Lý lịch di tích Đồn Cao Đông Triều

LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỒN CAO ĐÔNG TRIỀU

———-

  1. Tên gọi di tích:

a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích: Đồn Cao Đông Triều.

Đồn Cao Đông Triều là nơi đóng quân của giặc Pháp, một địa điểm rất có giá trị về mặt quân sự, nằm ở độ cao 61m, án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh Hải Dương đi Uông Bí Quảng Ninh, từ Kinh Môn Hải Dương qua phà Triều sang Đông Triều. Từ Đồn Cao Đông Triều có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang phía Tây của thị xã Đông Triều.

Sau khi xâm chiếm Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện việc xây dựng đồn bốt để giám sát mọi hoạt động của nhân dân ta ở tất cả những nơi xung yếu. Tại Đông Triều, quân Pháp đã cho xây dựng đồn, bốt ở vị trí đồi cao để đóng quân và quan sát, khống chế một vùng rộng lớn ở tất cả các hướng xung quanh.

b) Các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó:

Đồn Đông Triều. Đồn được xây dựng trên quả đồi thuộc trung tâm thị xã Đông Triều nên nhân dân thường gọi tên di tích theo địa danh.

  1. Địa điểm và đường đi đến di tích:

a) Địa điểm:

Di tích Đồn Cao Đông Triều nằm ở trung tâm thị xã Đông Triều. Đông Triều là vùng đất cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh (toạ độ từ 21o01’ đến 21o13’ vĩ độ bắc và từ 106o26’ đến 106o43’ kinh độ đông). Thị xã Đông Triều cách Thành phố Hạ Long 68km, cách Hà Nội 90km. Phía Bắc giáp huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang, Phía Tây giáp huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương; phía Đông Nam giáp huyện Thuỷ Nguyên thành phố Hải Phòng; phía Đông giáp thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

b) Đường đi đến di tích:

Xuất phát từ thành phố Hạ Long, đi theo quốc lộ 18A về phía Hà Nội khoảng 68km đến ngã tư trung tâm thị xã Đông Triều, rẽ trái đi thêm 200m đến cổng thị đội (Ban chỉ huy quân sự thị xã), rẽ phải đi lên đồi khoảng 400m là đến di tích Đồn Cao Đông Triều.

  1. Phân loại di tích:

Đồn Cao Đông Triều là nơi thực dân Pháp xây dựng đồn bốt để đóng quân và quan sát mọi động tĩnh của các lực lượng du kích cách mạng nhằm khống chế hoạt động của quân và dân ta ở một khu vực rộng lớn xung quanh thị xã Đông Triều. Đây là di tích lịch sử ghi dấu một thời kỳ đất nước ta bị ngoại bang thống trị và đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn gian khổ của nhân dân ta. Theo quy định tại điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010, Đồn Cao Đông Triều được xếp hạng là Di tích lịch sử.

  1. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:

Giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đã xuống dốc, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp phong kiến đã ở vào cực điểm. Lúc này, Đế quốc Pháp là một nước tư bản chủ nghĩa, có đội quân xâm lược nhà nghề, có trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, có tiềm lực kinh tế mạnh đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bám lấy quyền lợi ích kỷ, giai cấp phong kiến Việt Nam chọn con đường đầu hàng đế quốc, phản bội dân tộc.

Sau khi chiếm được 6 tỉnh Nam Kỳ, Thực dân Pháp ráo riết đánh chiếm Quảng Ninh để làm chủ vùng mỏ giàu có. Năm 1874, sau ký hiệp ước với triều đình nhà Nguyễn, Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn thỏa thuận cho chúng cử các đoàn kỹ thuật do Phuýt-sơ, Xa-la-danh, Xa-răng dẫn đầu lần lượt đến Quảng Ninh thăm dò, khảo sát trong các năm từ 1880 đến 1882. Thượng tuần tháng 3 năm 1883, thực dân Pháp từ Nam Kỳ tức tốc cất quân đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Sau khi hạ thành Hà Nội được 8 ngày, ngày 12 tháng 3 năm 1883 tướng chỉ huy đội quân xâm lược Pháp Hăng-ri Ri-vi-e-rơ (Hen ri Riviere) đích thân mang 500 quân tiến đánh Quảng Ninh, chiếm và dựng đồn trại trên hai đầu phà Bãi Cháy. Ngay sau đó, chúng cho một cánh quân đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên, lập đồn kiểm soát cửa sông Bạch Đằng. Từ các vị trí trung tâm trong tỉnh, quân Pháp đánh rộng ra các vùng chung quanh, chẳng bao lâu đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Ninh. Công việc trước tiên của thực dân Pháp sau khi đánh chiếm Quảng Ninh là tổ chức bộ máy thống trị của chúng. Về mặt quân sự, tỉnh Quảng Ninh đặt dưới sự kiểm soát của hai khu vực quân sự: Phần đất tỉnh Hải Ninh (cũ), thuộc khu vực quân sự (Secteur militaire) thứ nhất, khu vực quân sự Móng Cái. Một phần đất tỉnh Quảng Yên (cũ) thuộc khu vực quân sự thứ hai – Khu vực quân sự Phả lại. Khu mỏ từ Mông Dương đến Mạo Khê gồm những vùng “đất nhượng” của các công ty mỏ thực dân Pháp, không đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của các khu vực quân sự, nhưng lại nằm giữa sự bảo vệ, che chở của hai khu quân sự có lực lượng vào loại mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương.

Sau khi thiết lập ách chiếm đóng trên đất Quảng Ninh, trước phong trào kháng chiến liên tục và mạnh mẽ của nhân dân ta, trước con mắt nhòm ngó, xoi mói của các nước tư bản khác, ngày 24 tháng 1 năm 1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn làm khế ước bán khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả rộng 21,932 ha cho Ba-vi-ê Sô-phua (Bavie Chauffour) với giá 10 vạn đồng (Đông  Dương). Bốn năm sau, năm 1888, nhà Nguyễn lại ký một khế ước thứ hai bán khu mỏ Đông Triều (Vàng Danh)[1] cho một tập đoàn tư bản Pháp với giá 9 triệu phơ-răng. Với những khế ước trên, về danh nghĩa nhà Nguyễn đã trao toàn bộ quyền sở hữu vùng mỏ giàu có cho tư bản Pháp. Cuối thế kỷ XIX, sau khi đã cơ bản kết thúc giai đoạn vũ trang xâm lược, bọn tư bản thực dân Pháp bắt đầu tiến hành kế hoạch bóc lột sức người, sức của ở Việt Nam.

Đi đôi với việc ráo riết khai thác than đá, bọn tư bản Pháp còn tiến hành thăm dò và khai thác các khoáng sản khác như ăng-ti-moan, cát thủy tinh, sét  nhưng với quy mô nhỏ và sản lượng thấp. Bên cạnh đó một số đồn điền trồng lúa và cây công nghiệp của tư bản Pháp cũng được thành lập. Vào các năm 1923, 1924 và 1925, chính quyền thực dân Bắc Kỳ đã cho thầu một số rừng trong tỉnh Quảng Ninh. Thuế rừng và tiền bán các khu rừng là một trong những nguồn thu lớn của chính quyền thực dân Pháp. Về giao thông công chính, thực dân Pháp chú ý làm đường số 18. Ngoài ra, Pháp còn cho xây dựng các tòa sứ Quảng Yên và Hải Ninh, các doanh trại, nhà tù, công sở cho chính quyền thực dân. Ở Đông Triều chúng cho xây dựng Đồn tại ngọn đồi cao nhất, bố trí lính khố xanh và lính khố đỏ đóng quân ở đây để quan sát bốn phía xung quanh khu vực. Từ vị trí này có thể quan sát hết một vùng rộng lớn xung quanh và bao quát hết mọi động tĩnh ở các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc gồm: Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang); Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) và thành  phố Uông Bí (Quảng Ninh).

Sau khi lập được quyền thống trị ở Quảng Ninh, thực dân Pháp đã tiến hành biến vùng mỏ thành “vương quốc của bọn chủ mỏ thực dân”. Với danh nghĩa “đất nhượng”, chúng dựng lên một bộ máy cai trị riêng biệt với đầy đủ các công cụ đàn áp: lính sở, mật thám, cảnh sát, luật lệ, nhà tù…Trong khu vực của các công ty mỏ, chế độ chính trị khác hẳn với bên ngoài, đó là chế độ thống trị độc quyền của bọn chủ mỏ Pháp. Ở mỗi công ty mỏ lớn như Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), Công ty than Đông Triều dưới quyền của chủ mỏ có hệ thống mật thám mỏ, có luật Pháp và nhà tù riêng của mỏ, có thứ tiền riêng lưu hành trong phạm vi công ty. Ở công ty than Đông Triều, thứ tiền riêng làm bằng vỏ hòm đựng kíp mìn, nên gọi là tiền mìn. Người công nhân làm việc trong các công ty mỏ là công dân riêng của các nhà tư bản thực dân.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định chính trị tối đa cho việc khai thác được thật nhiều than đá, bọn chủ mỏ thiết lập bộ máy bạo lực của chính quyền thực dân (gồm đại lý, quân đội, mật thám, cảnh sát), bộ máy này hành động có tính chất phối hợp với bộ máy bạo lực của công ty mỏ. Như vậy, ở khu mỏ tồn tại hai bộ máy bạo lực, một của các công ty mỏ, một của chính quyền thực dân, cho nên các công cụ bạo lực ở khu mỏ hết sức dày đặc nhằm đảm bảo cho bọn chủ mỏ bóc lột được lợi nhuận cao nhất.

Ngày 09 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đã tiến hành cuộc đảo chính thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương như một phản ứng dây chuyền, ở Đông Triều bọn Pháp ươn hèn, không dám chống cự, dâng súng đầu hàng, bọn lính khố xanh, khố đỏ bỏ chạy xuống các làng xung quanh xin quần áo của dân để thay lốt, quá hoảng sợ chúng vứt cả súng ống xuống ao và các bụi rậm để chạy thoát thân, khu vực Đồn Cao Đông Triều lại thuộc quyền quản lý của lính Nhật.

Sau khi chiếm Đông Triều, phát xít Nhật vẫn để nguyên bộ máy cũ ở các làng xã, chúng ra sức tuyên truyền cho thuyết gọi là “Đại Đông Á”, “Đồng chủng đồng văn” để lừa phỉnh dân, lôi kéo những tầng lớp trên theo chúng, thành lập các tổ chức thân Nhật, đặc biệt là lớp thanh niên, các loại thuế chúng tăng gấp đôi, ra sức thu thóc tạ, bắt dân phải nhổ lúa trồng đay, thầu dầu. Từ những chính sách trên, bọn Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, bọn phỉ ngang nhiên cướp bóc giữa ban ngày ở các làng xung quanh huyện Đông Triều gây không ít hoang mang trong nhân dân. Những điều đó làm nung nấu trong lòng nhân dân Đông Triều nỗi căm thù sâu nặng quân cướp nước và lũ bán nước tay sai, hăng hái đấu tranh dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, của Mặt trận Việt Minh để cứu nước, cứu nhà. Được sự ủng hộ của nhân dân, với tinh thần bất khuất các thanh niên ở Bắc Mã – Hổ Lao đã tập trung lại tự vệ vũ trang canh gác để chống phỉ bảo vệ dân làng. Nhân đó cán bộ Việt Minh đã nắm lấy hội tổ chức này để giáo dục và dần dần chuyển thành thanh niên cứu quốc. Đến cuối tháng 4 năm 1945, lực lượng vũ trang đầu tiên được thành lập ở làng Bắc Mã, bao gồm du kích của các làng Bắc Mã, Hổ  Lao, Đạm Thủy… cùng các binh sĩ yêu nước bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng. Lực lượng vũ trang này đã lớn mạnh nhanh chóng trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.

Có thể nói, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, phố Đông Triều nói riêng và huyện Đông Triều nói chung khí thế cách mạng ở Đông Triều đã vững vàng trên cả thế và lực. Nhật đang thua to trên khắp các chiến trường, chúng rất lúng túng bị động, lực lượng đang suy yếu lại phải rải mỏng để đối phó với khắp mọi nơi. Ở Đồn Cao Đông Triều chúng rất muốn đóng quân nhưng chưa điều động được lực lượng các nơi đến, lúc này chỉ còn lính cơ do tri huyện Đỗ Văn Cang cai quản. Tại đây ta đã bắt rễ được với người chỉ huy lính cơ là Nguyễn Hiền và mời Nguyễn Hiền họp với lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Hiền đã cùng với Nguyễn Bình[2] đi vận động binh lính địch trở về với cách mạng.

Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, ngay từ ngày 15/4/1945 Ban thường vụ Trung Ương Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), Hội nghị đã quyết định thành lập bảy chiến khu trong cả nước gồm: chiến khu Lê Lợi, chiến khu Hoàng Hoa Thám, chiến khu QuangTrung, chiến khu Phan Đình Phùng, chiến khu Trưng Trắc, chiến khu Nguyễn Tri Phương  và chiến khu Trần Hưng Đạo. Thực hiện quyết định của Hội nghị quân sự Bắc Kì, xứ ủy Bắc kì đã đề ra chủ trương  xây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo ở vùng Đông Bắc. Trước tình hình đó, Đảng cộng sản cách mạng Việt Nam chuyển hướng đấu tranh vũ trang để giành chính quyền.

Theo chỉ thị của Trung Ương Đảng: “với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”, lãnh đạo khu căn cứ đã họp ở chùa Bắc Mã nhận định: “nhân lúc địch suy yếu, Nhật muốn đóng quân ở Đồn Cao Đông Triều nhưng chưa có đủ lực lượng, ta phải chớp lấy thời cơ, gấp rút chuẩn bị thêm lực lượng tiến hành khởi nghĩa ở Đông Triều trước khi Nhật đến đóng quân. Nếu để chậm, Nhật đóng quân ở Đồn Cao Đông Triều rồi thì sẽ lỡ mất thời cơ và gặp nhiều khó khăn trở ngại cho cách mạng”. Sau khi cân nhắc kĩ tất cả các mặt với tinh thần nêu cao trách nhiệm trước Đảng, không bỏ lỡ thời cơ dành thắng lợi cho cách mạng, cuộc họp đã quyết định sẽ tham gia đánh bốn đồn cùng một lúc, đó là đồn Chí Linh, Đông Triều, Mạo Khê và Tràng Bạch.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1945 phong trào cách mạng phát triển mạnh trong toàn huyện, chính quyền của địch không còn điều hành được trật tự xã hội, lực lượng Việt Minh ở các làng trong huyện mở rộng tuyên truyền để vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Nhân dân làng Bắc Mã mổ lợn góp gạo khao nghĩa quân, hưởng ứng rất nhiệt tình.

Ngày 6 tháng 6 năm 1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp ở làng Đạm Thủy (Đông Triều) để nắm lại tình hình một lần nữa và quyết định phân công: Đồng chí Nguyễn Hải Thanh chỉ huy đánh đồn Chí Linh; Đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy lấy Đồn Cao Đông Triều; Đồng chí Trần Cung chỉ huy lấy các đồn Mạo Khê, đồn Tràng Bạch.

Đêm mùng 6 tháng 6, Nguyễn Hiền vận động được tri huyện đưa toàn bộ lính cơ lên ngủ ở đồn Bảo An. Ngày 7 tháng 6 Hiền cấp giấy phép cho hai người cai về thăm nhà và phái mấy lính lừng khừng đi tuần thật xa. Rạng sáng ngày 8 tháng 6 năm 1945, Hiền ra lệnh cho toàn thể lính cơ ở đồn nộp súng và dồn họ lên tầng thượng lô cốt giam lỏng. Đúng lúc này, các mũi tấn công của ta đồng loạt xuất kích, tại Đông Triều từ mờ sáng một trung đội được triển khai đội hình hàng dọc xuất phát từ chùa Bắc Mã, đi đầu là người cầm cờ đỏ sao vàng tiến về huyện lỵ, khi đoàn quân đến ngã tư thị trấn Đông Triều, phát súng của tổng chỉ huy Nguyễn Bình vang lên, phối hợp với nhân mối của ta, đội Hiền đã nhanh chóng mở cổng Đồn Cao Đông Triều cho nghĩa quân vào đánh chiếm đồn.

Đúng 6 giờ sáng, hầu hết anh em binh lính bảo an, lính cơ đầu hàng quay về với nhân dân. Quân ta thu vũ khí của địch, các mũi khác nhanh chóng triển khai chiếm nhà dây thép, trung tâm huyện đường, khi nghe tiếng súng nổ, lính khố xanh và lính tuần canh ở quanh khu vực chạy về, đội Hiền ở trong đó tuyên bố trước đám lính “chúng ta hàng Việt Minh và ủng hộ Việt Minh để lật đổ chính quyền tay sai Nhật”. Nguyễn Hiền tuyên bố với binh lính là cách mạng đã đến giải phóng đồn, ai theo Việt Minh đứng sang một bên, ai muốn trở về quê quán được quân cách mạng đảm bảo an toàn. Chỉ có 8 người xin về quê, còn 40 bính lính trở về với cách mạng. Cuộc chiếm đồn diễn ra mau lẹ, ta thu 50 súng và nhiều đồ dùng quân sự, sau khi hoàn tất công việc chiếm đồn, nghĩa quân mở kho thóc để cứu đói cho nhân dân. Khởi nghĩa ở huyện lỵ Đông Triều đã thành công tốt đẹp, ta đã xóa bỏ bộ máy ngụy quyền toàn huyện. Tiếp đó lực lượng cách mạng còn bắt xử tên Ngô Quốc Lâm, một tên mật thám cáo già trước đông đảo quần chúng nhân dân.

Ở Mạo Khê, Tràng Bạch ta cũng đã hoàn toàn làm chủ, thu trên 20 khẩu súng của bọn dân vệ. Ngụy quyền ở phố huyện và tất cả các làng xã trong toàn huyện cũng hoàn toàn tan rã. Phố huyện Đông Triều và cả huyện Đông Triều được giải phóng hoàn toàn và cũng là nơi đầu tiên được giải phóng của tỉnh Hải Dương và vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Tuy lực lượng nhỏ bé, vũ khí ít ỏi thô sơ  nhưng với tinh thần quả cảm mưu trí, với lực lượng chính trị sâu rộng và vững chắc trong quần chúng, lực lượng du kích cách mạng đã cùng lúc hạ bốn đồn một cách nhanh chóng. Công nhân và nông dân càng thêm náo nức phấn khởi, khí thế cách mạng của quần chúng ở căn cứ cũng như địa phương càng lên cao.

Với thắng lợi vừa giành được, giữa lúc khí thế cách mạng đang lên cao, cán bộ lãnh đạo khu căn cứ quyết định chính thức thành  lập chiến khu cách mạng Đông Triểu, đây là chiến khu thứ tư ở Bắc Bộ (Cao Bắc Lạng, Thái Tuyên Hà, Hòa Ninh Thanh và Đông Triều) nên còn được gọi là Đệ tứ chiến khu. Chiều ngày 8 tháng 6 năm 1945, hàng vạn quần chúng đã kéo về chùa Bắc Mã dự cuộc mít tinh để nghe ban lãnh đạo tuyên bố thành lập chiến khu Đông Triều.

Sau giải phóng, phát huy những thành quả đã đạt được, ở tất cả các làng xã trong huyện đều gấp rút xây dựng lực lượng. Phố huyện và các làng xã đều có đội tự vệ. Nghĩa quân từ chỗ chỉ đánh những trận nhỏ để bảo vệ căn cứ đã phát triển nhanh chóng tiến lên cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền cả một vùng rộng lớn Đông Bắc của Tổ quốc từ Uông Bí – Quảng Yên – Hải Phòng – Kiến An ra Hòn  Gai – Tiên Yên –  Ba Chẽ và các vùng Đông Bắc như Cát Bà, Cô Tô.

Nhưng với bản chất xấu xa và âm mưu thâm độc, thực dân Pháp rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cứu nước  “…Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ…”, nhân dân cả nước một lần nữa đứng dậy bảo vệ nền độc lập.

Tại Quảng Ninh, sau khi thiết lập ách chiếm đóng, đội quân viễn chinh Pháp với kinh nghiệm thực dân xâm lược lâu dài đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, ra sức xây dựng hệ thống ngụy quân, ngụy quyền tay sai, tổ chức do thám mật vụ, dùng ưu thế về lực lượng quân sự tiến hành càn quét khủng bố khốc liệt nhất nhằm thực hiện ý đồ lập vành đai an toàn cho khu vực hậu cứ chiến lược quan trọng nhất trên chiến trường Đông Dương là châu thổ đồng bằng Bắc bộ và giữ vũng đường 18, tuyến đường vận tải quân sự quan trọng nối Hà Nội với khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả. Năm 1946, thực dân Pháp đã gấp rút xây dựng phòng tuyến boongke để chia cắt vùng căn cứ kháng chiến ở miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng, chúng xây dựng Đồn Cao Đông Triều thành một cứ điểm bất khả xâm phạm với những hệ thống boongke liên hoàn, với những trận địa pháo kiên cố, được che chắn bới nhiều tầng hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày đặc, lại nằm ở vị trí cao quan sát được tất cả các hướng trong vùng mà chúng chủ quan cho rằng đến con kiến cũng không lọt qua được, nhằm kiểm soát chặt chẽ con đường 18 không cho lực lượng của ta từ căn cứ phía Bắc xâm nhập vào khu trung tâm và phía Nam, ngăn chặn con đường tiếp tế của nhân dân cho khu căn cứ địa của huyện Đông Triều, của tỉnh và các xã ở phía Bắc. Để thực hiện công việc này chúng đã cho xe tăng kéo đổ nhiều công trình lịch sử văn hóa của nhân dân ta để lấy vật liệu xây đồn bốt.

Ngày 14 tháng 11 năm 1947, sau nhiều thất bại về việc đánh chiếm Đông Triều, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đông Triều. Lần này chúng chiếm đến đâu cho xây dựng củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh đến đó nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa.

Chúng xác định Đông Triều là vùng núi, là đầu mối giao thông quan trọng và là nơi có vị trí xung yếu đảm bảo cơ động lực lượng, phòng thủ tác chiến. Vì vậy mặc dù quyền cai trị và quyền xét xử hành pháp vẫn thuộc quyền viên tri huyện như các huyện, các phủ khác, nhưng người Pháp ngay từ đầu đã xây dựng một đồn binh lớn ở Đông Triều – Đồn Cao Đông Triều do lính chính quy người Pháp đóng, ngoài ra còn có một tiểu đoàn lính Âu – Phi và một số đơn vị đặc biệt như pháo binh, xe tăng, ngoài ra còn có lực lượng biệt kích (Com-măng-do) do một tên Quan Năm chỉ huy, thường xuyên có một đại đội Pa-ti-Giăng đóng giữ. Tính đến tháng 10 năm 1951 trên toàn phòng tuyến “Đờ Lát” địch đã xây dựng tới 80 vị trí 190 tháp canh với khoảng 800 lô cốt boongke chạy dài suốt từ Yên Lập qua Đông Triều đến tận Bắc Giang, Vĩnh Yên, Sơn Tây.

Đồn Cao Đông Triều là cứ điểm kiên cố loại nhất, tại đây ngoài nhà ở của binh lính được xây dựng từ trước, chúng đã cho xây dựng thêm một hệ thống quân sự gồm nhiều tầng, với hệ thống lô cốt bong ke nổi được thông với nhau bằng đường hầm gồm: hai hầm ngầm, 14 lô cốt (các lô cốt này vừa là bốt canh gác, vừa là nơi chúng bố trí các khẩu pháo sẵn sàng bắn đến tất cả các hướng khi thấy có sự bất thường), 2 trận địa pháo và hệ thống nhà chỉ huy, nhà nghỉ, khu ăn chơi, khu biệt giam tra tấn tù cộng sản… được bố trí liên hoàn, vững chắc, xung quanh được xây dựng hàng rào kẽm gai để bảo vệ trung tâm chỉ huy. Lực lượng đồn trú có lúc lên đến hàng ngàn tên, do tên quan Năm chỉ huy. Chúng xác định Đồn Cao Đông Triều là một cứ điểm bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, với đường lối chiến tranh du kích, lực lượng cách mạng tại Đông Triều thường xuyên tổ chức cuộc đấu tranh công kích đánh vào tư tưởng, tâm lý của giặc khiến giặc Pháp hoang mang.

Năm 1951, đánh hơi được nguy cơ bị ta đánh mạnh trên đường 18, chúng đã tăng cường các hoạt động tình báo để trinh sát mọi hoạt động di chuyển của ta. Địch đã dồn sức mạnh của cả bộ binh, pháo binh, không quân, hải quân để giữ tuyến đường 18. Đồn Cao Đông Triều ngoài lực lượng đóng tại chỗ đã được tăng cường lực lượng pháo binh rất lớn có tới gần 30 khẩu pháo 105 ly và nhiều pháo cối các loại được bố trí xung quanh. Sân vận động phố Đông Triều đã biến thành trận địa pháo, cánh đồng làng Đoàn Xá sau Đồn Cao Đông Triều trở thành sân bay dã chiến phục vụ cho việc tiếp cận và chỉ huy của Bộ chỉ huy Pháp. Nhận rõ Đồn Cao Đông Triều và Mạo Khê, Tràng Bạch có khả năng bị uy hiếp, tướng Đờ Lát tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã đáp máy bay hạ cánh xuống sân bay Đoàn Xá và đến Đồn Cao Đông Triều trấn an binh sĩ và chỉ thị bằng mọi giá phải giữ cho được Đông Triều – Mạo Khê.

Từ năm 1951 đến 1954, Đồn Cao chủ yếu làm nhiệm vụ khống chế và kiểm soát các hoạt động của ta trên toàn tuyến đường 18 và chi viện đắc lực cho các cuộc hành quân càn quét cướp bóc của địch trong khu vực. Ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đồn Cao thuộc quyền kiểm soát của ta.

Hiện nay, tại đây vẫn còn lưu giữ các công trình do quân đội Pháp xây dựng như: nhà quan hai, trại lính, trại giam, hầm ngầm, các lô cốt… nhưng do thời gian dài bị bỏ hoang nên các công trình này đã bị hư hỏng.

  1. Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến di tích:

Hiện nay, vào những ngày kỷ niệm thành lập Đệ tứ chiến khu, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hoặc các ngày lễ khác, Đảng bộ và nhân dân thị xã Đông Triều tổ chức các đoàn tham quan đến thăm di tích và ôn lại những kỷ niệm của một thời khó khăn gian khổ đánh đuổi thực dân Pháp của Đảng Bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều nói riêng và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh nói chung.

Trong tương lai, đây là nơi giáo dục lịch sử địa phương trực quan và hấp dẫn nhất để hướng các thế hệ trẻ nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ mà các thế hệ đi trước đã từng hy sinh và cống hiến sức người, sức của để giành lại độc lập tự do cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

  1. Khảo tả di tích:

a). Giới thiệu khái quát về di tích:

Di tích Đồn Cao Đông Triều nằm trọn trên quả đồi có độ cao 61m, tổng diện tích 145.681,8m2, đây là vị trí cao nhất của Trung tâm phường Đông Triều. Vị trí Đồn Cao Đông Triều nằm án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh, Hải Dương đi Uông Bí Quảng Ninh, từ Kinh Môn, Hải Dương qua phà Triều sang Đông Triều. Từ Đồn Cao Đông Triều có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang Tây của thị xã. Vì vậy, sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1886 thực dân Pháp đã tổ chức cho xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược và khai thác vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều. Năm 1945, nhân dân ta giành chính quyền, đồn Đông Triều thuộc quyền quản lý của chính quyền cách mạng.

Năm 1947, sau nhiều thất bại về việc đánh chiếm Đông Triều, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đông Triều. Lần này chúng chiếm đến đâu cho xây dựng củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh đến đó nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa. Năm 1951, tại Đồn Cao Đông Triều chúng xây dựng: 02 hầm ngầm, 14 lô cốt, 02 trận địa pháo và hệ thống nhà chỉ huy, nhà nghỉ, khu ăn chơi, khu biệt giam tra tấn tù cộng sản. Các công trình này được bố trí liên hoàn, vững chắc, xung quanh được xây dựng hàng rào kẽm gai để bảo vệ trung tâm chỉ huy. Tuy nhiên trải qua thời gian dài của chiến tranh và những biến thiên của xã hội, công trình chỉ còn lại một số dấu vết kiến trúc.

b) Giới thiệu cụ thể về di tích:

Hiện nay các công trình thuộc di tích Đồn Cao Đông Triều đã bị phá hủy khá nhiều, chỉ còn lại một phần trong số các công trình như nhà ở của quan Ba, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm… Các công trình này cũng chỉ còn phần tường, các công trình khác chỉ còn lại dấu tích nền móng.

(1) Nhà ở quan Ba: gồm một công trình, tổng diện tích 250m2 (dài: 26,6m, rộng: 9,4m), được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép. Công trình này chỉ còn lại nền móng, bờ tường.

(2) Nhà ở của lính khố xanh: gồm hai công trình.

– Công trình thứ nhất: được bố trí ngay dưới nhà ở quan Ba, gồm 4 gian với tổng diện tích 158,7m2 (dài: 23m, rộng: 6,9m) được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép. Công trình này hiện chỉ còn lại nền móng và một phần tường.

– Công trình thứ hai: được xây dựng cách công trình thứ nhất khoảng 30m, công trình này gồm 5 gian với tổng diện tích 168,3m2 (dài: 18,7m, rộng: 9m), được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép, công trình này hiện chỉ còn lại nền móng và một phần tường .

(3) Khu nhà nghỉ, sinh hoạt (một công trình): công trình này chỉ còn lại nền móng và tường nhà.

(4) Nhà biệt giam tra tấn tù cộng sản gồm một công trình, tổng diện tích 163,4m2 (rộng: 9,5m, dài: 17,2m) gồm hai dãy nhà đối diện nhau, mỗi dãy gồm 4 gian, mỗi gian có chiều rộng khoảng 2,5m. Được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép. Công trình này hiện chỉ còn lại nền móng và một phần tường.

(5) Trận địa pháo: hiện nay còn lại dấu vết của hai trận địa pháo, các ụ pháo được xây bằng bê tông cốt thép ở góc phía Nam và phía Tây của Đồn Cao Đông Triều.

(6) Hầm ngầm (hai hệ thống) được xây dựng từ khu vực trung tâm nối tới các lô cốt.

(7) Lô Cốt (14 lô cốt) chia làm 2 lớp lô cốt xây dựng xung quang bảo vệ khu vực Đồn Cao Đông Triều. Lô cốt được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, bê tông… và có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nắp và có nơi nghỉ ngơi cho quân sĩ.

– Lớp lô cốt thứ nhất: xây dựng ngay trên đỉnh đồi. Hiện nay còn lại 02 lô cốt chỉ huy ở phía Đông và Tây của Đồn Cao Đông Triều.

– Lớp lô cốt thứ hai: được xây thấp hơn lớp lô cốt thứ nhất, độ cao khoảng từ 5m đến 25m, hiện nay còn lại 12 lô cốt.

  1. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:

Hiện nay tại di tích chỉ còn tồn tại một số hiện vật gắn liền với công trình nhà biệt giam đó là những phần cùm bằng sắt dùng để cùm các chiến sĩ cách mạng, các cùm bằng sắt hiện nay cũng đã hoen gỉ và hư hỏng nặng.

  1. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:

       * Giá trị lịch sử:

Đông Triều là cửa ngõ đi vào vùng Đông Bắc Tổ quốc, vùng đất Đệ tứ chiến khu, có bề dày truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Địa bàn thị xã có ba vùng rõ rệt, vùng rừng núi, trung du và đồng bằng. Vùng rừng núi và trung du thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến, xây dựng nghĩa quân, xây dựng lực lượng vũ trang tập trung; Vùng đồng bằng rộng lớn đất đai phì nhiêu là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Phát huy tốt các yếu tố địa hình đó mà quân và dân thị xã Đông Triều đã có những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng cả nước giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngày nay, Di tích Đồn Cao Đông Triều chỉ còn lại dấu tích, nhưng những gì còn lại nơi đây sẽ là những minh chứng lịch sử ghi dấu những năm tháng hào hùng không thể nào quên của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Ninh, nhân dân Đông Triều nói riêng trong cuộc chiến tranh vệ nước vĩ đại chống một kẻ thù rất hùng mạnh ở thời kỳ lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Việc giành thắng lợi trong tiến công Đồn Cao Đông Triều đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng, thu hút rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tham gia như: công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc, học sinh, công chức, tiểu thương, tiểu chủ, tăng ni, thậm chí là cả hào lý, binh lính sỹ quan địch, một số tri huyện, thị trưởng, tỉnh trưởng…Việc phối hợp chặt chẽ giữa phong trào chính trị của quần chúng, với tiến công quân sự và tuyên truyền thuyết phục hàng ngũ quan lại trong chính quyền tay sai để tăng cường sức mạnh và thanh thế cho cách mạng là một bước đi khôn khéo và hết sức mưu lược của chính quyền cách mạng tại Đông Triều. Trong cuộc đấu tranh ấy, quân và dân huyện Đông Triều dưới sự trực tiếp lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng đánh giặc, toàn dân tham gia kháng chiến, đã động viên được sức người sức của, của các tầng lớp nhân dân vào cuộc kháng chiến, đưa phong  trào kháng chiến của huyện từ yếu đến mạnh. Đồng thời phát huy được tinh thần tự lực cánh sinh, dũng cảm kiên cường, bám đất bám dân bám địa bàn để hoạt động và chiến đấu. Lực lượng của huyện lúc đầu còn nhỏ với tiền thân là các đội du kích tự vệ ở các làng xã, hầm mỏ qua quá trình chiến đấu đã được nhân dân đùm bọc, chở che nuôi dưỡng đã ngày càng trưởng thành. Đệ tứ Chiến khu Đông Triều không phải mang tầm vóc địa phương nhỏ hẹp và chỉ có vai trò đối với thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà đây là một trong những chiến khu lớn, hoạt động mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng thời đã trực tiếp tham gia một cách tích cực vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám trên một khu vực rộng lớn và quan trọng của Bắc Bộ. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa trên cả nước đã xuất hiện nhiều chiến khu và căn cứ du kích chống Nhật. Đệ tứ Chiến khu Đông Triều không phải là chiến khu Trung ương như Chiến khu Cao – Bắc – Lạng, Hà – Tuyên – Thái, nhưng nó cũng không phải là chiến khu của riêng một huyện hay một tỉnh nào. Ban đầu Tỉnh ủy Hải Dương cử cán bộ ra thành lập chiến khu, đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên Bắc Kỳ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Sau này Chiến khu Đông Triều vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, nếu xét về lực lượng tham gia, phạm vi hoạt động cũng như bộ máy tổ chức. Lực lượng chiến khu bao gồm các lực lượng cách mạng và yêu nước mà tiêu biểu là các tổ chức của Mặt trận Việt Minh ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Lực lượng vũ trang của Chiến khu Đông Triều sau khi Cách mạng tháng Tám thành công được tổ chức lại và trở thành lực lượng quan trọng của vùng Duyên hải Bắc Bộ (bao gồm Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh), góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Rõ ràng thành tích và chiến công vang dội của trận đánh Đồn Cao Đông Triều nói riêng và của Chiến khu Đông Triều nói chung trước hết được bắt nguồn từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và sức mạnh đoàn kết đấu tranh của đông đảo quần chúng cách mạng. Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập, nhìn lại chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc và ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử này; càng thêm xúc động và tự hào về ý chí kiên cường, gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn chiến khu.

* Giá trị văn hóa:

Mặc dù chỉ còn lại dấu tích nhưng những gì còn lại nơi đây cũng đánh dấu một thời kỳ lịch sử hào hùng không thể nào quên của quân và dân ta, là nơi nhắc nhở các thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ và biết ơn các thế hệ đi trước đã giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều lại đến đây để ôn lại một thời khó khăn gian khổ, đầy hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào của các thế hệ cha ông đã hy sinh để giàng lại độc lập tự do cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Có thể nói, cùng với nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác, Chiến khu Đông Triều mãi mãi là một chấm son chói lọi trong lịch sử hào hùng chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20. Những kinh nghiệm, bài học được rút ra trong quá trình vận động cách mạng ở Chiến khu Đông Triều  vẫn còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

  1. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

Hiện nay, di tích đang được Ban chỉ huy quân sự thị xã Đông Triều quản lý, tuy nhiên di tích đã bị hoang phế, các công trình nhà ở đều đã bị mất mái che, tường nhiều chỗ đã bị đổ, một số công trình chỉ còn nền móng, các đường hầm nhiều chỗ đã bị sạt lở, nơi miệng hầm đất sạt xuống bít kín, cây cối mọc um tùm.

Trong năm 2015, Ban chỉ huy quân sự thị xã Đông Triều đã đổ bê tông một số tuyến đường nối các điểm di tích nên việc tham quan di tích hiện nay có thuận lợi hơn. Sau khi di tích được xếp hạng cần có kế hoạch phục hồi công năng của một số công trình và xây dựng một sơ đồ vị trí các công trình để thuận tiện cho việc tìm hiểu và tham quan của du khách.

  1. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

Trải qua thời gian dài, các công trình này hiện nay đã bị hoang phế và hư hỏng, nhưng những dấu tích ở đây vẫn là những chứng tích quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử không thể quên của dân tộc ta, thời kỳ bị Thực dân Pháp đô hộ nhưng không thể khuất phục được ý chí quật cường của quân và dân ta trong những năm tháng đấu tranh vô cùng khó khăn gian khổ để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Vì vậy sau khi di tích được xếp hạng, UBND thị xã Đông Triều tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đồng thời triển khai quản lý và xây dựng kế hoạch tu bổ phục hồi di tích nhằm phát huy tác dụng trong phát triển du lịch. Công việc cụ thể cần làm một số công việc sau:

(1) Tổ chức phát quang toàn bộ khu di tích. Khơi thông toàn bộ hệ thống đường hầm ngầm nối giữa các hầm với nhau và tới các lô cốt, bảo vệ hệ thống cây trồng (cây Thông) hiện có tại khu di tích và hàng năm quy hoạch, tổ chức trồng cây tạo cảnh quan khu di tích Đồn Cao Đông Triều.

(2) Xây dựng kế hoạch tu bổ khôi phục một số công trình chính và các phần tường, mái của các công trình trong khu di tích.

(3) Xây dựng hệ thống bia, biển chỉ dẫn, sơ đồ tổng thể thể hiện được các công trình trong khu di tích và các tuyến tham quan, các điểm đến trong khu di tích.

(4) Bố trí một bộ phận cán bộ quản lý di tích thường xuyên có mặt tại di tích để sẵn sàng giới thiệu cho du khách về sự hình thành, quá trình tồn tại, những sự kiện lịch sử trong quá trình chiến đấu giành độc lập tự do của nhân dân các dân tộc trong thị xã Đông Triều cũng như trong tỉnh ta thời kỳ chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Sau khi được xếp hạng di tích Quốc gia cần thành lập Ban quản lý di tích Đồn Cao Đông Triều với các chức hoạt động kiêm nhiệm, ban hành quy chế hoạt động để tổ chức, quản lý di tích Đồn Cao Đông Triều.

(5) Lập Quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng cải tạo khu vực di tích Đồn Cao Đông Triều:  Ngày 28/3/2016, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều đã có văn bản số 938/UBND về việc “Xin chủ trương nghiên cứu quy hoạch, lập dự án đầu tư  xây dựng cải tạo khu vực di tích Đồn Cao, thị xã Đông Triều”; Ngày 05/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 1800/UBND-QH1 về việc Lập Quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng cải tạo khu vực di tích Đồn Cao, thị xã Đông Triều đồng ý chủ trương để UBND thị xã Đông Triều nghiên cứu lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng cải tạo khu vực di tích Đồn Cao Đông Triều, thị xã Đông Triều.

Việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích này là rất quan trọng và cần thiết. Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích phải gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương đặc biệt là du lịch.

(6) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã công bố Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 4/2/2016 công nhận 4 tuyến, 14 điểm du lịch trên địa bàn thị xã Đông Triều bao gồm tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần, tuyến du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều và tuyến du lịch Đệ tứ chiến khu Đông Triều bao gồm các điểm: Địa điểm lịch sử Trung tâm chiến khu Đông Triều (chùa Bắc Mã), là trung tâm của chiến khu Đông Triều, căn cứ lãnh đạo cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Địa điểm đình, chùa Hổ Lao – nơi tuyên bố thành lập Chiến khu Đông Triều, Cụm di tích lịch sử cách mạng khu mỏ than Mạo Khê – nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Cừ và cũng là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh và di tích Đồn Cao Đông Triều nơi trước đây thực dân Pháp đã cho xây hầm hào, lô cốt phục vụ cho chiến tranh xâm lược và việc cai trị để khai thác, vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều, nơi đánh dấu sự sụp đổ của thực dân Pháp tại Đông Triều.

(7) Thị xã Đông Triều cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng của quan và dân Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo – Chiến khu Đông Triều cho các thế hệ trẻ mai sau; quan tâm, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng; quan tâm trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn.

  1. Kết luận:

Di tích Đồn Cao Đông Triều là một công trình quân sự do người Pháp đứng ra chỉ đạo xây dựng và phục vụ cho quá trình đóng quân của chúng ở khu vực này trong thời kỳ nhân dân ta còn chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Sự hiện diện của di tích này đã khẳng định chân lý muôn đời của cha ông ta: kẻ xâm lược tất yếu sẽ bị đánh bại, cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Di tích này rất xứng đáng được xem xét xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, bổ sung cho di tích lịch sử chùa Bắc Mã. Việc xếp hạng di tích quan trọng này không chỉ góp phần tôn vinh những chiến công của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của quân và dân ta, mà còn là nơi giáo dục truyền thống chống ngoại xâm cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch xem xét, ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử Đồn Cao Đông Triều là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

  1. Tài liệu tham khảo:

– Lịch sử quân sự Việt Nam, hoạt động quân sự từ năm 1897 đến cách mạng tháng 8/1945, tập 9, năm 2000.

– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập II (1945-1955). Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, năm 1993.

– Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương (1928 – 1954), tập I. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, năm 1997.

– Lịch sử huyện Đông Triều. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đông Triều, năm 1995.

– Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đông Triều (1945 – 2003). Đảng bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều, năm 2004.

– Lịch sử đấu tranh cách mạng thị trấn Đông Triều. Thị trấn Đông Triều năm 2008.

– Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Phong. Ban chấp hành Đảng bộ xã Hồng Phong, năm 2007.

– Công văn số 298/ CV-VLS của Viện lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 07 tháng 7 năm 2016.

– Chuyện kể của các cụ lão thành cách mạng:

+ Ông: Nguyễn Quang Nhạ – Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều).

+ Ông Nguyễn Văn Hiến – Nguyên chiến sĩ thuộc Đại đội 913 Đông Triều.

+ Ông Nguyễn Đức Nhợi – Nguyên chiến sĩ thuộc đại đội 913 Đông Triều.

———-

 

Đồn Cao Đông Triều , nơi quân Đệ tứ chiến khu đánh chiếm (ngày 08/ 6/1945)

Bộ đội ta tiếp quản Đông Triều ngày 30/10/ 1954

Đường vào Đồn Đông Triều

Từ Đồn Đông Triều có thể quan sát được các vùng xung quanh

Từ Đồn Đông Triều có thể quan sát được các vùng xung quanh

Lớp lô cốt thứ nhất bảo vệ đồn

 

Nhà chỉ huy tại Đồn Đông Triều

Phòng giam tù Cộng sản tại Đồn Đông Triều

Dãy nhà ở của lính khố xanh tại Đồn Đông Triều

Khu nhà nghỉ của sĩ quan Pháp tại Đồn Đông Triều

Dấu tích trận địa pháo tại Đồn Đông Triều

Dấu vết bệ pháo tại Đồn Đông Triều

Tường bao bảo vệ đồn

 

 

 

 

 

Gọi ngay
challenges-icon