Giới thiệu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngải Sơn lăng

Ngải Sơn lăng hay An Lăng là lăng của vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 của nhà Trần. Vua Trần Hiến Tông tên húy là Trần Vượng, con thứ của vua Trần Minh Tông. Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mùi (1319), năm 10 tuổi được vua cha Trần Minh Tông truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (1341) thọ 23 tuổi. Vua lên ngôi khi còn trẻ tuổi lại mất sớm nên việc điều khiển triều chính, dẹp loạn và giữ yên bờ cõi đều do Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông đảm nhiệm. Ông được sử sách ghi nhận là người có “Tư chất tinh anh, sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng ở ngôi không được lâu, chưa thấy thi thố việc gì”. Ngày 16 tháng 8 năm 1344 được an táng vào An Lăng.

Toàn cảnh Ngải Sơn lăng

Về vị trí xây dựng lăng của vua Trần Hiến Tông có nhiều thông tin khác nhau. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cho rằng, vua Trần Hiến Tông được táng ở An Lăng phủ Kiến Xương (Thái Bình), xong một số sách khác lại cho rằng ông được táng tại An Sinh. Qua các di tích, di vật còn lại tại Ngải Sơn lăng, các nhà khảo cổ học đã chứng minh, Ngải Sơn lăng là một khu lăng tẩm có quy mô rất lớn và được xây dựng ở An Sinh ngay sau khi vua Trần Hiến Tông mất (1341).

Theo mô tả của Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng có quy mô lớn, các dấu vết còn lại gồm: “Nền trong dài hai trượng, chín thước (9,57m); rộng 8 thước (2,64m); cao 1 trượng (3,30m), tường vây quanh bằng gạch, mỗi mặt dài 4 trượng 5 thước (14,85m), dày 3 thước (1m)”.

Bản vẽ cổ Ngải Sơn lăng

Xung quanh khu lăng hiện còn lại rất nhiều di vật, trong đó đặc biệt phải kể đến là bộ tượng bằng đá, gồm tượng quan hầu, tượng thú và rùa. Bộ tượng này vốn được đặc dọc hai bên trục Thần Đạo của lăng theo từng cặp đối xứng nhau, tượng quan hầu ở tư thế đứng chầu, tượng các loại đều được tạc ở dạng phủ phục. Bộ tượng đá ở Ngải Sơn lăng không chỉ được đánh giá là một bộ sưu tập quý của nghệ thuật điêu khắc thời Trần mà điều quan trọng hơn nữa là qua bộ tượng này chúng ta biết được trong cấu trúc trục Thần Đạo lăng tẩm thời Trần hai bên có tượng quan hầu và tượng thú đứng chầu.

Chính điện Ngải Sơn lăng

Ngoài các tượng thú, tại Ngải Sơn lăng còn có hai tượng rùa đá của thời Trần, trong đó có một tượng rùa có kích thước rất lớn: dài 1,57m; rộng 0,94m, dày 0,34m, trên lưng rùa có một lỗ mộng lớn cho thấy rùa này cõng bia.

Năm 2002, công ty than Mạo Khê đã phát tâm công đức xây dựng lại khu lăng như hiện nay. Tuy nhiên, việc tôn tạo lăng do thiếu cơ sở khoa học nên đã không đảm bảo kết cấu ban đầu của khu lăng này, đồng thời tạo ra một kiến trúc lăng tẩm rất khác lạ với kiến trúc lăng tẩm thời Trần.

Nội tự Ngải Sơn lăng

Các tượng đá cổ tại vườn tượng Ngải Sơn lăng

Năm 2016, Uỷ ban nhân dân thị xã Đông Triều phối hợp với Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai quật khảo cổ di tích Ngải Sơn lăng.

Đây cũng là lần thứ 2 Ngải Sơn lăng được tổ chức khai quật khảo cổ. Lăng được khai quật lần đầu vào năm 2014. Việc tổ chức khai quật khảo cổ Ngải Sơn lăng lần thứ 2 này là cơ sở cung cấp đầy đủ những cứ liệu khoa học cho việc nghiên cứu, đánh giá vị trí, vai trò của di tích trong hệ thống các di tích nhà Trần tại Đông Triều. Từ đó tiến hành lập dự án đầu tư tu tổ, tôn tạo và phục hồi di tích trong thời gian tới.

BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn)

Gọi ngay
challenges-icon