần triều ngũ vị hoàng đế tại điện An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc…đời đời được miễn giảm các khoản thuế khóa lao dịch, kể cả các khoản điều động đắp đê, đắp đường và các khoản sưu sai tạp dịch để chăm lo vào việc phụng thờ các tiết cũ như xưa. Phụng sai và các nha môn đều phải tuân theo, kẻ nào vi phạm sẽ có quốc pháp trừng trị”

Văn bia Trùng tu Ngọa Vân (mặt 2 dựng ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 – 1689): “Thượng thánh phụ sư Thịnh Công Nhân MinhUy Đức Định Vương Thống suất chính đại Nguyên soái, lệnh cho dân xã An Sinh, huyện Đông Triều thờ phụng năm vị hoàng đế triều Trần tại điện An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc. Hàng năm các hộ phân chia thời gian chăm lo thờ cúng, được miễn trừ sưu sai, tạp dịch. Vào năm Nhân Tuất đã kiểm tra việc thờ cúng, thấy đúng thực vì vậy vẫn cho người chăm lo việc thờ cúng, được miễn sưu sai, tạp dịch….”

Thần tích, thần sắc làng Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều do Lý trưởng là Thang Thành Tương khai năm 1938, đóng dấu, kí tên có ghi: “Làng tôi là xã Đốc Trại tên nôm là Trại Lốc, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương thờ bát vị hoàng đế triều Trần…” Ngoài ra, còn chép lại các ngày lễ, giỗ của các vị Thành hoàng được thờ tại đình Đốc Trại:

 – Các ngày giỗ, ngày lễ:

Ngày mồng 01 tháng 4 giỗ đức Thái Tôn.

Ngày 25 tháng 5 giỗ đức Thánh Tôn.

Ngày mồng 1 tháng 11 giỗ đức Nhân Tôn.

Ngày 16 tháng 3 giỗ đức Anh Tôn.

Ngày 19 tháng 2 giỗ đức Minh Tôn.

Ngày 15 tháng chạp giỗ đức Nghệ Tôn.

Ngày 25 tháng 5 giỗ đức Dụ Tôn.

Ngày 22 tháng 10 giỗ đức Duệ Tôn.

Ngày 17 tháng 2 ngày Xuân tế. Mồng 4 tháng 5 Hạ điền. Ngày 12 tháng 7 Thượng điền. Mồng 02 tháng 9 Thường tân. Mồng 9 tháng 9 là Tiết Trùng cửu thì đi tảo mộ, tức là đi sửa sang các lăng bia của triều Trần bát vị rồi về làm lễ tại đình. Ngày 12 tháng 11 là ngày vào đám. Chỉ có ngày mồng 1 tháng 11 là ngày giỗ đức Nhân Tôn Hoàng đế tại chùa Ngọa Vân là cúng đồ chay mà thôi. Còn các ngày lễ khác thì đều dùng lợn, gà, xôi ,rượu, hoa quả… Từ trước đến giờ vẫn thế không thay đổi gì, những đồ lễ ấy hàng năm đã có bốn người đương cai phải sửa. Tiền sửa lễ thì trích của công ra để sửa, Trần triều bát vị Hoàng đế còn để lại được 285 mẫu ruộng, nay cho lĩnh canh để lấy hoa lợi tu bổ đình chùa nuôi sư, nuôi thủ từ và sửa lễ quanh năm, người làng không phải đóng góp gì cả. Khi lễ xong thì đồ lễ đem chia phần, khi làm lễ thì người nào phẩm tước cao hơn vào mệnh bái, lý trưởng đọc văn, các quan viên hành lễ. Trước ngày làm lễ thì các người dự lễ phải tắm gội và ăn chay. Lúc tế lễ thì người dự lễ phải mặc áo thụng, đầu đội mũ, chân đi hia. Trong làng đều phải kiêng hiệu duệ của các Ngài lúc đọc, lúc nói, lúc làm ăn đều phải kiêng cả. Không tế lễ gì riêng về tên hèm. Nếu người nào phạm lỗi thì phải phạt vạ, tất cả làng đều có quyền bắt vạ. Khi có người báo rằng người nào phạm lỗi thì Lý trưởng phải họp Hội đồng điều tra, nếu xét đủ tang chứng rằng người ấy phạm lỗi thật thì bắt phạt hai hào rưỡi, hạn trong ba ngày phải nộp và nộp vào công quỹ. Nếu người bị bắt lỗi tự cho mình là oan uổng thì có thể đi kêu quan để xét xử cho. Nếu người có lỗi không nộp vạ thì truất ngôi đình trung. Từ trước tới nay vẫn không thay đổi đồ cúng, sự trai giới và sự hèm, húy đều không có gì thay đổi”[9].

Thần tích – thần sắc làng An Sinh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều cho biết: làng thờ bát vị hoàng đế triều Trần là Thái Tôn, Thánh Tôn, Nhân Tôn, Anh Tôn, Minh Tôn, Thuận Tôn, Nghệ Tôn, Dụ Tôn hoàng đế. Nguyên tám vị hoàng đế được thờ tại đền An Sinh, vào các ngày giỗ và ngày 12 tháng 11 là ngày vào đám ở đền đều phải sửa đồ lễ, tiền sửa lễ được trích của công ra sửa do hai người đương cai phụ trách. Làng có lệ giao hữu với hai làng Triều Khê và Bình Lục. Hai làng này làm cỗ mặn, còn làng An Sinh thường làm các loại bánh chay. Khi xong đem các đồ vật ấy đánh đổi cho nhau. Khi làm lễ Lý trưởng đọc văn, các qua viên hành lễ, ai phẩm tước cao hơn làm mệnh bái. Trước ngày làm lễ, người dự phải tắm gọi sạch sẽ, lúc tế lễ thì người làm lễ phải mặt áo thụng, đầu đội mũ, chân đi hia. Lễ xong, đồ lễ được đem chia cho tất cả mọi người.

Ngày nay lễ hội chung của khu di tích nhà Trần được tổ chức chung tại đền An Sinh vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 20-8 đến hết ngày 22- 8, đây là ngày khánh thành đền An Sinh sau khi được xây dựng lại.  Trong lễ hội có phần lễ gồm tế lễ của nhân dân các xã xung quanh khu vực đền, dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại Đền và các lăng vua Trần; phần hội  gồm các mục diễn xướng các tiết mục văn hóa, văn nghệ kèm theo đó là các trò chơi dân gian phục vụ trong các ngày hội của đền.

Tại các ngôi chùa thì vào các ngày lễ sóc, vọng vẫn được các nhà sự trụ trì và các tăng ni phật tử duy trì đều. Riêng chùa Quỳnh Lâm tổ chức ngày lễ hội vào mùng một tháng ba (âm lịch) hàng năm và chùa quán Ngọc Thanh tổ chức vào ngày 19 tháng 2 hàng năm. Lễ hội chủ yếu là các hoạt động rước kiệu và tế lễ, phần hội chủ yếu là hát quan họ và các trò chơi dân gian.    

  1. Khảo tả di tích

6.1. Lăng Tư Phúc (lăng vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông)

Lăng T­ư Phúc gồm nhiều công trình kiến trúc nằm trên một đồi thấp (ở độ cao 87m so với mực nước biển), quay hướng Nam, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo nhân dân địa phương thì trước kia đồi có tên là núi An Bài (trong các bài văn khấn của nhân dân địa phương có nhắc tới tên núi là An Bài). Phía trước là hồ sư phạm, hồ này được hình thành do việc đắp đập Tân Việt chặn một khúc của suối chảy từ  núi Ngoạ Vân, qua phủ Am Trà dồn về sông Đạm Thuỷ rồi hợp với dòng sông Bạch Đằng. Hiện nay di tích chỉ còn lại phế tích.

Theo  sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng Tư Phúc nằm trong một khuôn viên rộng lớn, lăng có núi bao bọc phía trên, phía dưới, phía trước và bên trái có bia đá, bên trong có ba nền điện thờ, các điện thờ đều dài 6 trượng 5 thước (tương đương 21,5m) phía sau là khuôn viên có tường vây, trong tường vây là ba nền lăng gồm hai cái dài lớn hơn và một cái ngắn nhỏ hơn

– Nền phía trong dài 6 trượng (19,8m), rộng 3 trượng (9,9m), cao  4  thước (1,3m);

– Nền giữa dài 2 trượng 3 thước (7,6m), rộng 1 trượng (3,3m), cao hơn 1 thước  (0,4m);

– Nền ngoài dài 6 trượng (19,8m), rộng 2 trượng (6,6m), cao hơn 2 thước (0,7m).

Phía sau có hai công trình, một công trình có dấu tích nền dài rộng đều 1 trượng (3,3m), một công trình có chiều dài 9 trượng ( 29,7m – chiều Đông Tây); rộng 6 trượng (19,8m chiều Nam Bắc).

Phía ngoài lăng có tường đất bao quanh bốn phía, chân tường dài 33 trượng (108,9m), theo các tư liệu lịch sử và năm xây dựng khu lăng Tư Phúc thì đây là lăng của Trần Thái tông, Trần Thánh Tông chuyển từ Thái Bình về An Sinh năm 1381. Theo các tư liệu lịch sử thì có thể ở đây còn có lăng của vua Giản Hoàng (Tức Trần Phế Đế), được xây dựng năm 1389. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi “năm 1381, tháng 6,  rước thần thượng các lăng ở Quắc Hương[10], Thái Đường[11], Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh [nạn] người Chiêm Thành vào cướp”; “năm 1389, tháng 2, chôn Linh Đức Đại Vương ở núi An Bài, sai Quý Tỳ trông coi việc ấy”. Tuy nhiên do chưa tìm được tư liệu chính xác nên tạm thời chưa đưa vào lý lịch di tích.

Trải qua hơn 700 năm lịch sử, các công trình kiến trúc trên mặt đất tại đây chỉ còn là phế tích. Hiện nay tài liệu ghi chép về quy mô cũng như kiến trúc của lăng Tư Phúc hầu như không còn nên rất khó có thể xác định một cách chi tiết về mặt bằng kiến trúc tổng thể của lăng.

Năm 2009, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp cùng Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu di tích này. Kết quả cho thấy các dấu vết kiến trúc và các loại vật liệu như gạch, ngói và các loại hình đồ sành, đồ gốm men được phát hiện rất nhiều. Tạm thời chia thành 3 khu vực sau:

– Khu vực thứ nhất: Khu vực này nằm ở sườn phía nam có địa hình dốc, có diện tích 80m2, thấy dấu vết đường đi dẫn từ chân đồi lên các khu vực kiến trúc phía trên. Kết quả đã làm xuất lộ một phần dấu vết con đường, có 23 bậc, các bậc rộng trung bình 0,06 – 0,60m. Đường chạy theo hướng Bắc – Nam dẫn từ chân đồi lên đến khu vực thứ hai và gần như nằm chính giữa mặt bằng khu vực thứ hai. Rộng 3,45m, bó vỉa hai bên và phân nhịp các bậc được kè xếp bằng hai hàng gạch nghiêng, mỗi bậc được xếp bằng đá cuội và đá phiến, các bậc không được giật cấp vuông góc mà được kè xếp liên tiếp nhau tạo thành 1 mặt phẳng nghiêng, do vậy việc kè các hàng gạch nghiêng phân nhịp bậc là để tăng cường kết cấu cho con đường. Ngoài dấu vết đã xuất lộ, hệ thống bậc dẫn  này còn dấu tích dẫn lên khu vực trên (khu vực 2)

Việc xuất lộ con đường dẫn từ chân núi lên đỉnh đồi, với các dấu vết kiến trúc của nhiều thời kỳ, quy mô và cấu trúc hết sức kiên cố, nằm trên trục Bắc Nam, phù hợp với hướng phong thủy của khu vực đất cho thấy đây chính là con đường chính dẫn từ khu vực chân đồi lên khu vực đỉnh đồi, nơi có mật độ di tích đậm đặc nhất, có thể là trung tâm của di tích.

  Khu vực thứ hai: có diện tích 36m2 có địa hình tương đối bằng phẳng, tại đây đã tìm thấy ba cụm cuội xếp lẫn với gạch ngói nằm thẳng hàng theo chiều Đông – Tây. Các cụm cuội này nằm cách đều nhau tính từ tâm là 2,1m. Dựa vào sự phân bố và các dấu vết kỹ thuật xếp của các cụm cuội thì có thể thấy rằng đây là dấu vết của gia cố móng.  Ngoài ra, từ mặt bằng của khu vực này lên trên (khu vực 3) còn có dấu tích của bó kè đá dẫn lên (đây có thể là hệ thống bậc lên xuống).

Với cấu trúc và sự phân bố thành một hàng theo chiều Đông – Tây và khoảng cách giữa các trụ móng đều nhau cho rằng đây có thể là móng trụ của một công trình kiến trúc. Công trình kiến trúc này đóng vai trò như là cổng chính trước khi lên khu vực kiến trúc trung tâm lên đỉnh đồi. Công trình kiến trúc này còn có xu hướng tiếp tục mở rộng về phía Bắc và hai chiều Đông – Tây.

Khu vực thứ ba: Đây là khu vực đỉnh đồi, có địa hình bằng phẳng. Theo cấu trúc hiện còn, khu vực thứ ba có ba cấp nền chồng xếp lên nhau theo lối đồng tâm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều loại hình di vật và tảng kê chân cột gắn liền với các công trình kiến trúc khác nhau tại các cấp nền nên có thể nhận định đây là trung tâm của lăng Tư Phúc. Cấp nền thứ nhất nằm dưới cùng có diện tích lớn nhất, tuy nhiên hiện chưa xác định quy mô của cấp nền này. Cấp nền thứ hai nằm trên cấp nền thứ nhất là thu nhỏ lại so với cấp nền thứ nhất ở phía Nam là 6m, tổng chiều dài Đông – Tây của cấp nền này là 21 m. Cấp nền trên cùng là cấp nền thứ ba, cấp nền này chồng xếp lên cấp nền thứ hai và thu nhỏ lại so với cấp nền thứ hai ở mặt phía Đông, Tây và Nam mỗi bên 6m, chiều Đông – Tây của cấp nền này là 9m.

Cấp nền thứ nhất:

Đây là cấp nền rộng nhất với chiều dài (Bắc Nam) 39m. Cấp nền một có diện tích lớn nhất và nằm ở dưới cùng, các cấp nền thứ hai và thứ ba phủ đè lên trên cấp nền một. Cấp nền này được nhận biết qua các bó nền. Bó nền phía Nam chiều dài 8m theo chiều Đông Tây; rộng 0,5m Bắc – Nam, bó nền còn tiếp tục chạy dài về cả hai phía Đông, Tây. Vật liệu chủ yếu là các viên đá gạo, cuội được xếp chồng đè lên nhau, các khoảng hở giữa các viên đá được chèn đầy bằng các viên cuội suối.

Với những gì thu được ở cấp nền này thì có thể thấy chức năng của khu vực cấp nền này có thể  là phần sân của cấp nền thứ hai.

Cấp nền thứ hai:

Cấp nền hai là cấp nền giữa nằm thu vào so với cấp nền một và cao hơn cấp nền một trung bình 40-60cm, có cao độ trung bình của cấp nền này là 50 đến 60cm, có diện tích 21m x 27m.

Tại cấp nền này cũng đã làm xuất lộ bó nền phía Tây và phía Nam. Bó nền được kè xếp bằng nhiều loại hình vật liệu khác nhau trong đó chủ yếu là bằng đá gạo, đá phiến chất liệu laferit và một số đoạn sử dụng các loại hình vật liệu kiến trúc, trong đó đáng lưu ý có rất nhiều vật liệu kiến trúc thời Trần được dùng để xây xếp, trong đó có cả những trang trí trên mái kiến trúc như đầu rồng vốn được dùng trang trí trên mái kiến trúc giờ được tận dụng để xây xếp bó nền.

Ngoài ra, hiện tượng đầm chặt của các lớp đất cho thấy đây chính là phần tôn nền để xây dựng một công trình kiến trúc. Và việc xuất lộ các dấu vết tảng kê chân cột và gia cố móng cột đã cho thấy rõ hơn điều đó. Với việc xuất lộ tám tảng kê chân cột và sáu dấu vết gia cố móng trụ. Các tảng kê chân cột có nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau, thậm chí một số tảng còn được chế tạo hết sức đơn sơ, một số tảng kê còn là những tấm đá laterit được tu sửa một cách qua loa, hiện tượng này một phần phản ảnh sự tái sử dụng của các loại vật liệu và sự kém quy chuẩn của kiến trúc ở cấp nền này.

 Qua các vị trí chân tảng và gia cố móng cột ta có thể nhận diện được tổng thể mặt bằng của kiến trúc ở đây như sau: Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, dài theo chiều  Đông – Tây có kết cấu 7 gian, 8  hàng cột, mỗi hàng gồm 4 cột. Khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 1,35m; khoảng cách giữa hai cột cái theo chiều Bắc Nam là 2,35m; độ rộng của gian là 2,9m (gian giữa rộng 3.2m). Hướng của kiến trúc là hướng Nam lệch Tây 100.

Hiện tượng tận dụng vật liệu kiến trúc giai đoạn trước để xây xếp và đầm chặt các lớp đất để xây dựng một công trình khác có thể được giải thích rằng: công trình ở giai đoạn trước đó có thể  bị hư hỏng và giai đoạn sau đã trùng tu, xây mới và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí: “Các đời Hồng Thuận và Hoằng Định thời Lê đều có tu bổ, lâu ngày đổ nát, nền cũ vẫn còn; năm Minh Mệnh thứ 21 sửa chữa, đắp lại và dựng bia”. Nếu như theo ghi chép của sách thì lăng Tư Phúc đã được trùng tu sữa chữa hai lần, lần thứ nhất vào đời Hồng Thuận (1509-1516), tức là dưới thời vua Lê Tương Dực và lần thứ hai vào thời Hoằng Định (1601- 1619) dưới thời vua Lê Kính Tông.

 Tại khu vực phía Tây tìm thấy 1 dấu tích rãnh nước thời Lê. Cống chạy theo chiều Đông Tây với phần xuất lộ dài 2,1m (Đông – Tây) x rộng 54cm (Bắc – Nam) và bao gồm 2 phần: phần thành cống và phần nắp cống. Vật liệu xây cống chủ yếu là gạch Hán và gạch bìa đỏ thời Trần. Việc cống nước được xuất lộ cũng rất phù hợp với kiến trúc mới được xây dựng nói trên.

Như vậy, cấp nền hai được tôn lấp bằng các vật liệu thời Lê và thời Trần và nó phủ lên trên mặt bằng của thời Trần. Do vậy, có thể kiến trúc này được xây dựng vào thời Lê và tồn tại kéo dài cho đến tận thời Nguyễn.           

Cấp nền thứ ba:

Đây là cấp nền trên cùng, thu nhỏ lại so với mặt bằng của cấp nền hai. Dựa vào dấu tích của các đoạn bó nền đá chúng ta xác định được khu vực cấp nền ba có dạng hình chữ nhật với chiều dài Bắc – Nam 15m; rộng Đông – Tây 9m. Tại đây, xuất lộ ba bó nền ở các phía: Nam, Tây, Đông và một số chân tảng cùng dấu vết gia cố móng trụ. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện mở rộng diện tích khai quật nên chưa xác định được mặt bằng kiến trúc của cấp nền này.

Di tích thời Trần

 Tại cấp nền thứ ba đã xuất lộ dấu vết thời Trần, có thể là “tẩm” của lăng (khi cắt sâu xuống 1m so với bề mặt hiện tại), đó là bó nền: bó nền được tìm thấy ở hai vị trí khác nhau: kết cấu kiến trúc gồm ba hàng gạch nghiêng và một hàng gạch lát phẳng như phần còn lại của một nền kiến trúc. Gạch được sử dụng là loại gạch Trần bao gồm cả loại vuông và chữ nhật. Nếu kéo dài bó nền thứ nhất về phía Tây và bó nền thứ hai về phía Nam thì chúng sẽ cắt và vuông góc với nhau ôm lấy hàng gạch lát.

Cấu trúc của bó nền ở đây giống với cấu trúc của bó nền di tích Thái lăng, vị trí xuất lộ cũng nằm ở độ cao lớn nhất và gần như là trung tâm của di tích do vậy rất có thể đây là bó nền quanh “tẩm” của lăng Tư Phúc dưới thời Trần. Với những dấu vết này bước đầu cung cấp cho chúng ta manh mối để tiến hành khai quật tổng thể nhằm tìm hiểu, nghiên cứu và làm rõ cấu trúc của lăng Tư Phúc.

Ngoài ra di tích thời Trần cũng được tìm thấy ở cấp nền thứ nhất và thứ hai, đó là dấu tích bồn hoa và cống thoát nước. Dấu tích bồn hoa có kích thước 2,2 x 1,1m. Bồn hoa được kê xếp bằng hai hàng gạch bìa nghiêng đặt lệch nhau, vật liệu chủ yếu là gạch bìa Bắc thuộc (bao gồm cả loại không có hoa văn và loại có hoa văn hình trám lồng). Với kỹ thuật và cấu trúc này, khi so sánh với loại hình di tích bồn hoa tại di tích Đền Thái thì có thể thấy bồn hoa này là ở sân trước.

Cống nước được thấy ở khu vực phía Tây. Cống nước chạy theo chiều Đông – Tây, phần xuất lộ dài 2,4m (Đông – Tây) x rộng 14,5cm (Bắc – Nam). Vật liệu được sử dụng làm cống nước là các viên ngói ống đỏ úp ngược, xếp khít với nhau để tạo thành miệng cống thoát nước tròn. Đây là loại cống rất điển hình của thời Trần.

Vậy, với những gì được xuất lộ chỉ là những lắt cắt nhỏ được tìm thấy, mặt khác khi so sánh đồng dạng  với di tích Thái Lăng và di tích Phụ Sơn lăng  ta có thể đưa ra giả thiết về kiến trúc thời Trần của lăng như sau: dưới thời Trần, phần sân nền được kéo dài từ dấu tích bồn hoa đến khu vực tìm thấy cống nước và phần sân này có thể được mở rộng vào đến bó nền của “tẩm”. Cống nước có chức năng thoát nước cho hệ thống sân của khu vực lăng. Đến các giai đoạn sau (vào thời Lê), lăng được trùng tu nên phần sân nền bị san lấp (tôn nền) để xây công trình kiến trúc khác.

6.2. Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông)

Lăng vốn xưa được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Trán Quỷ, ba mặt Bắc, Đông, Tây được bao bọc bởi núi cao trùng điệp, phía Nam có dòng suối uốn lượn tạo thành minh đường tụ thuỷ. Cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp đó đã tạo lên bức tranh hoàn chỉnh về phong thuỷ của khu lăng. Nhưng vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi đắp đập Trại Lốc đã làm thay đổi cảnh quan khu lăng, biến đồi Trán Quỷ thành ốc đảo nằm giữa hồ, từ đó dân địa phương gọi đây là Đảo Vua.

Dấu tích lăng mộ vua Trần Anh Tông nằm trên đỉnh một đồi đất thấp, xưa kia đồi vốn nằm giữa thung lũng nhỏ, ba hướng Đông, Tây, Bắc được bao bọc bởi những dãy núi cao tạo thế “tay ngai”, tựa lưng vào núi cao (núi Bảo Đài), tả có Thanh long (dãy núi ở phía Đông), hữu có Bạch hổ (dãy núi ở phía Tây), xa xa về phía Nam có dòng sông Cầm uốn lượn và vùng núi đá Kinh Môn trùng điệp như bức bình phong che chắn ở phía trước. Dòng suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, chảy vòng từ sườn đông về trước mặt khu đồi tạo thành chốn thủy tụ ở minh đường. Như vậy, Thái lăng được xây dựng tại một vị trí đắc địa, vững bền theo thuyết phong thủy, thật là thế nhìn sông tựa núi.

  Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, khi xây dựng đập nước đã làm thay đổi cảnh quan nơi đây, biến toàn bộ quả đồi có khu lăng mộ này nổi giữa hồ nước và tạo thành ốc đảo. Việc xây dựng đập nước tại đây không chỉ làm biến đổi cảnh quan khu vực di tích Thái lăng mà nó còn làm phá hủy hoàn toàn khu di tích Mục lăng của vua Trần Minh Tông (nằm phía trước, bên trái – phía Đông Nam của Thái lăng). Tuy nhiên, do may mắn nằm trên đỉnh gò đồi, nên các dấu tích của lăng mộ cơ bản vẫn được bảo tồn.

Theo các nguồn thư tịch cổ thì Thái lăng được xây dựng trong một khuôn viên vuông vắn, phân thành 3 lớp bao quanh, toàn bộ công trình quay về hướng Nam. Lớp ngoài cùng bao bọc như một hành lang cho toàn bộ lăng, có lối ra vào ở bốn phía. Lớp thứ hai có 3 cửa ra vào ở hướng Nam, các cửa đều có thành bậc rồng; một cửa hướng Đông và một cửa hướng Tây, các cửa đều có thành bậc sấu đá. Đối diện với 3 cửa hướng Nam là một điện tế lớn. Lớp trong cùng là phần mộ, lớp này cao trội hẳn lên, có một cửa ra vào ở hướng Nam, có bậc rồng hai bên cửa. Theo tài liệu Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, viết vào thời Minh Mạng (do tiên chỉ làng Đốc Trại là Lương Văn Minh sao lại vào ngày 19 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 17 (1944) hiện nay được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội sưu tầm và lưu giữ) thì: Thái lăng có 3 nền, nền thứ nhất: bên trong dài 2 trượng (6,60m) rộng 1 trượng 5 thước (4,95m), cao 4 thước (1,32m), cửa rộng 3 thước (0,99m) có con lân bằng đá ngăn cách. Nền thứ hai: chiều Đông Tây dài 6 trượng (19,8m) rộng 1 trượng 5 thước (4,95m); chiều Nam Bắc dài 3 trượng (9,90m) rộng 5 thước (1,65m). Nền thứ ba: chiều Đông Tây dài 6 trượng (19,8m) rộng 1 trượng 5 thước (4,95m); chiều Nam Bắc dài 3 trượng (9,90m) rộng 5 thước (1,65m), phía trước và hai bên tả hữu mở 5 cửa, các cửa đều có lân và thềm đá.

Để có kết quả chính xác về kiến trúc của lăng, năm 2008 được sự cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ di tích Thái lăng. Kết quả khảo cổ học cũng đã xác định đây là khu Di tích có nhiều công trình kiến trúc gỗ lớn. Cấu trúc không gian của lăng gồm có ba cấp nền. Cụ thể là:

– Cấp nền thứ nhất: ở tầng trên cùng, bên trong, được tôn đắp cao hơn lớp nền thứ hai khoảng 0,5m. Khi đào 4 xung quanh đã phát hiện lớp móng nền bằng đá cuội được kê xếp rất công phu và có hình chữ nhật, có diện tích 92,96m2. Một số đoạn còn lại một hoặc hai hàng gạch cho biết bên trên lớp móng nền đá cuội này ngày xưa từng được xếp gạch kiểu xây tường bao quanh.

Do mặt trên cùng đã bị đào phá vì vậy không biết được chính xác độ cao chung của toàn bộ cấp nền này, nhưng theo ghi chép trong Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ nói trên thì cấp nền này cao 4 thước, tức khoảng 1,32m.

Phía trước (tức phía Nam) của cấp nền này hiện còn một thềm bậc đá có lan can chạm rồng rộng 1,4m, có 3 bậc lên xuống. Cạnh đó có bia đá hình trụ dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ghi: “Trần triều Anh Tông Hoàng đế lăng”.

– Cấp nền thứ hai: nằm giữa cấp nền thứ nhất và cấp nền thứ ba. Cấp nền này có dấu tích của một số công trình với diện tích 1.018m2.

* Các công trình ở cấp nền phía Nam: có diện tích 698,12m2. Cấp nền này ôm lấy cấp nền thứ nhất và được tôn cao hơn so với cấp nền thứ ba trung bình gần 1m. Tổng thể mặt bằng của cấp nền thứ hai phía Nam là nơi đã phát hiện được  nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng, cụ thể như sau:

– Phía trước (phía Nam) còn nguyên ba lối lên xuống với hệ thống gồm ba thềm bậc đá vôi có lan can chạm rồng nằm theo chiều ngang Đông – Tây. Thềm bậc lớn nhất nằm chính  giữa rộng 1,4m, có 6 bậc lên xuống, hai thềm bậc nhỏ hơn nằm đối xứng hai bên, mỗi thềm rộng 1,15m, có 4 bậc lên xuống.

Hai bên (phía Tây và phía Đông) cũng còn 2 lối lên xuống. Đó là thềm bậc đá có lan can chạm hình sấu thần, nằm đối xứng nhau. Thềm bậc ở phía Tây còn khá nguyên vẹn (cửa rộng 1m và có ba bậc), thềm bậc phía Đông đã bị phá vỡ, trên mặt đất còn vương một số mảnh nằm đúng ở vị trí ban đầu nên vẫn có thể nhận biết khá chính xác.

– Trên bề mặt của khu nền phía Nam đã tìm thấy nhiều chân tảng đá vôi thuộc niên đại thời Trần (có kích thước 0,45m x 0,45m và 0,42m x 0,42m). Các chân tảng này tìm thấy ở ba mặt bao quanh cấp nền thứ nhất (khu vực trung tâm), cụ thể là ở phía Bắc (phía sau) và hai bên phía Đông và phía Tây. Tổng số cả hai đợt khai quật đã phát hiện được 40 chân tảng đá, trong đó có 14 chân tảng còn nằm nguyên ở vị trí ban đầu, số khác đã bị vỡ, nằm xô lệch hoặc đã bị lấy đi, nằm rải rác ở nhiều vị trí.

Việc tìm thấy hệ thống chân tảng nêu trên đã minh chứng rõ về sự tồn tại của  các công trình kiến trúc gỗ được dựng liên hoàn theo hình chữ U bao quanh phía Bắc, phía Đông và phía Tây của khu trung tâm. Đáng lưu ý là các chân tảng đá nêu trên đều được đặt trực tiếp lên trên lớp nền được san đầm bằng ngói và gạch vỡ thời Trần. Trong đó có nhiều loại ngói mũi sen đơn và sen kép, cả những mảnh lá đề trang trí rồng phượng gắn trên ngói úp nóc hay trên lưng ngói ống lợp ở diềm mái. Lớp gạch, ngói vỡ này được rải đều bốn xung quanh và nằm trên cùng một mặt phẳng.

Hiện tượng này được giải thích rằng, dấu tích kiến trúc gỗ nói trên đã được xây dựng vào một giai đoạn nào đó muộn hơn khi mà kiến trúc ban đầu có thể do đã bị hư hỏng hoặc bị sập đổ. Khi tu sửa, người xưa đã lấy toàn bộ vật liệu của kiến trúc ban đầu đó để tạo dựng lại mặt bằng, sau đó xây dựng lại kiến trúc như mô tả ở trên. Phía dưới lớp gạch, ngói vỡ này đã tìm thấy một sân gạch thời Trần được lát bằng loại gạch vuông màu đỏ (kích thước 40cm x 40cm). Sân gạch này nằm thấp hơn so với mặt bằng cấp nền hai 20cm, xung quanh được bó cuội hoặc có vị trí bó gạch rất cẩn thận và kiên cố.

Thềm bậc rồng ở giữa cấp nền thứ nhất (khu trung tâm) được dựng đặt trực tiếp lên sân gạch. Đáng lưu ý hơn là những chân đá tảng ở phía Đông, cụ thể là chân tảng của hàng cột thứ nhất được đặt trực tiếp lên trên mặt cấp nền thứ hai, còn chân tảng của hàng cột thứ hai lại đặt lên trên lớp ngói vỡ san lấp và nằm ở vị trí bên trong khu vực lòng sân gạch. Tại đây còn tìm thấy dấu tích các hố móng trụ bằng sỏi son đầm chặt và nằm đăng đối với các chân tảng của hàng cột thứ nhất. Bằng chứng này cho thấy rõ rằng, khi tu sửa lăng vào giai đoạn sau người ta đã di chuyển toàn bộ hệ thống chân tảng của hàng cột bên ngoài đặt vào bên trong khu vực sân gạch (khi đó đã bị lấp đi), nhưng hàng cột bên trong vẫn cơ bản được đặt lại đúng vị trí ban đầu.

 Như vậy có thể thấy  rõ ở khu vực này có hai giai đoạn xây dựng kiến trúc gỗ có mái lợp ngói bao quanh khu trung tâm. Kiến trúc giai đoạn đầu gồm hệ thống kiến trúc nhà có mái che liên hoàn, có mặt bằng hình chữ U, bao quanh 3 mặt phía Bắc, phía Đông, phía Tây và kèm theo đó là sân gạch để lộ thiên bao quanh 4 mặt khu trung tâm. Theo PGS. TS Tống Trung Tín thì sân gạch này có thể là “đường chạy đàn”. Đến giai đoạn sau, người ta đã bỏ sân gạch và xây dựng lại ở trên, nhưng về kết cấu và qui mô có thể vẫn theo như kiểu kiến trúc giai đoạn đầu.

Phân loại các loại ngói tìm thấy ở đây cho biết có 3 loại ngói, đều là ngói mũi sen gồm ngói mũi sen kép, mũi sen giả kép và mũi sen đơn. Các loại ngói này đều thuộc niên đại Trần, thế kỷ XIV. Trong đó, loại ngói mũi sen kép được xác định là có niên đại sớm nhất, có thể cùng thời gian xây dựng lăng vào năm 1320. Hai loại ngói còn lại có niên đại muộn hơn, có thể thuộc giai đoạn trùng tru tôn tạo lại kiến trúc giai đoạn sau.

Kết quả đó khẳng định rõ rằng, các dấu tích kiến trúc ở đây chủ yếu được xây dựng và trùng tu trong giai đoạn nhà Trần, thế kỷ XIV. Các giai đoạn sau đó có trùng tu, tôn tạo tiếp hay không hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng, mặc dù ở đây có tìm thấy một số đồ gốm thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI) nhưng số lượng rất ít (vài mảnh), đặc biệt là chưa tìm thấy vật liệu kiến trúc thời Lê.

Bên cạnh dấu tích kiến trúc nêu trên, các lớp đá cuội bó thềm xung quanh của cấp nền thứ hai cũng thấy có hiện tượng được kè xếp lên trên lớp gạch, ngói vỡ thời Trần. Các thềm bậc đá có lan can chạm rồng ở phía Nam nói trên cũng có hiện tượng tương tự. Điều này cho thấy rằng toàn bộ đá cuội bó thềm nền thứ hai có mối quan hệ cùng thời với việc trùng tu xây dựng lại kiến trúc lăng giai đoạn hai. Hiện tượng thềm bậc rồng đá nói đến ở đây cho thấy người xưa đã kê xếp lại khi trùng tu tôn tạo và cơ bản nó vẫn được đặt đúng vị trí ban đầu. 

Nghiên cứu kỹ các hiện tượng nêu trên có thể đưa ra nhận xét rằng, sau một thời gian sử dụng, kiến trúc của giai đoạn đầu do bị hư hỏng, người ta đã tiến hành trùng tu lại. Đợt trùng tu này đã có sự điều chỉnh khá cơ bản toàn bộ mặt bằng cấp nền hai thể hiện rõ qua việc dùng toàn bộ ngói vỡ của mái công trình kiến trúc trước để tôn tạo mặt nền, lấp sân gạch và sau đó dựng lại kiến trúc mái che bao quanh khu trung tâm.

– Các công trình ở cấp  nền phía Bắc: nằm nối liền với nền phía Nam, nó giống như phần chuôi vồ, có diện tích 320m2. Nền cao hơn mặt sân trước trung bình 0,80m và thấp hơn nền phía Nam trung bình từ 0,20-0,30m. Bên trong  lòng nền xuất lộ 16 vòng tròn nhỏ được xếp thành 4 hàng dọc và 4 hàng ngang rất độc đáo. Các ô hình tròn này đều được xếp bằng đá cuội giống như các ô tròn đã xuất lộ ở cấp nền thứ ba. Tuy nhiên, nếu như những ô tròn xuất lộ ở cấp nền thứ ba chỉ được xếp bằng một đường cuội tròn thì ở đây một số ô tròn lại được điền kín diện tích bằng các vòng cuội.

Đồng thời ở khu vực này tìm thấy tập trung nhiều mảnh vỡ của loại tháp men xanh lục, được trang trí hoa lá, linh thú và hình rồng rất tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Loại tháp men này có diềm mái lợp ngói ống, trên lưng gắn lá đề trang trí hình rồng. Đây là hình ảnh hiếm quí cho biết chính xác vễ kỹ thuật lợp ngói thời Trần.

– Cấp nền thứ ba: Là cấp nền dưới cùng, cách mặt nước khoảng hơn 1m có mặt bằng rộng nhất với diện tích 3.538m2. Cấp nền này được nhận biết rõ qua hệ thống các đường cuội bó thềm ở bốn xung quanh được kè xếp khá kiên cố và chủ yếu là loại cuội có kích thước lớn. Các lớp đá cuội bó thềm của cấp nền này vừa có chức năng tạo dựng khuôn viên chung của tổng thể khu lăng vừa có chức năng chống sạt lở đất ở sườn đồi.

 Phía trước chính giữa có dấu vết của một con đường xếp cuội từ dưới chân đồi đi lên. Dấu vết con đường này hiện còn nhận thấy rõ, có chiều dài 17m, rộng 3m và được chia thành 12 bậc, mỗi bậc rộng trung bình 1m. Trên mặt cấp nền còn tìm thấy 2 chân tảng đá kê cột gỗ và 1 cối cửa bằng đá xanh.

Bên phía Đông cũng tìm thấy dấu tích con đường xếp bằng đá cuội nằm đối xứng với con đường phía Tây. Con đường này đi từ phía Nam (phía trước) xuống phía Bắc và bắt vuông góc lối vào cửa có thềm bậc đá chạm sấu thần.

Các thềm bậc và lan can đá nêu trên đều thuộc loại đá vôi, có cùng phong cách với 3 thềm bậc rồng ở phía Nam.

Qua kiến trúc lăng mộ của vua Trần Anh Tông, ta thấy nhà Trần rất coi trọng việc xây dựng lăng tẩm, vị trí xây dựng lăng là một gò đồi thoai thoải trong một thung lũng, xa xa đều có núi bao bọc, thế đất xây dựng lăng tẩm là một nơi linh địa “ tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án’,  lăng được bố cục theo kiểu đăng đối, qui tụ vào giữa. Phần mộ được coi là trung tâm chính làm nhân tố tổ hợp để qui chiếu thành một khối chung, vây quanh đó là các thành đá và các bậc cửa thành một khối chung vuông vắn, đăng đối nhau, chính lối bố cục này mà các lăng mộ thời Trần thường có mặt bằng vuông và cửa mở ra ba phía (trước và hai bên cạnh). Phía sau là toà điện miếu để tế lễ. 

6.3. Mục Lăng (lăng vua Trần Minh Tông)

Mục lăng tọa lạc tại chân đồi Khe Gạch, toàn bộ công trình được bố trí nằm trên sườn Tây Nam, bên bờ một con suối. Dòng suối bắt nguồn từ đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, chảy vòng từ sườn Đông về trước mặt khu Thái lăng, rồi chảy qua khu Mục lăng tạo thành chốn thủy tụ ở minh đường của cả hai lăng. Vị trí xây lăng  được bao bọc bởi những dãy núi cao tạo thế “tay ngai”, tựa lưng vào núi, tả có Thanh long, hữu có Bạch hổ, phía trước nhìn về đền Thái.

 Theo các tài liệu thư tịch cổ thì khu vực Mục lăng có chiều dài là 154,6m, rộng 28m. Với mặt bằng này có lẽ mục lăng đã được xây dựng khác với kiến trúc Thái lăng. Mục lăng được xây dựng trong một khuôn viên hình chữ nhật, phần mộ ở giữa vuông vắn. Lớp ngoài cùng có tường bao bọc cho toàn bộ lăng, có lối ra vào ở phía trước. Theo tài liệu Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ thì cấu trúc không gian của lăng gồm có ba cấp nền. Cấp nền thứ nhất dài 10 trượng (33m), rộng 6 trượng (19,8m), diện tích là 653,4m2. Qua một lớp sân rộng dài 3 trượng rộng 1 trượng(khoảng 33m2) sẽ đến lớp nền thứ hai. Lớp nền này có chiều dài 3 trượng (10m) rộng 2 trượng (6,6m), diện tích là 66m2. Nền thứ 3 trong cùng, dài 6 trượng (19,8m), rộng 1,5 trượng (5m), diện tích là 99m2. Bên ngoài phía trái và phải có 2 nền, mỗi nền dài 4,5 trượng (14,9m), rộng 2,7 trượng (9m), diện tích là 134m2. Cửa rộng 4 thước, có lân đá chầu hai bên. Sách Đại Nam nhất thống chí ghiLăng Đồng mục: lăng Trần Minh Tông ở chân núi xã Yên Sinh, tẩm điện cũ và rồng đá, kỳ lân đá vẫn còn”.

Theo tài liệu Trần Triều lăng tẩm đồ mạn ký thì  Mục lăng (Lăng Đồng Mục): có ba nền, nền ở trong dài rộng đều 2 trượng cao 2 thước mở cửa rộng 4 thước. Nền thứ hai Đông – Tây dài 3 trượng rộng 2 trượng cao 1 trượng ; chiều Nam Bắc dài 3 trượng, rộng 1 trượng, cao 1 thước, mở cửa rộng 4 thước. Nền thứ ba Đông – Tây dài rộng 1 trượng 5 thước, Nam – Bắc dài 6 trượng mở cửa rộng 4 thước, bên ngoài phía trái và phải có hai nền, mỗi nền dài 24 trượng 5 thước, rộng 2 trượng 7 thước, cửa rộng 4 thước đều có lân đá thềm đá. Đó là lăng minh Tôn, cũng ở đất Yên Sinh. Rất tiếc, trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, việc đắp đập Trại Lốc làm hồ chứa nước phục vụ cho nông nghiệp đã san gạt vùi lấp toàn bộ dấu vết kiến trúc của lăng. Hiện nay lăng đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn dấu tích ở phía dưới con đập.

6.4. Ngải sơn lăng (lăng vua Trần Hiến Tông)

Ngải Sơn lăng là lăng mộ vua Trần Hiến Tông, toạ lạc tại chân đồi thuộc khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh.  Lăng Ngải Sơn gồm có công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1381. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Lăng Ngải Sơn: lăng Trần Hiến Tông, ở dưới núi xã An Sinh, người đá và voi đá, ngựa đá, hổ đá, dê đá, trâu đá nay vẫn còn”. Theo các tài liệu thư tịch cổ thì lăng Trần Hiến Tông đã có sự thay đổi về kiến trúc so với lăng mộ vua Trần Anh Tông và lăng mộ vua Trần Minh Tông. Mặt bằng của lăng hình chữ nhật (71,4m x 111,3m), phần mộ ở giữa vuông (19,2 x19,2m), lăng chỉ có một cửa vào duy nhất từ phí trước (hướng nam), vào trong cửa là hai dãy tượng thú đá và người đá được đặt đăng đối nhau chạy dài đến tận phần mộ. Phía sau cùng là một điện miếu tế lễ.

Theo tài liệu Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng có “nền mộ dài 2 trượng 9 thước (9,57m), rộng 8 thước (2,64m), cao 1 trượng (3,30m); tường xây gạch có chu vi chân tường dài 4 trượng 5 thước (14,85m) rộng 3 thước (0,99m); phía bên trái mộ là một trâu đá, một chó đá, hai người đá, hai voi đá, hai ngựa đá, hai hổ đá”.

  Hiện nay di tích chỉ còn lại phế tích. Tuy nhiên những di vật còn lại ở đây có thể khẳng định quy mô của lăng trước đây rất lớn, tại khu vực lăng còn nhiều tượng thú và tượng quan hầu, đặc biệt tượng quan hầu là một trong những pho tượng quý hiếm ở thời Trần còn tồn tại đến ngày nay. Tại di tích hiện nay có:

– Hai pho tượng quan hầu được tạo tác bằng chất liệu đá xanh trong tư thế đứng hai tay chắp trước ngực, cả hai pho đều bi mất phần đầu, kích thước cao 1,12m;

– Hai rùa đá đỡ bia, một con thuộc loại to còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước dài 1,57m; rộng 0,94m; dày 0,34m, trên lưng có một hộc để đỡ chân bia; một con nhỏ không còn nguyên vẹn, đầu mất thân gẫy đôi, kích thước dài 0,64m; rộng 0,60m;dày 0,20m, trên lưng cũng có hộc đỡ chân bia;

– Tượng linh thú có: chó đá, ngựa đá, voi đá, trâu đá… đều không còn nguyên vẹn.

Ở quanh lăng còn có rất nhiều gạch, gạch vuông kích thước 0,40m x 0,40m; gạch chữ nhật 0,20m x 0,40m;  các mảnh ngói trang trí có hình cánh sen, có hoạ tiết cúc dây, đặc biệt có loại gạch hình chữ nhật bên sườn có ghi chữ “Vĩnh Ninh trường” (gạch Vĩnh Ninh).

Hiện nay ở di tích còn một tấm bia thời Nguyễn bị gẫy phần trán bia, trên bia khắc chữ hán với nội dung “Sắc tạo – Trần triều Hiến Tông Hoàng đế lăng – Minh Mệnh nhị thập nhất niên cửu nhật sơ lục nhật phụng”, bia có kích thước: cao 0,90m; rộng 0,50m; dày 0,20m.

Tạm thời di tích mới chỉ được biết đến qua các tài liệu ghi chép và các dấu tích xuất lộ trên mặt đất, về kiến trúc cụ thể và quy mô của lăng sẽ được nghiên cứu và bổ sung sau khi tiến hành khai quật khảo cổ học di tích này.

Hiện nay, tại di tích có một công trình tạm do Công ty Than Mạo Khê đã đầu tư kinh phí xây dựng năm 2002 với diện tích khoảng 64m2 trong khuôn viên di tích Lăng Ngải Sơn. Công trình gồm có lăng mộ, miếu thờ, trụ biểu và sân vườn. Công trình được xây dựng theo lối hiện đại, vật liệu xây dựng là xi măng cốt thép, sân lát gạch đỏ.

Từ sân lên 5 cấp bậc là đến khuôn viên lăng, lăng có ba cửa ra vào được tạo dáng hình vòm cuốn, phía trước và hai bên đều tạo cửa sổ hình chữ thọ. Cửa chính ra vào phía trước (cách cửa 1,2m là kệ đá xanh dài 91cm, rộng 56cm, cao 33cm. Trên đặt bát hương đá hình chữ nhật chạm lưỡng long chầu nhật, bát hương cao 61 cm (cao cả tai là 80cm), dài 60cm, rộng 45cm; một mâm bồng, chất liệu bằng gỗ, hai chân đèn nến, chất liệu bằng gỗ.

Nền lăng lát gạch đỏ, phần mộ ốp gạch mầu đen. Mộ dài 1,95m; rộng 1,72m; cao 1,26m. Mộ được xây theo kiểu giật 3 cấp thu dần lên trên, cấp trên cùng thu nhỏ hơn làm theo kiểu mái nhà. Phía sau mộ có một bia đá cao 240cm, rộng 120cm, dày 20cm, trán bia cao 52cm khắc lưỡng long chầu nhật, đế bia dài 156cm, cao 40cm, rộng 55cm. Nội dung bia ghi:

An lăng

Nơi yên nghỉ của vua Trần Hiến Tông, tên húy là Trần Vượng, sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1319), năm Kỷ Tỵ 1329 được vua cha nhường ngôi đặt niên hiệu là Khai hựu, trị vì 13 năm. Băng hà năm Tân Tỵ 1341. Lăng được khởi dựng năm Tân Dậu 1381. Trải qua hơn 600 năm, lăng và điện thờ chỉ còn là phế tích.

Nay tôn tạo lăng và dựng bia cung kính tưởng niệm.

Xuân Nhâm Ngọ 2002.

   Các di vật cổ của lăng hiện nay được thu gom về vườn trưng bày trong khuôn viên lăng và được tạm thời lắp ghép cho hoàn chỉnh cụ thể như sau:

– 02 tượng quan hầu, chất liệu đá xanh: cao 130cm, rộng vai 37cm, đã bị vỡ mất phần đầu. Niên đại thời Trần

– 01 trâu, chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, dài 102cm, dày mình 43cm, cao đầu 56cm. Niên đại thời Trần

– 01 hổ, chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, mình dài 100cm, dày mình 27cm, cao đầu 44cm. Niên đại thời Trần

01 dê, chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, dài mình 97cm, dày mình 27cm, cao đầu 41cm. Niên đại thời Trần

– 01 ngựa, chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, dài mình 130cm, dày mình 50cm, cao đầu 65cm. Niên đại thời Trần

– 01 chó đá,chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, dài mình 53cm, dày mình 17cm, cao 24cm. Niên đại thời Trần

– 01 chó đá, chất liệu đá xanh, tạc theo thế đang nằm, dài mình 74cm, dày mình 25cm, cao đầu 30cm. Niên đại thời Trần 

01 bia đá, chất liệu đá xanh, bia cao 102cm, rộng 50cm, dày 22cm, trán bia cao 30cm.

– 01 bia, chất liệu đá xanh, niên đại thời Nguyễn không còn nguyên vẹn, bia cao 90cm, rộng 50cm, dày 20cm, không có hoa văn trang trí, khắc chữ một mặt, mặt sau nhẵn, chữ trên bia còn khá rõ.

Ngoài ra còn có hai đế bia hình rùa, một đế bia nhỏ dài 89cm, cao 22cm, rộng 65cm; một đế to hơn, cao 40cm, dài 163cm, rộng 94cm.

6.5. Phụ sơn lăng (lăng vua Trần Dụ Tông)

Phụ Sơn lăng được xây dựng trên một khu đất cao, bao quanh bởi các khoảnh ruộng thấp mà vốn trước đây là những dòng nước chảy quanh lăng. Phía Bắc là dòng nước bắt nguồn từ khu vực Ngải Sơn lăng – lăng vua Trần Hiến Tông, chảy đến khu vực nay là đập Ao Bèo thì chia thành 2 nhánh, nhánh thứ nhất chạy bao từ phía Bắc về phía Tây, nhánh thứ hai chạy từ phía Đông vòng qua phía Nam, phân tách địa hình khu vực Phụ Sơn lăng với khu đồi phía sau của lăng Tư Phúc sau đó nhập với nhánh thứ nhất ở khu vực phía Tây của cụm núi lăng Tư Phúc, trước khi hoà chung với suối phủ Am Trà, đoạn chạy qua phía sau đền An Sinh để đổ nước vào dòng Đạm Thuỷ. Dấu vết của dòng chảy thứ hai còn tương đối rõ, hiện dòng chảy này được sử dụng làm hệ thống dẫn nước nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong khi dòng chảy thứ nhất bị san lấp thành các thửa ruộng (ở phía Bắc) hoặc bị chia cắt, cải tạo thành các ao nhỏ. Như thế, địa điểm xây dựng lăng nằm ở một vị trí đắc địa, là chốn “thuỷ tụ minh đường” vững bền theo thuyết phong thuỷ.

  Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Lăng Phụ Sơn – lăng Trần Dụ Tông, ở chân núi xã Yên Sinh, tẩm điện và rồng đá , kỳ lân đá vẫn còn”[12]. Như vậy có thể cho tới thời Nguyễn (giai đoạn giữa thế kỷ XIX), Phụ Sơn lăng vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đến nay, các kiến trúc trên mặt đất của Phụ Sơn lăng chỉ còn là phế tích.

  Trải qua hàng trăm năm tồn tại với nhiều biến đổi của thiên nhiên và lịch sử, hiện trên bề mặt khu vực lăng chỉ còn một số hiện vật như: gạch, ngói, chân tảng… Hầu hết các hiện vật của lăng đã bị vùi trong lòng đất. Để có chỗ hương khói, thờ tự phục vụ tín ngưỡng của nhân dân địa phương, huyện Đông Triều đã cho đặt tại lăng một cây hương đá và một bàn thờ đá.

Căn cứ vào ghi chép và bản vẽ mặt bằng lăng được thể hiện trong tài liệu Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ, có thể thấy kiến trúc của Phụ Sơn lăng đã có một số thay đổi so với cách xây dựng lăng các triều vua trước. Về cơ bản vẫn là lối kiến trúc đăng đối, quy tụ vào giữa – theo quan niệm cõi niết bàn của đạo Phật thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Phần mộ được coi là trung tâm, là nhân tố tổ hợp để quy chiếu toàn bộ kiến trúc lăng thành một khối chung, vây quanh đó là lớp thành đá cuội. Riêng số lượng và cấu trúc các cửa lăng đã có sự khác biệt. Lớp ngoài cùng có một cửa vào duy nhất ở phía trước (phía Nam). Lớp thứ hai được bao quanh bởi một lớp tường, mở 5 cửa phía trước, ba cửa giữa có thành bậc sấu đá là lối vào khuôn viên bên trong, hai cửa bên tách với công trình bên trong bằng tường xây, đây là cửa đi vào kiến trúc hai bên, mỗi công trình đều dài 8,5m và rộng 5m. Ở hai bức tường ngăn giữa lớp trong với hai công trình hai bên đều mở mỗi bên một cửa có thành sấu đá. Lớp thứ ba chỉ mở một cửa ở chính giữa có thành sấu đá đi thẳng vào phần mộ, ở đây lại có thành cửa sấu đá quay vào đăng đối với cửa ở phần mộ có thành cửa sấu đá quay ra. Đồng thời đến giai đoạn này, Nho giáo đang dần lên ngôi thay thế Phật giáo, quan niệm Nho giáo đã có ảnh hưởng tới xu hướng kiến trúc, vì thế mà Phụ Sơn lăng còn được quy chiếu trên một thành trục – đường thần đạo chạy qua trung tâm của lăng.

  Cũng theo tài liệu Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ thì Phụ Sơn lăng có ba cấp nền. Nền thứ nhất dài 2 trượng (6,6m), rộng 1 trượng 5 thước (4,95m), cao 2 thước (0,66m), mở một cửa. Nền thứ hai dạng hình vuông, cạnh dài 1 trượng (3,3m), mở chín cửa đều rộng 3 thước (0,99m). Hai bên tả hữu có hai nền đăng đối đều dài 2 trượng 5 thước (8,25m), rộng 1 trượng 5 thước (4,95m).

  Theo tài liệu Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký thì Phụ Sơn lăng có ba nền. Nền thứ nhất dài 2 trượng (6,6m), rộng 1 trượng 5 thước (4,95m), cao 2 thước (0,66m). Nền thứ hai bốn mặt đều dài rộng 1 trượng (3,3m), mở một cửa. Nền thứ ba dài dài 6 trượng (19,8m), rộng 1 trượng 1 thước (3,63m), mở chín cửa đều rộng 3 thước (0,99m). Hai bên tả hữu là hai nền dài 2 trượng 5 thước (8,25m).

  Năm 2012, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành khai quật thăm dò di tích Phụ Sơn lăng.

  Cuộc khai quật đã bước đầu làm xuất lộ dấu tích một số khu vực kiến trúc của Phụ Sơn lăng. Về cơ bản, vị trí, kích thước các kiến trúc xuất lộ đều tương đồng với mô tả trong các tài liệu Trần triều thánh tổ các xứ địa đồTrần triều lăng tẩm đồ mạn ký (kích thước cụ thể của các kiến trúc này có thể có sự chênh lệch đôi chút). Các dấu tích xuất lộ cho phép nhận diện một phần các công trình sau: Tẩm điện chính (chính tẩm), kiến trúc ở phía Nam (phía trước) chính tẩm, kiến trúc hành lang phía Đông Nam, các khoảng sân xen kẽ giữa Tẩm điện chính với các kiến trúc phụ cận, một khoảng nền lát cuội ở phía trước cách chính Tẩm khoảng 30m. Cụ thể, phần kiến trúc đã xuất lộ của lăng như sau:

  Tẩm điện chính (chính Tẩm): Là trung tâm của công trình, nằm trên trục thần đạo của lăng và là nhân tố hạt nhân quy chiếu để xây dựng các công trình phụ cận. Tẩm điện chính quay mặt về hướng Nam, phía trước mở một cửa có bậc thềm lên xuống rộng 1,2m, hai bên có lan can rồng đá. Hiện bậc thềm và lan can này không còn nguyên vẹn, chỉ còn một số bộ phận như: phần chân của lan can hai bên, các mảnh thành bậc rồng đá trên lớp mặt di tích và một bậc thềm đá xanh nằm ở vị trí gốc, các bậc cấp khác đã bị mất hoặc nằm rải rác trên lớp mặt di tích. Bậc cấp này nằm tách biệt chứ không ăn sâu vào nền Tẩm chính. Bó nền của Tẩm chính có chiều dài 9,4m, chiều rộng 6,7m. Như vậy, diện tích của nền Tẩm chính rộng khoảng 63m2. Bề mặt bó nền rộng 64cm, bó nền có kết cấu gồm 3 phần. Phần ngoài cùng là hai hàng gạch bìa đỏ (dài 36cm – 39cm, rộng 19cm – 20cm, dày 4cm) xếp nghiêng sát vào nhau tạo đường giới hạn cho phần bên trong bó nền. Phần giữa là lớp cuội ken dày theo dạng lát, kích thước cuội từ 4cm đến 10cm. Phần trong cùng của bó nền là hàng gạch bìa đỏ (kích thước giống gạch ở phần ngoài) xếp nằm xen với các cột đá chống nền, cứ một hàng gạch xen với một cột đá. Kết cấu của bó nền này tương đối giống với kết cấu bó nền ở Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông). Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng ở đây đã có sự tiến bộ hơn ở Thái lăng. Ở Thái lăng, các dấu vết  cho thấy cũng dùng kỹ thuật lấy cột làm bộ xương chống để tôn nền lên, tuy nhiên khi khai quật lại không phát hiện được dấu tích của các cột này. Chứng tỏ các cột chống nền ở Thái lăng có thể được làm bằng gỗ, trải qua 700 năm đã bị mối mọt tiêu hủy hết. Còn ở Phụ Sơn lăng, các cột này được làm bằng đá xanh, hiện nhiều cột còn giữ được hình dáng nguyên vẹn. Các cột đá này được tạo gờ ở hai bên nhằm khớp với hàng gạch xếp nằm xen kẽ để giữ cho gạch không bị bung ra, phía trên tạo mấu để liên kết với vật liệu lớp mặt nền Tẩm chính. Chiều dài các cột đá xuất lộ khoảng 1,2m cho phép đoán định nền Tẩm chính cao khoảng 0,6m đến 0,8m so với sân (tương đương với độ cao ghi trong các tài liệu cổ).

  Một số kiến trúc phụ cận: Do điều kiện không cho phép, nên chỉ mở rộng được phạm vi khai quật về phía Nam và phía Tây để thăm dò các kiến trúc hành lang ở hai hướng này. Khu vực được cho là có các kiến trúc hành lang phía Đông hiện chưa đủ điều kiện để khai quật. Tuy nhiên, với lối kiến trúc đối xứng thì việc thăm dò phát hiện được các khối kiến trúc phía Tây cũng cho phép đoán định ở phía Đông cũng có những khối kiến trúc tương tự.

  Kiến trúc hành lang phía Nam: Cách vị trí bó nền phía Nam của Tẩm điện chính một khoảng sân rộng 3,8m, phát hiện một đoạn bó nền chạy theo hướng Đông – Tây. Phía Bắc bó nền này nằm tiếp giáp với khoảng sân xen kẽ giữa Tẩm chính và kiến trúc hành lang phía Nam. Phía Nam của bó nền xuất lộ ba móng trụ thẳng hàng và cách bó nền 8cm, vì vậy đây là bó nền phía Bắc của kiến trúc hành lang phía Nam Tẩm chính. Phía Đông và phía Tây của bó nền bị giới hạn bởi các vách hố khai quật, tuy nhiên có thể khẳng định bó nền này vẫn tiếp tục vươn dài về hai đầu Đông – Tây. Bó nền này có tác dụng đẩy cao phần nền kiến trúc hành lang phía Nam lên so với mặt sân. Bó nền này được xây dựng bằng cách xếp nằm các hàng gạch bìa đỏ xen kẽ với các cột đá xanh (kết cấu giống như vách trong của các đoạn bó nền ở Tẩm chính). Mặt phẳng của các cột đá và mặt phẳng của gạch được quay ra ngoài (phía Bắc). Bó nền và ba móng trụ này thuộc kiến trúc hành lang phía Nam Tẩm chính.

  Kiến trúc hành lang phía Tây: phía Tây Tẩm chính xuất lộ hai đoạn bó nền chạy theo hướng Bắc – Nam, song song với nhau, song song và cách bó nền phía Tây của Tẩm chính một khoảng sân. Bó nền thứ nhất nằm giáp với khoảng sân, được xây dựng hoàn toàn bằng gạch bìa đỏ (dài 38cm, rộng 20cm, dày 4cm). Bó nền này bị phá hủy gần như toàn bộ, chỉ còn một đoạn của phần đáy có chiều dài (Bắc – Nam) 1,2m, rộng (Đông – Tây) 38cm. Bó nền được xây dựng theo kiểu xếp chồng các lớp gạch lên nhau thành một hàng dài theo chiều Bắc – Nam. Ở mỗi lớp, cứ một viên gạch xếp quay ngang lại đến một viên quay dọc, lấy mặt ngoài làm chuẩn, phần thừa ra được đẩy vào trong nền. Các hàng gạch ở các lớp liền nhau lại được xếp so le nhằm tạo độ vững cho bó nền. Đặc điểm xây dựng này cho thấy bó nền này có kết cấu khác hẳn với kết cấu các bó nền ở Tẩm chính và ở kiến trúc hành lang phía Nam (không sử dụng cột đá). Đoạn bó nền thứ hai nằm ở phía Tây bó nền thứ nhất, đoạn này cũng bị phá hủy nghiêm trọng, chỉ còn lại một phần. Phần còn lại này là phần lát cuội và một viên gạch bìa đỏ (kích thước 38cm x 19cm x 4cm). Theo đó có thể bó nền này được kết cấu gồm hai phần, phần chính được xây bằng gạch đỏ mà dấu vết còn lại là một viên gạch nằm dọc theo chiều dài bó nền, phần chân ngoài được lát bằng cuội theo kiểu nghiêng từ trong ra ngoài (Đông sang Tây). Phía trong và sát với hai đoạn bó nền này đã xuất lộ dấu vết 5 móng trụ. Do đó có thể khẳng định hai đoạn bó nền và năm móng trụ này là của kiến trúc hành lang phía Tây.

  Các khoảng sân của lăng: cuộc khai quật thăm dò khảo cổ học đã làm xuất lộ một số khoảng sân (ở góc Đông Bắc và góc Tây Nam Tẩm chính) xen kẽ giữa Tẩm chính với các kiến trúc hành lang, các khoảng sân này bị phủ lấp bởi một lớp gạch, ngói đổ vỡ dày trung bình 20cm – 30cm. Theo dấu vết còn lại thì sân được lát bằng gạch bìa đỏ (loại gạch vuông, kích thước 40cm x 40cm). Các khoảng sân này chạy xung quanh Tẩm chính, được xây dựng nhằm tạo không gian cho lăng đồng thời làm đường chạy đàn của lăng.

  Bên ngoài kiến trúc hành lang phía Tây là một khoảng sân. Tuy nhiên những dấu vết còn lại không đủ để khẳng định khoảng sân này có được lát gạch hay không.

  Ở phía Nam Tẩm chính (bên ngoài kiến trúc hành lang phía Nam, cách tẩm chính hơn 10m) là một khoảng nền lát cuội bằng phẳng (phần còn lại rộng 7,7 m2). Kích thước các viên cuội lát ở đây trung bình từ 10cm đến 13cm. Hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định đây là nền của một kiến trúc hay là một khoảng sân. Dựa vào đặc điểm cấu tạo, có thể phỏng đoán đây là một khoảng sân (vì nền của kiến trúc thường được đẩy cao hơn hẳn nền xung quanh, tuy nhiên lớp cuội ở đây chỉ cao hơn phần nền đất màu vàng – đất gốc bên cạnh 5cm đến 7cm).

Dấu vết tường bao và đường đi: ở phía Nam cách Tẩm chính hơn 100m, xuất lộ một đoạn chân (móng) tường bao cuội và một đoạn đường lát cuội. Đoạn chân (móng) tường bao xuất lộ rộng gần 1m2, chạy theo chiều Đông – Tây. Móng tường bao được xây dựng bằng cuội kích thước lớn (20 cm đến 30cm). Cuội được xếp ở hai biên sao cho mặt đẹp quay ra ngoài tạo thành mặt chính, ở giữa dùng đất sét lẫn đá gan gà đầm chặt. Xung quanh khu vực này còn rải rác các mảnh gạch ngói thời Trần chứng tỏ có thể trên lớp móng được xây và kè bằng cuội hì tường bao được xây bằng gạch và lớp trên cùng được lợp ngói. Gần phạm vi tường bao tìm thấy một đoạn đường đi được lát bằng cuội khá cẩn thận, đó có thể là con đường chính từ phía Nam đi lên khu vực trung tâm – Tẩm chính. Đoạn đường lát cuội này giáp với hàng cuội phía Nam của tường bao và có hiện tượng vẫn tiếp tục phát triển về phía Nam của di tích. Song, vì hố khai quật được mở trong phạm vi nhỏ lại áp sát với hàng rào của nhà dân đang sử dụng nên chưa có điều kiện tìm hiểu thêm. Các viên cuội được dùng vào việc xây dựng con đường này được lựa chọn khá cẩn thận, kích thước đồng đều nhau, trung bình mỗi viên có kích thước 7cm – 10cm.

Các dấu tích kiến trúc xuất lộ trong đợt khai quật thăm dò này cho thấy Phụ Sơn lăng được xây dựng từ thời Trần và không có dấu vết trùng tu, tôn tại ở các giai đoạn sau.

6.6. Nguyên lăng (lăng vua Trần Nghệ Tông)

Nguyên lăng được xây dựng trên một sống đất cao được bao bọc kín xung quanh bởi dãy núi Đốc Trại theo 3 hướng Đông – Tây – Bắc, thuộc khu vực Khe Nghệ, thôn Bãi Dài, xã An  Sinh. Mặt tẩm quay về hướng Nam, nhìn vào khu vực đập Khe Nghệ, vốn trước đây là nơi tụ thủy từ ba dòng nước chảy xuống, đầu gối vào núi Đốc Trại ở phía sau. Như vậy, Nguyên lăng được xây dựng tại một vị thế đắc địa, vững bền theo thuyết phong thủy “đầu gối sơn, chân đạp thủy”.

Theo những người dân ở địa phương thì Nguyên Lăng đã bị những người săn tìm của cải đào phá vào những năm 80 của thế kỉ XX, họ đã đào sâu xuống tận huyệt mộ, làm bật lên vôi, than tro và gỗ trong đó có những súc gỗ lớn dài đến 5 m. Hố đào trộm được mở trong phạm vi 5,5m x 5 m, những người đào trộm đã đào xuống rất sâu khoảng 5-6 m, họ chỉ dừng lại khi gặp tảng đá lớn không thể bật được lên do vậy các dấu tích của lăng mộ đã thay đổi hoàn toàn.

Theo tài liệu Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì Nguyên lăng không có nhiều kiến trúc như các lăng khác mà chỉ có: “Bốn mặt vết tường gạch dài 1 trượng (3,3m), rộng 2 thước (0,66m). Mộ ở trong tường, có đường kính 3 thước 5 tấc (1,15m)”.

Năm 2012, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh thành -Viện Khoa học Xã hội tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ di tích Nguyên lăng. Kết quả khai quật thăm dò khảo cổ đã khẳng định rõ hơn những điều ghi chép sơ lược trong tài liệu Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ nói trên, đồng thời lần đầu tiên cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể cho biết phạm vi phân bố của di tích, cấu trúc tổng thể, mặt bằng kiến trúc của di tích Nguyên lăng trong lịch sử.

Nguyên lăng được xây dựng ở sườn một quả đồi chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, mặt tẩm quay về hướng Nam ghé Tây 350. Kết quả khảo sát, nghiên cứu thực địa kết hợp với các tài liệu lịch sử cho thấy di tích có hai khu vực:

a, Khu vực thứ nhất:  Khu vực chính tẩm – trung tâm của lăng, nằm ở phần tương đối bằng phẳng của quả đồi, có độ cao trung bình 30 m so với mặt nước biển. Nơi mà trước đây những người đào trộm đã đào phá và hiện còn lại dấu vết gạch, ngói, tro than, vôi bột và dấu vết các viên đá gạo được xếp một cách có hàng lối.

Tại khu vực này đã phát hiện dấu vết của phạm vi bó nền thuộc khu vực chính tẩm: bó nền phía Bắc, bó nền phía Đông, bó nền phía Tây và bó nền phía Nam.

Bó nền phía Bắc: bó nền này đã bị phá gần như toàn bộ chỉ còn lại lớp đá cuối cùng thuộc góc Đông Bắc. Phần xuất lộ có chiều dài Đông Tây 4,2m, rộng Bắc Nam 0,8m. Bó nền tiếp tục chạy về phía Tây và bắt vuông góc với bó nền phía Đông.

– Bó nền phía Đông: bó nền không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại lớp đá cuội nhưng đã bị xô lệch, góc Đông Nam đã bị phá hủy hoàn toàn. Phần bó nền xuất lộ có chiều dài Bắc Nam 5,0m, rộng Đông Tây 0,8m. Đoạn bó nền này bắt vuông góc  với bó nền phía Bắc và có xu hướng kéo dài bắt vuông góc với bó nền phía Nam.

– Bó nền phía Nam: tương tự như bó nền phía Bắc và bó nền phía Đông đều bị phá hủy nghiêm trọng, chỉ còn lại lớp đá cuối cùng và không liền mạch. Phần còn lại dài Đông Tây 7,10m, rộng Bắc Nam 0,8m. Đầu phía Đông bắt vuông góc với bó nền phía Đông, đầu phía Tây bắt vuông góc với bó nền phía Tây.

– Bó nền phía Tây:  bó nền này chỉ còn lại một đoạn rất ngắn ở vị trí bắt vuông góc với bó nền phía Nam, song song và cách bó nền phía Đông khoảng 7,70m. Dấu vết còn lại dài Bắc Nam 1,80m, rộng Đông Tây 0,80m.

 Các bó nền này hầu như đã bị phá  hủy nghiêm trọng, chỉ còn lại lớp đá cuối cùng và không liền mạch. Bó nền chủ yếu được kè xếp bằng đá gạo có kích thước nhỏ (0,35m x 0,23m) Từ những dấu tích bó nền hiện còn có thể xác định được phạm vi của khu vực tẩm, theo đó tẩm có bình diện hình vuông 7,70m x 7,70m.

Trong phạm vi của bó nền có dấu vết của một hố đào với kích thước dài Đông- Tây 5,5m, rộng Bắc-Nam 5,0m. Kết quả thăm dò khảo cổ tại dấu vết hố đào đã xác định được một phần ranh giới phía Tây và phía Nam của huyệt mộ mà khi đào trộm có lẽ do cấu trúc của phần đất nguyên bản và phần đất lấp huyệt mộ có kết cấu khác nhau nên những người đào trộm vô tình cũng dừng lại ở đúng biên của huyệt mộ. Phần đất nguyên thổ là dạng đồi đất lẫn nhiều hạt thạch anh (dạng đá gạo), kết cấu rắn chắc. Phần đất lấp cũng chính là đất tại chỗ nhưng đã bị phá vỡ kết cấu, nên khi lấp lại đất trở lên tơi xốp hơn. Bằng chứng khẳng định hố đào trộm không vượt quá giới hạn của huyệt mộ là trên thành huyệt vẫn còn lại một phần vôi và hợp chất ngấm vào thành đất, đá của huyệt mộ làm cứng hóa toàn bộ bề mặt khiến thành hố cứng giống như đá. Hiện tượng này cũng xảy ra ở phần đáy hố, do lớp đất đáy huyệt là dạng đá gạo có kết cấu khá cứng, sau khi vôi và các hợp chất thẩm thấu vào đã làm tăng cường độ cứng nên khi đào đến đáy người ta thấy độ cứng đột ngột nên tưởng rằng ở dưới có phiến đá nhưng thực chất đó là nền của huyệt mộ.

Đồng thời ở vách Nam đã tìm thấy manh mối về đường dẫn vào huyệt mộ (huyệt đạo), giới hạn phía Đông của đường huyệt đạo cách vách phía Đông của huyệt mộ 1,0m về phía Tây. Song song với việc làm rõ đường biên huyệt mộ và tìm kiếm huyệt đạo, trong lớp đất lấp hố đào có thấy rất nhiều than tro, vôi bột, vôi cục dạng vôi được nung từ các loại vỏ nhuyễn thể và những mảnh gỗ vụn. Như vậy, các thông tin do người dân cung cấp là khá chính xác. Ngoài các loại vật liệu kể trên trong lớp đất lấp cũng tìm thấy khá nhiều những cục hợp chất màu vàng, trọng lượng rất nhẹ, đốt có thể cháy là loại hợp chất phổ biến được sử dụng trong các mộ thời Trần.

Trên cơ sở các dấu vết hiện còn và các loại vật chất cũng như di vật tìm được trong lòng huyệt mộ có thể thấy, cấu trúc huyệt mộ và kỹ thuật xử lý huyệt mộ của Nguyên lăng khá giống với mộ Nghĩa Hưng – một ngôi mộ thời Trần tìm thấy ở thôn Nghĩa Hưng xã An Sinh, cách Nguyên lăng không xa.

b, Khu vực thứ hai: nối tiếp với khu vực thứ nhất về sườn phía Tây – Nam của quả đồi, có độ cao trung bình 26 – 27m so với mực nước biển.

 Khu vực này có thể là phần sân hành lễ ở phía trước chính tẩm, đồng thời ở phía dưới có dấu vết của đường dẫn đi vào huyệt mộ (Huyệt đạo). Phạm vi đường dẫn rất dễ nhận ra so với khu vực xung quanh do đất trong đường dẫn là loại đất đồi có lẫn sét vàng khác hẳn với khu vực đất xung quanh là loại đất đồi có màu nâu đỏ có lẫn sỏi trắng nhỏ, đặc biệt đường biên phía Đông có thể kết nối với dấu vết đã tìm thấy ở vách phía Nam của huyệt đạo tại khu vực thứ nhất. Khi cắt cọc theo chiều Bắc – Nam một phần tư dấu vết đường dẫn đã làm xuất lộ dấu vết bậc lên xuống, đồng thời thấy rõ được cấu trúc các lớp đất lấp đường dẫn vào huyệt đạo. Kết quả đã tìm thấy dấu vết ba bậc lên xuống, bậc rộng 0,52m, cao trung bình 0,25m, bậc trên cùng cũng chính là giới hạn phía Nam của huyệt đạo. Như vậy, từ giới hạn phía Nam của đường huyệt đạo đến huyệt mộ dài 4,50m, chiều rộng của huyệt đạo là 3,10m, hay nói cách khác huyệt đạo có kích thước dài 4,50m, rộng 3,10m cấu trúc chia thành nhiều bậc dẫn từ phía Nam vào trong huyệt mộ. Cấu trúc và hình dáng của huyệt đạo ở Nguyên lăng khá giống với cấu trúc huyệt đạo của mộ Nghĩa Hưng. Trong đó huyệt rộng 5m x 5,5m, sâu khoảng 4,0 m; huyệt đạo ở phía Nam dài 4,5 m rộng 3,1m, phần đầu phía Nam tạo bậc dẫn xuống, phần phía Bắc có thể để phẳng. Các di vật gỗ, vôi, hợp chất còn lại trong lớp đất cộng với sự mô tả của những người chứng kiến việc đào trộm cho phép xác định mộ có thể có một hoặc hai lớp quách, lớp quách ngoài có dạng cũi, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vôi bột, than tro và hợp chất, trong cùng là quan.

Di vật tại đây chủ yếu được tìm thấy trong lớp đất canh tác nhưng số lượng cũng rất ít, ngoài dấu vết huyệt đạo thì hoàn toàn không tìm thấy manh mối nào cho thấy các kiến trúc được mở rộng đến khu vực này. Như vậy có thể thấy, diện phân bố kiến trúc ở Nguyên lăng nhỏ hơn rất nhiều so với các lăng tẩm khác của nhà Trần ở Yên Sinh.

6.7. Đồng Hy lăng (Lăng mộ vua Trần Duệ Tông và mộ vua Trần Thuận Tông). Lăng toạ lạc ở núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy, xã Thủy An. Diện tích toàn bộ khu lăng mộ vào khoảng 1ha, theo các tài liệu lịch sử thì lăng được xây dựng năm 1377. Cấu trúc của lăng được ghi chép trong tài liệu Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ như sau: tường bao ngoài của lăng có chiều Đông Bắc dài 5 trượng 6 thước (18,5m); Chiều Tây Nam dài 2 trượng 2 thước (7,3m). Bốn mặt xây đá dài hơn một dặm (1609m) còn lại là tường đất. Tường trong dài 2,2 trượng(7,3m), rộng 8 thước (2,64m). Miếu có nền dài 2 trượng 5 thước (8,25m), rộng 1trượng 2 thước (4m). Có một bệ đá dài 4 thước 1; một bệ đất dài 2 thước 9 (1m). Cả hai bệ đều rộng 2 thước 1 (0,7m),  cao 1thước 3 (0,5m).

Rất tiếc là khu vực lăng Đồng Hy đã bị xáo trộn quá nhiều nên chúng tôi chưa xác định được chính xác vị trí lăng mộ của hai vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông. Chúng tôi sẽ bổ sung số liệu cụ thể về vị trí địa lý, quy mô, kiến trúc của khu lăng mộ này sau khi có kết quả khai quật khảo cổ vào cuối năm 2013.

6.8. Đền An Sinh

Đền An Sinh xưa còn được gọi là Điện An Sinh. Điện An Sinh toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải (hình con Quy) giữa vùng linh địa ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh.

Điện An Sinh có kiến trúc chữ Công, gồm tiền đ­ường, ống muống và hậu cung. Trong khuôn viên của điện có bia đá, rồng đá. Theo tài liệu “Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ” thì điện An Sinh có kiến trúc chữ công gồm bái đường, ống muống và hậu cung. Bái đ­ường Đền An Sinh gồm 3 gian, hai chái, dài 3 trượng 5 thước (11,55m); rộng 2 trượng (6,6m). Gian ống muống dài 2 trượng (6,6m) và gian hậu cung dài 3 trượng (9,9m), rộng 2 trượng 2 thước (7,2m). Ngoài ra còn có nhà khách và nhà thủ từ. Phía tr­ước có tam quan và tường vây, gồm một cổng chính là nghi môn và hai cổng phụ, kiến trúc mái cổng hai tầng tám mái, xung quanh đều có t­ường bao bọc. Đây là công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ linh thiêng, đư­ợc xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIV), thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần gồm: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế (có thể là An Sinh vương Trần Liễu).

Theo văn bia và lệnh chỉ tại đền An Sinh thì tên điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hòa 11 năm 1690, bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh ; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom điện An Sinh. Như vậy có thể thấy điện An Sinh nơi thờ ngũ vị hoàng đế tồn tại ít nhất đến thời Lê và sau đó được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần ở thời Nguyễn.

Theo Tư liệu khảo sát thực địa về điện An Sinh của Viện Mỹ Thuật Mỹ Nghệ trung ương tháng 6 năm 1968 thì điện An Sinh có một thời gian được sử dụng làm trường học cho học sinh miền Nam. Khu này vốn là một vùng bãi rộng, sau ngày hòa bình, Bộ giáo dục cho dựng nhiều nhà gạch để lập trường học cho những học sinh từ miền Nam ra tập kết. Ở đây còn có dấu vết của đền thờ “Trần triều Bát vị hoàng đế” mà nhân dân còn gọi là đền Sinh, phía sau đền có tấm bia ghi rõ lăng mộ của ba vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế do nhà Nguyễn sai dựng vào năm Minh Mạng thứ 21- 1840. Khu vực đền thờ 8 vị vua nhà Trần còn rõ nền móng của các tòa nhà xưa quay về hướng nam. Theo những vết tích trên mặt đất và lời kể của nhân dân, đền Sinh gồm ba lớp chính song song nhau: lớp trong cùng là chính tẩm rất thiêng, không được ra vào tự do, trong có 8 ngai thờ 8 vị vua nhà Trần, lớp giữa là trung đường có bàn thờ ở giữa và bia để ở hai đầu, lớp ngoài cùng là đại bái, ngoài ra còn có miếu thờ thổ thần, văn miếu thờ Khổng Tử (có lẽ có từ thời Lê) và nhà khách cùng với một số bia bị gẫy, đổ không còn nội dung. Như vậy có thể thấy điện An Sinh tồn tại với việc thờ Ngũ vị hoàng đế được duy trì cho đến thời Lê, Trịnh. Đến thời Nguyễn điện được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba tòa nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ tam. Lúc này trong đền thờ tám vị hoàng đế, với ý nghĩa thờ tám vị thánh triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi đền ở. Ngoài ra bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, một cái thờ Bà Hoàng và một cái (phía Trái của đền) thờ đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” và “Tiêu diệc“.

Điện An Sinh là nơi tri ân công đức các vị vua họ Trần đã làm rạng danh non sông đất nước nên trải qua các thời kỳ lịch sử đều được triều đình chú trọng đầu tư tôn tạo và cắt cử nhân dân địa phương trông coi, thờ phụng. Các công trình này không chỉ đư­ợc chính triều Trần quan tâm tu bổ mà các triều đại sau: Lê, Nguyễn đều rất quan tâm. Theo văn bia còn lưu giữ tại đền An Sinh thì vào các thời Lê – Trịnh, thời Nguyễn dân xã An Sinh được triều đình cho làm dân hộ nhi tạo lệ, trông nom khu đền thờ và lăng mộ các vua Trần. Một trong số nội dung văn bia đó là: “lệnh chỉ cho làm dân tạo lệ phụng sự Trần Triều ngũ vị Hoàng đế tại điện An Sinh,  chùa Ngoạ Vân, chùa Tư phúc …“.

Điện An Sinh trong lịch sử đã qua rất nhiều lần trùng tu. Qua nội dung các văn bia ở đây ta thấy điện An Sinh đã được trùng tu vào các năm: Thiên Hựu 1557; Chính Hoà 1689; Cảnh Hư­ng 1767; Minh Mạng 1840; Bảo Đại 1927. Mỗi lần trùng tu đều cho khắc bia đá ghi nhận công đức và khắc các lệnh chỉ của triều đình lệnh cho nhân dân An Sinh đư­ợc trông coi khu lăng miếu các vua Trần và đ­ược miễn trừ mọi khoản binh dịch, thuế khoá. Các bia đá này hiện nay đang được lưu giữ tại sân vườn của đền cùng những di vật kiến trúc khác của đền do ông cha ta từ thời Trần đã tạo dựng lên.

Rất tiếc là các công trình kiến trúc cổ của Đền An Sinh hiện không còn, mặt bằng tổng thể của Đền An Sinh chưa được tiến hành khảo cổ học nên phần khảo tả này chỉ căn cứ vào các tư liệu lịch sử. Kiến trúc chính xác của Đền An Sinh sẽ được bổ sung sau khi có kết quả nghiên cứu khảo cổ học.

 Hiện nay, ở di tích còn lưu giữ được năm tấm bia đá và một số di vật sau:

– Bia thứ nhất là Trung tu tự bi ký, bia cao 103cm, rộng 49cm, dày 17cm, đế bia hình khối chữ nhật ( 86 x 44 x 24 cm). Trán bia được tạc hình mái giật cấp, phía trên trang trí lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới là hình cánh sen, diềm bia trang trí hoa văn dây leo, đế bia chạm hình sập. Bia được tạo lập ngày 3 tháng 6 năm Vĩnh Thuận thứ 7 (1771). Nội dung khắc các lệnh chỉ của chúa Trịnh là Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Khải. Chúa cho dân An Sinh trông nom khu đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần. Trong bia có kê khai số ruộng đất của đền An Sinh.

– Bia thứ hai là Quải lập hậu thần bi ký, bia cao 89cm, rộng 48cm, dày 13cm. Trán bia mặt trước trang trí lưỡng long chầu nguyệt, mặt sau trang trí rồng mây cách điệu, riềm hai bên trang trí hoa văn dây leo, riềm chân bia trang trí cánh sen. Bia được tạo lập ngày 10 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Nội dung ghi lại việc đại trùng tu đền An Sinh do nhân dân địa phương tiến hành. Ngoài ra, nhân dân còn dựng một tấm bia đá và cột hương đá bốn mặt cung tiến vào đền thờ công chúa Ai Lao – Linh Xuân (tấm bia và cột hương đá nay đã bị thất lạc chưa tìm thấy).

– Bia thứ ba: Trần Triều bi ký, bia cao 159cm, rộng 70cm, dày 0,26m; đế bia hình khối chữ nhật ( 110 x 37 x 20 cm). Bia tạc theo hình khối chữ nhật, phía trên tạo mái thu giật cấp có bốn góc đao, trán bia trang trí lưỡng long chầu nguyệt và lá sen, diềm bia trang trí hoa dây leo. Bia được tạo lập năm Thiệu Trị thứ tư (1844). Nội dung ghi lại việc tạo lập tấm bia mới để thay thế cho bia cũ tạo năm Chính Hoà thứ 10 (1689) đã bị mòn, mờ, hư hại. trong đó có đoạn viết “Ghi lại sự tích truyền lâu dài, khiến cho sự tích càng uy nghiêm. Sinh mệnh của dân nhờ đó mà kéo dài. Quốc gia nguyên khí do đây mà tràn đầy. Vậy khắc vào bia để làm rõ sự tích. Lăng mộ các xứ sở ngày tịch tháng kỵ vào việc phụng sự ranh giới các chùa đều khắc vào bia để phụng thờ khiến cho quốc mạch trường thọ[13].

– Bia thứ tư: Hậu thần bi ký (Mặt1), Lưu truyền vạn đại (mặt 2), bia đã bị mất phần chân. Bia được tạo lập năm Thiệu Trị thứ hai (1842). Nội dung ghi lại tên của hai vị hậu thần, ngày giỗ và vị trí ruộng hậu phục vụ cho việc thờ cúng.

– 01 lư hương đá trắng ( kích thước 40cm x 30cm x2,8cm). Kiểu dáng thân hình cầu, bụng phình, miệng có gờ nổi, đế có ba chân thấp, hai bên thân chạm hình cuốn thư, hoa văn mây, trên cuốn thư có khắc ba chữ “An Sinh từ”. Mặt sau của lư hương chạm mặt nguyệt có hình mây lửa. Nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn.

– 01 tượng đá xanh (mất phần đầu) cao 1m, rộng gối 0,68m, dày 0,43m. Tượng được tạc ở tư thế ngồi chân xếp bằng trên bệ đá liền khối, mình mặc áo dài 3 lớp vắt chéo trước ngực, bụng có chạm đai, trên đai trang trí hoa sen. Phí dưới ngực chạm miếng hộ tâm trang trí hình rồng uốn khúc. Phong cách trang trí nghệ thuật thời Lê.

–  Chân tảng: Đá cát kêt 24 cái , kích thước 45cm x70cm; đá xanh loại to 22 cái, loại nhỏ 02 cái, kích thước 38cm x 21cm, không có hoa văn trang trí.

Ngoài ra trong khuôn viên đền còn rất nhiều mảnh gạch, ngói, thềm bậc đá. Đặc biệt là rất nhiều vật liệu và cấu kiện trang trí kiến trúc bằng đất nung (từ thế kỷ XIV- XVIII): mảnh tháp, gạch, ngói, các linh thú…đây là tập hợp các di vật được sưu tầm tại các điểm di tích thuộc Đền và các lăng miếu vua Trần trong những năm gần đây.

Năm 1997, với nghĩa cử uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều đã đứng ra khôi phục lại ngôi đền thờ 8 vị vua Trần trên mặt bằng của nền điện An Sinh cũ gọi là Đền An Sinh.

Đền An Sinh hiện nay có diện tích khoảng hơn 1000m2, được bao bọc bởi hệ thống tường rào xây gạch. Đền có các công trình kiến trúc: Cổng, Chính điện, Tả- hữu vu, Nhà bia công đức, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác.

Khu sân vườn của đền trồng 08 cây vạn tuế tượng cho 08 vị vua Trần được thờ trong đền, 14 cây đại tượng trưng cho 14 đời vua Trần, 175 cây hoa sữa tượng trưng cho 175 năm trị vì của vương triều Trần. Ngoài ra còn có rất nhiều cây lưu niên, cây ăn quả và cây lấy gỗ khác.

Đền có kiến trúc chữ công ( I ), gồm năm gian tiền đường, một toà trung điện và 5 gian hai chái hậu cung. Kết cấu vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, mái kết cấu kiểu hai tầng tám mái.

Bài trí trong đền hiện nay như sau:

– Gian bái đường: chính giữa là ban thờ công đồng, đặt một án gian dài 2,69m, rộng 1,09m, cao 1,38m. Trên án gian đặt một bộ tam sự gồm: 01 đỉnh đồng cao 84cm, rộng (cả tai) 56cm; 02 hạc đồng cao 92cm; hai chân nến đồng cao 58cm; một bát hương sứ cao 25cm, đường kính 28cm; hai mâm bồng gỗ cao 15,5cm, đường kính 37cm; hai ống hương gỗ cao 40cm, đường kính 18cm.

Hai bên bái đường thờ Sơn thần và thổ địa, bài trí giống nhau, mỗi bên đặt một án gian dài 1,66m, rộng 82cm, cáo 1,3m. Trên án gian đặt bộ tam sự gồm: 01 đỉnh đồng cao 42cm,đường kính 31 cm; 02 hạc đồng cao 58 cm; 02 chân đèn nến cao 42 cm, một mâm bồng gỗ; một bát hương sư và 01 ống hương.

– Trung đường (ba gian chạy dọc): thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và một số đồ tế khí.

– Hậu cung là nơi đặt ban thờ và tượng 08 vị vua Trần ngồi trong ngai sơn son thếp vàng gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định;

Trong đền, hiện có 09 hoành phi, 13 đôi câu đối. Các hoành phi câu đối này đều còn mới, chữ viết khá rõ nét. Hầu hết đều chứa đựng nội dung ca ngợi triều Trần và ca ngợi hào khí Đông A như:  Đông A hiển thánh (Trần Triều hiển thánh); Phối thiên chi linh (Thiêng sánh với trời); Thiên cổ lư­u ân (Nghìn năm lưu giữ ân đức); Vạn thế phất huyên (Vạn thủa không quên); Quang liệt vĩnh thùy (ánh sáng rọi mãi); Hào khí xung thiên (Hào khí ngút trời)…

Các hàng cột nổi bật những câu đối sơn son thếp vàng với nội dung tràn đầy hào khí Đông A và lòng tự hào dân tộc:                                               

 – Xã tắc l­ưỡng lao hồi thạch mã

   Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Tạm dịch:      Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

  Non sông ngàn thuở vững âu vàng

– Chính nghiã tồn tâm vi quốc vi dân hùng khí xung thiên an xã tắc

  Từ bi tác ý thí ân thí đức cao tài yểm hải trấn giang sơn

Tạm dịch:   Lòng chính nghĩa vì n­ước vì dân, hùng khí ngút trời yên đất n­ước

 Ý từ bi làm ân làm phúc, tài cao lặng biển vững giang sơn

– Trần đại tiên vương công vĩnh ký

   Nam thiên thắng nghĩa đức trường minh

Tạm dịch: “Vua Trần công lao luôn ghi nhớ

 Đại nghĩa trời Nam mãi sáng ngời”

– Tòng phật pháp điện sơn hà thiền tông sáng thủy

  Cứu lê dân an Đại Việt cao đạo hà xương

Tạm dịch:  Theo Phật pháp dựng cơ đồ Trúc Lâm thủy tổ

 Cứu muôn dân lập Đại Việt công đức lớn lao”

– Hưng Đạo Đại Vương minh quốc sử

  Bạch Đằng vĩ tích hiển Trần Tông

Tạm dịch: Hưng Đạo Đại Vương ghi tên sử sách

  Chiến công Bạch Đằng sáng tỏ triều Trần ….

6.9. Đền Thái

Đền Thái nằm trên phần gò đồi thấp, có mặt bằng gần giống hình số 8, chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, ngày nay dân trong vùng vẫn gọi là đồi Đình, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Cách lăng Trần Hiến Tông (Ngải Sơn lăng) khoảng 200m về hướng Đông, nằm trước và cách lăng Trần Anh Tông (Thái lăng) khoảng 500m về phía Nam.

Qua những biến động của lịch sử, do sự tác động của thiên nhiên và con người, đến thời Nguyễn di tích chỉ còn là phế tích nên dân làng đã xây dựng lên vị trí này một ngôi đình. Hiện nay các công trình ở đây cũng chỉ còn tồn tại ở dạng phế tích. Năm 1993, trên nền móng của đền cũ nhân dân địa phương xây dựng tạm một công trình nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách thập phương.

Nhằm làm rõ giá trị cũng như quy mô tính chất đền Thái – Thái Miếu nhà Trần phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của khu đền thờ và lăng miếu nhà Trần nói chung và di tích đền Thái nói riêng, năm 2009 – 2010, được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh đã phối hợp với Viện khảo cổ tiến hành khai quật tổng thể khu di tích đền Thái với diện tích 3000m2.

Kết quả khai quật đã xuất lộ một tổ hợp di tích bao gồm hệ thống gia cố móng cột, nền móng nhà, sân vườn, bồn hoa, đường đi và một khối lượng di vật rất lớn chủ yếu là các vật liệu kiến trúc. Kết nối các dấu tích kiến trúc lại với nhau ta có một bằng tổng thể công trình gồm ba phần:

Nhà ngoài cùng có bậc lên xuống là Tiền điện. Nhà này có năm gian hai chái, mỗi vì có bốn cột.

Nhà chính giữa là chính điện gồm có 7 gian và hai chái, mỗi vì có 4 cột, chiếm diện tích 543,2mm2. Nền chính điện cao hơn nền của các phần phía trước và phía sau.

Hai nhà phía sau là Hậu điện gồm Tiền hậu điện và hậu điện.

Các dãy nhà kết nối với nhau bằng ống muống tạo ra mặt bằng kiến trúc hình chữ vương (   ).

Bên cạnh phía ngoài là một ngôi nhà nhỏ, có lẽ giành riêng cho thủ từ.

Các dãy nhà này đều mang đặc trưng kiến trúc cổ truyền Việt nam với kết cấu gian lẻ: năm gian hai chái, bảy gian hai chái. Các gian chái không sử dụng vào mục đích thờ cúng mà để bảo vệ mưa nắng cho các gian kề. Trừ chính điện bó nền bằng gạch được xác định vai trò quan trọng của tòa nhà này, còn tất cả được bó nền bằng cuội là một đặc trưng kiến trúc thời Trần ở An Sinh. Một đặc trưng nữa của thời Trần là nhà chính điện có nền cao hơn Tiền điện và Hậu điện. (Đặc trưng này rất giống thời Trần trùng tu chùa Quỳnh Lâm. Giữa được đắp đất cao lên là nơi đặt tượng Di Lặc – một trong tứ đại khí của nước ta). Với việc tìm thấy kiến trúc mặt bằng này cộng với các di vật, ta có thể xác định Đền Thái (Thái Miếu) có niên đại khá sớm , sớm nhất trong các kiến trúc thời Trần ở An Sinh.     

Trên cơ sở diễn biến địa tầng khảo cổ học có thể chia giai đoạn xây dựng của đền Thái làm hai thời kỳ: Thời Trần và thời Nguyễn.

  1. a) Dấu vết kiến trúc thời Trần

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu thì dưới thời Trần có ít nhất ba giai đoạn kiến trúc, diễn biến từng giai đoạn cụ thể như sau:

Ÿ Giai đoạn Kiến trúc thứ nhất được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIII (Khoảng thời kỳ 1237 – 1251). Kiến trúc giai đoạn này được phân thành 2 khu vực là khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi. Khu vực trung tâm có thể chia thành 3 phân khu: Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Đường. Việc phân thành các khu này chỉ mang tính vị trí, không bao hàm ý nghĩa về mặt chức năng. Các khu vực này được kết nối với nhau bằng hệ thống nhà dọc với vai trò như là “ống muống” ở giữa và các nhà liên lạc ở hai bên. Các nhà liên lạc này kết nối với các gian đầu hồi của ba phân khu tạo thành hồi lang khép kín khu vực trung tâm của đền. Xen giữa các khối kiến trúc là các khoảng sân vườn. Đây là các “giếng trời” để lấy ánh sáng và cũng là những khu vườn nhỏ với những mảng cây xanh tạo cảnh quan cho kiến trúc.

– Khu vực trung tâm:

+ Khu Tiền Đường: Có 04 công trình kiến trúc và 02 khoảng sân vườn. Trong đó các công trình đều có mặt bằng hình chữ nhật. Công trình lớn nhất rộng 429m2 (34,6mx12,4m) gồm 07 gian, 08 hàng cột, chạy theo hướng Đông – Tây. Ba công trình còn lại chạy theo hướng Bắc – Nam, nối liền và vuông góc với mặt Bắc của công trình thứ nhất và mặt Nam của khu Trung Đường. Ba công trình này chạy song song với nhau, công trình nằm giữa có vai trò như “ống muống”, hai công trình hai bên Đông Tây là nhà liên lạc khép kín khoảng giữa của khu Tiền Đường và khu Trung Đường. Xen giữa ba dãy nhà chạy theo hướng Bắc – Nam kể trên là hai khoảng sân vườn có mặt bằng hình chữ nhật, chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Các khoảng sân này có hệ thống cống ngầm qua các nhà liên lạc để thoát nước sang hai bên.

+ Khu Trung Đường: Là một khối công trình kiến trúc lớn gồm 09 gian, có mặt bằng hình chữ nhật chạy dài theo hướng Đông – Tây, diện tích mặt bằng 543,2m2 (34,6m x 15,6m).

+ Khu Hậu Đường: Nằm ở phía Bắc của Trung Đường, đây là một tổ hợp gồm các công trình kiến trúc và ba khoảng sân vườn liên hoàn nhau. Công trình đầu tiên của Hậu Đường có mặt bằng hình chữ nhật chạy theo hướng Đông – Tây, cách Trung Đường 9,2m về phía Bắc, song song và kết nối với Trung Đường qua hệ thống “ống muống” và nhà liên lạc. Kiến trúc Hậu Đường còn tiếp tục vươn về phía Bắc thêm một dãy nhà chạy theo hướng Đông – Tây. Dãy nhà này song song và cách công trình đầu tiên của Hậu Đường 4,9m, đồng thời kết nối với nó qua hai dãy nhà liên lạc ở hai hồi lang Đông Tây. Tại khu Hậu Đường có ba khoảng sân vườn nằm đan cài với các khối kiến trúc tạo không gian và cảnh quan cho tổng thể kiến trúc. Các khoảng sân này được bố trí các bồn hoa trang trí.

– Khu vực ngoại vi:

Nằm ngoài khu vực trung tâm, lấy khu trung tâm làm mốc chúng được phân thành các khu: Khu ngoại vi phía Nam, khu ngoại vi phía Bắc, khu ngoại vi phía Đông và khu ngoại vi phía Tây. Giai đoạn kiến trúc thứ nhất đã tìm thấy các dấu vết kiến trúc ở khu vực phía Tây đó là tòa Hữu Vu và dấu vết đường đi ở phía Nam. Hữu Vu có kiến trúc 5 gian, 6 hàng cột với tổng diện tích 144,76m2 (9,4m x 15,4m), liền sát và thẳng hàng với khu Trung Đường. Ở phía Nam, người ta lợi dụng mặt bằng địa hình của đồi, san phẳng theo chiều dốc của sườn đồi rồi xây dựng đường đi.

Ÿ Giai đoạn kiến trúc thứ hai có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII. Giai đoạn này có tổng cộng 30 công trình, trong đó có 12 công trình kiến trúc, 05 khoảng sân của khu vực kiến trúc trung tâm và đường đi ở khu phía Nam được xây dựng từ giai đoạn kiến trúc thứ nhất được duy trì, giai đoạn kiến trúc thứ hai xây mới và mở rộng thêm 06 kiến trúc, 05 khoảng sân vườn và 01 bậc cấp. Các công trình được xây mới cụ thể như sau:

– Khu vực ngoại vi  phía Đông:

Có 03 kiến trúc được xây mới, kết nối nhau và nối liền với kiến trúc khu vực trung tâm ở khu Tiền Đường và Hậu Đường tạo thành một hành lang phía Đông chạy dọc theo chiều dài của khu kiến trúc trung tâm, giữa kiến trúc khu vực trung tâm và hành lang phía Đông là khoảng sân vườn.

– Khu vực ngoại vi phía Tây:

Tòa Hữu Vu bị phá hủy lấy mặt bằng xây dựng hành lang phía Tây đối xứng với hành lang phía Đông. Giữa hành lang phía Tây và kiến trúc khu vực trung tâm là một khoảng sân vườn.

Ÿ Giai đoạn kiến trúc thứ ba được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIV, tương đương với giai đoạn kiến trúc thứ 3 ở Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông Tông). Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong cấu trúc mặt bằng tổng thể kiến trúc của đền Thái. Giai đoạn này diễn ra đồng thời với việc xây mới và cải tạo, bố cục lại mặt bằng.

– Các thay đổi trong kiến trúc khu vực trung tâm:

+ Tại khu Tiền Đường, tòa “ống muống” được mở rộng về hai phía Đông Tây, kết nối trực tiếp với hai hồi lang Đông Tây chia mỗi khoảng sân vườn ở đây thành hai phần nhỏ. Phần còn lại của các khoảng sân được cải tạo và lát nền bằng các khối đá gan gà.

+ Khu Hậu Đường có hai vị trí được cấu trúc lại, vị trí thứ nhất là tòa “ống muống” giữa Trung Đường và Hậu Đường bị phá bỏ, kết nối hai khoảng sân vườn ở hai bên thành một khoảng sân rộng. Một tòa “ống muống” khác được xây dựng nối liền hai dãy nhà chạy theo hướng Đông – Tây của Hậu Đường với nhau. Kiến trúc mới xây này có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 31,85m2 (6,5m x 4,9m), kết cấu 1 gian, 2 hàng cột.

–  Các công trình xây mới khu vực ngoại vi:

Các công trình được xây mới tập trung ở khu phía Đông và khu phía Nam.

+ Tại phía Đông, một kiến trúc lớn được xây dựng ở phía Đông của hành lang phía Đông, kết nối trực tiếp với các gian giữa của kiến trúc thuộc hành lang phía Đông. Phần lớn mặt bằng của kiến trúc mới xây giai đoạn ba này đã bị phá hủy do việc cải tạo đền nên không xác định được cụ thể cấu trúc của nó.

+ Tại phía Nam, ở cả hai bên phía Đông Nam và Tây Nam, nơi tiếp giáp với hành lang, đã tìm thấy dấu vết bó nền bằng cuội chạy theo chiều Bắc – Nam, nối liền với bó nền phía Nam của khu Tiền Đường.

Các kiến trúc được làm mới tuy không lớn nhưng nó làm thay đổi hẳn bố cục mặt bằng của cả công trình. Điều này dường như nhằm đáp ứng sự thay đổi về bài trí cũng như công năng sử dụng của một số tòa nhà trong khu vực trung tâm. Sự thay đổi ở khu ngoại vi nhằm hoàn thiện khu trung tâm. Các kiến trúc được xây mới ở khu vực ngoại vi trong giai đoạn 3 mới chỉ được làm xuất lộ một phần hoặc đã bị phá hủy do quá trình canh tác do vậy chưa thể nhận thức rõ mặt bằng tổng thể giai đoạn này.

  1. b) Dấu vết kiến trúc đình Đốc Trại thời Nguyễn

Trong khu vực đền Thái hiện tại đã phát hiện 01 dấu tích nền móng kiến trúc được xây dựng bằng gạch bìa thời Nguyễn, đáy móng được lót bằng cuội. Nền này có mặt bằng hình chữ nhật chạy dài theo chiều Đông – Tây, diện tích mặt nền (phủ bì) 77,9m2 (11,6m x 6,8m). Móng xây bằng gạch theo kiểu tường 30 với 01 hàng quay ngang và 01 hàng quay dọc, cấu trúc thành hai phần: phần hiên ở phía Nam rộng 2m và phần nội lòng ở phía Bắc rộng 4,8m.

Phủ đè lên trên dấu vết nền móng là các loại hình vật liệu kiến trúc của các thời kỳ, trong đó chủ yếu là ngói mũi sen thời Nguyễn và gạch bìa giống như loại gạch xây dựng móng và bó nền cùng nhiều vôi vữa.

Theo ghi chép trong Thần tích – Thần sắc làng Đốc Trại thì đình Đốc Trại được xây bằng gạch, lợp ngói đỏ 3 gian[14]. Theo bản khai của Thang Thành Tương – Lý trưởng xã Đốc Trại năm 1938, đình làng Đốc Trại có cấu trúc 3 gian lợp ngói  được xây dựng trên quả núi (thực ra là đồi). Căn cứ vào mặt bằng móng đã xuất lộ, các loại hình di vật, so sánh với ghi chép của Thần tích – Thần sắc và bản khai của lý trưởng làng Đốc Trại có thể xác định dấu vết kiến trúc này chính là nền móng của đình Đốc Trại thời Nguyễn. Tài liệu sớm nhất hiện biết về đình Đốc Trại là 8 sắc phong do vua Khải Định phong cho các vị Thành hoàng của làng năm Khải Định thứ 9 (1924).

6.10. Am Mộc Cảo

Am Mộc Cảo nằm bên tả ngạn suối Phủ Am Trà, thôn Trại lốc, xã An Sinh. Suối phủ Am Trà bắt nguồn từ núi Ngọa Vân, chảy về phía Đông Bắc và đổ về hồ Trại Lốc. Con đường cổ đi từ An Sinh tới Ngọa Vân men theo con suối này. Xưa dòng suối phủ Am Trà vốn chảy qua khu vực đền Thái, một số lăng mộ các vua Trần, chảy qua phía sau đền Sinh rồi đổ về khu vực đập Tân Việt ngày nay. Những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi xây dựng đập Trại Lốc thì dòng suối bị chặn lại ở đây, tuy nhiên phần dưới của dòng suối, nơi chảy qua các di tích nhà Trần kể trên nay vẫn còn.

Di tích hiện nay nằm ở bờ Nam của suối Phủ Am Trà (khu vực này ngày nay dân trong vùng thường gọi là suối 3), cách di tích Thái lăng (Lăng Trần Anh Tông) 1,5km về phía Tây Bắc. Hiện nay ở đây chỉ còn lại dấu tích nền móng của am xưa. Qua khảo sát thì hiện nay ở đây có dấu vết của hai cấp nền:

– Cấp nền thứ nhất cách cấp nền thứ hai khoảng 4,5m, cấp nền này cao hơn nền suối khoảng 5m, nền móng cấu tạo đơn giản nhưng chắc chắn, trên lớp đất nện chặt người ta xếp đá cuội bó nền xung quanh. Đoạn bó nền này ngày nay hiện rõ khoảng 10m. Trên bề mặt cấp nền này hiện nay có rất nhiều gạch ngói thời Trần, trong đó nhiều nhất là loại hình ngói cánh sen có kích thước lớn(40 x 24 x 2cm). Bên cạnh các loại hình vật liệu kiến trúc, tại đây cũng tìm thấy nhiều mảnh gốm và sành thời Trần.

– Cấp nền thứ hai là một khoảng đất trống bằng phẳng, giật cấp so với cấp nền thứ nhất, tại đây cũng tìm thấy dấu vết bó cuội nhưng không còn rõ bó nền như cấp nền thứ nhất.

Trên đường vào di tích am Mộc Cảo, bên cạnh dòng suối Phủ Am Trà, năm 2012 người dân đã phát hiện tại đây một hộp nhỏ chất liệu bằng vàng, được các nhà khoa học xác định niên đại thời Trần (Hiện vật đang được lưu giữ tại UBND huyện Đông Triều).

Các di vật tìm thấy tại di tích đã chứng minh ở đây có công trình kiến trúc bằng gỗ, lợp ngói cánh sen, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIV. Như vậy có thể am Mộc Cảo ban đầu được làm tạm bằng cỏ, sau này có thể triều đình đã đứng ra xây dựng lại thành một công trình kiến trúc bằng gỗ, lợp ngói. Rất tiếc là hiện nay công trình chưa được khai quật nên chưa khẳng định rõ quy mô kiến trúc chính xác của di tích.  Kiến trúc cụ thể và quy mô của di tích sẽ được nghiên cứu và bổ sung sau khi tiến hành khai quật khảo cổ học di tích này.   

6.11. Am – chùa Ngọa Vân

Ngọa Vân là địa danh gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của đức vua Phật tổ Trần Nhân Tông, đây chính là nơi tu hành và viên tịch của vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc lâm – Trần Nhân Tông. Là nơi Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm tiến hành các nghi lễ hỏa thiêu nhục thể của vị Vua Phật này trước khi đưa xá lị về quản tại chùa tư phúc trong hoàng cung Thăng Long. Đây cũng là chốn tu hành của nhiều vị cao tăng thời Trần. Thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ XVII-XVIII) Phật giáo được chấn Hưng, Ngọa Vân lại trở thành chốn tu hành của nhiều vị cao tăng, các công trình cũ ở đây được tu bổ, mở mang và xây dựng thêm nhiều công trình mới với quy mô lớn. Tuy nhiên, trải qua thời gian khắc nghiệt của tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử, di tích hiện chỉ còn lại phế tích.

Với những gì còn lại sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, chúng ta có thể nhận định Ngọa Vân xưa cũng được bố trí nhiều công trình từ chân lên đỉnh núi. Theo tài liệu folklor khu vực Tràng An, Trại Lốc thì xưa, mỗi lần Trần Nhân Tông lên Ngọa Vân ngài thường đi qua khu đền An Sinh, vào làng Trại Lốc rồi men theo suối tới khu Tàn Lọng, đi qua qua phủ Am Trà (phủ cửa rừng), tiếp tục men theo suối đến dốc Đô Kiệu (điểm đỗ kiệu để đi bộ lên núi vì từ đây đường đi lên dốc đứng), đi tiếp qua Thông Đàn rồi lên Ngọa Vân.

Ngày nay, hành trình lên Ngọa Vân theo con đường cổ xưa ta sẽ bắt gặp một số công trình nằm rải từ chân lên đỉnh núi đó là các công trình ở khu Thông Đàn, tiếp theo là đến khu Đá chồng và trên cùng là khu vực Phật giáo Ngọa Vân.

Khu vực Thông Đàn: Nằm trên con đường hành hương từ khu vực đền An Sinh và khu lăng mộ các vua nhà Trần, qua phủ Am trà, dốc Đô Kiệu, qua Thông Đàn rồi lên khu trung tâm Phật giáo Ngọa Vân trên núi Bảo Đài.

Thông Đàn là một di tích quan trọng trong hệ thống các di tích tôn giáo nằm trên dãy núi Yên Tử thuộc địa phận huyện Đông Triều. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của những người hành hương sau khi trải qua một đoạn đường dài từ Phủ Am Trà tới Ngọa Vân, đặc biệt là phải vượt qua một đoạn dốc Đô Kiệu cao vời vợi.

Di tích Thông Đàn nằm trên một ngọn núi cao chạy dài theo chiều Tây Nam, gồm có hai cấp nền được san gạt khá bằng phẳng để xây dựng một số công trình kiến trúc tôn giáo. Cấp thứ nhất ở phía Nam, cấp thứ hai tiếp nối về phía Bắc và cao hơn cấp thứ nhất khoảng 2m. Bốn xung quanh các cấp nền này đều  được bó bằng cuội và các loại đá khác nhau được khai thác tại chỗ và xếp kè rất linh hoạt theo địa hình sườn núi. Tuy nhiên do nằm ở độ dốc cao nên một số đoạn của bó nền ở hai cấp đã bị phá hủy. Kết quả điều tra nghiên cứu khảo cổ học cho thấy di tích Thông Đàn được xây dựng từ thời Trần và tiếp tục trùng tu vào thời Lê Trung hưng. Song do biến động của thời gian, các di tích thời Trần còn lại ở đây hết sức mờ nhạt. Mặc dù vậy sự xuất hiện của các loại hình vật liệu kiến trúc cho thấy, dưới thời Trần khu vực này đã từng tồn tại một số công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói cánh sen.

Dấu tích trùng tu xây dựng vào thời Lê Trung hưng còn lại khá rõ ràng với bó nền bao khuôn viên di tích thành hai cấp. Mỗi cấp nền có một ngôi tháp đá.

Tháp thứ nhất được xây dựng ở cấp nền trên cao (cấp nền hai), có tên là Phụng Phật tháp, tức tháp thờ Phật, có chức năng như một ngôi chùa.

Tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền thứ nhất (cấp nền thấp phía dưới), trong lòng đặt bài vị bằng đá cho biết đây là tháp mộ của Đại sa di có tên chữ là Viên Mãn Chân Giác. Từ thông tin này cho chúng ta đoán định được hành trạng của nhà sư, ông là đệ tử của Thiền tông Trúc Lâm, trong hệ các đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, người phục hưng lại Thiền tông Trúc Lâm vào thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Cả hai tháp đều đã bị đổ. Năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều đã cho khôi phục lắp đặt lại hai ngôi tháp trên và xây dựng lại khuôn viên tháp theo hai cấp nền cũ bằng đá cuội với diện tích là 355m2, mặt nền xếp đá có chất gắn kết bằng xi măng, bó nền được nâng cao thành tường bao. Cả hai tháp đều có một tầng, đế tháp có bình đồ hình vuông, bệ tháp 3 cấp (cấp giữa nhỏ), chóp tháp hình bình nước cam lồ. Tháp thứ nhất (Phụng Phật Tháp) cao 3,58m, tháp thứ hai (tháp của nhà sư Viên Mãn Chân Giác) cao 2,82m. Hiện khu vực này còn ba cây thông cổ thụ có niên đại tương đương với cây Tùng ở đường Tùng ở Yên Tử.

Khu vực đá chồng: Tiếp theo sau khu di tích Thông Đàn là khu di tích Đá Chồng, ở độ cao khoảng 490m so với mực nước biển, khu vực này cách Thông Đàn chừng 300m. Khu vực đá Chồng nằm ở phía Đông Nam của chùa Ngọa Vân, dấu vết kiến trúc còn lại ở đây khá lớn. Dấu vết kiến trúc được bố cục thành một trục gồm hồ nước, vườn tháp và khu trung tâm.

Hồ nước: nằm phía trước của trục kiến trúc có diện tích khoảng 2ha, hồ được bổ sung nước từ nhiều nguồn suối ở các triền núi cao đổ xuống tạo thành nơi tụ thủy phía trước cho toàn thể công trình.

Khu Vườn tháp: Nằm tiếp giáp bên bờ Tây Bắc của hồ nước, trên ngọn của một quả đồi thấp có độ cao trung bình 490m so với mực nước biển, ngọn quả đồi được san gạt bằng phẳng và được kè đá xung quanh theo nhiều cấp. Ở đây còn dấu tích một quần thể kiến trúc gồm một ngôi tháp đã bị đổ, cửa tháp quay hướng Nam (đặc trưng của các cấu kiện đá này tương đồng với hai ngôi tháp ở chùa Ngoạ Vân).

Khu trung tâm: Cách tháp đá khoảng 20m là một dấu tích kiến trúc kiểu chữ nhị ( = ), ở hai cấp nền chênh nhau 1,5m, diện tích rộng khoảng 30m2, có 4 hàng cột với 6 vì 5 gian, trên nền còn những tảng kê cột bằng đá gần như nguyên vẹn, mang đặc trưng của chân tảng thời Lê và trên nền đất còn vô số ngói kiểu mũi hài thời Lê (thế kỷ XVIII).

Trên con đường từ khu Đá Chồng vào chùa Ngọa Vân và cao hơn đường khoảng 20m về phía Bắc có một dấu tích nền móng kiến trúc, và hệ thống đá xếp bậc dẫn lên từ chân núi. Toàn bộ khu vực là một khu vực bằng phẳng hình chữ nhật chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam có diện tích khoảng hơn 40m2 (6x7m), mặt trước và hai bên được kè xếp bằng đá, mặt sau tựa vào sườn núi. Mặt trước nhìn về hướng Tây – Nam. Trên mặt bằng chung có hai nền kiến trúc có độ cao khác nhau, nền thứ nhất giật lại so với mặt bằng chung 1,2m ở mặt trước, chiều dài chồng khít lên chiều dài của mặt bằng chung, nền cao hơn mặt bằng chung 1m, nền thứ hai đè phủ nên nền thứ nhất ở phía Tây Bắc và cao hơn nền 1 khoảng 40cm. Trên mặt cả hai cấp nền còn lại một số tảng kê chân cột bằng đá, các tảng này là loại tảng có bệ vuông, u tròn nổi cao, kích thước 35x35cm; đường kính gờ tròn 30cm.

Khu ba bậc: Khu vực này nằm ở sườn Nam của ngọn núi, cách Đá chồng 120m theo đường thẳng về phía Đông, nằm trong khu vực thượng nguồn của suối nước Bạc. Khu vực này nằm giữa và nằm trên con đường từ Ngọa Vân đến Hồ Thiên, là điểm nối giữa Ngọa Vân, Hồ Thiên với chùa Hoa Yên thuộc khu di tích Yên Tử (Uông Bí ngày nay).

Ở đây có dấu vết của công trình kiến trúc và một số di vật. Dấu vết nền ở đây có ba lớp, lớp nền thứ nhất có diện tích 120m2, trên nền còn một số tảng kê chân cột có đường kính gờ tròn là 38cm; Lớp nền thứ hai hơi lệch về Tây so với nền thứ nhất, ở đây có dấu tích của hai nền tháp, nền tháp thứ nhất 1,8m x 1,8m, nền tháp thứ hai 2,15m x 2,15m, phần trên của Tháp đã bị đổ hoàn toàn, xung quanh vẫn còn các cấu kiện của tháp, chất liệu cấu kiện tháp là đá cát kết, một số làm bằng đá laterits; Lớp nền thứ ba có diện tích lớn nhất, ở đây một phần cấp nền này được cạp rộng ra, phần còn lại khoét sâu vào sườn núi đá. Lớp nền này được xếp thành hai cấp, cấp thứ hai thu lại so với cấp thứ nhất khoảng 1,5m, phần này có thể được sử dụng làm hiên trước của kiến trúc. Các di vật ở đây cho thấy kiến trúc được xây dựng từ thời Trần và trùng tu vào thời Lê.   

Khu di tích kiến trúc Am và chùa Ngoạ Vân: đây là khu vực chính của di tích, nằm trên núi Bảo Đài, thuộc dãy núi chạy từ Yên Tử sang, cách Trại Lốc 10 km và xa khu dân cư. Kiến trúc được xây dựng ở một địa thế rất đẹp trên cả phương tiện cảnh quan và phương diện phong thuỷ, lưng dựa vào vách núi, ở độ cao khoảng hơn 600m so với mực nước biển. Hai bên có 2 dải núi làm tay ngai, phía trước có một quả núi khá lớn chắn làm án, xa hơn nữa về về phía trước (phía nam) là thung lũng lớn với con sông Cầm uốn lượn. Với hình thế phong thuỷ có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thuỷ, vị trí chùa phải gọi là đắc địa. Chính vì vậy chùa Ngọa Vân (ban đầu là am Ngọa Vân) đã được Trần Nhân Tông chọn làm cõi thiêng đất phật, nơi ông chiêm nghiệm về giáo lý của thiền Trúc Lâm và là nơi tu hành đắc đạo rồi thoát tục ở đó.

Theo dấu tích còn lại ở đây thì chùa Ngoạ Vân xây dựng vào thời Trần có qui mô nhỏ, kiến trúc chùa chính quay theo hướng Tây Nam. Thời Lê sơ do sự phát triển mạnh mẽ của nho giáo, chùa Ngọa Vân không được quan tâm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến thời Lê Trung Hưng, do được sự quan tâm và hỗ trợ của các tầng lớp quí tộc nên chùa được các nhà sư đứng ra tu tạo. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Đinh Hợi (1707) niên hiệu Vĩnh Thịnh (hiện còn bia đá ghi nhận lại). Sang thời Nguyễn chùa tiếp tục được trùng tu tôn tạo (thời Minh mệnh) nhưng về sau do điều kiện khó khăn nên chùa không thường xuyên được quan tâm và bị hư hỏng nặng, đổ nát cho đến năm 2000 mới được các nhà sư đến ở và từng bước xây dựng lại.

Căn cứ kết quả thám sát khảo cổ học và các di tích di vật hiện tồn ta có thể xác định ở đây có rất nhiều công trình. Tạm thời chia theo khu vực như sau:

Khu vực Ngoạ Vân 1: Nằm ở mỏm phía Đông của núi Vây Rồng, đây chính là điểm đầu của tay ngai phía Đông (đầu của Tả thanh long), tại đây có dấu vết kè xếp nền bằng đá cát kết (đá gạo) và cuội cùng một số di vật. Nền kiến trúc nằm ở mé tây của một khe suối nhỏ được kè xếp thành hai cấp, cấp dưới được kè xếp lương theo địa hình để tạo mặt phẳng, cấp này hiện bị con đường dẫn vào chùa cắt ngang qua. Cấp nền trên cao hơn cấp nền dưới trung bình 0,40m, nền có mặt bằng hình chữ nhật diện tích khoảng 70,5m2 (dài theo hướng Đông – Tây 18,1m; rộng Bắc – Nam 3,9m), mặt trước nhìn về Nam ghé Tây, mặt sau tựa vào sườn núi.

Bên cạnh dấu vết kè xếp nền bằng đá, ở đây cũng có một số một số hiện vật có niên đại thời Trần và thời Lê Trung hưng, các hiện vật thu được ở đây gồm chủ yếu là vật liệu kiến trúc đồ sành.

Khu vực Ngoạ Vân 2: Nằm cách khu vực Ngoạ Vân 1 khoảng 20m về phía Tây Bắc, tại đây hiện còn các dấu vết kè xếp nền móng kiến trúc, và rất nhiều di vật, trong đó chủ yếu là các loại hình vật liệu kiến trúc như tảng kê chân cột, gạch ngói các loại, vv…

Dấu vết kiến trúc còn lại bao gồm bó nền và móng kiến trúc, mặt bằng nền hình chữ nhật, mặt nhìn về hướng Tây – Nam, phía sau tựa vào sườn núi. Nền được kè xếp thành ba cấp, cấp nền dưới có diện tích lớn nhất, dài Đông – Tây 26m, rộng Bắc – Nam 9,5m, cấp nền 2 cao hơn cấp nền thứ nhất trung bình 0,80m và giật lại 2m, nền rộng 3,8m; Cấp nền thứ 3 ở trên cùng cao hơn cấp nền hai 0,40m, nền rộng và giật lại so với cấp nền hai khoảng 3,8m.

Nửa phía Đông của khu vực này đã bị sạt lở do hiện tượng sói mòn của mưa lũ, tại khu vực bị sạt lở đã để lộ ra địa tầng cho thấy bao phủ lên bề mặt của cấp nền hai và cấp nền thứ ba là lớp ngói dầy 20-30cm. Trong đó đáng lưu ý ở đây trong lớp ngói này chúng ta có thể nhận rõ một lớp ngói thời Trần.

Khu vực Ngoạ Vân 3: Là khu vực trung tâm của núi Vây Rồng, nằm ở độ cao trung bình 588m so với mặt nước biển, diện tích mặt bằng khoảng hơn 700m2 là khu vực có diện tích lớn nhất trong khu Ngoạ Vân. Không chỉ là khu vực có diện tích lớn nhất mà đây còn là khu vực có mật độ di tích di vật đâm đặc của nhiều giai đoạn khác nhau.

Di tích còn lại bao gồm hệ thống kề bó nền móng. Các mặt nền phía Tây – Nam, Tây – Bắc và Đông – Nam đều được kè xếp bằng đá, nhất là mặt phía Tây Nam (mặt trước) được kè xếp thành nhiều cấp, phía sau cắt sâu vào sườn núi đá tạo thành bức tường vững chắc.

Nằm dịch về phía Tây của khu đất này hiện có một kiến trúc xây bằng đá, kiến trúc được bố chí theo chiều dọc, hồi phía Tây – Nam mở 3 của vòm và là mặt chính của kiến trúc, phần mái kiến trúc đã mất, chỉ còn 4 bức tường, tường có trổ các cửa nhỏ. Trên của chính  đắp nổi một bức hoành phi hình chữ nhật, trong đề ba chữ Hán Ngoạ Vân tự (                ), hai cột ngoài cùng có đôi câu đối, tuy nhiên chữ đã mờ nên không thể đọc được, bên cạnh kiến trúc này còn một số nền kiến trúc đắp đất.

Kết quả điều tra dân tộc học cho biết, các kiến trúc này được Lý trưởng Sáu Lục (một người gốc Hoa) ở làng Trại Lốc đứng ra vận động quyên góp và tổ chức xây dựng vào đầu thế kỷ 20, ông Sáu Lục cũng chính là người đã vẽ lại mặt bằng di tích Thái Lăng vào năm 1920.

Khu vực Ngoạ Vân 4: là khu vực nằm trên đỉnh núi phía sau khu vực Ngoạ Vân 3, dưới góc độ phong thuỷ thì khu vực Ngoạ Vân 4 là phần hậu chẩm của khu vực Ngoạ Vân 3 và là tay ngai bên phải của khu vực Ngoạ Vân 5 (hữu Bạch Hổ).

Tại khu vực này hiện còn dấu tích một nền móng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích khoảng 82,5m2 (dài Bắc – Nam 9,6m; rộng Đông – Tây 8,6m) và khoảng sân hình bán nguyệt ở phía trước. Kiến trúc này nhìn về hướng Tây Nam, phạm vi của kiến trúc bao phủ gần kín diện tích bề mặt của đỉnh núi, bốn mặt của bó nền được kè xếp bằng các khối đá có kích cỡ khác cát. Trải qua năm tháng, mặc dù bị mưa do làm sói mòn bề mặt nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy rất nhiều các loại hình vật liệu kiến trúc của các thời tại đây, việc tìm thấy các loại hình vật liệu kiến trúc ở đây đã cho thấy sự tồn tại của những công trình kiến trúc ở đây và dấu tích kè xếp đá chính là nền móng của các kiến trúc đó.

Khu vực Ngoạ Vân 5: là khu vực chùa Ngoạ Vân hiện nay, cách khu vực Ngoạ Vân 3 khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn núi thuộc khu vực Ngoạ Vân 4 làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Vây Rồng làm tay ngai trái (tả thanh long).

Khu vực này có hai cấp nền, nằm ở độ cao trung bình 610m so với mặt nước biển, cùng với khu vực Ngoạ Vân 3, khu vực Ngoạ Vân 5 là nơi hiện còn khá nhiều các di tích di vật của nhiều thời kỳ khác nhau:

– Dấu vết kè xếp nền: Nửa phía Bắc khu vực Ngọa Vân 5 được kè sếp thành hai cấp nền, cấp nền thứ nhất rộng hơn cấp nền hai, mặt phía Nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá theo kiểu tả luy, cao khoảng 7m, chính giữa có kê xếp bậc lên xuống; cấp nền thứ hai cao hơn cấp nền thứ nhất khoảng 3m, mặt phía nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá giống như ở cấp nền thứ nhất. Các cấp nền này được tu sửa nhiều lần.

Tại cấp nền thứ nhất hiện còn hai tháp đá được xây dựng bằng đá gạo và đá bán laterit:

+ Tháp thứ nhất, nằm ở phía Đông của nền 1, có tên là Đoan Nghiêm tháp, tháp có cấu trúc mặt bằng hình vuông, một tầng bệ, hai tầng thân và phần chóp tháp. Bệ tháp gồm hai tầng không trang trí hoa văn. Tầng thứ nhất cao 1,25m, mặt phía Nam mở 1 của, cửa cao 72cm, rộng 4,2cm, cánh cửa làm bằng đá (hiện đã vỡ); chính gữa mặt phía Nam của tầng hai chạm nổi 3 chữ Hán “Đoan Nghiêm tháp” trong một khung hình chữ nhật, chóp tháp hình búp sen. Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị chạm nổi 17 chữ Hán “Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng thiền sư am toạ hạ – Nam mô a di đà phật, bài vị thờ ma ha tì kheo đệ tử phái Thiền Lâm, thiền sư Đức Hưng”. Như vậy, ngôi tháp này là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng.

+ Tháp thứ hai, nằm ở phía Tây của cấp nền 1, có tên là Phật Hoàng tháp. Về cấu trúc, Phật hoàng tháp không khác biệt nhiều so với Đoan Nghiêm tháp, chính giữa mặt Nam tầng thứ hai chạm nổi ba chữ Hán “Phật Hoàng Tháp” trong khung hình chữ nhật. Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương phật” Nghĩa là: Nam mô a di đà phật, bài vị thờ Điều Ngự vương phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ  thứ nhất  phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông.

Trước mặt tháp có một tấm bia đá hình chữ nhật, được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) ghi nhận đây là tháp mộ vua Trần Nhân Tông.

Bên cạnh bia đá ở đây còn một tượng voi và một tượng ngựa, tượng voi còn khá nguyên và được tạc ở tư thế phủ phục, tượng ngựa đã bị đập vỡ chỉ còn nửa phía sau.

– Dấu vết kiến trúc: Các dấu vết kiến trúc còn lại tập trung ở cấp nền thứ hai, các dấu tích kiến trúc này thuộc các kiến trúc được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, hiện đã được trùng tu, cải tạo để sử dụng. Chúng bao gồm chùa chính hiện nay, am thờ sơn thần và am Ngọa Vân

Chùa chính có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích 50m2 (dài Đông – Tây 7,3m; rộng Bắc – Nam 6,4m), tường xây bằng đá, năm 2000 ngôi chùa này được tu sửa và có diện mạo như hiện nay. Chùa quay hướng nam chếch tây 300; nội thất đơn giản, tượng thờ mới làm. Trong chùa gồm có cung tam bảo xây tam cấp:

– Cấp 1: đặt một bát hương đồng, hai cây nến đồng, hai mâm bồng, hai lọ hoa sứ. Phía sau đặt tượng quan âm chuẩn đề (tượng mới).

– Cấp 2: ở giữa đặt tượng phật ADi Đà bằng gỗ sơn son thếp vàng, bên trái là tượng quan thế Âm, bên phải là tượng Đại Thế Chí.

– Cấp 3: đặt ba pho Tam thế, chất liệu bằng đá.

Am Sơn thần nằm bên trái (phía Đông cùng cấp sân chùa), xây vào đầu thế kỷ XX, am có mặt bằng chữ nhật, diện tích 9,2m2 (dài 3,46m, rộng 2,67m) tường xây khá dày bằng nhiều loại gạch khác nhau, mái cuốn vòm xây gạch trát xi măng. Hồi phía Nam là cửa am, trên cửa đắp nổi một cuốn thư, trong lòng có ba chữ Hán “Thiên Sơn Từ”. Trong am xây một bệ thờ nhị cấp, cấp 1 đặt một bát hương đồng, cấp 2 đặt một pho tượng sơn thần, chất liệu bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Trước cửa am có một tấm bia đá khá lớn có chữ ở cả 2 mặt, một mặt là “Trùng tu Ngọa Vân thiền tự bi”, khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) triều Lê. Mặt 2 “công đức chi bi ký”. 

Am Ngoạ Vân ở phía Tây của cấp nền hai, hơi lui về phía Bắc, cao hơn cấp nền 2 khoảng 2m. Am là một ngôi nhà nhỏ mới xây dựng lại bằng gạch vào đầu thế kỷ XX, kiến trúc kiểu chữ nhất, mái cuốn vòm. Hồi phía Nam là cửa ra vào, trên đề chữ “Ngoạ Vân Am”, hai bên có một đôi câu đối viết trên cột cửa:

              Vạn cổ anh linh tự

              Tứ thời cảnh sắc Tân

Tạm dịch:      Muôn thuở chùa linh ứng

              Bốn mùa cảnh sắc tân

Trong am xây một bệ thờ, trên bệ thờ đặt tượng đồng Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông trong tư thế nằm nghiêng tay chống đỡ đầu, bên cạnh phía dưới là tượng nhà sư Bảo Sái đang ngồi chầu. Phía trước đặt một bát hương đồng.

Hiện nay tại di tích chùa Ngoạ Vân còn một số hiện vật tiêu biểu có giá trị như sau:

Bia đá: có niên đại thời Lê. Cao 145cm, rộng 90cm. Chân bia cao 30cm, rộng 54cm, dài 128 cm. Bia trang trí hai mặt, mặt trước trên trán bia trang trí hình mặt nhật với 6 đao lửa và những dải vân mây. Diềm hai bên và diềm chân bia là những dải vân mây cà cành lá cuốn. Trên bia có 5 chữ Hán ghi tên bia: “Trùng tu Ngoạ Vân thiền tự bi” năm Đinh Hợi (Vĩnh Thịnh). Chân bia chạm kiểu giật cấp 5 lần thu nhỏ phía trên. Mặt sau trán bia trang trí hình mặt nguyệt ở giữa, xung quanh là giải vân mây. Diềm bia không trang trí. Trên bia có dòng chữ Hán ghi tên bia “Công đức chi bi ký“.

Bảo tháp (Đoan nghiêm Tháp): chất liệu bằng đá phiến, có chiều cao 8,4m; rộng 3,1m. Tháp được ghép bằng những phiến đá lớn kích cỡ khác nhau, bình đồ hình vuông, chia hai tầng tám mái và một phần chân đế cao giật cấp ba lần. Phía trong đặt bài vị đá “Na mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng thiền sư an toạ hạ“. Chóp tháp là bình nước cam lồ, phần trên bị gãy.

– Bảo tháp (Phật hoàng tháp): chất liệu bằng đá phiến, có chiều cao 8,4m; rộng 3,2m. Chân đế tháp tầng một cao 1,24 m, rộng 1,51m; tầng hai cao 0,82m; rộng 1,42m. Trong tháp đặt bài vị “Na mô đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế điều ngự vương phật“. Hoa văn của bài vị trang trí hình rồng lẫn phượng. Chóp tháp là hình bình nước cam lồ. Tháp xây hai tầng mái, réo mũi đao tầng trên cùng, Phần trán tháp có 3 chữ “Phật Hoàng tháp“.-Đế tháp xây giật cấp (3 cấp) thu nhỏ lên thân tháp, bình đồ chân tháp 3,2m. Tháp mang phong cách thới Trần( kỹ thuật Trần), bài vị làm vào thời sau. Thân tháp xây phẳng, cấp mái đầu tiên là ranh giới giữa tầng một và tầng hai.

– Bia đá: Chất liệu bằng đá xanh, cao 120 cm, rộng 47 cm. Đế bia cao 29 cm; rộng 72 cm; dày 35 cm. Bia đặt ở trước lăng “Phật Hoàng tháp”. Trên bia có hàng chữ Hán ghi :”Minh mệnh nhị thập nhất niên cửu nguyệt sơ lục nhật phụng Trần triều Nhân Tông Hoàng đế lăng sắc kiến“; mặt sau để trơn.

– Tượng voi phục: chất liệu đá xanh, cao 56 cm, dài 110 cm. Hình tượng con voi được miêu tả trong tư thế phủ phục, chân trước duỗi ra phía trước, hai chân sau ở tư thế quỳ, đuôi nhỏ vắt sang phải có túm lông đuôi khá lớn, thân voi mập, gò sống lưng nổi rõ. Đầu nổi gồ bướu cao, tai ép sát về phía sau, có hình sóng ở vành tai, mắt nhỏ, hai bên miệng có một cặp ngà nhỏ, vòi thả xuống phía trước cuộn tròn lại trong giữa hai chân trước. Mang phong cách nghệ thuật thời Trần.

– Ba bệ tượng: Chất liệu đá xanh, cao 22 cm, dài 80 cm, rộng 53 cm, dày 7 cm, đường kính đáy 7 cm. Bệ hình bầu dục, trong lòng khoét lõm để đặt tượng, bên ngoài trang trí ba giải cánh sen, chia làm hai tầng, cánh sen kép có trang trí vân mây, mũi sen nhọn, cánh sen dày. Tầng dưới cánh sen quay xuống, phần quay vào trong cánh sen để trơn không trang trí.

– Giá đỡ: Chất liệu bằng đá, có niên đại vào thời Hậu Lê. Cao 25cm, rộng 45cm, dày 10cm. Ở giữa phần chân giá đỡ có trang trí hai giả vân mây đỡ hai đao mác hai bên, giữa là bông hoa cúc mãn khai (lộ ra một nửa).

– Bệ đá: 03 bệ, tạc hình lục giác, chất liệu đá xanh; cao 30cm; đường kính miệng 66cm. Chia làm 2 phần, phần giữa lõm, phân cách phần trên và phần dưới.

  1. 12. Chùa Hồ Thiên

Chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, theo sử cũ thì đây chính là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông và là nơi đệ nhị tổ trúc Lâm Pháp Loa tu hành in kinh giảng đạo. Vào thế kỷ XIV, khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình lớn nhỏ khác nhau, quy mô đồ sộ với tổng số trên dưới 100 gian như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp …để làm nơi truyền kinh giảng đạo. Song đến thời Hậu Lê, chùa bị đổ nát và đã được triều đình đứng ra trùng tu. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, tổng Thuỷ Sơn, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần, lâu ngày đổ nát, nay vẫn còn dấu vết cũ. Trướoc chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về”. Thời Hậu Lê, chùa bị đổ nát và được Triều đình đứng ra trùng tu lớn.

Chùa nằm trên lưng chừng núi, nơi sườn phía nam của núi Phật Sơn, được chia thành nhiều cấp, nhiều khu vực nằm rải rác; ở vào địa thế rất đẹp, rất linh theo thuyết phong thủy: lưng chùa tựa vào một vách núi, hai bên có hai dãy núi chạy xuôi, nhô ra tạo thành thế tay ngai vững chắc, nhìn xuống dưới là những ngọn đồi cao thấp nhấp nhô chầu (quy) về, hội tụ; xa xa là lòng hồ Bến Châu rộng, phẳng uốn lượn mềm mại, như một tấm gương lớn phản chiếu. Vị trí của chùa ở vào thế “Tiền án, hậu chẩm, hữu thanh long, tả bạch hổ”.

Nhắc đến địa thế, cảnh đẹp nơi đây, trong văn bia Trùng tu chùa Trù Phong có đoạn: “Ngọn núi đôi nổi tiếng miền đông là thắng cảnh bậc nhất trong thiên hạ. Vân am long động (am mây hang rồng) sừng sững xanh xanh, mây dồn gấm tụ, đá núi liền tận Quỳnh Lâm Bảo Đài. Giáp ất lô trước đều là cảnh vắng rừng già vậy.

Mà động Trù Phong sừng sững, nhấp nhô góp dần xe biếc, bao đỉnh núi bao quanh, bao khe núi uốn lượn, có địa thế về trước mắt, chẳng cần đến gậy phép, dồn nước biển về dưới chân, chẳng phải mượn thế vân, riêng một càn khôn, đẹp nhất trời một động”.

Sách Đông Triều huyện chí ghi: “Chùa Hồ Thiên ở xã An Sinh, tổng mễ Sơn; ở giữa khu đất bằng nhô lên một gò đất, phía đông có ngọn núi bao bọc, phía tây có khe suối vòng quanh, chiếm một vòm trời như một thế giới riêng biệt. Vì thế mà đặt tên là chùa Hồ Thiên”.

Sách Đại Nam nhất thống chí còn ghi: “Trước chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc bay đi bay về”.

Nói về chuyện này, sách Lĩnh Nam chích quái có đoạn viết: “ở Đông Triều có hai con hạc, hàng năm sinh con rồi lại bay đi”. Người đời sau còn có thơ rằng:

                        Đóa đóa kim liên khai lạc cổ

                       Song song bạch hạc khứ quy gian

  Dịch nghĩa:   Hoa sen lúc nở lúc tàn

                     Đôi chim hạc trắng thanh nhàn tiêu dao

Chùa Hồ Thiên quay hướng Nam (chếch Tây). Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên nay trở thành phế tích. Mặc dù bị cây rừng che phủ nhưng với những di vật, dấu tích còn lại vẫn cho phép chúng ta hình dung ra được quy mô rộng lớn, khang trang, bề thế và tuân thủ nghiêm ngặt thuyết phong thủy với các trục đăng đối ngang – dọc, trên – dưới, trong – ngoài, bao gồm các khu vực chính sau:

  Khu vực đỉnh Hồ Thiên:

  Nằm ở độ cao khoảng trên 700m so với mực nước biển, có diện tích khá rộng và tương đối bằng phẳng, đây là đỉnh của núi Phật Sơn, là đường phân thủy ngăn cách giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang; và cũng chính là khởi nguồn của dòng chảy dẫn nước ra Suối Vàng – Suối Bạc rồi đổ về lòng hồ Bến Châu. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước tại đỉnh Hồ Thiên gần như bị cạn kiệt hoàn toàn, chỉ còn lại một dòng chảy nhỏ.

  Khu vực kiến trúc I:

Nằm trên đỉnh của một dông núi có diện tích khoảng 400m2, cách đỉnh Hồ Thiên khoảng hơn 100m và cao hơn mực nước biển xấp xỉ 700m. Để khắc phục độ dốc khá lớn ở khu vực này, người xưa đã cho kè đá xung quanh tạo thành các cấp nền vững chãi, có độ cao trung bình trên 1m và hiện còn khá rõ nhất là ở khu vực bên trái. Toàn bộ kiến trúc của khu vực này đã đổ nát hoàn toàn và bị cây rừng mọc kín. Tuy nhiên, căn cứ vào các dấu tích hiện còn ta có thể hình dung ra khu vực kiến trúc này có kết cấu hình chữ đinh ( J ) trên hai cấp nền chênh nhau khoảng 0,6m, quay theo hướng Nam (chếch Tây). Tại khu vực này hiện còn: tảng kê chân cột (hòn kê âm dương – lớp trên tròn, lớp dưới vuông) làm bằng đá gạo không có trang trí, kích thước 0,6m x 0,6m x 0,3m, đường kính chân cột 0,48m, thềm bậc bằng đá xanh có đẽo gờ dật cấp hình mui luyện ở hai cạnh mặt trên, nơi tiếp giáp với chân cột được đẽo lõm để ôm khít chân cột vào trong (1,2m x 0,38m x 0,2m); gạch đỏ có kích thước 0,19m x 0,14m x 0,07m; ngói mũi hài đơn… Đường dẫn lên khu vực nền kiến trúc này ở phía trước, hơi chếch về phía bên trái, hiện còn một vài đoạn khá rõ được kè xếp bậc chắc chắn, có chiều rộng trung bình 1,2m.

  Khu vực nền kiến trúc 2:

Đây có thể là khu vực chùa chính – khu trung tâm. Khu vực này có diện tích khoảng 500m2, nằm ở độ cao 580m so với mực nước biển, mặt bằng được tạo dựng dựa vào sườn núi và tạo mặt bằng để xây dựng công trình bằng việc san lấp và kè xếp đá ở sườn núi phía Nam. Đá kè xếp tạo nền là loại đá cuội suối và đá cát kết được khai thác tại chỗ và xếp thành tám cấp từ chân sườn núi lên đến mặt, cấp nền trên cao hơn cấp nền dưới trung bình 1,2m – 1,5m và giật lại trung bình 1,5m – 1,8mm tùy thuộc vào từng cấp.

Trên bề mặt của trung tâm hiện còn tồn tại các dấu tích nền móng kiến trúc lớn nhất trong toàn bộ khu di tích, gồm có hai lớp kiến trúc của hai thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau:

Lớp kiến trúc thứ nhất có mặt bằng tổng thể hình chữ công, mặt bằng kiến trúc này còn khá nguyên vẹn và có thể nhận rõ cấu trúc mặt bằng gồm : tiền đường, thiêu hương và thượng điện.

 Tiền Đường: Tiền Đường  có mặt bằng hình chữ nhật có diện tích 202,5m2 (chiều dài Đông – Tây 22,5m, rộng Bắc – Nam 9m), kết cấu 5 gian, bốn hàng cột, gian gữa rộng 4,4m; các gian bên rộng 3,9m. Khoảng cách giữa cột cái và cột quân trung bình 2,1m, giữa các cột cái trong một vì là 2,9m.

Trên mặt bằng còn lại hệ thống tảng kê chân cột, đá bó thềm và đá kê xà dưới. Chân tảng được tạo bằng đã xanh, có đế hình vuông, u tròn nổi cao hơn so với mặt đế trung bình 10-12cm, xung quanh u tròn có trang trí cánh sen nổi.

Tảng kê chân cột ở đây có hai kích cỡ chính, loại có kích cỡ lớn là các tảng kê của cột cái, kích thước đế trung bình 1,14×1,14m; đường kính u tròn 67-70cm, xung quanh u tròn trang trí 12 cánh sen chính và 12 cánh phụ, dáng to, đầu nhọn, thân cánh lượn từ chân u tròn xuống mặt đế, mui sen hơi hất cao tạo cho cánh sen có độ thanh thoát. Loại có kích cỡ nhỏ là các tảng kê của cột quân, loại này có kích thước phần đế rộng trung bình 76-80cm, đường kính u tròn trung bình 54-56cm, xung quanh có trang trí cánh sen, số lượng cánh sen tuỳ thuộc vào vị trí của tảng kê.

Đá kê xà thường là các khối đá hình chữ nhật, các cạnh trên được cắt gọt thành các phào chỉ trang trí hình tròn, độ rộng mặt trên của các khối đá này từ 18-20cm.

 Thiêu Hương: có mặt bằng hình chữ nhật có diện tích 147m2 (dài Đông – Tây 14,7m, rộng Bắc Nam 10m). Lớp kiến trúc thứ hai bao phủ phần lớn diện tích khu vực trung tâm của Thiêu Hương, phần lớn chân tảng, hệ thống bó nến của Thiêu hương bị tháo rỡ để xây xếp nền móng thuộc lớp kiến trúc thứ hai, Ở giữa phần móng của Thiêu Hương, Tiền Đường và Thượng Điện đều có một cống thoát mà thành cống chính là bó thềm ở 2 mặt Bắc, Nam của Thiêu Hương và các bó thềm tiếp giáp của Tiền Đường và Thượng Điện, điều này cho thấy mặt bằng tổng thể hình chữ công của kiến trúc trung tâm này được xếp bởi 3 khối kiến trúc liền kề nhau, phần mái của chúng cũng tách biệt nhau.

 Thượng Điện: có mặt bằng hình chữ nhật có diện tích 202,5m2 (dài Đông – Tây 22,5m; rộng Bắc – Nam 9m), kết cấu 5 gian, 4 hàng cột, một phần mặt bằng Thượng Điện ăn sâu vào sườn núi đá. Khoảng cách gian giữa 4,4m, các gian bên 3,9m; khoảng cách cột cái và cột quân 1,7m; khoảng cách giữa các cột cái trong cùng một vì là 3,1m.

Toàn bộ phần bó nền, kê xà dưới và hệ thống tảng kê chân cột của Thượng Điện còn tương đối đầy đủ và nguyên vẹn. Cũng giống như khu vực Tiền Đường, các tảng kê chân cột ở đây gồm hai loại, loại có kích thước lớn được dùng kê chân của các cột cái, loại này có kích thước trung bình phần đế vuông 94-96cm, đường kính u tròn 62-64cm. xung quanh u tròn trang trí 14 cánh sen, sen giữa các cánh sen chính có các cánh sen phụ; loại thứ hai có kích thước nhỏ hơn, dùng kê chân các cột quân, loại này có kích thước, hình dáng và trang trí giống như tảng kê chân cột quân ở Tiền Đường (kích thước đế vuông 76-80cm, đường kính u tròn trung bình 54-56cm).

Phía sau Thượng Điện là vách đá được hình thành do việc san núi tạo mặt bằng, ở phần trên của vách đá hiện còn hệ thống máng thoát nước được tạo hoàn toàn bằng đá xanh, lòng máng hình bán nguyệt, sâu trung bình 18cm. Máng này có chức năng đón nước từ mái phía Bắc của thượng điện và dẫn, đổ nước xuống phía dưới. Để chống vách núi này sạt lở, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX người ta đã cho xây dựng một bức tường bằng gạch bao quanh ba mặt Bắc, Đông và Tây của Thượng điện, ở phía Bắc tường gạch này được xây đè lên trên máng thoát nước mái của Thượng Điện, hiện tượng này cho thấy rõ ràng khi xây dựng bức tường thì Thượng Điện đã bị phá huỷ và mục đích bảo vệ của bức tường này là ngăn chặn không cho nước từ trên núi chảy xuống khu vực chùa thuộc lớp kiến trúc thứ 2.

Lớp kiến trúc thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 93,5m2 (dài Bắc – Nam  12,7; rộng Đông – Tây 7,36m), kết cấu 5 gian, 4 hàng cột. Khoảng cách bước gian 2,5m; khoảng cách cột cái và cột quân 1,46; khoảng cách giữa các cột cái trong một vì 2,1m.

Khu vực nền kiến trúc thứ 3:

Đây là khu vực nhà tăng, nằm ở phía Đông của khu vực trung tâm là khu vực tương đối bằng phẳng, nằm thấp hơn khu vực trung tâm khoảng 1,5m, khu vực này có diện tích khoảng 400m2, mặt phía Bắc và phía Đông tiếp giáp với chân núi, các mặt này được kè xếp để chống sạt lở của núi, đồng thời cũng để tạo mặt phẳng ở phía trên. Phía Tây tiếp giáp với khu vực trung tâm.

Tại đây còn lại dấu vết một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích hơn 108m2, dài Đông – Tây 14,3m, rộng Bắc – Nam 7,6m. Ba mặt Bắc, Đông và Tây được kè xếp bằng đá cát kết (đá gạo), mặt phía Nam được xếp bằng các khối đá xanh được tu chỉnh cẩn thân, kết cấu bó nền phía Nam gồm 2 hàng, hàng trên giật lại so với hàng dưới khoảng 30cm. Nền cao hơn sân trước khoảng 60cm. Các chân tảng bị di dời khỏi vị trí và được tái sử dụng cho ngôi chùa hiện tại. Chân tảng hình bát giác, 4 cạnh lớn, 4 cạnh nhỏ, không có u tròn và được làm từ đá cát khai thác tại chỗ. Chân tảng ở đây có hai kích cỡ, cỡ lớn có kích thước 34x34cm; cỡ nhỏ 20x20cm. Tại khu sân vườn phía trước còn lại một thống đá hình trụ tròn cao toàn thân 67cm; đường kính: 77cm; sâu lòng 60cm.

Đặc điểm địa hình cùng với các loại hình di vật tìm thấy khu vực này có thể là khu vực nhà tăng.

Khu vực nền kiến trúc thứ 4:

 Khu nhà tổ, nằm ở phía Bắc khu vực nhà tăng, cao hơn nhà tăng khoảng 6 m, tiếp nối với khu vườn tháp ở phía Đông. Khu vực này có diện tích gần 180m2, ở đây còn lại một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích khoảng 130m2 (dài Đông – Tây 16,6m, rộng Bắc – Nam 8,2m). Bốn mặt nền được kè xếp bằng đá cát kết và cuội, bề mặt nền cũng bị xáo trộn do hoạt động canh tác của nhà chùa. Các chân tảng phần lớn đã bị di dời khỏi vị trí, chân tảng không trang trí được làm từ đá xanh giống như chất liệu đá làm tảng kê ở khu vực Chính điện. Tảng ở đây có hai kích cỡ, cỡ lớn có lẽ dùng cho các cột cái và cỡ nhỏ dùng cho các cột quân. Cỡ lớn có kích thước: bệ vuông 42×42, đường kính u tròn 32-33cm; kích cỡ nhỏ: bệ vuông 36x36cm, đường kính u tròn 26cm.

Khu vực nền kiến trúc thứ 5: Khu nhà bia, có mặt bằng hình chữ nhật, toàn bộ tường và mái của nhà được ghép bởi các khối đá xanh, hai đầu hồi được tạo cột giả hình vuông, mặt trước khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán:

         – Thuỵ hiện Nam thiên vạn tải âm quang phổ chiếu

            Pháp truyền Đông thổ thiên thu đạo đức trường minh

Tạm dịch:   Phật hiệu trời Nam muôn thưở an quang phổ chiếu

           Pháp truyền đất Đông ngàn năm đạo đức sáng ngời

Hai đầu hồi mở hai cửa sổ, trên mỗi cửa đề hai chữ Hán, chữ được khắc nổi trong khuôn hình chữ nhật, bên phải “Huy Song (cửa sáng); bên trái …Tuệ

Chính gữa nhà đặt một tấm bia lớn, bia cao 2,76m gồm phần bia và đế bia. Đế bia cao 0,4m, dài 1,98m, rộng 1,4m chia thành hai dải trang trí. Dải trang trí phía dưới chiếm khoảng 3/4 diện tích được chạm nổi hình “lưỡng lân chầu nguyệt” và hoa văn vân xoắn uốn lượn rất mềm mại. Lân được tạo tác nổi khối và trông khá dữ tợn với đầu to, mắt lồi, miệng há rộng, bờm tóc xù ngược, lông đuôi xoắn tròn tạo thành xoáy… chân đạp xuống dưới, trong tư thế như đang muốn lao về phía trước. Dải trang trí bên trên được bố trí dật cấp thu vào (1,12m) theo kiểu mui luyện có trang trí các hoa văn vân xoán hình lá đề gồm hai lớp nối tiếp nhau. Trên bề mặt của phần đế bia ta thấy xuất hiện dải trang trí hình vân mây (hay rồng lá) chạy vòng quanh, bám sát với mép ngoài, rộng khoảng 0,1m được đục lõm vào tong, các đường đục rất sâu và nét. Cũng với hình thức vậy, ta còn thấy dải trang trí nữa chạy ngang mặt đế bia gần như ôm kẹp lấy phần thân bia ở trong.

  Bia cao 2.36m, dày 0,42m, chia làm hai phần: thân bia và mái bia. Phần mái bia được tạo thành hai cấp giống như mái của Long đình, dáng cong hình mui luyện, bốn góc hất ngược, thu vát lên trên tạo thành các góc mái (gần giống các góc của đao đình); diềm ngoài phần mái bia có trạm khắc hoa văn hình lá sòi, gồm ba lớp to nhỏ, nối tiếp nhau chạy quanh bốn mặt. Trên bề mặt của mái là các dải trang trí có biên độ to nhỏ, rộng hẹp khác nhau song mô típ trang trí chung là hình ảnh của các vân xoắn hình lá đề (hay hình khánh) kép hai lớp ngược nối tiếp nhau (trừ phần đỉnh chóp, các hình lá đề lại quay theo chiều thuận hướng lên trên). Phần thân bia được mài nhẵn ở cả bốn mặt và được tạo lõm vào trong qua ba cấp. Tuy nhiên nội dung văn bia lại chỉ được khắc ở mặt chính và hai mặt bên. Diềm ngoài của phần thân bia, bên trên được chạm khắc trang trí bởi những hoa văn hình vân xoắn, bên dưới là hình ảnh của “lưỡng long chầu nguyệt” (tuy nhiên, ở phần này của mặt sau bia, hai rồng lại chầu một đụn mây nhiều tầng – “Mây thiêng”); hai bên cũng được chạm khắc hai đôi rồng trong tư thế “giáng”: đầu rồng ở phần giữa thân chầu vào bên trong, thân rồng uốn khúc, cong xuống phía dưới rồi hất ngược thẳng lên trên và kết thúc với phần chót đuôi nhọn. Rồng ở đây chỉ được tạo tác nổi khối ở phần đầu và phần đuôi, còn toàn thân được bao bọc bởi các cụm vân mây. Vì bị bó trong một diện tích hẹp lại trong một tư thế “giáng” nên đã tạo cho thân rồng trông rất mềm mại uyển chuyển. Diềm thứ hai của phần thân bia (cấp thứ hai), phần diềm trên (trán bia), ở hai góc ngoài được chạm khắc hình ảnh của một đôi phượng trong tư thế đang chạy hướng vào trong. Thân phượng được tạo tác nổi khối với đôi cánh dang rộng, thân mập, lông đuôi chải đều, xòe rộng ra phía sau. Khoảng cách giữa đôi phượng này là 5 ô vuông trong đó có khắc nổi dòng chữ tên bia theo lối chữ triện: “Trùng tu Trù Phong bi” – (Bia trùng tu chùa Trù Phong). Diềm thứ ba của phần thân bia (cấp thứ ba) là hình ảnh trang trí chạm khắc của dây hoa cúc liên hoàn kéo dài.

  Ở hai cạnh bên của bia, phần diềm hai bên là hình ảnh của hai đôi rồng được tạo tác nổi khối như hai đôi rồng ở phần diềm mặt trước. Song, ngăn cách giữa hai rồng là hình ảnh của một đám vân mây cuốn thắt. Trong lòng của cạnh bên, nơi cũng được tạo lõm vào trong có khắc nổi đôi câu đối chữ Hán cũng được viết theo lối chữ triện:

  Phiên âm:      “Tượng xiển giáo dương hương vũ liên cung tường hữu định

                      Hồng cơ củng cố Thái sơn bàn thạch điện vô cương

  Tạm dịch:  Phật giáo sáng tỏ chùa phép tòa sen thêm vẻ đẹp

                   Nghiệp lớn vững chắc Thái sơn bàn thạch thật vững vàng

  Nội dung văn bia ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên và công đức của triều đình khi trùng tu ngôi chùa này.

  “Thánh triều quan tâm đến dư đồ bốn biển, tất cương thổ được vẻ vang rạng rỡ, sáng tỏ khắp trời đất, nuôi nấng quần sinh… phát tâm bồ đề, mở đường phương tiện, dựng xây tôn tạo đời đời, chính là muốn tung ngọn sóng phúc đức, ban ơn huệ khắp quần sinh, tưới ơn trạch cam lộ đến với muôn phương, đưa cả thế gian đến xuân đường. Giúp mọi sinh linh trên cõi thọ, công đức ấy há phải là hạn hẹp ư?

  Phúc lành khắp chốn, đức sáng bao đời khác nào Phật tổ. Đợi gặp thời cơ, phúc giáng hà sa, thọ khảo muôn năm, người già tận hưởng, con cháu đông đúc lâu dài, cung đình yên ổn hạnh phúc, sinh linh bốn biển rộng lớn, bốn mùa mưa nắng thuận hòa, năm năm ngô lúa được mùa, đặt vững âu vàng, nước nhà vững bền mãi mãi…”

  Bài ngự chế về chùa Hồ Thiên được khắc trong bia như:

“Đất Đông Xuyên đẹp tươi,

Riêng chiếm một bầu trời.

Núi dăng ngàn ngọn dựng,

Muôn nhận treo thang bay.

Thượng Thừa khai cõi tịnh,

Đại Giác thiêng diễn lời.

Gác sen nổi đầu suối,

Ruộng đá nở hoa tươi.

Ngọc lành lên tháp cổ,

Suối thơm rốt chén mời.

Đạo tốt phong khí nổi,

Thời lành quả phúc tròn.

Cuộc chơi vừa dừng bước,

Vung bút chép lên non.”

Bia được dựng vào ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736 – triều vua Lê Ý Tông) nhân “mừng buổi khánh thành” do các Đại học sĩ soạn thảo và áp khắc. Toàn bộ tấm bia này là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và tuyệt mỹ đã được các nghệ nhân chạm trổ, điêu khắc công phu, tỉ mỉ mang đậm phong cách nghệ thuật điển hình của thời Lê. Đây là tấm bia rất có giá trị về nghệ thuật và lịch sử, có kích thước khá lớn (đứng thứ hai) ở Quảng Ninh còn nguyên vẹn được biết đến.

Cũng tại khu vực này, bên cạnh tấm bia kể trên còn có một pho tượng ngồi trên đài sen được tạo liền khối bằng đá xanh. Bệ sen được trang trí bằng những cánh sen rất mập và dầy. Trên mỗi cánh sen lại có trang trí hoa văn hình lá đề, vân xoắn và các hạt tròn nhỏ. Tượng được tạo trong tư thế ngồi kiết già lộ hai bàn chân, hai tay thu vào để trước bụng, lòng bàn tay ngửa kết ấn thiền định, tay phải đặt trong lòng tay trái. Thân tượng khoắc áo cà sa phủ kín toàn thân. Tay áo rộng, được tạo thành nhiều nếp nhăn gấp khiến cho có cảm giác rất mềm mại, phần nào làm giảm đi sự thô cứng sẵn có của chất liệu tạo tác. Cổ tượng có đeo một tràng hạt lớn được cách điệu, thả dài xuống phần bụng. Phía sau lưng tượng, vạt áo cà sa được tạo thành các nếp gấp rồi vắt từ phía vai trái vòng sang phía bên hông phải. Đáng tiếc là hiện nay, tượng bị mất phần đầu và bị vỡ một phần trước ngực và một phần tay trái.

Khu vực kiến trúc thứ 6:

Ngoài ra, ở đây còn có khu tịnh thất, là khu vực có các tịnh thất nằm rải rác ở ngọn núi phía sau chùa. Tịnh thất là nơi giành riêng cho các vị cao tăng luyện thiền. Khảo sát khu vực này ta thấy có 3 thất (am), trong đó tịnh thất Hàm Long có quy mô lớn nhất.

Tịnh thất Hàm Long nằm ở độ cao khoảng 700m so với mặt nước biển, được xây dựng trên một khoảng không gian bằng phẳng có diện tích chừng 100m2 dưới chân vách đá thẳng đứng của đỉnh núi phía sau khu di tích. Tại đây còn tìm thấy hệ thống chân tảng, đá kè nền và rất nhiều ngói cánh sen thời Lê, chân tảng và đá kè nền là loại đá xanh, thật tiếc là phần lớn các dấu vết kiến trúc ở đây đã bị phá huỷ do hoạt động cải tạo của nhà chùa.

Bên cạnh đó ở đây còn hai tịnh thất nhỏ, các tịnh thất này là những mái đá, dưới mái đá có đặt một tảng đá hình chữ nhật kích thước trung bình 60-80×80-100cm, các tảng đá này là nơi ngồi thiền. (Hiện nay nhà sư trụ trì ở đây còn sử dụng một trong hai mái đá này làm nơi tu luyện của mình).

  Khu vực vườn tháp:

  Nằm sau khu vực nền kiến trúc 2, trên một cấp nền cao hơn, chếch về bên phải khoảng 30m, là khu vườn tháp với dấu vết của khá nhiều ngọn tháp được xây dựng bằng chất liệu gạch hoặc đá. Các ngôi tháp thuộc khu vườn tháp này được bố trí dải ra ở nhiều cấp cao thấp khác nhau dựa vào chính địa thế của sườn núi. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngôi tháp đá và một ngôi tháp gạch còn tương đối nguyên vẹn.

  Ngôi tháp đá cao toàn thân 8,6m, có bình đồ hình vuông (2,4m x 2,4m), gồm 7 tầng (không tính phần đỉnh tháp và đế tháp) được ghép mộng cá khá chắc chắn với các phiến đá xanh kích thước lớn được mài nhẵn và gia công kỹ càng. Ở cả bốn mặt của mỗi tầng tháp đều có mở ra các ô cửa dưới hình thức cửa cuốn vòm. Chiều cao của mỗi tầng đều được rút ngắn và thu nhỏ lại trung bình 0,1m. Đỉnh tháp là hình ảnh của một bình nước cam lồ có bình đồ hình vuông, được tạo dáng thuôn đều rất thanh thoát, đứng trên một đấu vuông thót đáy. Phần mái của mỗi tầng tháp, mặt trên gần như phẳng, chỉ có các đường rãnh lõm để đặt, ghép mộng các cấu kiện kiến trúc; mặt dưới dật thành ba cấp thu vào; ở điểm sát với bốn góc của mái mỗi tầng người ta làm một đường chỉ (gờ) nổi chạy ôm từ mép trên xuống mép dưới như kiểu “con sơn” khiến cho kết cấu mái có cảm giác chắc chắn và mềm mại hơn. Tuy nhiên, khác với các tầng mái phía trên, phần mái của tấng thứ nhất không được làm nhô ra mà lại thu vào, cong hình mui luyện, sau đó dật cấp thót lại và lại dật cấp rồi vươn ra hướng lên trên tạo thành phần đế cho tầng thứ hai. Phần đế của tầng hai được chạm nổi xung quanh bởi hình ảnh của những cánh sen ba tầng so le hướng lên trên, úp vào nhau. Các cánh sen được tạo tác rất mập và dầy. Tầng một của tháp cũng có cửa mở ra bốn hướng, trong chính giữa xuất hiện một bệ đóa hoa sen được tạo dáng theo kiểu đấu vuông thót đáy. Mặt bên của bệ đá này trong chính giữa chạm hình lưỡng nghi – bát quái, bao quanh bên ngoài là các hoa văn vân mây và các chấm tròn (gồm 28 hạt) bố trí không đều nhau, dường như chúng được tuân thủ theo nguyên tắc khá chặt chẽ của kinh dịch? Bốn mặt bên của bệ đá này được chạm nổi hình cánh sen hướng lên trên và úp vào nhau. Trên bề mặt của mỗi cánh sen được trang trí bởi những hoa văn khắc vạch chìm hình lá đề và hoa văn vân mây ba dải. Theo các nhà nghiên cứu về mỹ thuật cổ Việt Nam, đây là một trong những hiện vật còn lại không nhiều trên cả nước có niên đại tương đối chính xác thuộc về thời Trần. Mặc dù các hiện vật này đã được các triều đại sau trùng tu, sửa chữa song vẫn ẩn trong các đường nét trang trí, chạm khắc tinh xảo đến mức điêu luyện đó là những dấu ấn kỹ – mỹ thuật đặc trưng góp phần khẳng định, minh chứng cho lịch sử của hiện vật nói riêng và niên đại hình thành của khu di tích này nói chung.

Ngôi tháp gạch cao toàn thân 3,85m, có bình đồ hình vuông (1,87m x 1,87m), được chia thành hai phần. Phần chân đế được lắp ghép hoàn toàn bởi 5 phiến đá xanh lớn xếp chồng khít vào nhau cao khoảng 1,1m theo kiểu thắt eo tạo thành 5 cấp. Cấp trên cùng giáp với phần thân vươn ra tạo thành hình bông sen đỡ lấy phần thân tháp phía trên, mặt ngoài có chạm nổi hình cánh sen hai lớp to, mập, các cánh sen không có trang trí. Phần thân tháp được xây bằng gạch đỏ to bản (gạch thời Lê) cao 2,75m, xây đặc và được tạo dáng hơi thu vào (thượng thu hạ thách). Ôm bốn góc phía trên, nơi tiếp giáp giữa phần thân và phần đỉnh có trang trí hoa văn hình khánh đắp nổi tạo vẻ mềm mại. tuy nhiên, ở bốn mặt của phần thân tháp (gần sát với phần đế đá) cũng có mở ra bốn cửa dưới hình thức cửa cuốn vòm song không thông sang nhau mà chỉ là những ô hộc lõm (0,95m x 0,5m x 0,27m). Điều đặc biệt ở đây là mặc dù tháp được xây bằng gạch song nếu quan sát thì mặt ngoài tháp cho ta cảm giác tháp như một khối thống nhất không có mạch liên kết bắng vữa riêng, tách bạch mà chỉ là một màu gạch đỏ đều.

  Trong ô hộc lõm đặt một pho tượng bằng đá trắng. Tượng được tạo trong tư thế ngồi kết già hai bàn chân không lộ bởi được phủ bằng các dải áo. Hai tay của tượng thu vào lòng đùi, lòng bàn tay úp vào nhau. Từ trong lòng bàn tay để lộ ra một phần của tràng hạt với 14 hạt tròn nổi xuôi xuống dưới. Ngực tượng có chạm nổi hình chữ Vạn (   ). Tuy nhiên, tượng đã bị mất phần đầu. Tượng cao 0,5m (không tình phần đầu đã mất), vai rộng 0,23m.

  Ở khu vực vườn tháp, trừ hai ngôi tháp đã được nhắc tới ở trên còn thấy có dấu vết của một số ngôi tháp khác. Tuy nhiên, phần lớn đó chỉ là những ụ đất xen lẫn với vật liệu kiến trúc (gạch, đá).

Vườn chùa không nằm tách bạch mà là cả một khu vực rộng lớn bao gồm toàn bộ diện tích khuôn viên của các khu vực kể trên. Tại đây còn có khá nhiều các cây cổ thụ như: thông, quéo, vải, nhãn, đại… tạo cho khu vực này một dáng vẻ cổ kính, thanh tịnh. Mặc dù đã mấy trăm năm nhưng cây vẫn xanh tươi, ra hoa kết trái nên vào đến đây đã làm cho ta mất đi cảm giác hoang sơ của di tích.

  Chùa Hồ Thiên hiện nay là một ngôi nhà nhỏ do nhà sư Thích Đạt Ma Chí Thông dựng tạm để thờ Phật và trụ trì ở đó. Đồ thờ tự tại chùa tạm được bố trí thành 3 cấp, cấp trên cùng có 3 pho tượng Phật (tượng Tam Thế) bằng chất liệu gỗ ngồi trên bệ sen hai lớp (tượng tạc liền bệ), với các cánh sen to mập, nằm so le úp mặt vào nhau. Phong cách tạo tác tượng không được nhất quán theo phong cách tạo tác tượng Phật giáo nói chung: tóc xoắn ốc, ngồi theo thế bán kết già, cổ đeo vòng (kiểu vòng anh lạc), khoác áo cà sa nhưng lại để lộ một bên vai… Bên cạnh đó, ở cấp thứ hai còn có một pho tượng Thích Ca Mâu Ni, kích thước tương đối nhỏ được làm bằng đồng, ngồi trên bệ sen gồm 3 tầng; Hai bên là tượng Văn Thù và phổ Hiền. ngoài ra còn có một số đồ thờ tự khác như: bát hương, chuông, mõ… đặt ở cấp thứ ba. Tất cả đều là những hiện vật mới được làm trong thời gian gần đây.

6.13. Chùa Quỳnh Lâm

Chùa toạ lạc trên ngọn đồi thoai thoải, theo tài liệu thư tịch cổ gọi là núi Tiên Du, núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống đồng bằng.

Chùa được xây dựng ở thế đất “đầu gối sơn chân đạp thủy”, dân gian vẫn gọi là thế đất “rồng chầu, hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “bốn mắt rồng” – tứ trấn xuyên thấu tâm sinh. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử nhưng cho tới ngày nay chùa vẫn được nhiều người ngưỡng mộ. Chùa được xây dựng từ thời Lý nhưng đến thời Trần được mở rộng và đầu tư lớn thành một trung tâm phật giáo quan trọng. Các vị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Nhưng người có công lớn trong trong việc tu tạo, mở mang để Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là thiền sư Pháp Loa. Với tài tổ chức và trình độ uyên bác về Phật học, Thiền sư Pháp Loa đã biến chùa Quỳnh Lâm thành một giảng đường quy mô để giảng tập kinh sách Thiền tông. Bên cạnh phần “Thiền tu” thờ tam thế Phật như mọi ngôi chùa khác, Quỳnh Lâm còn có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm” – một trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Sách Tam Tổ thực lục ghi:”Tháng 12 năm Đại Khánh thứ tư (1317), Pháp Loa tu tạo Quỳnh Lâm viện”… và viện Quỳnh Lâm được hàng ngàn phật tử , in nhiều kinh phật để truyền bá khắp nơi, uy tín của viện đã được giới tăng ni, phật tử và triều đình nể trọng tôn sùng.

Chùa Quỳnh Lâm thời Trần không những là trung tâm phật giáo, nơi tập trung các tăng ni phật tử, mà còn là nơi để các danh nho lui tới. Nhà thơ Trần Quang Triều, cháu nội Trần Hưng Đạo đã về chùa lập nên thi xã Bích Động để cùng các bạn thơ khác như Nguyễn úc, Nguyễn Xưởng…lui tới ngâm vịnh. Thời kì này Quỳnh Lâm không chỉ là trung tâm Phật giáo, mà còn là trung tâm văn hoá cho cả vùng. Rất tiếc, trải qua thời gian và chiến tranh, những cơ sở vật chất đồ sộ thời Trần đã bị mất, chỉ còn lại một số công trình tháp mộ và các bia đá của các thời, các di vật bằng đồ gốm, đất nung, và các chân tảng đá được chạm cánh sen thể hiện sự khéo léo tài hoa của cha ông ta và chứng minh sự phát triển đồ sộ của các công trình thời đó.

Đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa bị phá hủy gần hết. Sau này chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo lại. Đến thế kỷ XVIII, chùa dựng tháp Tịch Quang, tháp mộ của thiền sư Chân Nguyên – một nhà sư có công lớn với chùa Quỳnh Lâm sau nhà sư Pháp Loa). Lần trùng tu chùa vào giữa thế kỷ XVIII, có làm một chuông đồng và một khánh đá lớn, đến nay vẫn còn.

Sang thế kỷ XIX chùa bị tàn phá gần hết, nhất năm 1910 chùa bị hỏa hoạn lớn, toàn bộ kiến trúc của chùa đã bị thiêu hủy, sau đó chùa lại được khôi phục lại nhưng năm 1947, máy bay Pháp đã ném bom trúng chùa nên chùa đã bị hủy hoại hoàn toàn.

  1. Di tích và di vật ở chùa:

– Vườn tháp tổ, nằm phía trước bên phải chùa hiện tại, đa số các tháp này xây bằng đá tảng xanh thớ mịn và gạch vồ, chất kết dính vô cát, đường mật. Các tháp đều xây dựng bằng kỹ thuật ghép mộng. Hiện nay về cơ bản vườn tháp đã bị đổ vỡ, chỉ còn lại phế tích, các bài vị các tấm bia khắc niên hiệu dựng tháp.

Còn lại nguyên vẹn hiện nay là tháp Tịch Quang, trên tháp khắc bốn mặt bia, gồm: bia “Tuệ đăng chính giác Hòa thượng Chân Nguyên thiền sư” thuật lại tiểu sử và công đức của Thiền sư Chân Nguyên; bia “Quỳnh Lâm long động đạo trường kiến khai Tịch Quang tháp báo đức tôn sư…” ghi lại tên hơn 80 tăng ni đã góp tiền của xây dựng tháp; bia “Ngộ duyên tại gia hữu tình tập phúc” ghi tên các phật tử góp công đức xây dựng tháp. Còn một mặt khắc nội dung trùng tu lại tháp vào năm 1769 (Cảnh Hưng Tam thập niên).

Theo bia khắc ở vách tháp thì công trình này được dựng lên để kỷ niệm vị hòa thượng Tuệ đăng chính giác Chân Nguyên thiền sư, tên húy là nguyễn Nghiêm, người ở huyện Thanh Hà. Trong thời gian trụ trì chùa Quỳnh Lâm ông đã có công đức trong việc tu sửa, đúc chuông, tạc tượng và in nhiều kinh phật cho chùa. Đặc biệt năm Chính Hòa thứ 5 (1684) ông dựng cho chùa một tòa cửu phẩm lớn.

Văn bia khắc ở tháp cho ta biết thông tin Tổ Chân Nguyên tịch năm 1726, năm 1727 tháp được xây dựng. Tháp gồm 5 tầng, có bình đồ hình vuông, cạnh đáy tháp dài 2,7m, càng lên cao càng thu nhỏ dần, đỉnh tháp hình búp đa. Tháp cao khoảng 7,2m. Nguyên liệu chủ yếu là đá xanh, thớ mịn. Thông  qua kỹ thuật tạc đá, tháp được dựng lên với kỹ thuật ghép mộng chắc chắn. Tầng trên cùng của tháp được trang trí những hoa văn hình rồng, hoa lá. Trên tháp đắp dòng chữ Hán: Tịch Quang Bảo tháp. Các tầng đều bịt kín, chỉ có tầng một để cửa cuốn, trong lòng rỗng để làm nơi thắp hương.

Phía sau tháp Tịch Quang còn có một ngôi tháp 5 tầng mới được khôi phục lại, kỹ thuật và hình dáng giống với tháp Tịch Quang, từ tầng hai đến tầng 5 đều trổ cửa ở 4 mặt, tầng một để cửa cuốn, trong lòng rỗng để làm nơi thắp hương, phía sau bát hương có đặt bài vị, trần phía trên bát hương có một hình vẽ bát quái (Theo tài liệu khảo sát trước đây thì đây là tháp Liên Quang).

Bên trái tháp này là một tháp 3 tầng xây bằng nguyên vật liệu gạch Bát, gạch vồ, có gắn một bài vị đá xanh thớ mịn, đây là tháp Hòa thượng, tháp dựng thế kỷ XVIII (1770), tháp đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cạnh đó còn tháp đã bị đổ vỡ chỉ còn lại bài vị: bài vị thứ nhất có niên hiệu Cảnh hưng thập cửu niên (1758). Bài vị tháp bị đổ thứ hai có niên hiệu Cảnh Hưng nhị thập tam niên (1762). Còn một loạt tháp khác nữa chỉ còn là phế tích không xác định được niên đại.

Vườn tháp trước cửa chùa.

+ Tháp số một (nằm sát đường vào chùa): Tháp Diệu Quang. Tháp cao 2,45m, bình đồ hình vuông, gồm 3 tầng tháp và hai tầng tám mái, mái tầng dưới chạm cánh sen. Chân đế cao giật cấp ba lần thu nhỏ dần lên trên, chóp tháp hình bình nước cam lồ. Tháp được ghép mộng bằng những phiến đá xanh lớn kích cỡ khác nhau. Ba mặt tháp đều khắc bia, phía trước khắc bài vị  

+ Tháp số hai: Tháp Tịnh Minh. Tháp cao 3,8m, thu nhỏ dần lên trên, chóp tháp hình bình nước cam lồ. Tháp có bình đồ hình vuông, gồm 3 tầng. Chân đế cao giật cấp hai lần. Tháp được ghép mộng bằng những phiến đá xanh lớn kích cỡ khác nhau. Ba mặt tầng giữa tháp đều khắc bia, mặt trước tạo rỗng làm nơi đặt bài vị, tầng trên cùng khắc tên tháp phía trước. Tháp được tạo dựng tháng 4 năm Minh mệnh thứ ba (1822).   

+ Tháp số ba: Tháp cao 2,5m, gồm ba tầng, góc mái hình đầu đao, xây gạch đỏ, trát vữa xi măng, chóp tháp đặt bệ hoa sen hình vuông. Đây là ngôi tháp mới được khôi phục lại năm 1990.

+ Tháp số bốn (chính giữa) bằng nguyên liệu đá xanh thớ mịn, cao 3m, gồm năm tầng, mỗi tầng là biểu hiện của một tòa sen với kỹ thuật ghép mộng chắc chắn. Đỉnh tháp hình búp đa, thu nhỏ dần

+ Tháp số năm: Tháp Thông Vinh. Tháp cao 2,5m, Tháp được ghép mộng bằng những phiến đá xanh kích cỡ khác nhau, bình đồ hình vuông, gồm ba tầng, chân đế cao giật cấp ba lần. Giữa thân tháp khắc bia ba mặt. Đỉnh tháp hình búp đa, thu nhỏ dần. Tháp được tạo dựng ngày 29 tháng 6 năm thành Thái thứ nhất (1889).

+ Tháp số sáu: Tháp Tường Quang. Tháp cao 3,48m, mái tháp tạo bốn góc đao, đỉnh tháp hình tòa sen trên có bình nước cam lồ. Tháp có bình đồ hình vuông, gồm 3 tầng. Chân đế cao giật cấp hai lần. Tháp được ghép mộng bằng những phiến đá xanh lớn kích cỡ khác nhau. Ba mặt tầng giữa tháp đều khắc bia, mặt trước tạo rỗng làm nơi đặt bài vị, tầng trên cùng khắc tên tháp phía trước. Tháp được tạo dựng tháng 10 năm Tân Hợi, (Năm Tự Đức thứ tư- 1851).

+ Tháp số bảy (ngoài cùng): Tháp Tuệ Quang. Tháp cao 2,35m, được ghép mộng bằng những phiến đá xanh kích cỡ khác nhau. Tháp có bình đồ hình vuông, gồm ba tầng, góc mái tạo hình đầu đao, chân đế cao giật cấp ba lần. Đỉnh tháp hình bình nước cam lồ trên đài sen (chóp tháp đã bị gãy). Bốn mặt tầng giữa tháp đều khắc bia. Tháp được tạo dựng ngày 21 tháng 6 năm Tự Đức thứ ba sáu (1883).

  Trải qua thời gian và chiến tranh, vườn tháp đã tu sửa lại nhiều lần, mang dấu ấn nhiều thời đại nhưng nhìn chung tháp vẫn giữ được cốt cách, hình dáng cổ xưa.

  Đây là công trình kiến trúc có giá trị của dân tộc, tuy nó không phải là loại cao lớn đồ sộ, nhưng với vẻ thanh thoát chắc chắn gợi cho du khách đến vãng cảnh cảm giác siêu thoát linh thiêng trước cửa thiền tâm.

– Một số di vật:

+ Bia đá trước cửa chùa cao 2,40m, rộng 1,33m, dày 0,25m. Trán bia hình bán nguyệt chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt, bia được khắc chữ hai mặt, xung quanh trang trí hoa dây lồng rồng. Hình tượng con rồng trên trán bia in đậm dấu ấn rồng Lý, thân tròn đều, nhỏ dần về phía đuôi, nhiều khúc uốn lượn dẻo dai chắc chắn. Những đường cong thông minh này hết sức linh hoạt và tế nhị, chân thanh mảnh có 3 ngón. Tất cả mọi thành phần cái râu thoát ở hàm trên ra có 2 đường sóng cuộn vào nhau, toàn bộ phập phồng như một chiếc lá khi gió thổi. Cái bờm từ sau gáy nhiều đợt từ dưới cổ họng cuồn cuộn bốc lên, lượn nhịp nhàng trên lưng như một lá cờ đuôi nheo đang reo với gió. Mũi rồng không tả thực mà chỉ chỉ lên hình tượng giống như một ngọn lửa kỳ dị. Toàn bộ hình tượng con rồng như đang bay lượn nhẹ nhàng trên không trung nó nói lên sự cầu mong mưa thuận gió hòa, nó gắn chặt với truyền thống tổ “con rồng, cháu tiên”. Thật đáng tiếc không hiểu vì lý do nào mà vào thế kỷ XVIII, khi dựng bia đã bị xóa bỏ họa tiết trang trí xung quanh bia về cơ bản là Lý Trần còn có sự xen kẽ nghệ thuật thời Lê. Bia khắc niên hiệu Cảnh Hưng nhị thập lục nguyệt nhị thập lục nhật – 26 tháng 6 năm 1765).

+ Bia tứ trụ, được khắc chữ bốn mặt, đỉnh hình búp đa, chiều cao 1,1m, rộng 0,68m, mái bia hình vuông có chóp hình nụ sen, riềm chân đế chạm cánh sen hai lớp. Đây là bia công điền của chùa, bia khắc năn 1662 (Cảnh Trị nhị niên).        

+ Bia hậu Phật, chiều cao 1,34m, dày 30cm, rộng 55cm. Bia hình chữ nhật, tạc theo kiểu thượng thu hạ thách, có mái khum 4 mặt, chóp mái hình búp sen. Đế bia hình khối chữ nhật giật cấp.  Bia chạm tượng của hậu phật Bùi thị Thao, quê ở Hà Bắc, vì đã có lòng bồ đề với Phật, cúng cho chùa 30 quan tiền, 2 vò rượi nên được nhân dân quanh vùng bầu làm hậu Phật, tạc bia thờ ghi và công đức. Bia khắc năm chính Hòa thứ 18 (1797).

+Bia bài vị, thân bia hình chữ nhật, phía trên thon nhỏ dần, trán bia uốn cong chạm hình lưỡng long chầu nhật, hai diềm bia chạm hình rồng uốn khúc mặt quay chính diện hình hổ phù, giữa bia chạm nổi hình bài vị, đế bia vuông, cao, chạm hình thú đang chồm mình về trước, chân sau dướn cao, chân trước quỳ xuống, đầu ngẩng lên.  

+ Chuông đồng: Cao 152cm, đường kính đáy 77cm, chuông được đúc năm Minh Mệnh nguyên niên (1820). Trên chuông khắc chữ “Quỳnh Lâm tự chung”, các chữ tên chuông có khung hình lá đề nổi, chuông chia làm 8 ô, 4 ô trên khắc kín minh văn, 4 ô dưới trang trí nổi hình hoa lá, quanh chuông có 4 núm nổi hình hoa cúc, quai chuông đúc hình rồng đấu lưng.

+ Ngoài ra, ở vườn chùa còn có hai bệ rồng đá dài 1,66m, cao 81cm x 66cm. Mình rồng uốn khúc mềm mại, đầu có sừng, má lông mày và bờm tóc đều mang phong cách đặc trưng của rồng thời Lý. Một con đã mất đầu và một con đã gãy phần thân.

  1. Dấu tích khảo cổ học: Để nhận diện rõ hơn về kiến trúc của chùa Quỳnh qua các giai đoạn lịch sử, từ năm 2007 đến năm 2009, viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều tiến hành khai quật khảo cổ chùa Quỳnh Lâm, kết quả khai quật khảo cổ đã cho thấy:

Dấu vết kiến trúc thời Lê Trung Hưng: Thời lê trung hưng có hai giai đoạn: giai đoạn thế kỷ XVII và giai đoạn thế kỷ XVIII.

Giai đoạn Thế kỷ XVII: là giai đoạn xây dựng tương ứng với thời gian trụ trì của nhà sư Chân Nguyên. Dấu vết kiến trúc giai đoạn này bao gồm dấu vết các bó nền được xây bằng gạch vồ tại khu vực trung tâm và con đường lát gạch hoa chanh. Dấu vết kiến trúc của thời này nằm xếp chồng lên các kiến trúc thời Lý Trần và cao hơn trung bình 1,5m.

Việc xác định niên đại thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ 18 của quần thể các di tích kiến trúc ở chùa Quỳnh Lâm nói trên còn được dựa vào các nguồn tư liệu nêu dưới đây.

Bia “Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi” dựng năm 1629 có ghi: điện Phật, nhà thiêu hương, tiền đường, giải vũ, nhà hậu Phật, hành lang tả hữu, nhà tăng, nhà kho, tam quan, gác chuông… tổng cộng 103 gian đã được dựng lại.

Sách Đại Việt sử ký tục biên, Lịch triều hiến chương loại chí, Cương mục, Đại Nam nhất thống chí, cho biết ngoài đợt trùng tu năm 1629 (trước thời Thiền sư Chân Nguyên), chùa Quỳnh Lâm còn được trùng tu vào các năm như sau:  

 “Năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730), mùa đông, tháng mười một xây dựng hai chùa Sùng Nghiêm và Quỳnh Lâm, lấy đinh phu 3 huyện Đông Triều, Thủy Đường, Chí Linh sung vào công việc, miễn tiền đắp đê, đắp đường, tiền bưu đinh một năm (cho ba huyện ấy). Sai dỡ gỗ ở hành cung Cổ Bi, đóng bè thả sông chở xuôi xuống để cung cấp vào việc xây dựng.

Năm Long Đức thứ ba (1734), làm chùa Quỳnh Lâm, lấy dân phu ba huyện thuộc Hải Dương phục dịch, khai bốn đoạn sông để thông đường chuyển vận kéo gỗ chở đá, thường đến vạn người, cả ngày lẫn đêm, không được nghỉ ngơi.

Năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) mùa xuân tháng Giêng, làm ba chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Hương Hải, lấy dân phu các huyện Hiệp Sơn, Thủy Đường, Kim Thành, Đông Triều, Thanh Hà phục dịch tha cho tiền sưu đinh và tiền đắp đê đường”.

Các tài liệu ghi chép về thiền sư Như Hiện hiệu Nguyệt Quang, đệ tử được Thiền sư Chân Nguyên truyền Y Bát Trúc Lâm cho biết, năm 1730 chúa Trịnh Giang cho trùng tu chùa Quỳnh Lâm, bảy năm sau (1737) Chúa Trịnh Giang lại cho đúc một pho tượng Phật rất lớn thờ tại chùa Quỳnh Lâm.

  Các sách Lịch triều hiến chương loại chí, Đông Triều huyện chí cho biết thêm thông tin: Do huy động sức dân có lúc lên đến hàng nghìn người, xây dựng kéo dài, đời sống nhân dân khổ cực nên công việc trùng tu chùa Quỳnh Lâm giai đoạn này chưa hoàn thiện.

So sánh các ghi chép này với các di tích thu được chúng ta thấy nó khá trùng khớp nhau, ở phần Tiền Đường, các thành bậc còn đang làm dở dang, thành bậc ở chính giữa Tiền Đường mới hoàn thiện 1 con rồng, con thứ hai đang làm dở, thành bậc hai bên đã làm hoàn thiện nhưng chưa lắp vào vị trí mà còn để ngoài vườn. Với tất cả các nguồn tư liệu hiện có chúng tôi cho rằng mặt bằng giai đoạn kiến trúc đã xuất lộ này được xây dựng từ năm 1730 đến khoảng năm 1740 dưới thời chúa Trịnh Giang, chủ trì chùa lúc đó là Thiền sư Như Hiện, đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, ông mong ước được kế tục sự nghiệp phục hưng Thiền Trúc Lâm bằng việc khôi phục trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm.

Giai đoạn thế kỷ XVIII: Là giai đoạn di tích được xây dựng lại và có quy mô mở rộng nhất. Kiến trúc giai đoạn này gồm có: khu Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và kiến trúc hành lang.

Nền móng kiến trúc khu Tiền đường: Khu vực này có hai công trình hình chữ nhật nằm song song.

Kiến trúc thứ nhất: nằm theo chiều Đông – Tây, có mặt bằng hình chữ nhật diện tích 558m2, dài   55,8m, rộng 10m, gồm 13 gian hai chái. Có 16 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, khoảng cách giữa hai cột là 3,5m. Khoảng cách gữa cột cái và cột quân 2,1m, độ rộng của gian trung bình là 3,7m. Bó nền phía Nam được xếp bằng các khối đá xanh hình chữ nhật chế tác rất kỹ lưỡng. Phía trước (phía Nam của kiến trúc) có ba lối lên xuống.

Kiến trúc thứ hai: Kiến trúc này nhỏ hơn và nằm đúng khu vực gác chuông chùa hiện nay. Kiến trúc này có mặt bằng hình chữ nhật, nằm theo chiều Đông – Tây, diện tích 266m2, dài 19m, rộng 14m. Kiến trúc gồm ba gian hai chái với 6 hàng cột, mỗi hàng bốn cột, khoảng cách bước gian trung bình 3,7m.

Nền móng kiến trúc khu Trung đường: Đây là kiến trúc chính, kiến trúc trung tâm của chùa thời này. Kiến trúc này có mặt nền cao hơn so với tất cả các kiến trúc ở đây 1,2m, các tảng kê chân cột đá có kích thước lớn, đường kính 0,75m. Kiến trúc này có mặt bằng hình chữ nhật, nằm ngang theo chiều Đông – Tây, diện tích 266m2, dài 19m, rộng 14m, cấu trúc gồm ba gian hai chái với 6 hàng cột, mỗi hàng bốn cột lớn, khoảng cách cột cái trong cùng một vì là 4,5m, giữa cột cái và cột quân là 3,5m. Độ rộng các gian bằng nhau là 3,5m.

Nền móng kiến trúc khu hậu đường: Khu vực này cũng có hai công trình hình chữ nhật nằm song song.

Kiến trúc thứ nhất nằm ở phía bắc khu trung tâm, có quy mô kết cấu tương tự như kiến trúc của tiền đường. Kiến trúc này có mặt bằng hình chữ nhật, nằm theo chiều Đông – Tây, diện tích 266m2, dài 19m, rộng 14m, gồm ba gian hai chái với 6 hàng cột, mỗi hàng bốn cột, khoảng cách bước gian trung bình 3,7m. Kiến trúc này nằm dưới sân gạch của ngôi chùa hiện nay.  

Kiến trúc thứ hai nằm đúng vị trí chùa hiện nay. Khi khai quật hai bên phía Đông và phía Tây đã phát hiện gần như nguyên vẹn 11 hàng cột, trong đó 36 chân tảng đá kê cột còn nguyên vị trí ban đầu cùng hệ thống gạch, đá bó nền của công trình. Dựa vào các dấu tích đã xuất lộ, có thể xác định chắc chắn kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, nằm ngang theo chiều dài chiều Đông – Tây, có diện tích 558m2 (dài 55,8m x rộng 10m), có 15 gian (13 gian 2 chái), kết cấu 16 hàng cột, mỗi hàng hai cột, khoảng cách gian là 3,7m; khoảng cách hai cột cái trong một vì là 3,5m; khoảng cách giữa cột cái và cột quân là 2,1m.

Ngoài ra còn có hệ thống hành lang nhỏ kết nối không gian của khu vực tiền đường với Trung đường và hậu cung.

Dấu vết kiến trúc thời Nguyễn: Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài Đông Tây 57m, rộng Bắc Nam 10,5m, gồm 15 gian 16 vì, trong đó có 10 vì kết cấu khung gỗ, 6 vì kết cấu trình tường và khoảng cách giữa các vì là 3,7m. Các vì bằng khung gỗ cú kết cấu 4 cột, khoảng cách giữa hai cột là 3,5m, giữa cột cái và cột quân là 2,1m. Các dấu vết còn lại cho thấy kiến trúc thời Nguyễn có thể được xây theo dạng đầu hồi bít đốc, tức là mặt phía sau và hai mặt hông được xây kín bằng tường. Tường được xây theo kỹ thuật trình tường bằng vật liệu vôi vữa, không phải bằng đất.

Ngôi chùa hiện nay toàn bộ là kiến trúc hiện đại:

Cửa giữa lên chùa có hai lan can sấu đá đầu sư tử, bờm ngựa, dạo hoa vân xoắn dài 3,2m; cao1,42m; dày 47cm. Đây là lan can cũ của chùa, niên đại thế kỷ XVIII. Giữa hai hàng lan can là các bậc đá xanh, mỗi tầng rộng 0,40m, dài 0,60m, dày 0,20m. Qua cửa giữa tới lầu chuông, lầu chuông có ba tầng. Tiếp theo là sân chùa, qua sân là ngôi chùa mới được xây dựng lại.

Lầu chuông xây dựng vào năm 1997. Kiến trúc bình đồ hình vuông, 16 cột, một gian hai chái, bên phải là cầu thang gỗ dẫn lên lầu mái được làm theo kiểu 3 tầng 12 mái. Bờ nóc đắp hình đầu rồng. Trong lầu treo: một khánh đá cao 0,70m, dài 1,55m, dày 0,1m gồm 6 núm nổi, mỗi mặt 3 núm ( niên đại) thế kỷ XX; một chuông đồng niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên (1820); một chuông lớn mới (cao 1,57m; đường kính miệng 1,10m.

Ngôi chùa hiện nay do nhà sư Thích Đạo Quang xây dựng năm 1997, kiến trúc chữ công gồm ba gian hai chái bái đường, ba gian Trung đường (ống muống – chạy dọc) và ba gian hai chái hậu đường.

Bái đường gồm ba gian hai chái, có diện tích: 129,6m2. Ba gian giữa lắp cửa gỗ bức bàn, chấn song con tiện. Gian giữa là nơi hành lễ, phía trên treo bức hoành phi có nội dung “Trúc Lâm Tam tổ”. Phía dưới đặt một án gian, trên án gian đặt một bát hương đồng, hai chân đèn đồng, 2 chân đèn nến gỗ và hai lọ lộc bình.

Gian bên trái là Ban thờ Đức ông, trên ban đặt tượng Đức ông ngồi trong khám sơn son thếp vàng. Hai bên là tượng Già lam và Chân tể. Phía trước đặt một bát hươngGian bên phải là ban thờ tượng đức Thánh tăng ngồi trong khám sơn son thếp vàng. Các gian đều có cửa võng sơn son thếp vàng chạm trổ hình bát tiên cưỡi rồng, hạc, ly…             

Trung đường (Ống muống): diện tích 39m2, chính giữa là cung tam bảo được xây giật 5 cấp. Cấp trên cùng là ba pho Tam Thế. Cấp thứ hai đặt tượng A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Cấp thứ ba đặt tượng A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quan Âm bồ tát. Lớp thứ tư ở giữa đặt tượng Thích ca Mâu Ni, hai bên là tượng A Nan và Ca Diếp đứng hai bên. Cấp dưới cùng đặt tượng Thích Ca nhập niết bàn, có hai thị giả đứng hai bên. Phía trước là tượng Thích Ca sơ sinh.  

 Hậu đường: diện tích 79,2m2, là nơi thờ Trúc Lâm Tam tổ. Trên bệ xây xi măng ở gian thờ giữa đặt tượng tổ Trần Nhân Tông phía trước, tượng tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn trên bệ gỗ phía sau. Trước bệ tượng là một án gian bằng gỗ, trên đặt một bát hương bằng đồng, một bài vị, một bộ tam sự bằng đồng. Gian bên trái thờ đệ nhị tổ Pháp Loa, gian bên phải thờ đệ tam tổ Huyền Quang, bài trí hai ban này giống nhau: Phía sau là bệ xây, trên đặt tượng tổ ngồi trong khám sơn son thếp vàng. Phía trước là án gian, trên đặt một bát hương, một bài vị, mâm bồng và hai lọ hoa.   

Toàn bộ tượng pháp, hiện vật, đồ thờ ở chùa đều còn mới.

Phía sau bên trái chùa, cách chùa khoảng 30m là nhà tăng do nhà sư Thích Đạo Quang mới xây dựng. Kiến trúc năm gian, mái lợp ngói mũi sấu và mũi hài. Phía sau bên phải chùa cách chùa khoảng 30m là giảng đường, gồm 7 gian do nhà sư Thích Đạo Quang mới xây dựng.

6.14. Chùa Trung Tiết 

Chùa Trung Tiết xưa tọa lạc trên một quả đồi thấp, trước cửa chùa là hồ nước rộng,  trong hồ có ba gò đồi nhỏ gọi là tiểu tam sơn. Trước đây đường vào chùa đi theo lối hồ bờ này. Quanh chùa có nhiều cây cổ thụ. Xưa kia chùa có qui mô khá lớn, tuy nhiên hiện nay chùa cổ đã bị phá mất phần kiến trúc trên mặt đất, dấu vết mặt bằng kiến trúc trong lòng đất hiện chưa có điều kiện khai quật.

Chùa hiện nay mới được xây dựng lại đầu thế kỷ XX.

Trước chùa là cổng Tam quan. Qua cổng tam quan đi theo con đường lát gạch đỏ khoảng 10m vào khuôn viên của chùa, sân chùa lát xi măng, xung quanh là vườn cây, đặc biệt trong vườn chùa còn có những cây cổ thụ như cây đa ôm bồ hòn, cây đại, cây nhãn, cây duối, trước cửa chùa là một vườn hoa đào, sau chùa là vườn vải.

Chùa bao gồm các công trình kiến trúc: Chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, và các công trình phụ trợ khác như, nhà tăng, nhà khách, nhà bếp.

 Chùa chính: Kết cấu chữ đinh, diện tích 29m2, cao nóc 3,45m, tường hồi bít đốc mái lợp ngói đỏ. Gian ngoài là bái đường, bên phải thờ Đức Ông, bên trái thờ Thánh Tăng. Giữa là nơi hành lễ.

Hậu cung là cung Tam Bảo, nền cao hơn gian tiền đường 20cm, được ngăn cách bởi hệ thống cửa cuốn vòm cong rộng 1,16m cao 1,95m, trên đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Cung Tam bảo là một bệ xây ngũ cấp, cấp trên cùng cao nhất đặt ba pho Tam Thế; hàng thứ hai đặt tượng Di Đà; hàng thứ ba đặt tượng Thích ca mâu Ni, Thánh Tăng, Bồ Tát. Hàng thứ tư là tượng Quan Âm chuẩn đề. Hàng thứ năm đặt Thích Ca trong tòa cửu long. Đồ thờ bao gồm bát hương, mâm bồng, chân đèn, lư hương… Hiện vật ở đây đều còn mới.

 Nhà Tổ: nằm giữa trung tâm chùa, kiến trúc ba gian tổng diện tích 31m2, mái cao 3,2m, bên phải còn có một cửa nách. Trên mái là hàng lan can trang trí hoa văn, hai bên cửa ra vào có hai đôi câu đối, và một bức đại tự:

Nội dung bức đại tự: Sơ đạo tổ hưng

Dịch nghĩa:               Cái đạo ban đầu là do tổ sư khai sáng

Câu đối:        Bảo Sái di quang Tiết tự diễn…

                      Ngoạ Vân hiển tích An Sinh lưu bất tử chi…

Dịch Nghĩa: Bảo Sái còn lưu dấu rạng ngời, chùa Tiết diễn giảng…

                   Ngoạ vân vết tích rõ ràng, Đền An Sinh lưu thân bất tử.

               (vì câu đối thiếu chữ nên không thể dịch hết nghĩa được)

Câu đối: Tác tướng Phật nhi đề tư phạm chúng

               Hiện vương thân nhi tế độ chúng sinh

Dịch nghĩa:   Làm tướng Phật dắt tay Phật tử

                    Hiện thân vua cứu độ chúng sinh.

Từ sân vào nền nhà Tổ cao ba cấp được lát gạch đỏ thời Trần (tái sử dụng), cấp nền thứ nhất cao 15cm, cấp nền thứ hai cao 15cm, cấp nền thứ ba cao 15cm. Trong chùa nền xi măng.

Đồ thờ được bài trí như sau: Gian giữa là bục tam cấp. Cấp cao nhất là tam thế tượng cao 1,4m. Cấp thứ hai là tượng Bồ đề đạt ma, tượng thị giả (tượng đầu thế kỷ XX) Cấp thứ ba là đồ thờ gồm bát hương hai lọ lục bình.

Gian bên trái, là bục thờ cao 0,91m. Trên bục đặt một bát hương sứ, 2 chân dèn nến và ba pho tượng gỗ, chính giữa là tượng vua Trần Anh Tông. Bên trái là tượng Đặng Tảo, bên phải là tượng Lê Chung (tượng mới).

Gian bên phải, là bục thờ cao 0,90m có tượng Thánh Tăng, và đồ thờ, bát hương, mâm bồng.

Nối giữa nhà thờ tổ với phía trước nhà Mẫu là một khoảng không gian có mái lợp. Tại đây đặt một ban thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, trên có bát hương và tượng địa tạng.

Nhà Mẫu: Nằm bên phải chùa chính, có hai gian, có tổng diện tích 38m2, một mái cao 3,3m, một mái cao 3,5m, kiến trúc tường hồi bít đốc.

Trên bệ thờ đặt một pho tượng Mẫu ngồi trong ngai. Phía trước là tượng Trần Hưng Đạo và hai bên là hại vị vương cô. Góc bên phải đặt tượng Thổ địa. Đồ thờ bao gồm bát hương, mâm bồng, chân đèn…

6.15. Chùa – quán ngọc Thanh,

Chùa (quán) Ngọc Thanh nằm ở sườn núi phía đông của dãy núi Đạm Thủy, cùng khu vực lăng Đồng Hy. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục lăng mộ ghi: “Lăng Đồng Hy: lăng Trần Duệ Tông và Thuận Tông, ở núi Ngọc Thanh xã Đạm Thủy, huyện Đông Triều, có bi chí. Đời xương phù dựng chùa quán, dấu cũ vẫn còn”. Tài liệu Đông Triều huyện chí, mục núi sông ghi: “Tổng Đạm Thủy có núi Đạm Thủy. trên núi có chùa Linh Khánh và quán Ngũ Thanh, cảnh vật ở đây u tịch thanh vắng”. Mục chùa Phật lại ghi: “chùa Ngọc Thanh ở xã Đạm Thủy, tổng Đạm Thủy, thời Trần Nhân Tông xa giá của nhà vua thường đến nơi này, thật là thắng cảnh của một vùng”. Như vậy, theo các tài liệu trên thì núi Đạm thủy đã có chùa từ trước, đời Xương Phù (tức là đời vua Trần Phế Đế – vua Trần Giản Hoàng (1377-1388) xây dựng quán Ngũ Thanh (sau này gọi chung là quán Ngọc Thanh). Tất cả các công trình này hiện chỉ còn phế tích nằm trong lòng đất, quy mô kiến trúc của các công trình này sẽ được cập nhật sau khi khai quật khảo cổ học.  

Hiện vật ở đây hiện nay có một số di vật cổ sau:

– 08 tảng đá kê chân cột kích thước 60cm x 60cm x 20cm, đường kính chân cột 55cm, chất liệu đá cát, niên đại thời Lê (Thế kỷ XVII – XVIII).   

– 16 tảng kê được làm bằng đá xanh trên tròn dưới vuông (Thế kỷ XIX –XX), gồm ba loại: một loại có kích thước 35cmx35cmx12cm, (3 tảng); Loại thứ hai kích thước 30cm x 30cm x 15cm (08 tảng); Loại thứ ba được tạo tác thành ba cấp, cấp dưới cùng vuông kích thước 30cm x 30cm x 15cm, cấp thứ hai và thứ ba tròn đường kính 20cm và 22cm  (05 tảng);

– Có hai phần bia đá. Một phần là bia công đức (chỉ còn một phần giữa) thời Minh Mệnh. Một phần là bia ghi lại tiểu sử một nhà sư trước đã trụ trì tại chùa (bia thời Nguyễn).

– Trong vườn chùa, ở cấp núi dưới, có một tháp đá bình đồ hình vuông, hai tầng với dáng càng lên cao càng thu lại, tháp được ghép mộng bởi các khối đáhình chữ nhật, đỉnh tháp là hình bình nước cam lồ. Trong tháp đặt bài vị bằng chữ Hán, nội dung: Nam mô ma ha tỳ kheo ni Thích Diệu Nhàn, tự Giác Linh. Xuất gia 19 năm, mất năm 52 tuổi, mất ngày 15 tháng 7.  

Hiện nay, tại khu vực chùa – quán Ngọc Thanh cũ có hai công trình mới được xây dựng mới trên khu vực chùa cũ đó là chùa thờ phật khôi phục lại năm 1990 và đền thờ đức thánh Trần.

  1. Chùa Ngọc Thanh có kiến trúc chữ đinh (J) gồm ba gian hai chái bái đường (ngang) và 3 gian hậu cung (dọc). Chùa được xây bằng vật liệu bền vững gồm gạch đỏ và xi măng, cột bê tông xi măng, mái lợp ngói ta, vì kèo hình giá chiêng, nền láng xi măng, cửa gỗ bức bàn thượng song hạ bản.

Đồ thờ tự trong chùa được bài trí như sau:

Bái đường: Gian giữa là nơi ngồi hành lễ.

Gian áp trái đặt ban thờ đức ông gồm một bệ xi măng nhị cấp, cấp 1 đặt một bát hương sứ, ba đài gỗ; cấp hai đặt tượng Đức ông, tượng cao 83cm, rộng vai 33cm, rộng gối 40 cm, tượng mới được tạc năm 1997.

Gian chái bên trái đặt ban thờ nhị cấp xây xi măng, cấp 1 đặt một bát hương đá cao 25cm, đường kính miệng 22cm; cấp 2 đặt pho tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tương cao 67cm, rộng vai 33cm, rộng gối 55cm. Tượng tạc trong tư thế ngồi kiết già, hai chân xếp bằng, bàn chân trái ngửa lên trên, hai tay đan chéo nhau đặt trong lòng. Tượng mới được tạc năm 1997.

Gian áp phải đặt ban thờ nhị cấp xây xi măng, cấp 1 đặt một bát hương sứ, cấp hai đặt tượng đức thánh Tăng. Tượng cao 80 cm, rộng vai 25 cm, rộng gối 34 cm. Tượng đặt ngồi trên bệ.

Gian chái bên phải đặt ban thờ nhị cấp xây xi măng, cấp 1 đặt một bát hương sứ, cấp hai đặt tượng ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười, cả hai pho đều cao 45cm, rộng vai 20 cm, rộng  gối 30 cm. Ngoài ra có hai pho tượng cậu đứng chầu bên phải và hai pho tượng cô đứng chầu bên trái. Cấp hai đặt ba pho tượng mẫu, ở giữa là mẫu thượng Thiên, bên phải tượng mẫu Thoải, bên trái đặt tượng mẫu Địa. Cả ba pho đều có kích thước cao 55cm, rộng vai 25 cm, rộng gối 38 cm, tượng được đặt trên bệ gỗ, tất cả đều là tượng mới.

Hậu cung: toàn bộ hậu cung được dùng làm cung Tam bảo, ở đây xây một bệ ngũ cấp đặt tượng phật.

Cấp trên cùng đặt ba pho tam thế ngồi trên đài sen, ba pho cao bằng nhau, cao 67 cm, rộng vai 25 cm, rộng gối 45 cm. Đài sen cao 18 cm, rộng 55cm x 47cm.

Cấp thứ hai từ trên xuống đặt pho tượng Thích ca Mâu ni ngồi trên đài sen. Tượng cao 90cm, rộng vai 40 cm, rộng gối 70cm. Bệ tượng cao 20cm, rộng 77cmx 65cm.

Cấp thứ ba từ trên xuống đặt một pho tượng Quan âm Nam Hải ở giữa, tượng có 10 tay, hai tay chính chắp trước ngực theo ấn bắt quyết, 8 tay còn lại mỗi bên 4 tay, các bàn tay đều cầm 1 viên ngọc. Bên phải là tượng ANan, bên trái là tượng Ca Diếp, cả hai pho đều đứng trên đài sen. Tượng cao 80 cm, rộng vai 20 cm, bệ sen cao 13cm, rộng 33cm x 23 cm. các pho tượng đều là tượng mới.

Cấp thứ tư từ trên xuống đặt ba pho tượng, ở giữa là tượng Ngọc hoàng đội mũ bình thiên, cao 83 cm, rộng vai 28cm, rộng gối 37cm, hai bên là tượng Nam tào và Bắc đẩu, tất cả đều là tượng mới.

Cấp thứ năm từ trên xuống đặt tòa Cửu long Thích ca sơ sinh, cao tòa 27cm, rộng 59cm.

Phía trước cung tam bảo đặt một ban thờ, trên ban đặt một bát hương đồng đường kính miệng 45cm, cao 45cm.

Trên xà có bức hoành phi bằng chữ Hán có nội dung: “Từ bi trí tuệ”.

Bên phải sân chùa có một ngôi tháp

  1. Đền thờ Đức Thánh Trần;

Sau chùa, cách chùa khoảng 15m là Đền thờ Trần Hưng Đạo. Đền được xây hình chữ nhất, gồm 3 gian bằng chất liệu bền vững, đầu hồi bít đốc, bờ nóc và bờ dải không trang trí, mái lợp ngói. Với kiến trúc đơn giản, phần hiên được đua ra và đổ bê tông. Đỡ hiên là 4 cột trụ bằng bê tông không trang trí, phía trước mỗi cột có ghi câu đối được đắp nổi bằng chữ Hán. Hai cột phía ngoài được làm cách điệu dưới dạng cổ bồng, trên đỉnh cột có đắp nổi hình Nghê. Chính giữa phần hiên là bức cuốn thư được đắp nổi bằng chữ Hán với nội dung “ Ngọc Thanh quán”. Đền có diện tích: 6m x 7,2m. Với 3 hệ thống cửa được mở vào trong để tăng thêm phần ánh sáng tự nhiên bên trong đền. Các cánh cửa được làm đơn giản, không trang trí. Cửa chính giữa được làm theo dáng hình chữ nhật có kích thước 2,1m x 1,9m, cửa hai bên được làm theo dáng hình vòm có kích thước 2,1m x1,1m.

Đền được làm cao hơn phần sân là 1.5m và được chia thàh 5 bậc. Hai bên thành bậc là hai hình rồng cưỡi mây được khảm sành sứ. Rồng được tạo tác cầu kỳ thân uốn thành nhiều khúc, với mồi há rộng, râu và bờm bay ngược về phía sau. Rồng có kích thước 1,5 x 0,7m. Sân đền được lát gạch đỏ, loại gạch 30 x 30 m và có diện tích 1,32m x 7,5m.

Kiến trúc trong đền được làm đơn giản. Trong đền thờ tượng Trần Hưng Đạo được đặt gian chính giữa, hai gian bên là hai bài vị. Tượng được tạc theo dáng tả chân, ngồi trên ngai sơn son thếp vàng. Đầu đội mũ, mắt nhìn thẳng, miệng mím, râu dài. Tượng được tạo mặc áo quan, trước ngực áo có trang trí hình ảnh rồng chầu. Tay phải cầm lệnh bài, tay trái đặt đặt lên trên chân trái, chân đi hia. Ngai được tạo theo kiểu, phía sau là các chấn song, hai đầu tay ngai được tạo hình rồng.

Tượng có kích thước:  Cao tượng: 90cm; Ngai cao 60 cm. Ngang đầu: 19 cm; Ngang vai: 35cm; Ngang gối: 40cm

Trước tượng có các đồ thờ: 01 bát hương sứ, 02 mâm bồng gỗ, 02 chân đèn gỗ và 02 bình hoa sứ. Các đồ thờ đều mới làm.

Hai gian bên thờ hai bài vị, bài vị bên trái ghi “Trần Duệ Tông thần tọa hạ” (Bài vị vua Trần Duệ Tông); bài vị bên phải ghi “Trần Thuận Tông thần tọa hạ” (Bài vị vua Trần Thuận Tông). Các bài vị được đặt trên ngai. Tất cả đều được sơn son thếp vàng. Trước bục có các đồ thờ sau: 01 bát hương sứ, 02 chân đèn gỗ, 01 mâm bồng gỗ.

  1. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích

 Có Bản vẽ sơ đồ phân bố di vật, cổ vật và Danh mục di vật, cổ vật riêng (gửi kèm theo lý lịch di tích).

  1. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Giá Trị lịch sử: Di sản văn hoá thời Trần trải rộng trên phạm vi cả nước, nhưng tập trung nhất, tiêu biểu nhất và điển hình nhất chủ yếu ở 3 nơi, đó là:

Thứ nhất, Kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là kinh đô, nơi nhà Trần đặt các cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc gia Đại Việt để điều hành đất nước;

Thứ hai, Phủ Thiên Trường (Nam Định). Đây là hành cung, là kinh đô chính trị thứ hai sau Thăng Long của nhà Trần. Sau khi các vua Trần nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng đều lui về hành cung Thiên Trường để vừa nghỉ ngơi, vừa giám sát vua con và cùng tham gia điều hành đất nước, tạo nên sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho đất nước.

Thứ ba, Đông Triều (Quảng Ninh). Đây không chỉ là quê gốc của nhà Trần, là đất thang mộc mộc của An Sinh Vương Trần Liễu, mà còn là nơi có tới 14 di tích gốc, có qui mô to lớn, phân bố trong một không gian rộng lớn thuộc phạm vi 5 xã của huyện Đông Triều. Và, trong mỗi di tích đó đều chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng liên quan đến triều đại nhà Trần trong lịch sử. Trong số đó, đã có 10 điểm di tích được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào các năm 1962, 1991 và 2006, 01 di tích mới được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2012.

 Giá trị văn hóa: Khi nói đến Đông Triều, trước tiên là nói đến khu lăng mộ 8 vị Hoàng đế nhà Trần. Ngoài khu lăng mộ của các vua đầu triều nhà Trần ở Long Hưng (Thái Bình), thì An Sinh (Đông Triều) là khu lăng mộ lớn nhất của nhà Trần còn may mắn được bảo tồn đến ngày nay.

Mặc dù, hầu hết lăng mộ các vua nhà Trần đều đã bị phá huỷ nghiêm trọng, nhưng kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích Thái lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng trong những năm qua đều đã tìm thấy dấu tích nền móng các công trình kiến trúc. Đồng thời minh chứng rõ, lăng mộ của các vị Hoàng đế nhà Trần ở An Sinh đều có quy mô khá rộng lớn và gồm có hai phần chính là tẩm điện (nơi đặt mộ, nhà bia, tượng người, tượng thú) và phần lăng (nơi có sân và các công trình kiến trúc để hành lễ, thờ cúng và phục vụ). Các lăng mộ này được quy hoạch xây dựng khá quy chuẩn với 3 không gian chính tương đương với 3 chức năng cơ bản. Đó là không gian phần mộ (an táng), không gian thờ cúng (tế tự) và không gian sinh hoạt phục vụ các nghi lễ liên quan đến thờ cúng và nơi ở để chăm sóc lăng mộ (quản lý).

Tại các di tích Thái lăng và Phụ Sơn lăng đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc và các loại chân tảng đá kê cột gỗ, đặc biệt là các loại ngói lợp diềm mái, ngói lợp nóc mái gắn lá đề trang trí hình rồng, phượng cùng các loại ngói lợp đầu hồi trang trí tượng đầu rồng, đầu phượng cho thấy sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, mang tính vương quyền và thần quyền của các công trình kiến trúc lăng mộ ở đây. Điều này phản ánh sinh động rằng, kiến trúc lăng mộ các vua nhà Trần ở An Sinh được thiết kế xây dựng rất hoành tráng, đúng theo điển lễ và nghi thức xây dựng lăng mộ của các vị đế vương giống như vương triều Nguyễn tại Huế, thuộc dạng thức kiến trúc Hoàng gia, phản ánh rõ thân thế, quyền lực của các vị Hoàng đế triều nhà Trần. Nói cách khác, thế giới vương quyền luôn ngự trị không chỉ trong chốn Hoàng cung Thăng Long mà cả thế giới tâm linh, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị đế vương. Đây chính là nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc lăng mộ thời Trần ở Đông Triều.

Thứ hai, khi nói đến Đông Triều là nói đến hệ thống đền miếu, điện (đền) thờ các vị Hoàng đế nhà Trần ở đền Thái và điện An Sinh.

Và thứ ba, khi nói đến Đông Triều là nói đến hệ thống kiến trúc tôn giáo (am, chùa, tháp) liên quan đến lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập vào đầu thế kỷ 14. Đó là Am – chùa Ngoạ Vân, nơi vua Trần Nhân Tông, Điều Ngự giác hoàng, Trúc Lâm đại sĩ tu hành và hoá Phật; chùa Quỳnh Lâm, Thiền viện của Thiền phái Trúc Lâm; chùa Hồ Thiên, chốn tu hành của các cao tăng của  Thiền phái Trúc Lâm.

Giá trị sâu sắc của các di tích tôn giáo nói trên được giới khoa học đồng thuận đánh giá rằng, Đông Triều là Trung tâm tôn giáo lớn – Trung tâm Phật giáo và tất cả hệ thống di tích chùa tháp ở đây đều liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập. Tính chất thoáng đãng của Thiền phái này (tính nhập thế, tính dân tộc, tính nhân bản sâu sắc) đã quy tụ được tất cả các dòng phái Việt Nam và chi phối toàn bộ Phật giáo Việt Nam. Từ rất lâu đời, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có rất nhiều thiền phái, nhưng thiền phái xâm nhập, ăn sâu vào đời sống tinh thần của dân Việt, dân tộc Việt và có sức sống lâu bền đến tận hôm nay đó chính là Thiền phái Trúc Lâm. Và đặc biệt, khi nói đến Thiền phái này là nói đến dòng Phật giáo Hoàng gia, Phật giáo dân tộc, gắn liền với tên tuổi Trần Nhân Tông, vị vua nổi tiếng anh minh và tài ba nhất trong lịch sử nhà Trần.

Và, trong nền cảnh không gian văn hoá tâm linh nói trên, nằm giữa quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) ở phía Tây và Yên Tử (Uông Bí) ở phía Đông, Đông Triều được xem là kinh đô Phật giáo, là trung tâm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của Đại Việt thời Trần.

Có thể nói, Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều là một trong ba trung tâm văn hoá lớn của nhà Trần. Khu di tích này được xem là những minh chứng đầy sức thuyết phục và độc đáo cho một thời kỳ lịch sử – văn hóa rực rỡ, một thời kỳ văn hiến của Đại Việt. Những giá trị ấy là sự thể hiện ý thức tự chủ, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc giữ nước và dựng nước. Sức mạnh ấy không những là nền tảng tinh thần cho các thế hệ nối tiếp, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế – xã hội ngày nay.

  1. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Hầu hết các di tích tại khu di tích nhà Trần ở Đông Triều chỉ còn lại phế tích, một số di tích được khôi phục lại theo hướng tự phát, chưa được nghiên cứu kỹ và hầu hết chưa có hồ sơ được các cơ quan chức năng phê duyệt.

Một số di tích chưa xác định chính xác quy mô, kiến trúc vì chưa được điều tra thám sát khảo cổ học.

Ở các di tích chưa có Ban quản lý thống nhất, một số di tích như Đền An Sinh được Phòng Văn hóa Thông tin trực tiếp quản lý. Các di tích khác như đền thờ và lăng mộ các vua Trần giao cho các xã quản lý, các di tích là chùa giao cho các nhà sư trụ trì quản lý.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

  1. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Quy hoạch Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 18/02/2013. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải bám sát mục tiêu nhiệm vụ Quy hoạch đã đề ra, đó là:

– Nghiên cứu, khảo sát, khai quật phát lộ các dấu vết khảo cổ để làm rõ các giá trị vật chất hiện còn liên quan đến di tích.

– Tạo cơ sở cho việc quản lý các hoạt động bảo tồn, xây dựng, phát huy giá trị di tích, gắn việc bảo tồn di tích với phát triển kinh tế xã hội địa phương.

– Làm cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều trong công tác quản lý; lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số công việc cụ thể sau:

– Tiếp tục khai thác, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khảo để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích nhà Trần ở Đông Triều làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần.

– Lập, phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều được duyệt. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích, bàn giao đất để triển khai các dự án đầu tư.

– Ban hành Quy chế quản lý khu di tích, đất đai, cảnh quan môi trường, quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn khu di tích và trong từng vùng cụ thể. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm di tích và cảnh quan thiên nhiên thuộc quy hoạch.      

  1. Kết luận

Với những giá trị khoa học về lịch sử, văn hoá và tầm quan trọng đặc biệt của Khu di tích lịch sử nhà Trần ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình chính phủ xếp hạng Di tích trên là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Việc xếp hạng khu di tích quan trọng này không những tiếp tục tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hoá đích thực của Di sản văn hoá nhà Trần ở huyện Đông Triều mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào của nhân dân huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và nhân dân cả nước về lịch sử vẻ vang của triều đại nhà Trần, tăng cường tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá tại địa phương, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả cho chiến lược qui hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều.

 

  1. Tài liệu tham khảo
  2. 1. Đại Việt sử ký toàn thư, Khoa học xã hội, 1998, tập II
  3. Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb khoa học xã hội; Hà Nội,1971
  4. Khoá hư lục (Bản dịch). Tư liệu Thư viện Hoa Sen (www.thuvienhoasen.com).
  5. Tam tổ thực lục (Bản dịch). Tư liệu Viện Khảo cổ học, ký hiệu D687.

5.Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ (Chữ Hán), Tư liệu Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Ký hiệu A3108.

  1. Yên Tử non thiêng (1985), Sở Văn hoá Quảng Ninh.
  2. Văn bia chùa Quỳnh Lâm (Bản dịch). Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh.
  3. Văn bia chùa Ngoạ Vân (Bản dịch). Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh.
  4. Nguyễn Văn Anh (2008). Chùa Ngoạ Vân ở đâu trên dãy núi Yên tử, Báo điện tử Vietnamnet. (http://vietnamnet.vn).
  5. Đông Triều huyện chí . Bản dịch của Hoàng Giáp. Tư liệu phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh
  6. Hà Văn Tấn (1992). Chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, in trong Trung tâm phật giáo Quỳnh Lâm, UBND huyện Đông Triều.
  7. Tư liệu Văn bia ở Đền An Sinh (bản dịch của Hoàng Giáp). Tư liệu phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh
  8. Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Anh (2008). Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát khảo cổ học di tích Hồ Thiên và Ngoạ Vân, Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  9. Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều (2010), Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh.
  10. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đông Triều với lịch sử nhà Trần” (Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh – Viện Khảo cổ học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)- Tư liệu Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh
  11. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Di tích đền Thái trong hệ thống Di tích lăng mộ đền miếu nhà Trần ở An Sinh” (Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh – Viện Khảo cổ học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)- Tư liệu Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh
  12. Báo cáo kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học di tích Đền Thái năm 2009 – 2010 – Viện Khảo cổ học, Viện khoa học xã hội Việt Nam.
  13. Báo cáo kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học di tích Lăng Tư Phúc – Viện Khảo cổ học, Viện khoa học xã hội Việt Nam.
  14. Báo cáo kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học di tích Phụ sơn lăng – Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Viện khoa học xã hội Việt Nam.
  15. Báo cáo kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học di tích Nguyên lăng -Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Viện khoa học xã hội Việt Nam.
  16. Hồ sơ Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.
  17. Thần tích thần sắc làng Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều. Hồ sơ số TT-TSFQ4018/IX, 18. Viện Thông tin KHXH.
  18. Hoàng Giáp: cụm bia lăng mộ các vua Trần tại đền An Sinh huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh trong Thông báo Hán Nôm năm 2002, Hà Nội, 2003
  19. Trần Xuân Sinh . Thuyết Trần sử nhà Trần. NXB Hải Phòng
  20. Bản khảo tả di tích của cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh:

– Di tích Đền Thái, di tích lăng Phụ sơn lăng của Nguyễn Văn Hội;

– Di tích Thái Lăng; di tích Nguyên Lăng của Trần thị Thùy Chi;

– Di tích lăng Tư Phúc của Nguyễn Thị Thu Hương;

– Di tích chùa Tuyết của Nguyễn Phương Thảo.

– Di tích chùa Hồ Thiên của Kiều Đinh Sơn.  

[1]  Đại Nam nhất thống chí, tập III, trang 399, phần lăng mộ. Nxb. KHXH, Hà Nội.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1998, tập II, tr.92.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1998, tập II, tr.94.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1998, tập II, tr.168.

ếTham khảo sách thuyết Trần của Trần Xuân Sinh

[6] Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb khoa học xã hội; Hà Nội,1971, tr.388

[7] Trần Thủ Độ được Trần Lý nuôi dưỡng từ nhỏ coi như con

[8] Đại Việt sử ký toàn thư , tập II, Nxb. Khoa học xó hội, Ha Nội1998; tr.8

[9] Thần tích thần sắc làng Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều. Hồ sơ số TT-TSFQ4018/IX, 18. Viện Thông tin KHXH.

[10] Thuộc Mỹ Lộc Nam Định

[11] Thuộc Hưng Hà, Thái Bình

[12] Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1971, tập III, tr.399

[13] Hoàng Giáp: cụm bia lăng mộ các vua Trần tại đền An Sinh huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh trong Thông báo Hán Nôm năm 2002, Hà Nội, 2003, tr.163.

[14] Thần tích – Thần sắc làng Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều. Hồ sơ số TT-TSFQ4018/IX, 18. Viện Thông tin KHÁCH

———-

Một số hình ảnh khảo tả Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều:

Di tích đền An Sinh – Nơi thờ tự 08 vị vua nhà Trần có lăng mộ tại An Sinh (Đông Triều)

Di tích Thái miếu nhà Trần – Tổ miếu của hoàng gia nhà Trần tại Đông Triều

Lăng Tư Phúc – Lăng thờ bài vị 02 vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông

Thái lăng – Lăng mộ vua Trần Anh Tông và Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu

Lăng Ngải Sơn – Lăng vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 của nhà Trần

Lăng Phụ Sơn – Lăng vua Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 của nhà Trần

Nguyên lăng- Lăng vua Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8 của nhà Trần

Chùa Quỳnh Lâm – Học viện Phật giáo đầu tiên của nước Đại Việt, Đệ Nhất danh lam cổ tích nước An Nam

Chùa Trung Tiết – Chùa thờ 02 vị trung thần của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung

Am Chùa Ngọa Vân – Nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch và nhập Niết bàn

Chùa Hồ Thiên – Nơi đào tạo cao tăng Thiền phái Trúc Lâm

Gọi ngay
challenges-icon