Không chỉ sở hữu di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận, Quảng Ninh còn nổi tiếng với nhiều ngôi chùa gắn liền với Phật giáo Việt Nam, trong đó có chùa Ngọa Vân, hay còn gọi là “Chùa nằm trên mây”.
Chùa Ngọa Vân được xây dựng từ thời vua Trần, đến thời Hậu Lê, ngôi chùa tiếp tục được tôn tạo, hoàn thiện về mặt kiến trúc.
Quần thể chùa, am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài (Đông Triều, Quảng Ninh), ở độ cao 500m so với mực nước biển. Chùa tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân, tạo nên một địa thế vô cùng ấn tượng. Nơi đây còn được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp, cây cối xanh mướt và thảm thực vật phong phú. Người xưa ca tụng ngôi chùa với câu thơ: “Vạn cổ anh linh tự/ Tứ thời cảnh sắc tân” (Muôn thuở chùa linh ứng/ Bốn mùa cảnh sắc tươi).
Năm 1037, vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tĩnh thiền, làm cho ngôi chùa càng trở nên nổi tiếng. Khu di tích này có ba lớp. Lớp cao nhất là bàn cờ tiên, am – chùa Ngọa Vân thượng và khu am tháp Phật hoàng. Lớp thứ hai là chùa Ngọa Vân trung, cách chùa thượng khoảng 200m về phía Tây Nam. Lớp thấp nhất gồm 15 điểm di tích nhỏ dưới chân núi, kết nối thành một con đường uốn lượn lên đến đỉnh Ngọa Vân, dài khoảng 3 km, được du khách lựa chọn để hành hương.
Trước chùa Ngọa Vân thượng có ngọn tháp mang tên “Phật hoàng tháp”, nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng. Vì vậy, ngôi chùa này được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Để chinh phục Ngọa Vân, du khách có thể đi bộ hoặc sử dụng cáp treo để đến gần chùa Ngọa Vân trung, sau đó tiếp tục leo lên am chùa thượng và khu am tháp Phật hoàng.
Với giá trị văn hóa và lịch sử lớn, chùa Ngọa Vân được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Đây là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Hành hương về Ngọa Vân, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Dưới lớp sương phủ mây mờ, họ sẽ cảm nhận được sự an lạc trong tâm hồn và sự thanh tịnh khi đứng trên đỉnh thiêng nhìn về bốn phía.
Nguồn: Linh Chi