Giới thiệu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đồng Mục lăng

Mục Lăng hay còn gọi là lăng Đồng Mục là lăng của vua Trần Minh Tông. Lăng được xây dựng cách Thái Lăng khoảng 300m về phía Nam qua suối phủ Am Trà, nay thuộc phần hạ lưu đập Trại Lốc, xã An Sinh.

Vị trí Đồng Mục lăng

Trần Minh Tông (1314 – 1329), tên húy Trần Mạnh là vị vua thứ 5 của nhà Trần. Năm 14 tuổi được vua Trần Anh Tông nhường ngôi, ngài làm vua 15 năm thì nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng 28 năm. Sinh ra trong buổi thái bình, lớn lên và làm vua trong giai đoạn đất nước đang đà phát triển và ổn định,vua Trần Minh Tông đã khéo kế thừa những thành quả tốt đẹp và làm cho đất nước tiếp tục phát triển phồn vinh. Vua Trần Minh Tông được sử sách ca ngợi là người: “Đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục”. Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), ngài băng ở cung Bảo Nguyên, thọ 58 tuổi. Ngày 11 tháng 11 năm 1357, được táng vào Mục Lăng ở Yên Sinh (An Sinh).

Vị trí của Đồng Mục Lăng ở khu vực đập Trại Lốc

Bia Trần triều bi ký cho biết: Minh Tông hoàng đế mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu, táng tại lăng xứ Đồng Mục.

Sách Đại Nam nhất thốn chí viết: “Lăng Đồng Mục: lăng Trần Minh Tông, ở chân núi xã Yên Sinh, tẩm điện cũ rồng đá, kỳ lân đá vẫn còn”.

Sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ cho biết: lăng Đồng Mục ở xã Đốc Trại (nay là thôn Trại Lốc), tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Theo họa đồ về vị trí của lăng nằm đối ứng với Thái lăng về phía Đông Nam quan suối Phủ Am Trà.

Mục Lăng là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn, theo các ghi chép hiện còn, đặc biệt là những ghi chép vào thời Nguyễn cho thấy, Mục Lăng có cấu trúc mặt bằng khá giống Thái Lăng, tức là cũng gồm 3 cấp nền chồng xếp lên nhau theo kiểu “kim tự tháp”. Các kiến trúc gồm đường thần đạo, sân hành lễ và khu kiến trúc trung tâm với Chính Tẩm nằm ở giữa trên cấp nền cao nhất, xung quanh có các kiến trúc bao quanh tạo thành nhiều lớp, các thành bậc đá xanh được chạm rồng, chạm sấu hết sức tinh xảo.

Những truyền thuyết còn lại cũng phản ánh về quy mô của khu lăng này. Tương truyền Mục Lăng có rất nhiều bia đá lớn vì vậy nhân dân trong vùng còn thường gọi đây là đình Ông Bia. Xung quanh khu lăng có rất nhiều gạch ngói, trôi xuống và phủ khắp mặt khe nước bên cạnh khiến cả đoạn khe giống như một dòng gạch ngói nên người dân gọi khe nước này là Khe Gạch.

Năm 2019, các chuyên gia tiến hành khai quật khảo cổ Mục lăng

Mục Lăng đã bị phá hủy hoàn toàn vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước do việc xây dựng đập Trại Lốc.

BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn)

Gọi ngay
challenges-icon