Chùa Hồ Thiên, tên chữ là Trù Phong tự. Chùa nằm ở phía Nam núi Phật Sơn, xưa thuộc xã Phú Ninh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; nay thộc thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa chùa nằm trên lưng chừng núi Trù Phong, ở độ cao 580m so với mặt nước biển, phía Nam núi Phật Sơn (thuộc dãy Yên Tử), phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa mà theo thuật phong thủy đó là “Tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án”.
Chùa Hồ Thiên được Pháp Loa – Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng vào năm 1327. Tương truyền, Hồ Thiên là nơi các vị cao tăng tu luyện sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện. Việc chùa có tên là Hồ Thiên là vì truyền thuyết cho rằng: trên đỉnh núi có hồ nước (hồ trên trời), trên đó hàng năm có đôi hạc trắng thường xuyên bay về với câu ca: “Hoa sen lúc nở lúc tàn, đôi chim hạc trắng thanh nhàn tiêu dao”. Thực tế, trên núi không có hồ nước mà chữ “Hồ” ở đây có nghĩa là hội tụ và chữ “Thiên” là trời. Hồ Thiên ở đây là nhằm chỉ cảnh phật cõi tiên, để ca ngợi cảnh đẹp nơi Hồ Thiên được xây dựng.
Theo tư liệu lịch sử, ngày 01/11/1308, Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông đã nhập cõi Niết Bàn và hóa Phật, Pháp Loa chính thức trở thành đệ nhị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và trở thành Giáo chủ của Giáo hội Phật giáo nước Đại Việt. Thời gian Pháp Loa làm chủ Giáo hội, Phật giáo Việt Nam phát triển về mọi mặt, ông cho xây dựng chùa chiền khắp nơi, Giáo hội được mở rộng, số người xuất gia vào Giáo hội Trúc Lâm ngày càng đông trong đó có nhiều bậc vương tôn công tử. Tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong giới đàn do Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 người, trong đó hệ tử đắc pháp trên 3.000 người. Ngoài việc giảng dạy, tu thiền cho các tăng sĩ, Pháp Loa còn quan tâm đến xây dựng hệ thống chùa chiền. Thời gian này, chùa, phật điện, tăng đường phát triển khắp nơi. Ông đã cho xây dựng 5 cây bảo tháp, hai cơ sở hành đạo lớn ở Quỳnh Lâm và Báo Ân và một số ngôi chùa nổi tiếng như: Côn Sơn, Thanh Mai, Hồ Thiên….
Dưới thời Lê Trung Hưng, cùng với các chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo. Để xây dựng lại chùa có qui mô to lớn như dấu vết hiện còn, triều đình đã huy động sức dân ở 5 huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều, Kim Thành và Thanh Hà. Trong lần đại tu này, các công trình đã được xây mới gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Theo nghiên cứu thực địa, các di tích và vết tích kiến trúc hiện còn trên mặt đất tại chùa Hồ Thiên cơ bản được xây dựng và trùng tu dưới thời Vĩnh Hựu. Trong lần đại trùng tu này, các công trình mới đã được xây dựng gồm: Chùa Chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
- Khu chùa chính: Chùa chính được xây dựng trên mặt bằng rộng, ở độ cao 580m so với mực nước biển. Trong đó, riêng khu vực chùa chính được xây dựng trên khu vực có diện tích mặt bằng khoảng hơn 700m2. Chùa được xây dựng trên trục chính Bắc – Nam, mặt bằng hình chữ Công, cấu trúc gồm 03 công trình kết nối nhau: Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện
Tiền Đường: nằm ở phía trước, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 202,5m2 (chiều dài Đông – Tây 22,5m; rộng Bắc – Nam 9m), kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, gian giữa rộng 4,4m, các gian hai bên rộng 3,9m. Khoảng cách giữa cột cái và cột quân trung bình 2,1m, giữa các cột cái trong một vì là 2,9m. Trên mặt nền còn lại hệ thống tảng đá kê chân cột, đá bó thềm và đá kê xà dưới.
Thiêu Hương: nằm ở giữa nhà Tiền Đường và Thương Điện, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 147m2. Hiện nay, về dấu vết nền móng kiến trúc đã có sự thay đổi so với cấu trúc mặt bằng tổng thể chung của loại hình kiến trúc hình chữ công ban đầu.
Thượng Điện: phía Bắc dựa trực tiếp vào sườn vách núi đá, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 202,5m2, tương tự như tòa Tiền đường và cũng có kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột. Khoảng cách gian giữa rộng nhất là 4,4m, các gian hai bên rộng 3,9m, khoảng cách cột cái và cột quân 1,7m, khoảng cách giữa các cột cái trong cùng một vì là 3,1m.
- Khu vườn tháp: Khu vườn tháp nằm trên sườn núi cao ở phía sau, tức là phía Bắc của chùa. Tại khu vực này hiện đã xác định dấu vết của 6 ngôi tháp, trong đó có một tháp còn tương đối nguyên vẹn, một tháp đã bị đổ mới được dựng lại, số còn lại đều đã bị sập.
- Khu nhà tăng: Nhà tăng là nơi dành cho những người tu hành và phật tử sống, sinh hoạt và tu học. Nhà tăng nằm trong khu vực có diện tích rộng khoảng 400m2, ở phía Đông của chùa, trên một khu đất tương đối bằng phẳng và thấp hơn nền chùa khoảng 1,5m. Nhà nhìn về hướng Nam, lưng dựa vào núi ở phía Bắc, chạy ngang qua phía trước là đường đi vào khu chùa chính.
- Khu nhà tổ: Khu vực nhà tổ nằm ở phía Bắc nhà tăng, cao hơn nhà tăng khoảng 6m và nằm tiếp nối với khu vườn tháp ở phía Đông. Khu vực này có diện tích gần 180m2, còn lại dấu tích một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích khoảng 130m2. Bốn mặt nền được kè xếp bằng đá cát kết và cuội. Các chân tảng của công trình phần lớn cũng đã bị di dời khỏi vị trí cũ. Ngoài dấu vết kiến trúc, tại khu vực này đã tìm thấy hai pho tượng bằng đá, được tạc từ đá nguyên khối, gồm hai phần: thân tượng và bệ tượng. Những di tích di vật được tìm thấy cho phép chúng ta khẳng định đây là khu vực nhà tổ, nơi thờ tam tổ Trúc Lâm (Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).
- Khu nhà bia: Khu nhà bia cách khu vực trung tâm khoảng 150m về phía Đông, từ năm 2005 đến năm 2010 là khu chùa chính và khu sinh hoạt của nhà chùa. Tại khu vực này việc cải tạo xây dựng mới đã làm biến dạng diện mạo ban đầu. Nhà bia đều làm bằng đá xanh, có mặt phẳng hình chữ nhật, diện tích mặt bằng là 9,73m2. Nhà được ghép bằng những khối đá lớn, mái được lợp bằng những tấm đá, tường được ghép bằng 6 tấm đá, đáng chú ý trên mỗi tấm đá ghép tường phía sau đều khắc nổi một chữ Phạn trong khung hình chữ thập, nội dung của 6 chữ Phạn này là một câu thần chú của Mật Tông được gọi là “Chú lục tự đại minh”. Chính giữa nhà bia có một tấm bia lớn có tên Trùng tu Trù Phong tự bi kí tức là bia trùng tu chùa Trù phong, bia được dựng vào ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ hai đời vua Lê Ý Tông (1736). Khoảng những năm 2000, nhà bia bị sập đổ, năm 2009 nhà bia đã được trùng tu.
- Khu tịnh thất: Tịnh thất là nơi tọa thiền của các nhà sư, ở Hồ Thiên tịnh thất là nơi dành riêng cho các vị cao tăng luyện thiền. Khu tịnh thất phân bố ở ngọn núi phía sau chùa, thời Lê Trung Hưng các tịnh thất này vẫn tiếp tục được sử dụng làm nơi tu thiền. Hiện đã phát hiện có 3 thất, trong đó tịnh thất Hàm Long nằm ở vị trí cao nhất và cũng là tịnh thất có quy mô lớn nhất. Việc xuất hiện khu tịnh am ở Hồ Thiên có lẽ cũng là những bằng chứng để khẳng định lời tương truyền Hồ Thiên là nơi đào tạo các vị cao tăng. Nếu như Quỳnh Lâm giữ vai trò là trung tâm đào tạo tăng tài của thiền phái Trúc Lâm thì Hồ Thiên chính là nơi đào tạo các vị cao tăng sau khi hoàn thành khóa học tại Học viện Quỳnh Lâm.
Trải qua thời gian, chùa chính, nhà tăng, nhà tổ đã bị sập đổ nhưng nền móng còn khá đầy đủ. Hiện nay, thị xã Đông Triều đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật khảo cổ di tích Hồ Thiên. Các cơ quan chức năng cũng đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích này.
Ngày 22/12/2018, UBND Thị xã Đông Triều kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup tổ chức lễ khởi công trùng tu, tôn tạo chùa Hồ Thiên. Đây là dự án có giá trị nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa to lớn hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân các bậc tiền nhân có công với đất nước. Sau hơn 4 năm thi công, cuối năm 2022, dự án đã hoàn thành và được bàn giao. Chùa Hồ Thiên sau khi được trùng tu, tôn tạo trở thành điểm đến cho nhân dân và du khách thập phương tham quan chiêm bái; là nơi cho các cao tăng đến nhập thất tu thiền theo phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng, Hồ Thiên là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.
BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn)