Giới thiệu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Quỳnh Lâm

Chùa Quỳnh Lâm thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Di tích được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử Nghệ thuật tại Quyết định số 2009/QĐ-VH ngày 15/11/1991. Di tích chùa Quỳnh Lâm là một phần trong tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.

Chùa Quỳnh Lâm nằm trong dãy vòng cung Đông Triều thuộc Tràng An và nằm ở trung tâm của 3 khu Thượng, Hạ, Sinh. Chùa được xây dựng trên thế đất “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “Rồng chầu, hổ phục”, trên một ngọn đồi thoai thoải gọi là núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử – Ngọa Vân xuống đồng bằng. Phía trước cửa chùa là hồ nước lớn, theo văn bia Cảnh Trị thứ 2 bên cạnh hồ còn ghi lại thì hồ được đào vào năm 1664, ba phía còn lại là núi bao bọc, bốn góc chùa có 4 gò đất cao được gọi là 4 mắt Rồng tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.

Tháp chuông chùa Quỳnh Lâm

Chùa Quỳnh Lâm được khởi dựng từ thời Lý năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) thời vua Lý Thánh Tông, vào cuối thế kỷ V, đầu thế kỷ VI và được tu sửa qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Đặc biệt chùa được tôn tạo và hoàn chỉnh vào cuối thời Lý, Trần. Trong các thế kỷ XI – XIV, thời kỳ cuối Lê và thế kỷ XVII – XVIII, Quỳnh Lâm là trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam.

Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu, tôn tạo vào năm 1997

Hiện nay trước sân chùa vẫn còn lưu lại tấm bia đá cao 2,46m; rộng 1,53m và dày 0,25m có khắc hình đầu rồng thời Lý. Bia Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự cho biết Thiền sư Nguyễn Minh Không xây chùa và đúc tượng trong đó tượng Phật Di Lặc được liệt vào một trong “tứ đại khí” của nước An Nam cùng với Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền và Vạc Phổ Minh.

Chùa Quỳnh Lâm chỉ thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ XIV với hoạt động của Pháp Loa. Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử,  sau Tổ Sư – Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhị Tổ Pháp Loa sinh ngày 7 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, tức năm 1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Người vốn tên thật là Đồng Kiên Cương, sau này đi tu mới đổi pháp hiệu là Pháp Loa.

Bia đá cổ

Sau khi Pháp Loa chính thức được Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền y bát, trở thành Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước, số người xin xuất gia và quy y học đạo rất đông, số lượng lên tới hàng vạn. Ông thường xuyên tới chùa Quỳnh Lâm thuyết pháp cho tín đồ. Các vua Trần, vương hầu, tôn thất, quý tộc nhà Trần đều thường xuyên lui tới, Quỳnh Lâm trở thành chốn “Tùng Lâm” khang trang, nhộn nhịp

Trên nền chùa Quỳnh Lâm từ thời Lý, tháng 12 năm 1317, Pháp Loa cho xây dựng và thành lập viện Quỳnh Lâm với các kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh và trở thành viên Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Hoa Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Bắc Ninh, chùa Thanh Mai ở Hải Dương, thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là một trong những trung tâm giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Quỳnh Lâm thực sự trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam.

Một góc vườn tháp chùa Quỳnh Lâm

Năm 1319, Nhị Tổ Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện. Năm 1328, ông lại cho đúc một pho tượng Di Lặc. Sau đó ông tâu xin nhà vua cho được kéo tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. Tượng cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn.

Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi tượng trầm trầm tại hạ (chìm dần xuống đất). Chúng cũng cho phá huỷ kiến trúc đồ sộ của chùa, khiến chùa phải trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Chùa bị hư hỏng hoàn toàn vào cuối thời Trần. Tấm bia Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi năm 1629 cho biết chùa đã được xây dựng lại quy mô tổng cộng 103 gian, gồm: Tam quan, tiền đường, toàn thiêu hương, hành lang tả hữu, gác chuông, nhà tăng.

Các hiện vật cổ đặt trong khuôn viên chùa

Dưới thời Lê, Thiền sư Chân Nguyên đã cho tôn tạo và xây dựng lại Quỳnh Lâm trở thành một trung tâm Phật giáo lớn, đào tạo tăng tài cho cả nước, đây là giai đoạn chấn hưng Phật giáo Trúc Lâm. Đến thời Lê Trung Hưng, triều đình nhà Lê, chúa Trịnh đã cấp tiền của và huy động sức dân ba huyện Đông Triều, Chí Linh và Thủy Đường tham gia đại trùng tu, xây dựng lại chùa Quỳnh Lâm. Việc trùng tu, tôn tạo kéo dài, tiêu tốn nhiều tiền của, vật lực nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành.

Năm 1820, nhà Nguyễn tiếp tục cho trùng tu, tôn tạo lại chùa Quỳnh Lâm theo mô hình của thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVIII). Ngoài việc trùng tu chùa, nhà Nguyễn còn cho đúc một quả chuông lớn “Đại Hồng Chung”, quả chuông này hiện còn lưu giữ trong chùa, đặt tại tầng 2 của Tháp chuông. Sang thời Thiệu Trị (1840 – 1847), chùa bị cháy Chính điện và Tiền đường, sau đó được trùng tu lại lại. Đến năm 1910 hỏa hoạn lại tiếp tục thiêu trụi hết tượng đài, gác chuông, gác trống…của chùa. Sau hoả hoạn, nhân dân thập phương đã cùng nhau quyên góp tu sửa lại, nhưng chưa được bao lâu thì năm 1947 máy bay giặc Pháp ném bom xuống chùa vì nghi ngờ đây là cơ sở kháng chiến. Lần này chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Đến 1995, chùa được xây dựng lại và vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: Tấm bia đá lớn thời Lý, khánh đá, con sấu, đặc biệt là sự tồn tại của khu vườn tháp.

Chùa được trùng tu, tôn tạo lần đầu tiên vào năm 1997

Năm 1997, UBND thị xã Đông Triều huy động các nguồn lực xã hội hóa tổ chức tu bổ, tôn tạo lại chùa Quỳnh Lâm với các hạng mục công trình như: Tam bảo, gác Chuông, Nhà bia…

Hiện nay Quỳnh Lâm còn 11 ngôi tháp, trong đó 07 ngôi tháp với chất liệu bằng đá còn nguyên vẹn, 04 ngôi tháp đã được phục dựng lại trong những năm cuối của thế kỷ XX. Cùng với đó, chùa Quỳnh Lâm có khoảng 20 ngôi tháp đã bị đổ sập hoàn toàn, chỉ còn lại những dấu vết gò mộ. Đặc biệt Quỳnh Lâm nổi tiếng với những ngôi tháp như:

Năm 1727, chùa cho xây dựng tháp Tịch Quang, công trình kiến trúc này được xây dựng để tưởng niệm vị hoà thượng Tuệ Đăng chính giác Chân nguyên thiền sư, tên huý là Năng Nghiêm – người có công lớn trong giới thiền gia bấy giờ. Trong thời gian trụ trì tại chùa Quỳnh Lâm ông đã có công đức tu sửa, đúc chuông, tạc tượng và in nhiều kinh Phật cho chùa. Đặc biệt vào năm Chính Hoà thứ 5 ông đã cho xây dựng một toà Cửu Phẩm lớn.

Tháp chùa Quỳnh Lâm

Ngày nay toà Cửu phẩm tuy không còn nhưng tháp đá vẫn còn nguyên vẹn, tháp gồm 7 tầng có mặt bằng vuông và cao trên 10m. Cạnh đáy tháp dài 2,7m, càng lên cao càng thu nhỏ dần. Tháp có cấu trúc đơn giản, ít trang trí, và điều đáng chú ý là tháp được ghép từ các tảng đá xanh không có kết cấu vôi vữa. Cũng như nhiều tháp đá đương thời, tháp Tịch Quang được bịt kín các tầng, chỉ để tầng 3 làm cửa cuốn, trong lòng rỗng để làm hương khói cho thiền sư. Trang trí trên tháp cũng hết sức đơn giản. Rồng được khắc trên tháp trông dữ tợn và được chạm 4 mặt ở tầng trên cùng, các tầng khác không chạm gì ngoài những chữ Hán lớn.

Ngoài ra còn có các tháp nhỏ khác được dựng lên để tưởng niệm các vị sư tăng đã có công trong việc trụ trì chùa như: tháp Tĩnh Minh (1822), tháp Tường Quang (1854), tháp Tuệ Quang (1878), tháp Diệu Quang và tháp có mặt cắt hình lục giác không rõ họ tên, niên đại… Các tháp này đều mang phong cách tháp mộ thời Nguyễn, tương đối đơn giản.

Chùa Quỳnh Lâm thời Trần là trung tâm Phật giáo Trúc Lâm

Chùa Quỳnh Lâm thời Trần không những là trung tâm phật giáo, nơi tập trung các tăng ni phật tử, mà còn là nơi để các danh nho lui tới. Theo sử sách còn ghi lại, vào đầu thế kỷ thứ XIV, chùa Quỳnh Lâm đã có một Bích Động thi xã do tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều sáng lập, đây là một trong những hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam. Thi xã được lập ở Am Bích Động, ngay cạnh chùa Quỳnh Lâm và chính sự xuất hiện của thi xã đã khiến Quỳnh Lâm càng nức tiếng xa gần. Thi xã đã hội tụ đủ một số nhà thơ nổi tiếng thời Trần với những thành viên còn biết đến ngày nay: Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức và Nguyễn Trung Ngạn. Sự ra đời của Bích động thi xã là bước tiến quan trọng trên tiến trình lịch sử phát triển văn học nước ta trong giai đoạn đầu thế kỷ đầu thế kỷ XIV. 

Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu, tôn tạo vào năm 2016 và khánh thành năm 2020

Để bảo tồn và phát huy giá trị trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong tổng thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều xứng tầm với lịch sử. Trong những năm qua, cùng với việc tổ chức các cuộc khai quật khảo cổ, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá vị trí, vai trò, giá trị của chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngày 19/11/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ di tích chùa Quỳnh Lâm với các hạng mục: Kiến trúc Trung tâm (Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và nhà hành lang), Tam quan, nhà bia, nhà trưng bày, công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật…

Ngày 03/03 năm Bính Thân (09/04/2016), BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, UBND thị xã Đông Triều đã khởi công Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm nằm trong Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Ngày 28/10 năm Canh Tý (12/12/2020), công trình được khánh thành. Việc chùa Quỳnh Lâm được trùng tu, tôn tạo là việc làm mang ý nghĩa rất lớn, có giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần khôi phục lại diện mạo chùa Quỳnh Lâm xưa, xứng đáng với vị thế là trung tâm Phật giáo Đại Việt, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần.

Tượng Phật Ngọc chùa Quỳnh Lâm
Nghi lễ rước nước tại lễ hội chùa Quỳnh Lâm
Lễ khai hội
Khung cảnh rước lễ, rước nước hội chùa Quỳnh Lâm
Giải đua thuyền truyền thống của phường Tràng An
Người dân về chùa dâng hương, chiêm bái
Người dân cổ vũ giải đua thuyền

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm hàng năm được tổ chức trong 03 ngày (từ mùng 1 đến hết mùng 3 tháng 2 âm lịch). Khai mạc lễ hội có các màn rước lễ, rước nước, trống hội, dâng hương chư Phật, phần hội là những nét văn hóa đặc sắc, các chương trình nghệ thuật như: Liên hoan tiếng hát các làng văn hóa phường Tràng An, thi Hoa Táo, hát chèo, thi đấu bóng chuyền hơi, thi chèo thuyền, đánh đu, bắt chạch trong chum…Đặc biệt, màn đua thuyền truyền thống của lễ hội chùa Quỳnh Lâm được nhân dân và du khách thập phương tham gia cổ vũ rất đông.

BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn) 

Gọi ngay
challenges-icon