Phát lộ mộ cổ thời Trần tại xã An Sinh (TX Đông Triều)

Theo thông tin từ Bảo tàng Quảng Ninh, quá trình san gạt mở tuyến đường kết nối khu di tích Hồ Thiên (xã Bình Khê) và khu di tích Ngọa Vân (xã An Sinh), thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều, đơn vị thi công đã làm phát lộ ngôi mộ cổ tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh.

Nơi phát lộ ngôi mộ nằm trên sườn phía Tây Nam một quả đồi thấp, phía Đông Bắc lăng vua Trần Anh Tông và cách lăng khoảng 500m, (người dân địa phương gọi là khe Máy Bay Rơi). Qua khảo sát cho thấy, hiện trường xuất lộ nhiều khối gỗ lớn (mỗi khối trung bình 0,4×0,4x6m) có khớp mộng để nối với nhau, bị máy xúc trong quá trình thi công bốc lên để ngổn ngang xung quanh. Nhiều đinh/vam đồng, các mảnh đồng lá được gia công và dát mỏng, than củi, vôi, hợp chất… cũng được tìm thấy tại đây.

Mộ cổ Nghĩa Hưng thuộc xã Yên Sinh (An Sinh), tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ngày nay thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Mộ cổ Nghĩa Hưng được táng trên một khu đất có địa thế đẹp, phía sau (Tây Bắc) có núi cao làm hậu chẩm, phía trước (Đông Nam) có minh đường tụ thủy. Mộ nằm trong khu vực Sơn lăng cấm địa của triều Trần.

Địa điểm mộ cổ Nghĩa Hưng

Ngày 12/12/2010, trong khi san gạt phần đất sườn đồi tại Khu vườn nhà, bà Phạm Thị Sáu đã phát hiện dấu tích của những loại hình di vật và vật liệu như tấm gỗ, vam đồng, đinh đồng, vôi bột, gạch ngói… đều là vật liệu dùng để xây dựng mộ cổ. Ngôi mộ cổ này ngay sau khi phát lộ đã được tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp, nghiên cứu và cho lấp lại để bảo tồn ngôi mộ và hệ thống hiện vật bên trong.

Huyệt mộ cổ Nghĩa Hưng

Ngày 30/10/2019 UBND thị xã Đông Triều đã đưa ra Quyết định số 1524/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích mộ cổ Trại Lốc xã An Sinh, thị xã Đông Triều.

Mộ cổ Nghĩa Hưng có mặt bằng hình chữ Đinh (J), nằm theo chiều Tây Bắc-Đông Nam. Mộ có kích thước tương đối lớn, có đường huyệt đạo, phần huyệt mộ, phần quan và phần quách. Tại mộ cũng tìm thấy nhiều di vật bằng gỗ dùng để làm quan và quách, vật liệu xây dựng và đồ tùy táng bằng đồng và bằng đất nung.

Gỗ bên trong mộ cổ Nghĩa Hưng

Mộ cổ Nghĩa Hưng được xác định có niên đại từ thời Trần, chủ nhân ngôi mộ không chỉ thuộc tầng lớp quý tộc mà còn có thể là người trong hoàng tộc nhà Trần ở vùng An Sinh. Việc phát hiện ngôi mộ cổ này đã góp phần khẳng định vùng đất Đông Triều không chỉ là lăng tẩm của đế vương, hoàng hậu triều Trần mà còn có cả hệ thống lăng mộ quý tộc triều đại nhà Trần.

Mộ cổ Nghĩa Hưng hiện đang trong quá trình tu bổ, tôn tạo nên hiện vật và đồ thờ tại đây chưa có nhiều. Hiện tại chỉ có bàn đá và lư hương, do ngành văn hóa thông tin đặt trước mộ để tuần rằm, mùng một, ngày lễ tết… nhân dân địa phương đến dâng hương, chiêm bái, duy trì sinh hoạt tín ngưỡng tại đây.

 

Gọi ngay
challenges-icon