Chùa am Ngọa Vân và Thái Miếu – Hai điểm di tích nhà Trần tại Đông Triều trong Di sản thế giới được UNESCO vinh danh

Vào lúc 18 giờ 02 phút ngày 12 tháng 7 năm 2025 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO (diễn ra từ ngày 06-16/7/2025 tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp), Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc (sau đây gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử) chính thức được công nhận là Di sản thế giới theo các tiêu chí (iii) và (iv) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) quy định trong Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Như vậy, Việt Nam có 09 di sản thế giới do UNESCO công nhận và là di sản thế giới liên tỉnh thứ 02 của cả nước.

Hồ sơ Quần thể di tích và Danh thắng Yên Tử bao gồm 12 điểm di tích thành phần, trải dài trên địa bàn của 03 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh), Hải Dương (nay là Thành phố Hải Phòng) bao gồm: Am chùa Ngọa Vân, Thái miếu nhà Trần, chùa Hoa Yên, Bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang), Chùa Lân (Long Động), Chùa Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc, Chùa Thanh Mai, Động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dưỡng, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà. Các di tích và danh thắng có mối liên hệ mật thiết, kể một câu chuyện xuyên suốt về Thiền phái Trúc Lâm, từ sự hình thành Thiền phái, sự phát triển và truyền thừa của Thiền phái, mối liên hệ giữa Phật giáo Trúc Lâm với triều đại Trần, các giá trị kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan, ý nghĩa triết lý và tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm – một dòng Phật giáo đặc trưng cho bản sắc Việt, gắn liền với triều đại Trần hùng mạnh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong tổng thể 12 điểm di tích tiêu biểu được UNESCO công nhận là di sản thế giới, 02 di tích thuộc hệ thống các di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) là Am chùa Ngọa Vân và Thái miếu nhà Trần giữ vai trò trọng tâm, thể hiện mối quan hệ mật thiết sâu sắc giữa hoàng gia nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm – có khởi nguồn từ dòng Thiền Phật giáo đặc trưng của người Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Am chùa Ngọa Vân – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, hóa Phật nhập Niết Bàn, biểu tượng cho sự trọn vẹn của hành trình tu hành của Đệ Nhất Tổ Thiền Phái Trúc Lâm

        Ngọa Vân nghĩa là nằm trong mây, là tên gọi của một cụm các di tích nằm trên đỉnh Ngọa Vân của núi Bảo Đài ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển, tọa lạc ở vị thế “tay ngai” tốt lành và là trung tâm hội tụ linh khí của đất trời theo phong thủy, xung quanh có núi rừng bao bọc, có thảm thực vật vô cùng phong phú, là điểm đến hành hương, chiêm bái quen thuộc của nhân dân, du khách thập phương mỗi khi về với phường An Sinh (một phần của vùng Yên Sinh thuộc đất Ngũ Yên, đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu tại nơi quê gốc của nhà Trần).

Vào thời Trần, từ năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành theo đạo Phật, lấy pháp danh là “Hương Vân Đại Đầu Đà”, đạo hiệu “Trúc Lâm Đại Sĩ”, tu hành khổ hạnh tại vùng núi Yên Tử, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Năm 1307, Trúc Lâm Đại sĩ đến núi Bảo Đài, đỉnh Ngọa Vân và cho dựng tại đây một am nhỏ làm nơi tu thiền. Ngày 01/11/1308 Ngài an nhiên viên tịch tại am, nhục thể được đệ tử thân truyền y bát là Thiền sư Pháp Loa thực hiện nghi lễ hỏa thiêu, thu được xá lợi tôn trí vào bảo tháp tại Ngọa Vân. Ngọa Vân ban đầu chỉ là một am nhỏ nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập Niết bàn, sau khi Ngài viên tịch, Thiền sư Pháp Loa với sự trợ giúp của triều đình nhà Trần đã cho xây dựng thêm tại đây nhiều công trình chùa tháp Phật giáo phục vụ cho việc độ tăng, hành đạo, thuyết giảng giáo lý, khiến Ngọa Vân trở thành một trong những Trung tâm của Phật giáo quan trọng của cả nước, miền thánh địa và là chốn Tổ linh thiêng bậc nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trải qua thời gian thăng trầm, cụm di tích Ngọa Vân nhiều lần trùng tu, tôn tạo dưới các thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII_XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX), cho đến ngày nay di tích Ngọa Vân nói chung và am chùa Ngọa Vân nói riêng vẫn là địa điểm linh thiêng biểu tượng cho sự giác ngộ, là điểm kết thúc viên mãn của hành trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi hòa quyện trọn vẹn giữa giáo lý Phật giáo và tinh thần dân tộc, là nơi du khách thập phương hành hương, chiêm bái mỗi khi về vùng đất An Sinh.

Chùa am Ngọa Vân – Trung tâm của cụm di tích Ngọa Vân, tọa lạc trên núi Bảo Đài,
phường An Sinh, tỉnh Quảng Ninh

Thái Miếu nhà Trần – nơi thờ tổ tiên và các vị hoàng đế triều Trần.

Cũng nằm tại địa bàn phường An Sinh, Thái Miếu nhà Trần là một di tích đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi thờ tự tổ tiên và các vị hoàng đế triều Trần, mà còn là một trong những địa điểm minh chứng cho sự ảnh hưởng mật thiết, sâu sắc của Phật giáo với tư tưởng, đạo trị quốc của hoàng gia nhà Trần.

Theo sử sách ghi lại, dưới thời Trần, năm 1237, An Sinh Vương Trần Liễu được vua Trần Thái Tông ban cho vùng đất Ngũ Yên (gồm Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang) làm ấp thang mộc, ông đã cho xây dựng tại đất Yên (An) Sinh một tòa Tiên miếu làm nơi thờ tổ tiên và cha là Thái tổ Trần Thừa. Sau khi An Sinh Vương mất, triều đình nhà Trần tiếp tục cho mở rộng Tiên miếu trở thành Thái miếu hoàng gia, lấy nơi đây làm trung tâm, tỏa ra xung quanh là đất lành xây dựng lăng mộ an táng các vua Trần, tiếp tục thờ tự các vua Trần tại Thái miếu.

Sau khi triều đại nhà Trần kết thúc, các triều đại nối tiếp và nhân dân địa phương vẫn quan tâm duy trì việc thờ cúng, tế tự tại Thái miếu. Cho đến ngày nay, trải qua gần 800 năm thăng trầm, dấu tích các công trình kiến trúc mang đậm phong cách hoàng gia nhà Trần vẫn còn được lưu giữ dưới lòng đất tại đồi Đình. Giai đoạn năm 2009-2010, Thái miếu nhà Trần được các nhà khảo cổ tiến hành khai quật, các kết quả cho thấy Thái miếu dưới thời Trần là công trình đặc biệt có mặt bằng kiến trúc kiều “nội vương, ngoại quốc” 国, đã trải qua 03 giai đoạn trùng tu tôn tạo, gồm 39 công trình kiến trúc. Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, tại đồi Đình còn tìm thấy được hàng ngàn di vật gồm vật liệu kiến trúc, vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm men dùng cho thờ cúng và sinh hoạt… phối hợp hài hòa giữa các họa tiết hình rồng, phượng đặc trưng cho hoàng gia và họa tiết hoa sen, lá bồ đề của Phật giáo.

Năm 2014-2017, UBND huyện Đông Triều đã huy động nguồn vốn xã hội hóa, tổ chức tu bổ, tôn tạo lại di tích Thái miếu, làm nơi thờ tự 04 vị tổ và 14 vị hoàng đế triều Trần, thờ vương hầu thân thần, văn võ công thần triều Trần và bản xứ sơn thần, thổ địa. Thái miếu nhà Trần ngày nay vẫn tiếp tục duy trì và tiếp nối các giá trị lịch sử, truyền thống uống nước nhờ nguồn của dân tộc, tri ân công đức, sự nghiệp chung của cả vương triều Trần – một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Cùng với am chùa Ngọa Vân, Thái Miếu là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó mật thiết giữa vương triều Trần và Phật giáo, góp phần tạo nên một hệ giá trị văn hóa – tâm linh giàu bản sắc dân tộc Việt Nam.

Thái miếu nhà Trần – nơi thờ tổ tiên và các vị hoàng đế nhà Trần, tọa lạc tại đồi Đình,
khu Trại Lốc, phường An Sinh, tỉnh Quảng Ninh

Vinh danh hôm nay, trách nhiệm ngày mai

Việc Am chùa Ngọa VânThái Miếu nhà Trần, hai điểm di tích quan trọng bậc nhất thuộc hệ thống di tích nhà Trần tại quê gốc An Sinh, cùng với các điểm còn lại trong Hồ sơ Yên Tử được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, không chỉ là niềm tự hào lớn lao của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, mà còn đặt ra những trách nhiệm lớn lao trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này. Di sản được công nhận không chỉ là một danh hiệu, mà còn là sự khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân để sự nguyên vẹn giá trị dấu tích kiến trúc, giá trị tinh thần, giá trị lịch sử.

Trong chặng đường phía trước, sự đồng lòng thống nhất của các cấp, các ngành và của cộng đồng dân cư, du khách là quan trọng và thiết yếu đảm bảo những giá trị lịch sử, văn hóa của Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, đặc biệt là Am chùa Ngọa Vân và Thái Miếu nhà Trần, sẽ tiếp tục được trân trọng, gìn giữ vẹn nguyên và phát huy giá trị, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trên nền tảng di sản thiêng liêng của các bậc tiền nhân./.

 

Gọi ngay
challenges-icon