Lý lịch chùa Mỹ Cụ – Di tích Lịch sử Văn hóa

LÝ LỊCH CHÙA MỸ CỤ – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

(Thôn Mỹ Cụ, xã Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

———-

        I. TÊN GỌI DI TÍCH

  1. Tên thường gọi: Chùa Mỹ Cụ – chùa được xây dựng ở làng Mỹ Cụ nên lấy tên làng đặt cho chùa với ý nghĩa “Đất vua chùa làng”, làng quyết định sự tồn tại và phát triển chùa của làng mình. Tên làng được xuất phát từ truyền thuyết sau: “Tương truyền xưa vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử đi tu, dân làm cỗ ngon dâng vua, nên đặt tên là Mỹ Cụ” (*).

        Tên chữ” Sùng Khánh tự”. Sùng có nghĩa là đức tin tuyệt đối, vừa tin tưởng vừa tôn kính, là đề cao phật pháp vô biên; Khánh có nghĩa là tốt lành – Một ngôi chùa thờ Phật luôn đem lại mọi điều tốt lành cho mọi người.

        II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH

  1. Địa điểm

        Chùa tọa lạc bên sườn núi Chè, thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tên cũ là núi Đầu Hươu, xã Mỹ Cụ, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.

  1. Đường đến di tích

        – Từ thành phố Hạ Long (thủ phủ tỉnh Quảng Ninh) đi theo Quốc lộ 18A về phía tây – nam khoảng 65 km, rẽ trái 200m đến UBND xã Hưng Đạo. Từ UBND xã đi tiếp khoảng 1,6km đến di tích.

        – Từ trung tâm thị trấn Đông Triều, đi theo Quốc lộ 18A về phía thành phố Hạ Long gần 2km, đến chợ Hưng Đạo, rẽ phải, đi tiếp 2km đến di tích.

        III. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ DI TÍCH

        Vào thời Trần, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều là những hiện tượng nổi bật trên kiến trúc thượng tầng của xã hội nước ta. Lúc ấy Phật giáo bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nó trong lịch sử Việt Nam và có ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Phật giáo đã để lại những dấu ấn rõ nét trong quan niệm và tình cảm đạo đức thời đó. Thái độ từ bi hỉ xả và sự tu dưỡng về thập thiện – ngũ giới mà đạo phật đòi hỏi ở mỗi phật tử không khỏi có liên hệ với tình cảm xót thương những nỗi đau và cực nhọc của dân chúng và những khái niệm đạo đức đương thời như khoan hòa, nhân từ, phúc huệ,…Đặc biệt từ năm 1299, sau khi Trần Nhân Tông – một ông vua có công lớn trong hai lần chống quân xâm lược Nguyên Mông đến núi Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc lâm, thì đạo Phật thật sự trở thành Quốc giáo.

        Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử trong khoảng thời gian gần 10 năm (1299 – 1308). Sau khi Trần Nhân Tông qua đời, tiếp tục sự nghiệp của ông có 2 vị cao tăng là Pháp Loa và Huyền Quang. Dưới thời Pháp Loa, giáo lý Trúc Lâm có sức quyến rũ mạnh mẽ tín đồ đạo phật. Giáo lý này có nhiều yếu tố tích cực, trong đó không phủ nhận cuộc đấu tranh giai cấp, không khuyên người đời cam chịu khổ hạnh, hướng mọi người đến cuộc sống đoàn kết, yêu thương, nhằm phục vụ cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc, giữ gìn và bảo vệ đất nước. Bởi vậy, trung tâm truyền giáo Yên Tử trở nên tập lập chưa từng thấy. Từ Yên Tử, giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng khắp vùng Đông Bắc, dựng lên 800 ngôi chùa lớn nhỏ. Chùa Mỹ Cụ cũng được dựng lên vào thời kỳ này.

        Chùa Mỹ Cụ cũng như nhiều ngôi chùa làng khác trên đất nước Việt Nam, được nhân dân xây dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Chùa được gắn liền với cuộc sống đời thường trước việc ứng xử với cái đẹp. Chùa là nơi gửi gắm mối liên hệ với thần linh bằng các cuộc hành lễ, là nơi con người gửi hồn mình vào mảnh đời cực lạc để ngẫm về lẽ vô thường của cuộc đời. Bởi vậy, chùa là nơi thờ Phật, đứng đầu các đức Phật trong hệ thống phật điện là Phật Thích Ca Mầu Ni, người khai ngộ chúng sinh, thấy đường giải thoát ra khỏi vòng luân hồi, ngoài ra còn có các chư Phật và chư Bồ Tát,…

        Chùa Mỹ Cụ là một ngôi chùa làng nhưng qui mô cũng khá lớn. Ban đầu, cũng như nhiều ngôi chùa làng thời Trần, chùa được xây dựng trên cao, nhưng chỉ với qui mô vừa phải, theo kiểu chữ đinh (T). Đến các thời sau, chùa được mở rộng khá khang trang, bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà tăng,… tạo thành một kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu (*). Theo nhân dân kể lại thì chùa có cổng tam quan, có sân, có dãy nhà bếp, nhà tăng, nhà tổ và chùa chính. Vườn chùa rất rộng, cây cối xanh tốt, tạo nên một không gian vừa thoáng mát, vừa yên tĩnh, đúng là một nơi gửi gắm cõi lòng, gạt bỏ những điều xấu xa, mà nhất là tâm kính lễ hồi hướng về cõi Phật. Bởi vậy,  trước đây chùa luôn được quan tâm tôn tạo. Các lần tôn tạo lớn đều được ghi lại qua văn bia đặt ở sân chùa:

  1. Bia đá lập năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) ghi rõ: “Sự trụ trì ở chùa tự là Hải Lễ trùng tu chùa, tô tượng, đúc chuông, tiền của thì thiếu không biết lấy gì mà làm vậy lập điều ước tự nguyện bầu hậu Phật”…
  2. Bia lập năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) ghi rõ: “Quan viên hương lão xã Mỹ Cụ, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn và mọi người trong xã do việc tô 5 tòa tượng Phật và 1 quả chương nên thiều tiền và đồng. Vì vậy bản xã hội họp các họ mong các vị tiền bối đóng góp của nhà tạo phúc quả”.
  3. Năm Gia Long 18 (1819) đúc chuông.
  4. Bia lập năm Tự Đức thứ 11 (1858) ghi rõ: “Tu sử thượng điện, thiên hương, tiền đường 5 gian, sửa sang tượng Phật 8 tòa”. Đây chính là tu sửa lớn nhất được ghi lại trên văn bia ở đây.
  5. Bia lập năm Thành Thái thứ 11 (1899) ghi: “chùa bản xã tịnh dụng 2 việc tạc tượng, sơn thếp tượng phật, lại tu sửa các đồ tế tự trong đình”.

        Nhưng từ cuối thời Nguyễn đến nay, do sự ngắc nghiệt của thời tiết, do ảnh hưởng của chiến tranh và dưới bàn tay vô thức lẫn hữu thức của con người, ngôi chùa đã bị tàn phá khá nhiều, Hiện nay chỉ còn lại một ngôi chùa chính với kiểu kiến trúc chữ đinh (T).

        Năm 2005 (?):  chùa được trùng tu, xây dựng nhà Tổ và nhà Tăng

        Năm 2013 – 2014: làm bờ kè lên chùa.

        IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH

        Theo văn bia và qua truyền thuyết của nhân dân địa phương thì chùa Mỹ Cụ được xây dựng từ thời Trần, đã qua nhiều lần trùng tu nhưng một thời gian dài không được sự quan tâm đúng mức và do chiến tranh, thiên tại nên di tích đã bị xuống cấp. Toàn bộ khu nhà thờ Tổ, Mẫu đã bị hủy hoại, khu chùa chình hiện nay về kiến trúc điêu khắc không còn được như xưa, chỉ còn hệ thống tượng pháp là còn giá trị. Bởi vậy, di tích được xếp vào loại hình: Di tích nghệ thuật.

        V. KHẢO TẢ DI TÍCH

  1. Kiến trúc

        Chùa Mỹ Cụ có tổng diện tích (cổng chùa, sân chùa và chùa chính) là 656m2. Chùa chính kiến trúc kiểu chữ đinh, diện tích 168m2. Phế tích nhà Tổ còn lại nền móng, diện tích 104m2 và 2 trụ cột hai bên. Nhà Tăng, nhà bếp, cổng tam quan không còn dấu vết gì để lại. Chùa chính hiện nay gồm có 7 gian bái đường và 3 gian hậu cung, tường xây gạch đỏ, móng chùa được xây bằng đá. Nền chùa cao hơn sân 1,1m, lòng nhà lát gạch đỏ, mái lợp ngói mũi sấu thời Lê và mũi hài thời Nguyễn. Hậu cung mới sửa lại lợp ngói ta. Chùa tọa lạc trên sườn núi Chè ở độ cao 20m. Núi Chè có hình con rùa (một trong tứ linh) và chùa được xây dựng trên đầu linh vật đó. Chùa quay về hướng Đông – Nam là hướng của trí tuệ, hướng của tâm linh, phía trước là cánh đồng lúa xanh tốt, xa xa là sông Quế trải dài mềm mại, sau nữa là dải núi đất cây cối xanh tươi tựa những con kỳ lân chầu về đất Phật. Ngày nay, tuy nhân dân đã làm nhà phía dưới chân chùa, nhưng trước chùa vẫn giữ được vẻ phong quang, thoáng đãng.

        Chùa chính hiện nay về mặt kiến trúc không nổi trội lắm so với nhiều ngôi chùa cổ khác, những vẫn có những nét kiến trúc cổ truyền cần lưu giữ. Vì kèo kết cấu kiểu chồng rường giá nghiêng, bộ vì được dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Trên đỉnh là một thượng lương (xà nóc), xà này chịu lực trên một đấu hình thuyền khắc chìm chữ thọ, đấu này tì lực trên một thớt ngắn hình chữ nhật. Thớt này gắn với một con rường có độ dài để đỡ 2 hàng xà giáp xà nóc. Dưới con rường là 2 thớt vuông có chạm vân mây. Dưới 2 thớt vuông là 2 con rường cụt, 2 bên chạm chữ thọ để đỡ 2 thớt ở trên và con rường đủ độ dài để đỡ 2 xà tiếp theo. Trên rường này có chạm trổ vân mây. Phía dưới là một câu đầu to, chắc, khỏe. Câu đầu ăn mộng vào cột cái. Từ cột cái đến cột quân là 1 xà nách, xà này ăn chân mộng vào cột cái rồi chạy ra tì lực trên đầu cột quân, qua một đấu vuống thót đáy lớn. Từ cột quân ra đến cột hiên tường làm một bẩy được chạm nổi hình vân mây. 2 hồi nhà bít đốc có hồi văn cánh bảng và có trụ trốn ở nóc. Bờ nóc đắp nổi 2 con ly chầu vào giữa. Chính giữa mái là bức hoành phi có đắp nổi chữ “Sùng Khánh tự”. Tường phía trước bên phải chùa có đắp nổi hình tượng hoa cúc mãn khai lật ngược. 2 gian bên phải, 2 gian bên trái xây kín tới tận mép hiên. 3 gian giữa thụt hơn vào 80 cm và có lắp cửa gỗ. Cột kèo đều bằng gỗ lim lớn. Cột cái có đường kính 30cm và cột quân có đường kính 25cm. Đá tảng kê chân cột hình vuông, mỗi chiều 50cm, gờ tròn kê chân cột đường kính 35cm. Hậu cung được nối liền với bái đường nhờ 2 cột phụ và kẻ xó.

  1. Đồ thờ tự

        a) Bái đường

        * Bên phải chùa: gồm có 1 ban thờ Mẫu, bên ban thờ đặt 1 bát hương sứ, 1 mâm bồng gỗ, 1 lọ lộc bình gỗ, 1 ống hương gỗ, 2 lọ hoa gỗ và 2 lọ lộc bình sứ. Sau cùng là một khám thờ đặt 3 pho tượng Mẫu và 1 pho tượng Cô, 1 pho tượng Cậu đứng chầu.

        – Gian tiếp theo (gian thứ 2): có 1 bệ thờ xây đặt 1 bát hương sứ, 1 mâm bồng gỗ, 2 lọ lộc bình sứ, 1 lọ hoa gỗ, 1 cây đèn nến gỗ và 1 tượng Quan Âm Địa Tạng bằng đất nung.

        – Gian thứ 3 (giáp hậu cung): trên ban thờ đặt 1 bát hương sứ, 2 lọ hoa sứ, 1 mâm bồng bằng gỗ, 2 đài gỗ, 1 lọ lộc bình và 3 pho tượng Tổ.

       * Bên trái chùa:

        – Nối tiếp với gian giữa: trên bệ xây xi măng nhị cấp đặt 1 bát hương sứ, 1 mâm bồng gỗ, 2 lọ hoa sứ, 1 lộc bình sứ, 1 tượng Thổ Địa nhỏ ở cấp 1. Trên cấp 2 đặt 1 bệ ngai đầu rồng, trong ngai đặt pho tượng Đức Ông và 2 đài gỗ.

        – Gian tiếp theo: đặt 1 pho tượng hộ pháp, cạnh tượng có bệ xây xi măng đặt 1 bát hương sứ, 1 ghế kiệu, trong đặt 1 mâm bồng gỗ, 2 đài gỗ, 2 lọ lộc bình sứ, 1 bài vị, hai bên đặt hai ngai bài vị, trước mỗi ngai đặt 1 bát hương, 2 lọ hoa sứ, 1 pho tượng bằng sành. Ở hạ ban có 1 mâm triện đặt 1 bát hương sứ, 1 tượng ngũ hổ và 1 mâm bồng gỗ.

        – Gian cuối cùng treo một khánh đồng, đúc năm Minh Mệnh thứ 6 (18…) và chuông đồng đúc năm Gia Long thập bát (1819).

        b) Hậu cung: Hậu cung được xây dựng 1 bệ thờ giật cấp (gồm 5 cấp):

        – Cấp 1: Đặt 1 bát hương sứ, 1 mâm bồng gỗ, 1 lọ hoa sứ, 2 lộc bình sứ, 2 cây đèn nến bằng gỗ, phía trong đặt một cụm tượng Thích Ca Sơ Sinh nhỏ và 2 pho bụt nhỏ.

        – Cấp 2: Ở giữa đặt tượng Quan Âm Chuẩn Đề (thiên thủ – thiên nhãn) ngồi trên tòa sen, 2 lọ lộc bình gỗ.

        – Cấp 3: Đặt 2 cây đèn nến, 1 tượng Thích Ca Mầu Ni, 2 bên là tượng Phạm Thiên và Đế Thích.

        – Cấp 4: Đặt 2 cây nến gỗ to, ở giữa đặt tượng Thích Ca Thuyết Pháp, 2 bên là 2 pho A Nan và Ca Diếp đứng trên đài sen.

        – Cấp 5: Là bệ cao nhất, 2 bên hơi nhích lên phía trước, là 2 pho A Nan và Ca Diếp đứng trên đài sen. Ở giữa hơi lui về phía sau là pho tượng lớn A Di Đà.

        Góc hậu cung bên phải là một ban thờ nhỏ, trên đặt 1 bát hương sứ, 2 lọ hoa sứ và tượng đức Thánh Tăng.

        VI. NHỮNG HIỆN VẬT TIÊU BIỂU CỦA DI TÍCH

        Chùa Mỹ Cụ có tổng số 126 hiện vật. Có 1 hiện vật thời Trần, 1 hiện vật thời Lê, 5 hiện vật thời Tây Sơn, 62 hiện vật thời Nguyễn. Đặc biệt chùa có một số pho tượng thời Tây Sơn và thời Nguyễn rất có giá trị về nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét dân gian và kỹ thuật chạm trổ thời đó.

  1. Tượng A Di Đà

        Tượng được làm vào thời Tây Sơn, cao 165cm, ngang vai rộng 120cm. Tượng làm bằng chất liệu đất nung, trong thế ngồi tọa thiền. Tóc xoáy ốc, khuôn mặt đôn hậu, má nở, mắt nhìn xuống như đang suy tư, sống mũi cao thẳng, miệng hơi mỉm cười, tai to dài. Tượng mặc áo cà sa với những nếp gấp rất đều, tạo ra các nàn sóng mỏng trải ra cân đối hai bên thân mình và hai bên cánh tay. Tượng được diễn tả theo thế ngồi xếp bằng 2 chân, hai bàn tay đặt giữa lòng đùi, bàn tay trái đặt lên giữa bàn tay phải, 2 đầu ngòn tay cái giao nhau. Ngực tượng để hở và rất nở nang, giữa ngực nổi rõ chữ vạn (  ) nhà Phật. Chữ vạn này là biểu tưởng có ngọn lửa “tam muội” có ý nghĩa cứu vớt chúng sinh ra khỏi vòng khổ ải. Phía dưới chữ vạn là bông cức mãn khai, ngực bụng để lộ áo trong, cơ thể mập, bụng lớn nổi hằn qua nếp áo. Sự béo tốt của tượng như chứa đựng việc cầu phồn thực. Toàn thân tượng đều sơn màu vàng kim. Trên phật điện tượng A Di Đà là lớn nhất, bởi Phật như một thế lực siêu linh, vượt lên trên để cứu vớt, nơi người ta nương tựa để lòng mình an tịnh. Bởi vậy, khi vào chùa bao giờ người ta cũng niệm câu “Nam Mô A Di Đà phật”.

  1. Tượng Thích Ca Mầu Ni (Thích Ca Giáo Chủ)

        Tượng Thích Ca Mầu Ni là pho tượng lớn thứ 2 ở chùa Mỹ Cụ. Tượng được tạc vào thời Tây Sơn, cao 120 cm, rộng 60cm, thể hiện Thích Ca Mầu Ni ngồi trên đài sen, chân dài để ngửa, đè lên đùi trái, tóc hình xoắn ốc, đầu nổi ngục kháo, khuôn mặt bầu bĩnh với má dưới nở hơn, mắt khép hờ nhìn xuống biểu hiện của việc soi rọi nội tâm, sống mũi thẳng, miệng mím nhẹ, tai dài và dày, cổ vừa phải, cân xứng, đeo dây anh lạc đè trên ngực. Dây anh lạc được kết  bởi hàng hạt nhỏ, hợp với các vân soắn. Tượng mặc áo pháp, hở vai bên phải, tay cầm hoa sen nên còn được gọi là “thế tôn niệm hoa”. Tượng tạc chắc chắn, cơ thể đầy đặn trong thế ngồi tự nhiên, bụng hơi phệ, ngực nở chảy sệ, áo nhiều nếp gấp mềm mại.

  1. Tượng Quan Âm Chuẩn Đề

        Tượng Quan Âm Chuẩn Đề cũng là pho tượng được tạc vào thời Tây Sơn. Tượng cao 90cm, rộng 70cm. Tượng có khuôn mặt trái xoan, hiền từ, đầy suy tư. Tượng ngồi bán kiết già theo lối hàng ma (lộ bàn chân phải), đầu đội mũ “thiên quan”, vành mũ dựng đứng, trên thành mũ trạm tượng Phật toả hào quang cùng hoa mây cách điệu. Tượng có 24 tay, trong đó có 2 tay chính, 2 tay này chắp trước ngực, mang hình thức búp sen trong thế ấn “liên hoa” để biểu hiện cho Lý và Trí cùng 1 thể 1 cội nguồn…22 tay khác đặt trong tư thế cao thấp khác nhau, được chắp vào ở 2 cạnh sườn phía sau. Các bàn tay đều trong thế ấn quyết, chưa cầm nghi vật. Độ mở của các cánh tay vừa đủ để đề cao mà không che khuất pho tượng. Cánh tay tròn lẳn với các ngón thon búp măng nhỏ dài, vẫn giữ được nét mềm mại uyển chuyển. Có thể nghĩ rằng các thế tay đều trong động tác múa sinh động, dài ngắn theo độ mở dần của các vòng tay, lấy đầu làm trung tâm, khiến chúng như mang thêm một chức năng kết hợp – vành hào quang. Thân tượng thon nhỏ, nếp áo được thể hiện hằn rõ một cách vững tay, vạt áo ít bong kênh và bụng nở hơn. Nhìn chung tượng được thể hiện một cách hiền hậu, khiêm tốn như đi lên từ con người bình thường nhiều sự cảm thông cứu độ.

        Ngoài các pho tượng trên, trong chùa hiện còn có 04 pho tượng, gồm 02 pho A Nan, Ca Diếp thời Tây Sơn và 2 A Nan, Ca Diếp thời Nguyễn.

  1. Hai pho Ca Diếp, A Nan thời Tây Sơn

        Cả 2 pho được tạc cao 125cm, rộng vai 32cm. Nét mặt của cả 2 pho gần giống nhau, mặt đẫy đà, má dưới nở hơn, môi thu lại, cằm nổi khối căng mọng đầy đặn. Cả hai đều khoác áo pháp đứng trên toà sen. Các nếp áo được nhấn mạnh, nét chảy mềm mại, cao thấp, rõ ràng để phân định lớp trong, lớp ngoài, gấu áo buông lửng, nhẹ bay loe ra trong hình thức lượn sóng. Riêng tượng Ca Diếp thì khuôn mặt có thêm vài nếp nhăn ở khoé miệng và trên trán, 2 tay khum vào trước ngực. Tượng A Nan được diễn tả nét mặt trẻ hơn, 2 tay chắp trước ngực. Nhìn chung cả 2 pho đều thể hiện sự thanh bình, no đủ, thể hiện rõ ước vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

  1. Hai pho Ca Diếp và A Nam thời Nguyễn

        Cả 2 pho đều được tạc cao 90cm, rộng vai 26cm. Cả 2 đều được tạc đứng trên đài sen, khuôn mặt gần giống nhau, sọ nở, má bầu bầu, tai dày, dài và to, mắt hé mở nhìn xuống trong thế soi rọi nội tâm, sống mũi thẳng, cổ to và ngắn, tỉ lệ giữa đầu và thân không cân đối, làm cho tượng có vẻ bị lùn đi. Cách trạm khắc giản đơn, hơi thô. Áo được chạm rõ thành 2 lớp, tay áo rộng, các nếp nhăn sô cao thấp chảy từ tay xuống dưới chân đều đặn. Tượng Ca Diếp được tạc ở thế tay gầy như vô uý ấn, còn A Nam thì 2 tay chắp trước ngực.

  1. Tượng Tổ

        Ở chùa Mỹ Cụ còn có 3 pho tượng Tổ (thời Nguyễn). Đây là những pho tượng có tính chất chân dung, là hình ảnh của các vị sư đã trụ trì trong chùa. Tượng to bằng người thực, nét mặt sống động, thể hiện tư thế các nhà sư đang ngồi tọa thiền. Đây là sự tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tượng được tạc rất sắc nét, màu sơn đẹp.

        7. Tượng thành hiền

        Có niên đại vào thời Nguyễn. Tượng cao 100cm, rộng ngang 45cm. Tượng được bày ở bên phải hậu cung chùa. Tượng được tạc ngồi trên ngai, đầu đội mũ, mình khoác áo cà sa, nét mặt hiền từ, tai to, mũi thăng dài, môi mỉm cười từ bi tiếp dẫn chúng sinh, 2 tay đặt trên đùi, áo được tạc thành nhiều nếp.

  1. Tượng Đức Ông

        Tượng được đặt trên ngai vàng, mình mặc áo khoác hoàng bào, đầu đội mũ quan, khuôn mặt đỏ, 2 mắt mở, mũi to, tai dài và dày, môi ngậm, râu để dài.

        Theo truyền thuyết thi Đức Ông chính là vị trưởng giả “cấp cô độc” giàu có và nhân từ. Ông đã có công lớn trong việc xây dựng những khu nhà cho Phật ở thời nguyên sơ.

  1. Tượng Thổ Địa

        Tượng nhỏ, cao 34cm, rộng ngang 15cm, được tạo theo tư thế ngồi trên ngai, 2 tay chống đùi. Thần Thổ Địa là vị thần giữ gìn cõi đất nơi có chùa. Các Chùa thờ Phật đồng thời lại thờ thần thổ địa cũng hàm ý thờ người chủ của khu vực nhà chùa. Ngài bảo vệ giữ gìn tài sản của nhà chùa, ai xâm phạm tài sản đó bị trừng phạt rất nghiêm khắc.

        10. Tượng Phạm Thiên, Đế Thích

        Cả 2 pho đều được tạc ngồi trên bục, đều cao bằng nhau: 87cm, rộng ngang 33cm, Có niên đại vào thời Nguyễn. Tượng Phạm Thiên và Đế Thích đều được tác giống nhau: ngồi trên ngai vàng, trong trang phục Hoàng Đế, mặc áo long bào mầu đỏ sẫm, đầu đội mũ bình thiên, mắt mở, miệng ngậm. rầu dài, chân buông thẳng và đi hài vân sảo.

        11. Tượng Thích Ca Sơ Sinh

        Tượng mới được tạc về sau, song cũng đã tuân thủ một sô yêu cầu của tượng thời trước là hình một cậu bé đứng, tượng được tạc một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đầu để trần, đóng khố. Theo truyền thuyết thì khi ra đời, đức Thích Ca liền đứng dậy, bước đi 7 bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất nói: “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới đất, duy nhất chỉ có mình ta).

        12. Ngoài các pho tượng Phật, ở đây còn có các pho tượng Mẫu

        Những tượng này thể hiện tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc; đó là các thần gắn liền với lực lượng tự nhiên, Tín ngưỡng này khởi nguyên từ ý thức tưởng nhớ tổ tiên, nó xuất phát từ lòng tôn kính, sự nhớ ơn và sự tin tưởng và cũng vì ảnh hưởng của đạo Lão Tử. Những câu chuyện thần linh về Mẫu có nội dung và mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc, còn nguyên vẹn giá trị với chúng ta hôm nay. Tục thờ Mẫu trong chùa được phát sinh từ thế kỷ 17 bởi lúc này xã hội phong kiến Việt Nam dần bước vào khủng hoảng trầm trọng. Nho, Phật, Lão không còn đủ niềm tin thiêng liêng như trước nữa, người Việt phải đi tìm niềm tin thiêng liêng thần thánh bản địa. Nguyên lý mẹ sinh, từ lâu đã ăn sâu trong tiềm thức, bởi thế khi yêu cầu bùng nổ thì Mẫu nhanh chóng cấy vào trong chùa. Tượng Mẫu ở chùa Mỹ Cụ chưa được hoàn chỉnh như các chùa khác, ở đây ngoài pho tương Mẫu Thiên được tạc vào thời Nguyễn, cao 60cm, rộng 30cm, mặc áo choàng màu đỏ, thêu hoa, đội mũ nữ chúa, mặt tròn, mắt mở, mũi thẳng dài, miệng mỉm cười là tương đối đẹp, còn 2 pho bên cạnh tạc vào thời sau này chưa thật hoàn hảo lắm.

        Những hiện vật khác ở di tích cũng rất có giá trị. Đó là: 1 đôi câu đối được làm vào thời Nguyễn, dài 225cm, rộng 25cm có nội dung là:

Kỷ Tải y quang mỹ ngu Trà Sơn phiêu ngọc bệ

Thiên thu trường Diễn Khánh liu Xuân Thủy tiếu Kim Lâu

Tạm dịch:

Ngàn năm ngoi ánh sáng, tiếng Trà Sơn lừng Ngọc Bệ (Thiên Đình)

Thiên thu trường Phúc Khánh đất Xuân Thủy vọng Kim Lâu (nơi Tiên ở)

        – 1 bệ tượng gỗ có hoa văn cánh sen từ thời Trần, nát chạm sắc sảo và rất đẹp.

        – Một chiêng đồng đề “Sùng Khánh Thiền tự”. Nội dung nói rõ mùa đông năm Minh Mệnh thứ 6 đúc chiêng. Trong chiêng ghi lại việc quan viên hương lão của xã cùng 1 vị ở chùa tên là An Huệ đúc chiêng để cho thập phương đạt được những điều tốt đẹp, làm cho di tích ngày càng rực rỡ hơn.

        Một chuông đồng đúc ngày 15/11 năm Gia Long 18 (1819). Chuông cao:…….cm, rộng 75cm. Nội dung chuông nói rõ nhà sư trụ trì ở chùa là Chiếu Kiên cùng bản xã đúc quả chuông lớn nhiều người đã hưng công tiền của nên ghi rõ tên họ ở chuông.

        Ngoài ra còn có 05 bia đá ở các thời: Lê, Tây Sơn, Nguyễn và 01 thống đá, 1 tháp sư.

        VII. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN, LỄ HỘI

        Bước vào đất chùa, người phật tử lòng thành kính cẩn, gạt bỏ mọi điều xấu xa, mà nhất tâm kính lễ hồi hướng về cõi Di Đà. Trước Phật Đà, người phật tử mượn khói đèn hương để gửi lời cầu khẩn từ trong tâm lên đấng vô cùng. Đồ  lễ thường là: hương, hoa, đăng, quả,, thực, song thông thường tâm thành thì chỉ cần bó nhang là đủ. Đa phần các phật tử chỉ đến chùa vào ngày tết, sóc, vọng và các ngày đản sinh của các Phật và Bồ Tát, ngày phát nguyện giỗ Tổ. Riêng chùa Mỹ Cụ, hàng năm còn có 01 kỳ hội gồm 03 ngày (từ ngày 10 – 12/1 âm lịch). Trong hội, ngoài việc thắp hương lễ Phật còn nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Vào ngày hội các cụ ông mặc áo dài, khăn sếp; các cụ bà và các vãi mặc áo dài nâu, đeo tràng hạt tập trung ở chùa để tụng kinh niệm Phật.

        Trước đây hội chùa diễn ra có nhiều hình thức tế lễ hơn, bởi có nhà sư trụ trì và điều kiện kinh tế còn khá. Ngày nay, do điều kiện kinh tế khó khăn, chùa lại không có sư trụ trì nên lễ hội cũng giản đơn hơn nhiều. Người phật tử đến với lễ hội bằng cả tấm lóng chân thành. Người ta sẽ gạt bỏ mọi sự tính toán lo toan hằng ngày nhất tâm hướng về cõi Phật, sẵn sáng đóng góp công, của để cầu mong đất Phật ngày một khang trang đẹp đẽ. Lễ hội chùa là một nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hóa làng xã, bởi chùa là nơi gửi gắm niềm tin cả về một phần lẽ sống và sự chết, lẽ sống đó là “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, là “cha mẹ hiền lành để phúc cho con”, là con người sống làm điều nhân nghĩa thì chết sẽ được về nơi đất Phật. Bởi vậy, duy trì lễ hội ở chùa là một việc đáng làm và cần có sự quan tâm.

        VIII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC NGHỆ THUẬT, VĂN HÓA

        Đông Triều là mảnh đất có bề dày lịch sử và ở đó ẩn tích nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Song do thời gian và chiến tranh, do sự vô thức của một số người nên các di tích lịch sử văn hóa ở đây đã bị phá hủy khá nhiều. Thật may mắn là chùa Mỹ Cụ tuy có bị hư hỏng vẫn giữ được ngôi chùa chính và hiện vật trong di tích cũng còn lưu giữ được khá nhiều. Ở đây, các pho tượng gỗ có niên đại từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn vẫn được lưu giữ khá tốt. Dù là một ngôi chùa làng nhưng hệ thống tượng pháp ở đây cũng được tạc rất tỉ mỉ và khéo léo. Những pho tượng trầm mặc trong việc soi rọi nội tâm, lành hiền và êm ả đã thể hiện tính chất cố hữu sinh ra từ Phật giáo cộng với tâm thức nông nghiệp của dân tộc ta. Mỗi pho một hình dáng khác nhau, thể hiện nội tâm khác nhau. Các nét chạm trổ mềm mại nhưng khỏe khoắn và dứt khoát, cộng với màu sắc, hoa văn trang trí trên từng pho tượng thể hiện qua các thời kỳ đều mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, gắn liền với sự phát triển văn hóa trong từng thời kỳ lịch sử. Từ việc chạm áo cà sa có nhiều lớp chảy, gấu áo hơi vênh, ngực bụng để lộ áo trong đến việc tạc thân tượng mập mạp béo tốt đều thể hiện được việc phồn thực của cư dân ta. Bên cạnh đó, chùa Mỹ Cụ còn có những mảng chạm ở các vì kèo, đầu dư, kẻ, bẩy,… thể hiện sự khéo léo và cầu kỳ của những người thợ có tâm tạo dựng và trùng tu chốn Phật đài. Tất cả sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, con người và cái tâm của thế hệ trước đã từng sống ở mảnh đất này. Với những giá trị đó, chúng ta cần bảo tồn, tôn tạo và lưu giữ thật tốt để di tích sẽ  “sống” mãi với thời gian.

        IX. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN DI TÍCH

        Chùa Mỹ Cụ là di tích có lịch sử khá lâu đời và trước đây luôn được quan tâm tôn tạo, những rồi chiến tranh đã làm cho di tích bị phá hủy khá nhiều, khuôn viên của chùa không còn được như xưa, vườn chùa bị thu hẹp, một số công trình như: tam quan, nhà mẫu, nhà tăng đã bị phá hoàn toàn, nhà Tổ chỉ còn lại nền móng. Mái bái đường chùa chính còn giữ được toàn bộ ngói mũi sấu thời Lê và mũi hài thời Nguyễn, cấu trúc vì kèo và điều khắc còn giữ được khá nguyên trạng. Tuy vậy, phần mái hiện nay cũng đã bị dột và toàn bộ mái hậu cung đã thay bằng ngói ta (ngói máy). Trong chùa các pho tượng gỗ và một số bệ gỗ đã có dấu hiệu bị mọt. Chính quyền và nhân dân ở đây cũng đã có ý thức bảo quản những chưa có một Ban quản lý đủ sức để bảo tồn, tôn tạo di tích như mong muốn.

        X. CÁC PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, SỬ DỤNG DI TÍCH

        Di tích chùa Mỹ Cụ là một ngôi chùa làng còn lưu giữ được khá nhiều pho tượng, bệ tượng, các bia đá và các di vật cổ. Bởi vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn dân. Để di tích có cơ sở pháp lý bảo vệ, đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xét duyệt và đưa vào danh mục các di tích được xếp hàng cấp quốc gia.

       UBND xã Hưng Đạo đã thành lập Ban bảo vệ di tích để thường xuyên quản lý và có trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị vốn có của di tích, bảo quản tốt các di vật cổ.

        Ban bảo vệ di tích vận động nhân dân đóng góp chống xuống cấp bước đầu cho di tích: thay lại toàn bộ xà đã bị mọt, lợp lại ngói.

        Sở Văn hóa Thông tin phối hợp với UBND huyện Đông Triều có trách nhiệm lập đề án quy hoạch tu bổ di tích chùa chính và phục hồi lại tam quan và nhà thờ tổ, có biện pháp bảo quản các pho tượng cổ hiện đang có dấu hiệu bị mọt./.

        XI. NHỮNG TƯ LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Nam nhất thống chí – Tập III.QXVIII tỉnh Hải Dương.
  2. Chùa Việt – Trần Lâm Biền – NXB VHTT Hà Nội 1996.
  3. Văn hóa tâm linh – Nguyễn Đăng Duy – NXB Hà Nội.
  4. Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm – NXB GD 1997.
  5. Bản dịch văn bia do ông Hoàng Giáp – Viện nghiên cứu Hán nôm dịch.
  6. Lời kể của cụ Nguyễn Văn Thăng, thôn Vân Quế, xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
  7. Lời kể của đồng chí Lê Văn Tỵ – Bí thư Đảng ủy Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

———-

Tam quan chùa Mỹ Cụ (TX. Đông Triều, Quảng Ninh)

Chùa Mỹ Cụ (Thôn Mỹ Cụ, xã Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Toàn cảnh chùa Mỹ Cụ nhìn từ trên cao

Gọi ngay
challenges-icon