Giới thiệu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thái miếu nhà Trần

Thái miếu nhà Trần là một trong những di tích quan trọng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo sử sách ghi chép lại và qua nghiên cứu của các nhà khoa học, đây chính là nơi thờ tổ tiên nhà Trần và các vị vua Trần.

Thái miếu nhà Trần

Thái miếu xưa thuộc thôn Đốc Trại, xã Yên Sinh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ngày nay thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Thái miếu (dân gian vẫn quen gọi là đền Thái) tọa lạc trên ngọn núi thấp có tên là Đồi Đình. Địa thế núi có mặt bằng hình ông cá thiêng “linh ngư”, nằm dài theo chiều Bắc Nam, mặt quay chính Nam, hai bên trái phải có núi cao như tay ngai bao bọc, phía sau có đỉnh núi Vây Rồng chót vót – nơi có am Ngọa Vân làm hậu chẩm, suối phủ Am Trà đổ từ Ngọa Vân chảy phía trước từ Đông sang Tây, xa xa phía trước là núi Tư Phúc làm tiền án, minh đường phía trước có 02 giếng mắt rồng tụ thủy, xung quanh có nhiều núi non nhỏ bao bọc chầu về. Với đặc điểm địa hình “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ; hậu chẩm có núi cao, minh đường có tụ thủy, tiền án có núi chắn”.

Hình ảnh Thái miếu (Đình Đốc Trại) xưa

Sau khi lên ngôi vua, năm 1237 Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu (anh trai của mình) vùng đất Ngũ Yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng) để làm đất thang mộc và phong cho Trần Liễu là An Sinh vương, đời đời sống ở vùng đất này để thờ cúng tổ tiên. An Sinh vương Trần Liễu đã cho xây dựng nhiều công trình phủ đệ và Tiên Miếu để thờ cúng tổ tiên và cha của Ngài là Thái Tổ Trần Thừa.

Sau khi An Sinh vương Trần Liễu mất, nhà Trần tiếp tục sử dụng và mở rộng Tiên miếu trở thành Thái miếu của hoàng gia. Tức là nếu trước đó Tiên Miếu/Tổ Miếu chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên của nhà Trần và Thái Tổ Trần Thừa thì khi trở thành Thái miếu của hoàng gia, quy mô Thái miếu được mở rộng, các vị vua Trần sau khi mất đều được thờ tự tại đây.

Cổng Nghi môn Thái miếu nhà Trần hiện nay

Thái miếu được xây dựng từ thời Trần, là công trình đặc biệt có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Vương (王) và có quy mô to lớn. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, Thái miếu đã bị phá hủy và dần bị mai một.

Cuối thời Trần, Thái miếu cũng như những di tích khác ở Đông Triều như chùa Quỳnh Lâm…bị giặc Minh tàn phá nặng nề. Sang thời Lê Trung Hưng, Thái miếu được quan lại địa phương, nhân dân địa phương quan tâm duy trì tế tự, thờ cúng, trùng tu tôn tạo. Trải qua thời gian, nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, toàn bộ kiến trúc Thái miếu đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Đường dẫn vào Thái miếu nhà Trần

Đến thời nhà Nguyễn, theo ghi chép trong văn bia tại Thái miếu năm Bảo Đại thứ 2 (1929) và trong bản Thần tích Thần sắc do Lý trưởng làng Đốc Trại ghi lại vào năm 1938, cho biết: Thái miếu được nhân dân làng Đốc Trại (Trại Lốc ngày nay) đóng góp công sức tiền của, xây dựng lại công trình trên nền điện cũ, theo kiến trúc hình chữ nhất (), diện tích 78m2, với kết cấu kiến trúc ba gian hai hồi bít đốc, hai bên có trụ biểu, tường xây gạch, mái lợp ngói mũ sen, bờ nóc đắp nổi con giống. Kiểu kiến trúc của 1 ngôi đình làng (nhân dân thường gọi là đình Đốc Trại), dân làng đã cho lập bia ký ghi dấu ấn của việc quyên góp tiền của xây dựng ngôi đình và tôn các vị vua Trần lên làm Thành Hoàng của làng. Đến trước cách mạng tháng 8/1945, đình Đốc Trại vẫn còn tồn tại, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng nhân dân trong vùng.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình làng Đốc Trại bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng kiến trúc công trình, các sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ hội không còn được duy trì thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng nhân dân. Năm 1993, dân làng Trại Lốc tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nên ngôi miếu nhỏ khoảng 15m2, kiến trúc chữ đinh (), bái đường lợp ngói ta, hậu cung xây kiểu vòm cuốn, tường xây dựng trát vữa mang lối kiến trúc nhà Nguyễn, bên trong bái đường hai bên đặt ban sơn thần, thổ địa, hậu cung đặt long ngai, bài vị là nơi thờ Tiên tổ nhà Trần và các vị vua Trần, ngôi đền có tên là “Đại vương từ” tức đền Đại vương. Đến nay, các cấp chính quyền và nhân dân thị xã Đông Triều nói chung, làng Trại Lốc nói riêng vẫn duy trì việc thờ cúng, tế tự tại đây để các thế hệ sau noi theo.

Cột cờ Thái miếu

Từ năm 2008, để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa nhà Trần, thị xã Đông Triều đã phối hợp Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thực hiện 02 đợt nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ di tích Thái miếu để làm rõ quy mô kiến trúc, đánh giá vị trí, vai trò của Thái miếu trong hệ thống di sản văn hóa nhà Trần nói chung và di tích nhà Trần ở Đông Triều nói riêng.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã làm phát lộ rõ toàn bộ nền móng kiến trúc của Thái miếu qua các thời kỳ Trần, Lê, Nguyễn đặc biệt là thời nhà Trần. Với diện tích khai quật trên 3.000m2, các nhà khảo cổ đã làm rõ được quy mô kiến trúc mặt bằng tổng thể của Thái miếu dưới thời Trần trải qua 3 giai đoạn trùng tu, tôn tạo với 38 công trình kiến trúc liên hoàn, khép kín kiểu “nội vương ngoại quốc” (), mang kiến trúc đền miếu của hoàng gia thời Trần.

Giai đoạn đầu: Thái miếu được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIII, tức là sau năm 1237, An Sinh vương Trần Liễu được vua Trần Thái Tông phong đất thang mộc ở vùng đất “ngũ Yên”, nơi “quê cha đất tổ” để gìn giữ lăng miếu của tổ tiên, trở về quê gốc, Trần Liễu cho xây dựng phủ đệ và Tổ miếu nhà Trần để thờ cúng tổ tiên và cha mình là Thượng hoàng Trần Thừa. Ở giai đoạn này kiến trúc Thái miếu rất đồ sộ, nguy nga, kiến trúc kiểu chữ tam (), gồm 03 tòa: tiền đường, trung đường và hậu cung, xen lẫn là các khoảng sân vườn, với lối kiến trúc gỗ đặc trưng thời Trần, móng nền được kè cuội, sỏi, xây gạch vồ, nền lát gạch bát lớn thời Trần, mái lợp ngói mũi lá, mũi hài rất lớn, qua nghiên cứu khảo cổ thì toàn bộ kiến trúc Thái miếu rất ít các họa tiết hoa văn, con giống trang trí kiến trúc.

Giai đoạn thứ 2: Ở cuối thế kỷ XIII, sau khi An Sinh vương Trần Liễu mất (1251), Tổ miếu được trùng tu tôn tạo, xây dựng mở mang hai bên dãy hành lang Đông Tây và những những công trình kiến trúc khác tạo thành kiến trúc điện thờ nhiều lớp, khép kín. Tổ miếu không chỉ thờ tổ tiên nhà Trần mà triều đình còn duy trì thờ tự chung cho hoàng gia tại quê hương An Sinh, lúc này Tổ miếu không chỉ còn là tổ miếu của An Sinh vương nữa mà trở thành Thái miếu của cả hoàng tộc nhà Trần.

Giai đoạn thứ 3: Đợt trùng tu, tôn tạo ở giai đoạn này diễn ta nửa cuối thế kỷ XIV. Đây là giai đoạn Thái miếu được hoàn thiện, trùng tu và mở rộng khang trang, bề thế và vẫn còn được duy trì việc thờ cúng, tế tự tổ tiên và các vua Trần.

Như vậy, qua nghiên cứu khai quật khảo cổ cho thấy quy mô kiến trúc của Thái miếu ở thời nhà Trần rất nguy nga đồ sộ với nhiều công trình kiến trúc liên hoàn và được hoàn thiện hơn với lối kiến trúc “nội vương ngoại quốc”. Tại đây, cũng đã phát hiện nhiều loại hình di vật đồ gốm, họa tiết hoa văn trang trí kiến trúc, gạch ngói thời Trần…trong đó đáng kể nhất là chậu gốm men hoa nâu lớn với thân vẽ hoa văn hoa chanh, hoa văn dây lá tiêu biểu cho mỹ thuật thời Trần. Đặc biệt là hoa văn hình 8 con rồng biểu hiện cho vật dụng của Hoàng gia và nhà vua

Các di vật được tìm thấy trong các cuộc thám sát, khảo cổ học hiện được lưu giữ và bảo quản tại nhà trưng bày các di sản Văn hóa nhà Trần tại đền An Sinh. Các dấu vết kiến trúc được phát lộ hiện đang được bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất. Tương lai, dấu vết kiến trúc này được phục dựng lại nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách về lịch sử hình thành, phát triển và các giá trị của di tích Thái miếu.

Với những ý nghĩa quan trọng, ngày 09/12/2013, Thái miếu và 13 điểm di tích đền, chùa, lăng mộ khác thuộc khu Di tích lịch sử nhà Trần đã được Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Năm 2014 được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân đã cho tôn tạo Thái miếu với diện tích là 16.223m2, nguồn vốn hoàn toàn từ xã hội hóa.

Sau 03 năm thi công, vào ngày 19/12/2017 (âm lịch) Thái miếu chính thức được khánh thành. Công trình Thái miếu mới được xây dựng ở phía sau khu trung tâm của Thái miếu thời Trần, trên cùng một trục với Thái miếu cũ, lấy núi Bảo Đài làm hậu chẩm, mặt hướng về cánh đồng phía Nam, nơi vốn là vùng trũng nước, nay còn lại dấu vết hai mắt rồng là điểm hội thủy, tạo thế minh đường cho toàn bộ khu Thái miếu.

Thái miếu được tôn tạo theo 3 khu vực: Khu vực Nghi Môn, khu vực bảo tồn Thái miếu từ thời Trần và khu vực Thái miếu mới.

Nghi môn được xây dựng mới bằng đá, trên mặt trước của hai trụ chính có câu đối:

Phiên âm:              Nhị bách tải cơ đồ, văn trị vũ công quang Việt sử

                              Ức vạn niên cung miếu, thu thường xuân tự vĩnh Trần Tông.

Dịch nghĩa:          Hai trăm năm cơ đồ, văn trị võ công rạng ngời sử Việt

                           Muôn vạn năm cung miếu, bốn mùa cúng tế mãi mãi họ Trần

Câu đối mặt trước hai trụ ngoài của nghi môn có nội dung ca ngợi cảnh đẹp nơi dựng Thái miếu:

Phiên âm:               Giai khí uất thông, sơn cùng giang Triều Long thể chế

                             Tường vân liễu nhiễu, trúc bào tường mậu tráng quy mô

Dịch nghĩa:          Khí đẹp ngút ngàn, sông núi chầu về, oai hùng thế đất

                              Mây lành vấn vít, trúc tùng tươi tốt, tráng lệ quy mô.

Kiến trúc chính của Thái miếu có mặt bằng hình chữ Công: Bái đường, Ống muống và Hậu Cung.

Bái đường: có cấu trúc 5 gian 2 chái, kết cấu chồng giường giá chiêng, họa tiết hoa văn mô phỏng họa tiết hoa văn thời Trần. Hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Cửa võng, cuốn thư, hoa văn được sơn son thếp bạc. Chính giữa là bức đại tự gồm 4 chữ: Trần Triều Thái miếu (Thái miếu triều Trần).

Gian Bái đường Thái miếu

Cách bài trí thờ tự: Chính giữa là nhang án thờ Công Đồng, bên trái là nơi phối thờ Trần triều vương hầu thân thần (vương hầu thân thần triều Trần), bên phải là nơi phối thờ Trần triều văn võ công thần (Văn võ công thần triều Trần), hai gian trái là nơi thờ Sơn Thần và Thổ Địa.

Hình thức thờ tự bằng bài vị đặt trên Ngai thờ có nhang án, bát hương. Ngoài ra: Tiền đường còn bày biện các đồ nghi trượng: hạc, bát bửu, chuông, trống, ngựa gỗ, cờ, lọng…

Gian ống muống: là nơi đặt đỉnh và bát hương nhang án bái vọng hậu cung, nơi thờ thần vị các vị vua Trần. Có kiến trúc 1 gian 2 chái.

Gian Ống Muống

Chính giữa là bức đại tự: Thanh Miếu Túc Ung (Miếu thanh tịnh, nghiêm trang, hào mục). Bên Trái – Túc Tướng: Nghiêm trang tế lễ. Bên Phải – Khải Hựu: Đạo rạng tỏ, cơ nghiệp kế thừa vĩ đại (Hiển Thừa).

 Hậu cung: là nơi đặt thần vị của 4 vị Tổ nhà Trần và 14 vị vua nhà Trần, có kiến trúc 3 gian 2 chái.

Hậu cung Thái miếu nhà Trần

Theo Lễ cổ chỉ có các vị vua có miếu hiệu (Tổ, Tông) mới được thờ trong Thái miếu. Tuy nhiên, nhằm thể hiện tình cảm của người đời nay với các tiền nhân, nên Thái miếu nhà Trần ở Đông Triều thờ phụng đủ 14 vị vua Trần. Và để tỏ rõ nguồn phúc lâu dài tích lũy mới gây dựng cơ nghiệp đế vương. Trần Thái Tông truy tôn cho cha mình là Thái Tổ hoàng đế Trần Thừa. Do vậy Thái Tổ được thờ chính giữa, trên ngai hàng đầu tiên.

Sau này, Trần Anh Tông lại truy tôn đế hiệu cho 3 đời về trên nữa là Mục Tổ hoàng đế Trần Kinh, Ninh Tổ hoàng đế Trần Hấp, Nguyên Tổ hoàng đế Trần Lý. Các vị này theo lễ cổ phải thờ ở miếu riêng đế báo đáp nguồn phúc lâu dài. Nay cũng được phối thờ ở hàng phía sau, long vị được bày cao hơn nhưng không đặt lên ngai. Hàng trên của gian chính giữa gồm 03 vị tổ: Mục Tổ Trần Kinh ở chính giữa; Ninh tổ Trần Hấp ở bên phải; Nguyên tổ Trần Lý ở bên trái.

Hàng dưới là Thái tổ Trần Thừa ở chính giữa, 2 bên là 14 vị vua được bài trí theo điển lễ “Tả chiêu, hữu mục” và long vị được đặt trên ngai thờ.

Hình ảnh du khách về thăm Thái miếu nhà Trần

Thái miếu nhà Trần tại Đông Triều là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong tổng thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, binh đao hỏa hoạn, dấu tích chỉ còn lại trong lòng đất. Nay Thái miếu được xây mới xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, phản ánh được công đức, sự nghiệp chung của triều Trần, một hoàng triều chính thống của quốc gia Đại Việt, nguồn phúc sâu xa và dẫn truyền đến muôn đời con cháu về sau.

Lễ hội Thái miếu nhà Trần được tổ chức lần đầu vào năm Kỷ Hợi 2019, khôi phục lại nghi lễ rước nước
Lễ hội Thái miếu được phục dựng và tổ chức lại lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi và được duy trì hàng năm. Đây là sự tri ân công đức với lịch sử, với vương triều Trần. Không chỉ hôm nay mà mãi mãi sau này người đời sau khắp năm châu bốn bể đều nhớ về triều Trần, triều đại oai hùng trong lịch sử, nhớ về An Sinh Đông Triều nơi quê gốc của vương triều Trần.
BQL Khu di tích nhà Trần (Biên soạn)
Gọi ngay
challenges-icon