Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm

Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều ẩn chứa những giá trị vô cùng to lớn, từng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Thông qua đó, nhiều bí ẩn lịch sử, những thông tin, tư liệu quý được phát lộ, chứng minh giá trị nổi bật, đặc biệt của di tích. Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) là người đã gắn bó với nhiều cuộc khảo cổ, khám phá những bí ẩn dưới lòng đất ở khu vực Đông Triều. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia khảo cổ giàu nhiệt huyết này.
Đoàn Chuyên gia ICOMOS về thẩm định thực địa các điểm di tích tại Đông Triều

– Là người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, tiến sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc lý do nơi đây được coi là vùng trầm tích, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vương triều Trần?

+ Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể gồm hệ thống đền, miếu, lăng tẩm, chùa tháp và phủ đệ được xây dựng và gắn với vương triều Trần, một trong những vương triều có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của các di tích này chính là đã minh chứng Đông Triều là quê gốc của nhà Trần. Đây là điều đặc biệt quan trọng, bởi lâu nay mọi người thường nghĩ Long Hưng, Tức Mặc (khu vực Thái Bình, Nam Định hiện nay) là quê gốc của nhà Trần. Tuy nhiên không phải như vậy. An Sinh xưa, Đông Triều ngày nay mới là quê gốc của nhà Trần. Việc nhà Trần cho xây dựng hệ thống đền miếu và lăng tẩm tại An Sinh là minh chứng sống động cho điều đó.

Chúng ta biết rằng các triều đại quân chủ phương Đông đều đặc biệt coi trọng nơi xây cất tông miếu và lăng tẩm, người ta gọi đó là âm trạch. Cùng với dương trạch, tức kinh đô, âm trạch được cho là có vai trò quyết định đến sự hưng thịnh và trường tồn của vương triều, cũng như của quốc gia. Các vương triều thường chọn quê hương làm nơi xây dựng đền miếu và lăng tẩm như nhà Lý chọn Đình Bảng, nhà Lê chọn Lam Kinh… và nhà Trần chọn An Sinh.

So với các triều đại khác, trường hợp nhà Trần có chút khác biệt. Nhà Trần vốn sinh sống bằng nghề chài lưới, cư trú ở vùng An Sinh, sau đó chuyển về cư trú ở vùng hạ lưu sông Hồng. Tại đây, họ Trần đã trở thành một thế lực lớn, tham gia việc triều chính của nhà Lý và ngày càng nắm giữ các vị trí quan trọng của triều đình. Năm 1226, vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Do đó mới có quan niệm Long Hưng, Tức Mặc là đất phát tích của nhà Trần.

Ban đầu, các vua nhà Trần chọn Tức Mặc là nơi xây dựng tông miếu và Long Hưng là nơi xây dựng lăng tẩm. Đã có 4 lăng tẩm được xây ở Long Hưng, đầu tiên là lăng của Thái Tổ Trần Thừa và cuối cùng là Đức Lăng của vua Trần Nhân Tông. Mặc dù Đức Lăng của vua Trần Nhân Tông được xây dựng ở Long Hưng, nhưng việc ngài chọn Ngọa Vân làm nơi hóa, sau dựng tháp chứa xá lỵ ở đây… đã mở đầu cho việc các vua Trần chọn An Sinh làm nơi xây dựng lăng tẩm, thể hiện tâm thức “lá rụng về cuội” của các vua Trần. Năm 1381, nhà Trần cho di chuyển lăng tẩm từ Long Hưng về An Sinh, từ đó An Sinh là khu sơn lăng duy nhất của nhà Trần.

Đông Triều – vùng trầm tích văn hóa của nhà Trần

Bên cạnh đó, Đông Triều cũng chính là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Điều này thể hiện rất rõ bởi Đông Triều là nơi tập trung các chùa tháp lớn và đóng vai trò quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm. Có thể kể ra một số ngôi chùa tiêu biểu như: Ngọa Vân, nơi Tổ thứ nhất, người sáng lập Thiền phái Trúc lâm tu hành, hóa Phật, thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm; Hồ Thiên, nơi tu hành của các vị cao tăng; Quỳnh Lâm – tự viện, trung tâm đào tạo tăng tài lớn nhất và quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm.

– Theo tiến sĩ, phát hiện khảo cổ học nào được cho là quan trọng nhất, khẳng định vị trí, giá trị lịch sử văn hóa của Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều?

+ Đặc điểm nổi bật của Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là hầu hết các di tích đều tồn tại ở dạng phế tích. Trải qua hàng trăm năm, vì nhiều nguyên do khác nhau như thiên tai, biến động xã hội… các di tích cơ bản đã bị mai một và chôn vùi dưới lòng đất, trong khi các ghi chép về di tích lại hết sức hạn chế.

Do vậy, những phát hiện khảo cổ học cung cấp tư liệu đặc biệt quan trọng cho việc nhận diện, đánh giá giá trị di tích nói riêng, khu di tích nói chung. Do đó, bất kỳ phát hiện khảo cổ học nào cũng có giá trị riêng của nó. Tuy nhiên, để đánh giá một cách khái quát, chúng ta có thể kể ra những phát hiện quan trọng, những phát hiện này giống như “chìa khóa” để mở ra việc nghiên cứu, tìm hiểu giá trị của khu di tích.

Thứ nhất, các phát hiện khảo cổ học tại Ngọa Vân khẳng định chùa, am Ngọa Vân tại Đông Triều là nơi đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm tu hành và hóa Phật. Phát hiện này chấm dứt việc tìm kiếm và tranh cãi về vị trí của am Ngọa Vân, đồng thời khẳng định và làm rõ khái niệm không gian của núi Yên Tử theo quan niệm của người xưa. Theo đó, Yên Tử được hiểu là một không gian rộng lớn tương đương với một phần của vòng cung Đông Triều kéo dài từ Chí Linh đến Uông Bí. Đây là vấn đề quan trọng cho việc mở rộng nghiên cứu đánh giá và nhìn nhận tổng thể về hệ thống chùa tháp Trúc Lâm trên dãy Yên Tử, cũng như không gian văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.

Thứ hai, các phát hiện khảo cổ học tại đền Thái chứng minh đền Thái là Thái Miếu của nhà Trần tại Đông Triều. Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng về quê gốc của nhà Trần tại Đông Triều. Lần đầu tiên cung cấp mặt bằng tổng thể của một quần thể kiến trúc đền, miếu của nhà Trần và thông qua kết quả nghiên cứu ở Thái Miếu cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lịch sử, văn hóa của vương triều Trần, trong đó có việc tìm hiểu về cấu trúc quyền lực của vương triều Trần.

Thứ ba, các phát hiện tại đền An Sinh, cánh đồng Sinh, mở ra cơ hội nghiên cứu về phủ đệ của An Sinh vương Trần Liễu, người được vua Trần Thái Tông giao việc trông coi mảnh đất “quê cha đất tổ”. Các phát hiện tại đền An Sinh cũng cung cấp những hiểu biết về quá trình hình thành, biến đổi của di tích này, từ đó hiểu và làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử, văn hóa của khu di tích nói chung.

Thứ tư, phát hiện khảo cổ học tại hệ thống lăng tẩm các vua Trần cho phép nhận thức về cấu trúc, quy mô, đặc điểm lăng tẩm hoàng gia của vương triều Trần. Theo đó, lăng tẩm hoàng gia vương triều Trần được xây dựng theo nguyên tắc: Lấy cao to thể hiện đẳng cấp. Cấu trúc lăng tẩm gồm lăng và tẩm. Trong đó, lăng là một gò đất cao được đắp hoặc sử dụng một quả đồi để làm; tẩm điện gồm nhiều công trình với các công năng khác nhau, tẩm điện chính, quan trọng nhất gọi là chính tẩm, nơi đặt thần vị. Mặt bằng tổng thể của lăng tẩm hoàng gia nhà Trần được cấu trúc thành 2 mô hình: Lăng tẩm mô phỏng Mandala (lăng tẩm thể hiện quan niệm vũ trụ quan của Phật giáo) và Lăng tẩm mô phỏng đô thành (lăng tẩm có cấu trúc giống như kinh đô).

– Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vị trí của Am Ngọa Vân trong hệ thống chùa tháp Trúc Lâm Yên Tử?

+ Ngọa Vân là nơi đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Hành trình xuất gia, tu hành, đắc đạo, giảng pháp, độ tăng, giáo hóa chúng sinh của Trúc Lâm Điều Ngự đã mô phỏng hành trình xuất gia, tu hành, thành đạo và hóa Phật của Thích Ca Mâu Ni.

Trong hành trình tu hành, thành Phật của Trúc Lâm Điều Ngự, Hoa Yên – Tử Tiêu là nơi Trúc Lâm Điều Ngự tu luyện, giảng pháp, độ tăng. Ngọa Vân là nơi nhập Niết Bàn, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, thành Phật của ngài. Như đã biết, nơi giáo chủ hay người sáng lập tông phái hóa được gọi là Thánh Địa. Ngọa Vân là nơi kết thúc hành trình tu hành, thành Phật của Sơ tổ Trúc Lâm, lưu giữ thánh tích của Sơ tổ. Vì vậy, Ngọa Vân là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Phát triển du lịch là cách làm được TX Đông Triều triển khai để quảng bá, phát huy giá trị Khu di tích nhà Trần

– Đông Triều cần làm gì để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích nhà Trần, thưa tiến sĩ?

+ Để phát huy tốt nhất giá trị của Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, biến các giá trị thành “động năng” cho sự phát triển văn hóa, con người, kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng, Quảng Ninh nói chung, Đông Triều đã làm rất nhiều việc, như tập trung nghiên cứu nhận diện, đánh giá giá trị di tích và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, phải đi trước một bước nhằm cung cấp luận cứ có tính nền tảng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tập trung bảo tồn, tôn tạo di tích, gìn giữ cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối…

Tuy nhiên, để phát huy giá trị di tích như kỳ vọng cần tiếp tục thực hiện một số công việc sau: Lựa chọn và đào tạo nhân lực, không chỉ là nhân lực quản lý, mà còn phải đặc biệt quan tâm đến đội ngũ những người làm Phật sự tại các chùa; ông từ tại các đền miếu, lăng tẩm. Đội ngũ này không chỉ làm nhiệm vụ trông coi, mà nhiệm vụ của họ là hoằng dương Phật pháp, lan tỏa các giá trị, triết lý đạo Phật nói chung, Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, các giá trị lịch sử, văn hóa của nhà Trần; thực hiện lễ nghi bài bản, đúng theo chuẩn tắc. Tất cả những hoạt động này tạo lên hồn cốt của các di tích. Chỉ bằng các hoạt động như vậy mới khiến phần vật chất đã được đầu tư, tu bổ, xây dựng khang trang, đẹp đẽ trở nên có ý nghĩa.

Cùng với đó, đẩy mạnh và khuyến khích cộng đồng cư dân địa phương tham gia vào việc quản lý, thực hiện lễ nghi tại các di tích, giúp họ nhận thức và tham gia một cách chủ động, coi đó như một vinh dự, sự thiêng liêng và được thừa hưởng những giá trị tinh thần, vật chất từ di sản.

Khôi phục lễ hội, lễ nghi gắn với mỗi di tích. Bên cạnh lễ hội, lễ nghi cũng cần có các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao lớn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại mà không trái với chuẩn mực của một khu di tích tâm linh.

Nhiều điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều đã được tu bổ, tôn tạo trong những năm qua

Điều đặc biệt quan trọng là Đông Triều đã sớm nhận thấy giá trị lớn nhất và trước hết của di sản là giá trị nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người, là nhân tố quan trọng tạo dựng bản lĩnh văn hóa của cá nhân và cộng đồng; là thành tố quan trọng trong phát triển trụ cột con người, nhân tố quyết định cho phát triển bền vững của xã hội.

Nhưng đồng thời cần tiếp tục xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Khu di tích nhà Trần nói riêng là công việc lâu dài, liên tục. Kết quả của việc bảo tồn, phát huy giá trị không “một sớm, một chiều” nhận thấy được. Do đó, việc triển khai thực hiện cần kiên trì và bám sát mục tiêu với các nhiệm vụ cụ thể. Công việc này cần được thể hiện và kiên trì thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

– Xin cảm ơn tiến sĩ!

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Gọi ngay
challenges-icon