Lý lịch đền An Biên – Di tích Lịch sử cấp Quốc gia
(thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
———-
- Tên gọi di tích:
a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích: Đền An Biên.
Đền tọa lạc trên sườn núi Vàn thuộc làng Vẻn, thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đền được xây dựng để thờ nữ tướng Lê Chân – một danh tướng có tài trong thời kì Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc trên quê gốc của bà. Sau khi bà qua đời, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi bà đã sinh ra và lớn lên để tưởng nhớ một người con quê hương đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta đầu công nguyên và thể hiện lòng tôn kính, nhớ ơn của các thế hệ sau này với người có công với nước. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống dân tộc trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
b) Các tên gọi khác của di tích:
Tên thường gọi: Đền Nữ tướng Lê Chân. Đền được xây dựng để thờ và tri ân công đức của Thánh Chân công chúa.
- Địa điểm và đường đi đến di tích:
a) Địa điểm di tích:
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) tọa lạc trên sườn núi Vàn thuộc làng Vẻn, thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đầu công nguyên, làng Vẻn ở trang An Biên thuộc huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Thời tiền Lý thuộc huyện Khúc Dương, quận Ninh Hải, nước Vạn Xuân. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê thuộc huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Thời Lý thuộc Lộ Hải Dương, nước Đại Việt. Thời kỳ loạn 12 sứ quân (966 – 968) thuộc đất Yên Sinh. Thời Trần thuộc vùng đất An Sinh, phủ Tân Hưng, Lộ Hải Đông, nước Đại Việt. Đời Trần Dụ Tông đổi tên vùng đất Yên Sinh thành vùng đất Đông Triều, thuộc châu Đông Triều, phủ Tân Hưng, Trấn Hải Đông. Thời Lê là huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nước Đại Việt. Thời Nguyễn là huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nước Việt Nam. Ngày nay, trang An Biên cổ được đổi thành thôn An Biên, thuộc xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2015 là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
b) Đường đến di tích:
Từ trung tâm Thành phố Hạ Long, thủ phủ tỉnh Quảng Ninh, đi ô tô hoặc xe máy theo quốc lộ 18A về phía Hà Nội, qua phường Đông Triều, qua cầu Đạm Thủy, đến ngã ba Quán Cát khoảng 72km. Từ ngã ba Quán Cát có biển chỉ dẫn rẽ phía bên trái vào xã Thủy An, từ lối rẽ này đi thêm 3 km là đến di tích.
- Phân loại di tích:
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là nơi tưởng nhớ một danh tướng có tài trong thời kì Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Với niềm tin tâm linh của người Việt “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (người tài giỏi mất đi, tinh thần ấy trở thành thần thánh) nên nhân dân luôn coi các vị anh hùng dân tộc là các vị thần cứu tinh, giúp dân ta chiến thắng thiên tai địch họa để tạo ra một niềm tin vĩnh hằng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn tới tương lai. Đền thờ bà Lê Chân được xây dựng ở quê gốc của bà để tri ân người có công với dân, với nước và để đời đời con cháu noi theo tấm gương anh dũng bất khuất của thế hệ đi trước. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là nơi thể hiện niềm tự hào của nhân dân Đông Triều về truyền thống chống giặc ngoại xâm ngay từ buổi đầu của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo quy định tại điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010, đền An Biên thuộc loại Di tích lịch sử.
- Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:
Năm Tân Mùi (110 TCN) nước Việt ta đã bị nhà Hán xâm lược, nhà Hán chia nước ta thành 7 quận để thống trị, cho Thạch Đái là thái thú. (Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận đều thuộc về Giao Châu, Đái là châu Thái Thú. Thời Tây Hán, trị sở của Thái Thú đặt ở Long Uyên (tức Long Biên). Thời Đông Hán đặt ở Mê Linh (tức là Yên Lãng). Đến khi Đái chết, Hán Chiêu Đế lấy Chu Chương thay. Đến cuối thời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặt bờ cõi để tự giữ và thực hiện việc cống nạp cho nhà Hán để cầu sự yên dân. Năm Kỷ Hợi (39), Thái Thú Giao chỉ là Tô Định vô cùng tham lam tàn bạo ra sức vơ vét của cải và gây nhiều đau thương tang tóc cho nhân dân. Trước sự bạo ngược của Tô Định, nhân dân ta vô cùng căn hận, một trong những người con ưu tú của đất nước là Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách đứng lên dấy binh khởi nghĩa.
Trưng Trắc thuộc dòng dõi họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, là vợ của Thi Sách huyện Chu Diên (Thi Sách cũng là con lạc tướng). Trưng Trắc là người mưu lược dũng cảm; Thi Sách là người yêu nước có khí chí quật cường, họ đã cùng nhau mưu việc lớn. Khi Tô Định thực hiện chính sách cai trị vô cùng tàn bạo đối với nhân dân ta, Thi Sách đã cùng vợ kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng cùng nhau chống lại sự tàn bạo của quân thù. Trước sự lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa, bọn quan quân của Tô Định vô cùng hoảng sợ, chúng tìm cách bắt và giết chết Thi Sách hòng bóp chết mưu đồ khởi nghĩa của hai người. Nhưng việc làm tàn bạo đó của Thái Thú càng làm cho nhân dân ta căm phẫn và Trưng Trắc càng quyết tâm nổi dậy khởi nghĩa. Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa ở vùng Hát Môn, nhân dân và hào kiệt khắp nơi kéo về đây tham gia vào đội quân của hai bà. Hai bà đã xây dựng căn cứ ở Phong Châu quyết tâm đánh giặc. Nhân dân các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Hợp Phố, Nam Hải đều hưởng ứng, hàng chục nữ tướng khắp nơi nhất tề ứng nghĩa trong đó có đội quân của nữ tướng Lê Chân.
Lê Chân sinh ngày 08 tháng 02 năm 18 tại làng Vẻn, trang An Biên, thuộc huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (Nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo làm nghề dạy học, mẹ là Trần Thị Châu làm ruộng. Cả hai ông bà đều là người giàu lòng nhân ái, khẳng khái và chính trực. Khi đã luống tuổi hai ông bà mới sinh được một người con gái đặt tên là Lê Chân. Lê Chân đã luôn được cha răn dạy lớn lên hãy làm việc nghĩa cho dân, cho nước. Vâng lời cha, Lê Chân vừa chăm lo học chữ vừa luyện tập cung đao. Hai mươi tuổi, tài võ nghệ và nhan sắc của Lê Chân đã nổi danh khắp vùng.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị phong kiến phương Bắc xâm chiếm và đô hộ, cuộc sống của nhân dân lầm than cơ cực. Lê Chân vô cùng căm thù quân giặc. Khi trưởng thành Lê Chân bị Tô Định ép lấy là tỳ thiếp, nhưng cha mẹ Lê Chân không đồng ý. Tô Định tức tối đã tìm cách giết hại cha mẹ bà. Thù nhà nợ nước đã giúp người con gái hiền thục của quê hương An Biên, Đông Triều quyết tâm ra đi tìm cách trả nợ nước, trả thù nhà. Nợ nước thù nhà đè nặng hai vai, Lê Chân từ biệt quê hương ra đi tìm nơi náu mình và thực hiện chí lớn. Bà xuôi thuyền đi về phía biển đến vùng đất An Dương (Hải Phòng ngày nay), thấy đất đai màu mỡ, sông ngòi chằng chịt, lau sậy um tùm, địa thế hiểm trở rất thuận tiện cho việc làm ăn và lập căn cứ chống giặc. Bà liền cho người về quê cũ đón gia quyến và những người thân đến đây xây dựng trang ấp mới. Nhớ quê cũ bà đặt tên cho trang ấp mới là An Biên. Theo truyền thuyết kể lại, sau ba năm khai hoang lấn biển, bà đã lập được ngôi làng mới. Trong 10 năm bà ra sức tích lũy lương thực, luyện tập nghĩa binh, liên kết, thu nạp hào kiệt trong vùng, chờ thời cơ trả thù nhà, nợ nước.
Tại quê hương mới, bà đã khéo liên kết với các hào kiệt quanh vùng để tranh thủ lực lượng đồng minh, đó là anh em Lệnh Bá, Chính Trọng ở Quỳnh Cư (Hải An); ba anh em họ Trương gồm: Trương Lại, Trương Tế, Trương Độ ở Thiểm Khê (Thủy Nguyên); ba anh em họ Tạ gồm Tạ Huy Thân, Tạ Ả Ráng, Tạ Đam Dung (Trình Xuyên); Đào Quang (Cự Đôi, Tiên Lãng); Phạm Đầm (Lễ Hợp, Tâm Đa, Vĩnh Bảo). Được các nhà hào kiệt hết lòng ủng hộ, Lê Chân đã chỉ huy quân sĩ thường xuyên luyện tập cách hành quân sao cho gọn nhẹ, đánh địch bất ngờ và táo bạo. Bà là vị tướng có sở trường đánh thủy binh vì phần lớn quân sĩ của bà là trai tráng vùng ven biển Đông Bắc rất thạo việc sông nước.
Là nữ nhi hiền thục nhưng trước sự bạo ngược của quân thù, bà đã sớm tìm cho mình một con đường đúng đắn để giúp dân cứu nước. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa Bà đã trực tiếp lên xứ Đoài tìm gặp hai nữ anh hùng và đưa đội quân của mình đi theo hai bà. Đội quân do bà Lê Chân triệu tập đã nhanh chóng trở thành cánh quân chủ lực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lập căn cứ bên sông Cửa Cấm để đánh giặc. Được Hai Bà Trưng tin cậy, nữ tướng Lê Chân đã luyện tập cho quân sĩ của mình trở thành đội quân hùng mạnh nhất tham gia đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Từ Hải Phòng, Lê Chân chỉ huy nghĩa quân vùng ven biển đánh lên phía Bắc và tụ nghĩa cùng đội quân của Hai Bà Trưng đánh giặc. Một trong những trận đánh tiêu biểu do Lê Chân lãnh đạo là trận đánh trên đất Kinh Bắc (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Trận đánh diễn ra bất ngờ làm quân địch không kịp trở tay, xác giặc ngổn ngang. Trước sức mạnh của nghĩa quân, bọn quan quân đô hộ hốt hoảng chạy như ong vỡ tổ. Thái thú Tô Định vứt cả ấn tín, cạo râu giả dạng thường dân chạy trốn về nước. 65 thành trì được giải phóng vào ngày 15 tháng Tám (Âm lịch) năm 40, đất nước được độc lập.
Sau chiến thắng, Bà Trưng Trắc được trăm họ suy tôn làm vua, xưng hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh (vùng đất Ba Vì, Tam Đảo nay thuộc địa phận Phú Thọ, Vĩnh Phúc). Em gái Trưng Nhị được tấn phong là “Bình khôi công chúa”. Nữ tướng Lê Chân được tấn phong là “Thánh Chân công chúa” đứng sau vị trí của Trưng Nhị và đảm nhận trọng trách “Trưởng quản binh quyền”, thống lĩnh toàn bộ quân đội kiên trấn thủ vùng Hải Tần (tức vùng ven biển).
Trấn thủ miền Đông Bắc với trọng trách được giao, lại là người có uy tín và thành thạo địa hình, thông hiểu tập quán của dân chài vùng biển. Nữ tướng Lê Chân đã dốc sức tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt thuyền bè ra vào. Một mặt bà chăm lo củng cố biên ải, mặt khác lo tổ chức xây dựng lực lượng, tuyển thêm dân binh, mở lò tập võ, mở sới luyện vật để luyện tập quân sĩ tại vùng Mai Động, chăm lo đời sống nhân dân, khuyến khích nghề nông. Bà luôn lấy đức để an dân, cố kết được mối đoàn kết trong dân nên được nhân dân yêu mến kính trọng. Nhân dân hăng hái lao động sản xuất, đất nước no ấm thanh bình, giữ vững được nền tự chủ vừa giành được. Nhưng cuộc sống êm đềm đó chỉ được ba năm thì quân thù lại kéo đến với lực lượng hùng hậu nhằm chiếm lại nước ta, hòng rửa nhục cho sự thua đau trước đó.
Mùa xuân năm 42, giặc đưa hai vạn quân, hai ngàn thuyền chiến tiến vào nước ta bằng hai đường thủy bộ do Mã Viện – một tên tướng giỏi nhất thời Đông Hán cầm đầu. Được tin, Trưng Nữ Vương cùng các tướng sĩ đưa quân xuống Lãng Bạc (nay là Tiên Sơn, Bắc Ninh) đón đánh giặc. Nữ tướng Lê Chân cùng binh sĩ và nhân dân vùng An Dương dốc sức lấp suối ngăn sông chặn đánh thủy binh giặc. Lực lượng tuy ít nhưng tinh thần chiến đấu của quân ta vô cùng dũng cảm, sau nhiều trận chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng thế giặc quá mạnh nên quân của Trưng Nữ Vương không giữ được Lãng Bạc nên phải lui về Cẩm Khê. Song do ý chí của quân sĩ giảm sút vì nghĩ rằng vua là đàn bà lại thấy quân giặc quá mạnh, sợ không đánh nổi bèn tan chạy. Hai bà thế cô đành phải nhảy xuống sông Đáy tự vẫn. Nước ta lại thuộc vào nhà Hán.
Riêng nữ tướng Lê Chân vô cùng đau xót và uất hận, bà đã đưa một đạo quân quyết phá vòng vây của giặc, chạy về lập căn cứ cố thủ ở vùng núi Lạt Sơn (nay là huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Định) để tìm cách kháng chiến lâu dài. Tại đây, bà đã cho quân sĩ tăng gia sản xuất, tích cực luyện tập võ nghệ để chờ thời cơ tấn công giặc. Mã Viện biết bà là một nữ tướng thao lược, được lòng dân nếu để lâu sẽ không có lợi nên đã huy động toàn bộ lực lượng bao vây tiến đánh Lạt Sơn. Dưới sự chỉ huy của bà, quân sĩ chiến đấu rất quyết liệt nhưng lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệnh, không thể kéo dài được lâu, bà đành phải cho quân sĩ luồn rừng thoát hiểm về quê làm ăn chờ ngày nổi dậy. Còn lại một mình bà đã tả xung hữu đột chiến đấu vô cùng dũng cảm với quân giặc. Nhưng trong cuộc chiến không cân sức này, một mình bà không thể vần xoay thế cuộc. Khi vòng vây của địch ngày càng khép chặt, bà đã gieo mình xuống chân núi tuẫn tiết, hy sinh anh dũng vào ngày 25 tháng 12 (âm lịch).
Bà mất đi nhưng ý chí và nghị lực của bà còn sống mãi trong lòng dân tộc. Để tưởng nhớ công đức và với lòng tiếc thương vô hạn người nữ tướng tài ba, nhân dân vùng Lạt Sơn đã an táng và lập đền thờ ở nơi bà hy sinh. Đồng thời ở làng An Biên, nơi bà chiêu tập nhân dân lập ấp (nay thuộc thành phố Hải Phòng) và trang An Biên (quê hương bà, nay thuộc thị xã Đông Triều) đã lập đền thờ để tưởng nhớ và phong bà làm thần. Với niềm tin tâm linh của người Việt “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (người tài giỏi mất đi, tinh thần ấy trở thành thần thánh) nên nhân dân luôn coi các vị anh hùng dân tộc là các vị thần cứu tinh, giúp dân ta chiến thắng thiên tai địch họa để tạo ra một niềm tin vĩnh hằng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn tới tương lai. Việc xây dựng đền thờ bà Lê Chân là việc làm ý nghĩa để ghi nhớ những người có công với dân với nước và để đời đời con cháu noi theo tấm gương anh dũng bất khuất của thế hệ đi trước.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng in đậm dấu son trong sử sách, trong ký ức dân gian qua nhiều thế hệ. Các nữ tướng, nam thần của cuộc khở nghĩa đều có đền thờ, được nhân dân đời đời khói hương tưởng kính. Nữ tướng, Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền Lê Chân được nhiều địa phương thờ phụng. Đó là: Đền An Biên (xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quê hương nữ tướng; đền Nghè (An Biên cổ miếu), đình An Biên (phường An Biên), đình Vẻn ngoài (phường Trại Cau) quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là nơi Bà khai hoang, lập nên trang ấp, xây dựng lực lượng và chặn đánh cuộc xâm lược của Mã Viện.
Triều đại Hai Bà Trưng và các tướng sĩ tuy chỉ có ba năm ngắn ngủi nhưng ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dũng cảm quật cường của Hai Bà Trưng và các tướng sĩ như nữ tướng Lê Chân còn lưu mãi đến ngày nay.
- Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến di tích:
Di tích Đền An Biên, Đông Triều được xây dựng để thờ nữ tướng Lê Chân, bởi vậy các ngày lễ của đền đều gắn liền với ngày sinh, ngày mất và ngày chiến thắng của bà. Mỗi năm di tích có ba ngày lễ lớn: ngày mùng 8 tháng 2 (âm lịch) – ngày sinh của bà, ngày 25 tháng 12 (âm lịch) – ngày mất của bà, ngày 15 tháng 8 (âm lịch) – ngày thắng trận. Ngày xưa, lễ hội được tổ chức công phu, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận phá giặc của thần và của quân dân ta. Quan trọng nhất trong lễ hội là lễ tế thần, đây là cuộc diễu lễ, dâng lễ vật, đọc chúc văn tỏ ý kính trọng biết ơn thần, cầu xin thần ban tốt lành mới. Tế thần là sự giao cảm giữa người và thần, là hoạt động thiêng liêng nhất mở đầu lễ hội.
Nhưng một thời gian dài do điều kiện kinh tế khó khăn và chiến tranh tàn phá, đền bị hư hỏng nên lễ hội Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) không được duy trì. Ngày nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương nên hàng năm vào những ngày này, UBND xã Thủy An, thị xã Đông Triều đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm. Riêng ngày 8 tháng 2, ngoài phần lễ được tổ chức rất trang nghiêm còn có phần hội với nhiều hoạt động vui chơi bổ ích và lý thú, đặc biệt còn có các hình thức múa võ và đánh vật… thể hiện được các hình thức tập luyện quân sĩ của bà Lê Chân.
Vào ngày lễ hội nhân dân trong vùng và khách thập phương về đây dâng hương tưởng niệm người nữ anh hùng đã góp phần dựng nên truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam và cũng là một người con kiên trung của quê hương Đông Triều – Quảng Ninh. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) còn là nơi Ủy ban nhân dân xã Thủy An thường xuyên tổ chức các ngày lễ báo công và phát động thi đua trong nhân dân toàn xã. Ngôi đền đã thực sự trở thành địa điểm giáo dục truyền thống quý báu của địa phương.
Lễ hội Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) được tổ chức hàng năm đã thực sự tạo ra một không gian văn hóa lành mạnh có tính giáo dục cao, là dịp gắn bó cộng đồng tạo nên sự đoàn kết thống nhất các thành viên trong xã hội và đặc biệt là tỏ rõ được lòng biết ơn của các thế hệ cháu con đối với người có công với đất nước.
6. Khảo tả di tích:
a) Giới thiệu khái quát về di tích:
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) nằm trong khuôn viên rộng 5000m2. Bên trái đền có dòng suối nhỏ trong vắt chảy quanh năm. Đền tựa lưng vào sườn núi Vàn, địa thế núi hình rồng, phía trước cách đền 500m là dòng sông Đạm Thủy uốn lượn mềm mại, xa hơn còn có hòn núi Cậy làm án, bên phải và bên trái đều có núi chầu về. Địa thế xây dựng đền quả là nơi đắc địa, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm trước có án. Đền quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm ba gian bái đường và một gian hậu cung. Diện tích đền 85m2. Nền đền lát gạch, sân đền lát đá ráp. Phía trước hiên đắp hình cửa võng tạo hoa văn dây leo, trên bên bờ hiên đắp hình cuốn thư đắp nổi đại tự “Tướng Nữ Triều Trưng” hai bên có hai con chim phượng chầu về.
Cổng đền xây kiểu tam quan có dòng chữ đắp nổi “Thiên nam vạn cổ hà sơn tại”, bên trong và bên ngoài đắp chữ “Đền An Biên”. Bốn trụ giữa của cổng tam quan đắp hình ngọn lửa, bốn trụ ngoài đắp hình chim hạc.
Lịch sử có lúc thăng trầm, có lúc suy thịnh, lúc thời bình, khi chiến tranh loạn lạc nên ngôi đền cũng có lúc khang trang và cũng có lúc bị tàn phá. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) cũng không tránh khỏi sự tàn phá của giặc, toàn bộ phần bái đường bị đập phá, chỉ còn lại phần hậu cung. Năm 1993 với sự biết ơn các vị anh hùng dân tộc, Ủy ban nhân dân xã Thủy An cùng nhân dân trong vùng công đức tôn tạo lại ngôi đền và năm 2002 xây dựng thêm tượng đài nữ tướng Lê Chân trong khuôn viên của Đền. Tượng đài nữ tướng Lê Chân trong tư thế của một võ tướng, tượng cao 2,3m với thế đứng uy nghi, đường bệ, một tay chống trên vỏ kiếm, một tay đang cầm kiếm vung về phía trước. Vừa thể hiện được nét dịu dàng mềm mại của người phụ nữ Việt Nam nhưng cũng thể hiện được sự dũng mãnh oai phong của một vị tướng khi xung trận. Cạnh tượng đài còn có nhà bia, ghi tên những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
b) Giới thiệu cụ thể về di tích:
Hiên đền được bố trí hai pho tượng vệ nữ trong tư thế đứng ở hai bên, tượng được làm bằng chất liệu bền vững, một pho tay cầm đao chống xuống đất, một pho đeo kiếm, cả hai pho đều có thắt lưng buông xuôi, vai choàng khăn. Tượng có chiều cao 1m.
* Bái đường: Trong đền, ở cả ba gian bái đường đều có ban thờ.
– Gian giữa: Trên xà (cả xà ngoài và xà trong) đều treo đại tự. Cả hai bức đại tự có chiều dài 3m, cao 0,90m. Nội dung “Danh thơm muôn thuở”; và “nữ tướng quốc Lê Chân”.
Bên dưới đặt một hương án chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, chạm thủng hoa văn dây leo hình rồng và chim phượng, dài 2,2m, rộng 1,5m, cao 1,2m. Trên ban đặt một bát hương sứ cao 34cm, đường kính 44cm. Một bộ tam sự bằng đồng gồm một đỉnh đồng cao 52cm, dài 22cm, rộng 17cm; hai cây nến đồng cao 42cm, đường kính (tang) là 24cm. Hai lọ lộc bình sứ cao 33cm, đường kính 14cm. Năm chén đựng nước bằng sứ loại lớn (chén tống). Phía sau hương án là hai khám kính dài, khám kính phía trước đặt năm pho tượng (ngũ vị tôn ông), chất liệu gỗ; Khám kính phía sau cao hơn, đặt ba pho tượng Mẫu (Tam tòa Thánh mẫu). Tượng cao 60cm, rộng gối 28cm. Nhìn chung các pho tượng đều được tạc sắc nét, khuôn mặt gọn, thanh thoát hiền từ.
– Gian thờ bên trái: Trên bệ thờ đặt một bát hương sứ, cao 14 cm, đường kính 18cm; hai mâm bồng gỗ cao 18 cm, đường kính 33cm; hai lọ hoa sứ cao 29 cm, đường kính 10cm; một bộ tam sự nhỏ, chất liệu bằng đồng. Phía sau đặt một khám kính, trong khám đặt một pho tượng, phong cách của tượng Trần Hưng Đạo.
– Gian thờ bên phải: Trên bệ thờ đặt một bát hương sứ, cao 16 cm, đường kính 16cm; hai mâm bồng gỗ cao 18 cm, đường kính 33cm; hai lọ hoa sứ cao 29 cm, đường kính 10cm; một bộ tam sự nhỏ, chất liệu bằng đồng. Phía sau đặt một khám kính, trong khám đặt một pho tượng mẫu, tạc bằng gỗ, cao 44cm, rộng gối 8cm. Hai bên khám đạt tượng mẫu có hai khám nhỏ đặt bốn pho tượng, hai pho tượng cậu và hai pho tượng cô trong tư thế đứng hầu mẫu, tất cả đều có chiều cao 50cm, rộng vai 8cm. Dưới Hạ ban là nơi thờ ngũ hổ, có tượng hổ một bát hương sứ.
Trên tất cả các cột ở gian giữa bái đường đều treo các đôi câu đối:
Câu đối 1:
Nam Giao đế giáng thần tiên nữ.
Bắc Hán tâm hàn quắc thước ông.
Câu đối 2:
Đất Đông Triều sinh Lê nữ tướng trừ giặc phương Bắc.
Nước An Biên dưỡng đức Thánh Chân tỏa sáng trời Nam.
Câu đối 3:
Tâm sáng kiên trung Thánh Chân rạng rỡ tổ vua Hùng.
Lược thao trọn vẹn nữ tướng lừng danh hồn dân Việt.
Câu đối 4:
Kim cổ vô song danh nữ tướng.
Thế gian duy nhất chí anh hùng.
Tất cả các câu đối đều được sơn son, thếp vàng, chạm nổi hình rồng mây. Các câu đối đều có chiều cao 2,7m; rộng 0,38m.
* Hậu cung:
Hậu cung được thiết kế cao hơn nền bái đường 50cm. giữa hậu cung đặt một sập gỗ cỡ lớn, cao 0,50m; dài 1,25m; rộng 1,10m. Trên sập đặt một bát hương đồng có niên đại vào thời Nguyễn cao 29cm, đường kính 25cm; hai mâm bồng sứ cao 12cm, đường kính 23cm và một lộc bình sứ cao 42cm, đường kính miệng 17cm.
Tiếp theo là một bệ thờ xây bằng chất liệu bền vững. Trên bệ đặt một bộ tam sự bằng đồng, hai lọ lộc bình sứ cao 42cm, đường kính 17cm. Phía sau là một khám thờ chạm trổ công phu hình rồng mây, hoa lá, rồng chầu mặt trời …Trong khám thờ đặt tượng nữ tướng Lê Chân, tượng có chiều cao 95cm, rộng gối 30cm. Tượng được tạc rất tỷ mỉ, công phu, nữ tướng có khuôn mặt trái xoan, dáng vẻ cương nghị tỏ rõ sức mạnh phi thường, các đường nét mềm mại, cân xứng rất nữ tính.
- Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:
- Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:
* Giá trị lịch sử:
Là một đất nước luôn phải chống thiên tai địch họa để tồn tại nên người Việt sớm có truyền thống biết ơn các anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ phụng một nữ anh hùng dân tộc đã cùng hai bà Trưng thắp sáng ngọn đèn giải phóng dân tộc cho các thế hệ con cháu nước Việt. Bà Lê Chân cũng như những vị tướng ở thời hai bà Trưng đều là những người đầu tiên xây dựng nên truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta. Các bà đã khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước, mỗi khi đất nước lâm nguy phụ nữ cũng là những vị tướng tài ba cầm quân đánh giặc, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc, bảo vệ tự do cho đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để ngăn chặn sự lan truyền của tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, thực dân Pháp đã phá hủy ngôi đền. Tuy chỉ còn lại các dấu tích kiến trúc và một số di vật cổ nhưng đền vẫn luôn có người tới hương khói, quyết không để nơi thờ người nữ anh hùng của dân tộc khói lạnh hương tàn. Sau khi đất nước hòa bình, nhân dân trong vùng đã đầu tư tôn tạo để ngôi đền luôn sống mãi với thời gian, cũng như tinh thần của nữ tướng lê Chân luôn sống mãi trong lòng dân tộc. Như lời giới thiệu của sách Đại việt sử ký toàn thư đã viết “Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn, coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và vinh quang của cha ông, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua. Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hóa, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua” [1].
* Giá trị giáo dục:
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm và chống thiên tai, con người Việt Nam có truyền thống yêu nước bởi vậy, tín ngưỡng của người Việt Nam cũng thấm đượm tinh thần đoàn kết, yêu nước. Ngay từ buổi đầu công nguyên, khi đàn áp xong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với mục đích đồng hóa dân ta, Mã Viện đã để một bộ phận quân sĩ ở lại nước ta để mong biến nước ta thành đất của người Hán. Chế độ lạc hầu, lạc tướng của nước ta đã bị bãi bỏ, thay vào đó là chế độ quận huyện của nhà Hán. Nhưng bọn thống trị vẫn không với tay được xuống tới cấp huyện, không thể khống chế nổi văn hóa xóm làng của người Việt, không khống chế được trực tiếp đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay bản thân Mã Viện, dù có đàn áp xong phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn không khống chế hết được nhiều miền đất của nước ta bởi chúng ta biết nâng niu những kì công của các bậc tiền bối, chúng ta luôn giữ gìn trân trọng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng.
Di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) thị xã Đông Triều hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng nữ tướng Lê Chân, chuông đồng, hoành phi, câu đối mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt hằng năm ở đền vẫn duy trì được lễ hội diễn tả khí thế chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta buổi đầu công nguyên. Lễ hội có rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận phá giặc của thần và nhân dân ta. Các nghi lễ diễn ra ở di tích góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của nhân dân địa phương nói riêng và phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung. Góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, khơi dậy tinh thần yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.
* Giá trị khoa học:
Di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) thị xã Đông Triều được xây dựng ngay trên quê hương của bà, đây là cơ sở giúp các nhà khoa học nghiên cứu về vùng đất, con người và tình hình kinh tế xã hội vùng đất Đông Triều cổ. Lịch sử cũng đã ghi nhận bà Lê Chân là nhà quân sự đầu tiên thực hiện phương châm “vừa đánh giặc, vừa sản xuất” với ý chí kháng chiến trường kỳ, tiến hành chiến tranh nhân dân mà sau này trong cuộc kháng chiến vệ nước vĩ đại của dân tộc ta được áp dụng và nâng lên thành nghệ thuật quân sự.
Di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) ở Đông Triều, Quảng Ninh (quê hương) và di tích Đền An Biên ở Hải Phòng (nơi xây dựng lực lượng kháng chiến); Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) ở Lạt Sơn (Nơi bà hy sinh) đã tạo thành một hệ thống di tích lưu niệm về một nữ anh hùng dân tộc. Những di tích này minh chứng cho sự phát triển của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ đầu cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc cho các thế hệ muôn đời sau.
- Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) đã được tôn tạo lại năm 1993. Năm 2001 tượng đài nữ tướng Lê Chân được các cấp chính quyền và nhân dân xây dựng lớn trong khuôn viên sân đền. Cạnh tượng đài còn có nhà bia, ghi tên những người con của quê hương Thủy An, Đông Triều đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không gian của đền luôn được chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo tu tạo nên không những tạo được sự sầm uất linh thiêng mà còn luôn được giữ gìn khang trang sạch đẹp, xứng đáng là một công trình văn hóa lịch sử mang tính giáo dục truyền thống.
Di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) đã được xếp hạng tại Quyết định số 4637/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Sau khi được Đền xếp hạng là di tích cấp tỉnh, UBND xã Thủy An đã thành lập Ban quản lý để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di tích trong cuộc sống và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống hàng năm.
- Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là một di tích lịch sử quan trọng, minh chứng cho trang sử hào hùng của dân tộc ta từ đầu công nguyên. Việc bảo vệ tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều đã tiến hành lập Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), xã Thủy An, thị xã Đông Triều và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt (tháng 3/2016). Việc bảo quản, tu bổ Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) có ý nghĩa rất lớn nhằm tôn vinh người nữ anh hùng đã có công với đất nước, vừa để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường cho các thế hệ mai sau, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) do Công ty TNHH Kiến trúc và Xây dựng Thuần Việt tư vấn lập dự án, UBND thị xã làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 46.474.000.000 VNĐ (Bốn mươi sáu tỷ, bốn trăm bảy mươi tư triệu đồng) do huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, diện tích lập dự án 24.603m2. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2016 – 2017. Các hạng mục đầu tư bao gồm: Đền chính, Tượng nữ tướng Lê Chân, Nhà bia liệt sĩ, Bình phong, cổng chính đền, cổng phụ đền, Nhà Ban quản lý di tích, Nhà sắp lễ, Am hóa vàng, Nhà vệ sinh, Chòi nghỉ, Tường rào, Lan can đá, Bãi đỗ xe phía Đông Bắc, Sân Lễ hội, Bãi đỗ xe phía Tây Nam.
Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch tín ngưỡng và nhu cầu hành hương của nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy, giáo dục truyền thống của địa phương cho thế hệ mai sau; thu hút khách thập phương đến với Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), góp phần quảng bá, phát huy các giá trị Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) gắn với phát triển du lịch tâm linh và du lịch thắng cảnh ở Đông Triều; hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan về bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), góp phần phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa du lịch của địa phương. Bởi vậy sau khi di tích được xếp hạng cấp quốc gia, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều kiện toàn lại Ban quản lý di tích nhằm phát huy tốt nhất giá trị di tích. Ban quản lý di tích gồm đầy đủ các thành phần và đại diện cho những người cao tuổi am hiểu về lịch sử địa phương để phát huy tốt nhất giá trị của di tích.
Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ phụng một nữ anh hùng dân tộc đã cùng Hai Bà Trưng thắp sáng ngọn đèn giải phóng dân tộc cho các thế hệ con cháu nước Việt ngay từ đầu công nguyên. Bà Lê Chân cũng như những vị tướng ở thời hai bà Trưng đều là những người đầu tiên xây dựng nên truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta. Mặc dù đây là công trình phục vụ tín ngưỡng dân gian nhưng đền lại mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, ngôi đền tuy có bị hủy hoại nhưng ngày nay đền luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm nên không chỉ ngôi đền thường xuyên được tu tạo, mà còn xây dựng thêm những công trình phụ trợ mang tính giáo dục truyền thống một cách đầy đủ và hệ thống. Nơi đây thực sự đã trở thành một trung tâm văn hóa vừa để tưởng nhớ những người có công với đất nước vừa là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây cũng là điểm đến của du khách thập phương trong nước và quốc tế đến chiêm bái thăm viếng và tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam.
- Kết luận:
Với những giá trị trên, di tích lịch sử Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) rất xứng đáng được xem xét xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Việc xếp hạng di tích quan trọng này không những tiếp tục tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hoá đích thực của di tích mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào của nhân dân thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và nhân dân cả nước về lịch sử vẻ vang của dân tộc từ buổi đầu công nguyên, tăng cường tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc.
- Tài liệu tham khảo:
– Đại Việt sử ký toàn thư. T1. Nxb Khoa học xã hội. H.1998.
– Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Nxb Phụ nữ, 1975.
– Địa chí Quảng Ninh. Tập 1. Quảng Ninh 2001.
– Tiếp cận tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nguyễn Minh San. Văn hóa dân tộc. H.1998.
– Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền An Biên. Ban Quản lý di tích danh thắng Quảng Ninh, 2005.
– Nữ tướng Lê Chân. BQL đền An Biên. 2002.
– Nữ tướng Lê Chân trong tâm thức người dân Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 2011.
– Nữ tướng Lê Chân thân thế và sự nghiệp, Sở VHTT thành phố Hải Phòng, 2000.
———
Nghi môn di tích lịch sử đền An Biên (thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Đền An Biên – Nơi thờ nữ tướng Lê Chân
Tượng nữ tướng Lê Chân
Đền An Biên
Nghi thức tế lễ tại lễ hội đền An Biên
Nhân dân và du khách tham dự lễ hội đền An Biên