Giới thiệu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền An Sinh

Đền An Sinh thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là nơi thờ bát vị hoàng đế Triều Trần cùng với An Sinh vương Trần Liễu cùng Thiện Đạo Quốc Mẫu Phu nhân; Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền An Sinh là một phần quan trọng trong tổng thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.

toan canh den an sinh
Toàn cảnh đền An Sinh từ trên cao

Việc lựa chọn An Sinh là vùng đất thờ tự thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các vua nhà Trần. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần lăng mộ viết: “Bia Thần đạo An Sinh” nói rằng tổ tiên nhà Trần vốn là người ở Yên Sinh huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, cho nên các vua Trần an táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi ở ẩn”.

Sau khi lên ngôi vua, đến năm 1237, Trần Cảnh (Trần Thái Tông) không quên An Sinh là quê gốc của nhà Trần. Ông ban cho Trần Liễu – anh trai của mình vùng đất Ngũ Yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng) và phong cho ông là An Sinh vương (Yên Sinh vương), đời đời sống ở vùng đất này để thờ cúng tổ tiên.

den an sinh khanh thanh
Hình ảnh đền An Sinh khánh thành vào năm 2000

Năm 1320 khi Thượng hoàng Trần Anh Tông mất, triều đình đã đưa về an táng tại An Sinh. Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp phá, triều đình nhà Trần đã cho di chuyển thần tượng ở các lăng mộ tại Quắc Hương, Thái Đường, Kiến Xương về An Sinh. Đồng thời cho xây dựng Điện An Sinh (đền An Sinh ngày nay) để thờ ngũ vị hoàng đế Trần triều.

Đến thời Nguyễn đền An Sinh là nơi phối thờ bát vị Hoàng đế Trần triều. Trải qua thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên khắc nghiệt, điện An Sinh xưa chỉ còn lại phế tích với những dấu vết kiến trúc, di vật trên nền điện xưa.

Với giá trị đặc biệt quan trọng nên đền An Sinh và khu lăng mộ các vua Trần đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngay từ đợt đầu năm 1962.

Bia tưởng niệm của Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại đền An Sinh

Giai đoạn 1958 – 1975 nơi đây được lựa chọn là trường học sinh miền Nam, là nơi đào tạo những “hạt giống đỏ” chuẩn bị đội ngũ cho sự nghiệp cách mạng miền Nam. Cũng chính tại mái trường này, nhiều người đã trưởng thành, trở thành cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước.

Phải đến năm 1997, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, dự án trùng tu xây dựng lại đền An Sinh trên nền đền cũ chính thức được khởi công. Sau 3 năm thi công, đền An Sinh được khánh thành vào ngày 17/9/2000 (20/8 âm lịch) đây là ngày hóa của Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ đó, địa phương lấy ngày 20/8 âm lịch hàng năm là ngày khai hội của lễ hội truyền thống Đền An Sinh. Lễ hội đền được diễn ra trong 3 ngày: 20, 21 và 22 tháng 8 âm lịch hàng năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương, con cháu họ Trần về hành lễ, chiêm bái.

Cổng đền An Sinh năm 2019

Đền An Sinh được xây dựng lại trên nền điện cũ, có hướng chính Nam. Phía trước đền là khoảng không gian thoáng đãng, xưa kia được gọi là cánh đồng Sinh, xa xa là dãy An Phụ được coi như bức án quanh năm mây phủ che chắn, bảo vệ cho đền An Sinh, xung quanh là những dãy núi có dáng hình tứ linh: long, ly, quy, phượng chầu vào đền An Sinh tạo linh khí cho ngôi đền.

Hình ảnh “Lưỡng long chầu Nguyệt” trên mái đền An Sinh

Trước Đền có 08 cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của 8 vị vua Trần được thờ tại đền; xung quanh sân có 14 cây hoa đại tượng trưng cho 14 đời vua Trần; trong khuôn viên đền có 175 cây hoa sữa tượng trưng cho 175 năm trị vị của vương triều Trần. Những cây bồ đề, cây đa trong khuôn viên đền là do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và trồng cây lưu niệm tại đây.

Chính điện đền An Sinh

Đền An Sinh có kiến trúc hình chữ Công, diện tích 2,5ha, riêng khu vực Chính điện 1.000m2. Chính điện gồm 3 tòa Tiền đường, Trung đường, Hậu cung, hai bên là hai dãy Tả vu và Hữu vu. Hữu vu là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà khách; Tả vu là nhà trưng bày di sản văn hóa Nhà Trần tại Đông Triều.

Gian tiền đường đền An Sinh

Tiền đường: với kiến trúc 3 gian 2 chái – chính giữa là ban thờ Tứ phủ công đồng triều Trần; hai bên là ban thờ Sơn Thần và Thổ Địa. Tất cả hoành phi câu đối, cùng những đồ thờ cúng trong đền An Sinh đều do nhân dân trong vùng, cũng như du khách thập phương cung tiến. Nổi bật nhất là bức hoành phi với 4 chữ được dát vàng trên nền gấm và được khảm trai: Đông A Hiển Thánh. Hai chữ “Đông” và chữ “A” ghép lại thành chữ Trần. Ý nghĩa là: Các vị vua Nhà Trần được suy tôn như những bậc Thánh.

“Đông A hiển thánh” trên nền gấm khảm trai, lấp lánh 4 chữ vàng

          Hai bên là 2 câu đối đầy khí phách, vang vọng hào khí Đông A thủa nào:

                                                        Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

                                                        Sơn hà thiên cổ điện kim âu

                     Dịch thơ:                 Đất nước hai phen chồn ngựa đá

Non sông ngàn thủa vững âu vàng([1])

Trung đường: với lối kiến trúc 1 gian 2 chái. Trên cùng là 2 ngai thờ của An Sinh vương Trần Liễu và vợ của ngài là Thiện Đạo Quốc Mẫu phu nhân. Đây là vương phụ và vương mẫu của Đức Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn.

Gian trung đường đền An Sinh

Chính giữa trên cùng là bức đại tự: “Vương hoàng tác ứng” (Hoàng đế, vương hầu cùng làm nên sự nghiệp nhà Trần).

Hai bên là đôi vế đối:

Thử Địa Vi Thánh Phụ Sở Cư Thiên Cố Truyền Thang Ấp Xứ.

Đất này nơi Thánh Phụ ở năm xưa ngàn thủa vẫn còn nên thang ấp ấy

Kim Thiên Tế Tiền Nhân Chi Kiếp Vạn Niên Do Lại lộc Hương An

          Ngày nay nối tiền nhân từng dựng đặt muôn năm nhờ cậy lộc Hương An

Thấp hơn về phía trước là nơi thờ đức Thánh Trần – được nhân dân ta suy tôn là bậc Thánh – người đã có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới triều đại nhà Trần – 1288, trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trên ban thờ với Bức tượng tạc đức Thánh do Tổng Công ty Than Khoáng Sản Việt Nam cung tiến, được chế tác bằng đá Sa Thạch.

Chính giữa là bức đại tự với 4 chữ “Vạn thế phất huyên” (muôn đời không quên những công lao, ơn đức của đức Thánh Trần được nhân dân ghi nhớ muôn đời)

Hai bên là đôi câu đối:

          Trần Triều Bảo Giang Sơn Vinh Quang Nhân Dân Hòa Xã Tắc

          Triều Trần bảo vệ núi sông đem lại vinh quang cho nhân dân và đất nước

          Thái Thượng Sùng Phật Đạo Giải Thoát Chúng Sinh Cảnh Trầm Luân  

Thái Thượng Hoàng sùng đạo Phật giải thoát chúng sinh khỏi cảnh khổ đau

Nói đến công trạng của đức Thánh Trần, nhân dân ta còn có câu đối ca ngợi:

                                                     Hưng Đạo Đại Vương minh quốc sử

Bạch Đằng vĩ tích hiển Trần Tông.

Hưng Đạo Đại Vương ghi tên sử sách

Chiến công Bạch Đằng sáng tỏ triều Trần

Hậu cung: với kiến trúc 5 gian, 2 chái là nơi thờ 8 vị vua Trần có lăng mộ được táng tại An Sinh – Đông Triều. Tại đây đặt khám, ngai và tượng thờ 8 vị vua Trần được sắp xếp theo quy tắc tả chiêu hữu bật (tả chiêu hữu mục) lấy giữa làm chuẩn, đối xứng từ trái qua phải và ngai thờ của vua đầu triều Trần Thái Tông được đặt cao hơn các ngai khác.

Hậu cung đền An Sinh

Hiện nay, Đền An Sinh đã tiến hành khai quật khảo cổ và đã phát hiện hàng loạt dấu vết kiến trúc thời Trần cùng vật liệu kiến trúc và đồ ngự dụng đương thời đã cho thấy phần nào quy mô, cấu trúc, đặc trưng của các công trình kiến trúc bằng gỗ phân bố trong phạm vi có diện tích 12.996,5m2.

Vị trí đặt thần tượng vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông tại hậu cung đền An Sinh

Cuộc khai quật trên quy mô lớn đã thu được số lượng lớn mảnh gạch gói và gốm sứ gia dụng thời Trần, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đặc biệt, đã phát quật một số di vật như gạch chữ nhật, gạch vuông lát nền, ngói mũi sen… tượng phượng bằng đồng (dài 5,3cm, rộng 1,6cm, cao 2,3cm). Đây là di vật tượng phượng bằng kim loại lần đầu tiên được phát hiện. Thời Lý – Trần, hình tượng chim phượng và đầu chim phượng là một trong những trang trí đất nung, đá, gỗ… tương đối phổ biến. Trong các di tích thời Lý – Trần đều phát hiện ít nhiều dấu tích các đầu phượng lớn bằng đất nung hoặc hình tượng lá đề cân và lệch đều có hình tượng chim phượng nhưng phát hiện toàn bộ hình chim phượng bằng đồng thì đây là lần đầu tiên.

Không gian trưng bày di sản văn hóa nhà Trần

Để góp phần quảng bá các giá trị lịch sử – văn hoá tiêu biểu của quần thể các di tích lăng tẩm, đền miếu, chùa tháp của Nhà Trần ở Đông Triều. Được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Uỷ ban  nhân dân thị xã Đông Triều đã xây dựng phòng trưng bày “Di sản văn hoá Nhà Trần ở Đông Triều” tại di tích đền An Sinh. Nhà trưng bày giới thiệu các Giá trị lịch sử- văn hoá tiêu biểu của Nhà Trần ở Đông Triều qua 2 nội dung: Di sản kiến trúc thời Trần và Đời sống văn hoá thời Trần.

Một số hình ảnh Không gian trưng bày di sản văn hóa thời Trần:

 

Đền An Sinh là nơi tri ân công đức các vị vua họ Trần đã làm rạng danh non sông đất nước nên trải qua các thời kỳ lịch sử đều được triều đình chú trọng đầu tư, tôn tạo và trông coi, thờ phụng. Giá trị truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, các di vật giá trị để lại hiện được lưu giữ tại nhà trưng bày di sản Văn hóa nhà Trần. Cùng với lễ hội truyền thống Đền An Sinh đã làm giàu thêm truyền thống văn hóa của nước Việt ta tự ngàn xưa đến nay và sẽ còn được lưu truyền đến đời sau.

Lễ hội đền An Sinh năm 2023

[1] Trích lời cảm thán của vua Trần Nhân Tông năm 1288 trong khi làm lễ thắng trận quân Nguyên Mông lần 3 tại Chiêu Lăng (Hưng Hà, Thái Bình). Lúc quân Nguyên vào đã khai quật Chiêu Lăng muốn phá đi nhưng không phạm tới quan tài. Đến khi giặc thua rút chạy thì các con ngựa đá đứng hầu bên lăng đều bị vấy bùn. Kim Âu là biểu tượng cho sự toàn vẹn và vững chắc về mặt lãnh thổ đất nước

 BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn)

Gọi ngay
challenges-icon