Đông Triều là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi có bề dày truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng; là quê hương của người nữ tướng anh hùng Lê Chân, là quê gốc của nhà Trần, An Sinh xưa – Đông Triều nay đóng vai trò là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của thời Trần, nơi nhà Trần xây dựng lăng tẩm của các vua và quý tộc hoàng gia; nơi xây cất Thái miếu để thờ phụng tổ tiên và các vua nhà Trần; là vùng đất thánh địa của thiền phái Trúc Lâm, nơi đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chọn vùng đất An Sinh – Đông Triều để nhập niết bàn và hóa Phật tại am Ngọa Vân. Năm 1840, vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ khai thác than đầu tiên tại núi Yên Lãng – Yên Thọ, đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp khai thác than đầu tiên tại Việt Nam, gắn với giai cấp công nhân vùng mỏ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã về hoạt động cách mạng trong thời kỳ “vô sản hóa”; là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, sớm nhất của khu mỏ vào ngày 23/02/1930; Đông Triều là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước (ngày 08/6/1945)…
Đông Triều ngày nay còn lưu giữ một hệ thống di tích và danh thắng phản ánh bề dày các lớp trầm tích văn hóa hàng nghìn năm lịch sử. Với 121 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh (Theo Quyết định 789/QĐ-UBND, ngày 26/3/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh) là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có 24 di tích đã được xếp hạng các cấp, với 01 quần thể Khu di tích lịch sử nhà Trần được xếp hạng Quốc gia đặc biệt gồm 14 điểm di tích; 06 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 96 di tích đã được kiểm kê phân loại.
Tại các di tích hiện còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của nhân dân Đông Triều nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Các di sản văn hóa phi vật thể với các loại hình: lễ hội, thư tịch cổ, thần tích thần sắc, tư liệu Hán Nôm, phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, hò, vè… đã và đang được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ còn tồn tại đến ngày nay. Đó là những vốn di sản vô giá mà đất và người Đông Triều qua nhiều thế hệ đã bảo lưu, giữ gìn.
Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Thị xã Đông Triều đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định phát triển văn hóa – du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của thị xã với 03 định hướng đó là: du lịch văn hóa tâm linh; du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái đồng quê, trải nghiệm, trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước đưa Đông Triều trở thành 01 trong 04 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều
Đông Triều là quê gốc của nhà Trần – một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ thế kỷ XIII Nhà Trần đã chọn vùng đất Đông Triều để xây dựng đền, miếu và lăng mộ của các vị vua nhà Trần, cùng với nhiều công trình tôn giáo tâm linh khác.
Khu di tích lịch sử nhà Trần là một quần thể gồm 14 di tích với 22 điểm di tích, bao gồm các đền, miếu, lăng tẩm, am, tháp, chùa và công trình tôn giáo thời nhà Trần (1225 – 1400) trong đó có 02 di tích đền, miếu (đền An Sinh, Thái miếu); 07 di tích lăng mộ (Lăng Tư Phúc, Đồng Thái lăng, Đồng Mục lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Đồng Hỷ lăng); 05 di tích chùa, quán (chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên, chùa Trung Tiết, chùa – quán Ngọc Thanh).
Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc của nhà Trần. Vào khoảng thế kỷ XII, nhà Trần chuyển về Tức Mặc (Nam Định) rồi phát triển sang Long Hưng (Thái Bình) và phát tích đế vương ở đó. Sách Đông Triều huyện phong thổ ký (sách chữ Hán chép tay) ghi “Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới sau này mới chuyển xuống xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh. Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này”.
Sau khi Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông, năm 1237 đã lấy các vùng đất Yên Sinh (Đông Triều), Yên Phụ (Kinh Môn), Yên Dưỡng, Yên Bang (Uông Bí), Yên Hưng (Quảng Yên) cấp cho Trần Liễu làm đất thang mộc, đời đời ở đất ấy để sinh sống và trông coi phần mộ, thờ cúng tổ tiên. Vùng đất thang mộc của Trần Liễu được gọi chung là Yên Sinh (hay An Sinh), nhân dân còn gọi là vùng đất “Ngũ Yên”. An Sinh vương Trần Liễu đã cho xây dựng Phủ đệ, đền miếu thờ cúng tổ tiên, trong đó Thái miếu được xây dựng thời kỳ này.
Dưới thời Trần, Đông Triều có nhiều công trình văn hóa đặc sắc, tiêu biểu được xây dựng với quy mô lớn, mang tầm quốc gia như: Thái miếu thờ tiên tổ nhà Trần, đền An Sinh thờ các vị vua Trần, hệ thống lăng miếu nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân, chùa Trung Tiết, Đề quán Ngọc Thanh…
Trải qua thời gian, thiên tai huỷ hoại, chiến tranh tàn phá, nhiều công trình văn hóa tâm linh xưa chỉ còn là phế tích. Ngày nay được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của nhân dân, du khách, đặc biệt của những doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh và ngoài tỉnh đã chung tay công đức vật chất, tinh thần. Trên nền đất cũ nhiều dự án công trình được khôi phục, tôn tạo khang trang bề thế, xứng đáng tiếp nối những giá trị lịch sử văn hoá truyền thống của cha ông trong quá khứ như: Thái miếu, đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, Thái lăng, Ngải Sơn lăng… và hệ thống dịch vụ, hạ tầng giao thông kết nối các di tích tâm linh đang được triển khai đồng bộ, thuận lợi cho nhân dân, du khách xa gần như: tuyến cáp treo Ngọa Vân, tuyến đường kết nối Yên Tử – Hồ Thiên – Ngọa Vân, tuyến đường từ Trung tâm Thị xã vào đền An Sinh, Thái miếu, Quỳnh Lâm và Khu lăng mộ các vua Trần, chùa Ngọa Vân…
Cùng với việc khôi phục, tôn tạo hệ thống di tích nhà Trần ngày càng khang trang. Nhiều lễ hội truyền thống của di tích cũng được khôi phục lại đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân như: lễ hội đền An Sinh, lễ hội chùa Quỳnh Lâm, lễ hội chùa Ngọa Vân, lễ hội Thái miếu nhà Trần…đây là những dịp để nhân dân thắp hương tri ân tưởng nhớ các vua Trần.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, khoa học. Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều tại quyết định số 307/QĐ-TTg. Toàn bộ quy hoạch Khu di tích nhà Trần phần lớn được phân bố ở phía Nam dãy núi Đông Triều, trên địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An của thị xã Đông Triều, với vùng rộng lớn có diện tích tự nhiên khoảng 11.095 ha, trong đó 2.206 ha đã được phê duyệt quy hoạch.
Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh và đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của các chuyên gia, nhà khoa học… nhiều giá trị to lớn của các di tích đã và đang được nghiên cứu và làm rõ. Kết quả nghiên cứu đó là cơ sở cho việc bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị khu di tích, đề xuất các giải pháp khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Để triển khai Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị xã lần thứ XXIV và gắn kết Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần với các di tích khác trên địa bàn thị xã và các địa phương lân cận đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thị xã từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Thời gian tới, cùng với các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về giá trị đặc biệt của Khu di tích tới nhân dân trong nước cùng bạn bè quốc tế; tích cực huy động nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, xứng tầm là di tích Quốc gia đặc biệt; đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung; tạo điều kiện cho nhân dân và du khách thập phương đến thưởng ngoạn, tham quan, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức các Đức vua Trần và các bậc tiền nhân thời Trần. Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối khu di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều với di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), di tích – danh thắng Yên Tử, Bạch Đằng, Cửa Ông, Vân Đồn của Quảng Ninh, nhằm xây dựng thương hiệu du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế.