LỄ TƯỞNG NIỆM 716 NĂM NGÀY PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN (1308-2024)

Ngày 30/11/2024 (tức ngày 30 tháng 10 năm Giáp Thìn), tại chùa Ngoạ Vân, Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Đông Triều đã phối hợp tổ chức “Lễ tưởng niệm 716 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308- 2024)”.
Tại buổi Lễ tưởng niệm, sau nghi thức dâng hương, các đại biểu, tăng ni, phật tử, cùng người dân, du khách, đã được nghe tiểu sử cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông và văn tưởng niệm 716 năm ngày Phật Hoàng nhập niết bàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh năm 1258, tên huý Trần Khâm, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Năm 20 tuổi, Ngài được vua cha truyền ngôi Hoàng đế và trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên năm 1285 và 1288. Thời bình, vua Trần Nhân Tông thi hành nhiều chính sách khoan hòa, nêu cao tinh thần hòa hợp hòa giải, trị quốc an dân, quy tụ người tài đức.
Năm 1293 sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, đức vua Trần Nhân Tông lùi về phủ Thiên Trường – Nam Định làm Thái Thượng Hoàng. Tháng 7/1294 ngài rời phủ Thiên Trường về thực tập xuất gia tại hành vu Vũ Lâm (nay là huyện Gia Khánh – Ninh Bình). Đến năm 1299 ngài rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử, xuất gia tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tại đây, ngài đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài tìm người nối dòng pháp, gặp được Pháp Loa và trao truyền Y, Bát. Tháng 5/1307 ngài chọn am Ngọa Vân – tọa lạc trên dãy núi Bảo Đài (nay thuộc khu Tây Sơn, phường Bình Khê, thành phố Đông Triều) làm nơi tĩnh thiền và tại đây ngài đã an nhiên viên tịch và hóa phật vào 01/11 (âm lịch) năm 1308.
Sau khi Ngài nhập niết bàn, Bảo Sái theo di chúc, hỏa thiêu Ngài ngay tại Am Ngọa Vân: “Khi thiêu hương lạ bay xa, mây ngũ sắc phủ trên giàn hỏa”. Pháp Loa Đệ Nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm đã dùng nước thơm tưới lên giàn hỏa thu được Ngọc Cốt hàng nghìn viên xá lợi… Một phần xá lợi của Ngài được Pháp Loa cho xây dựng Phật Hoàng Tháp để lưu giữ, tảng đá nơi Ngài nhập diệc được lưu giữ tại đây. Ngọc cốt và xá lợi còn lại được đưa lên thuyền vua chuyển về kinh đô Thăng Long rồi sau đó được an trí ở nhiều nơi. Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành và hóa phật của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Phật giáo Trúc Lâm đã để lại một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ và các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây chính là tài sản văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, đồng hành với lịch sử văn hóa dân tộc cho hôm nay và cả mai sau.
Lễ tưởng niệm không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là dịp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò, ý nghĩa và những giá trị cần được bảo tồn và phát huy của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.
Gọi ngay
challenges-icon